Business Development là một vị trí khá đặc biệt và quan trọng trong một doanh nghiệp. Do đó, công việc này sẽ mang lại thu nhập hấp dẫn với những ai dám theo đuổi. Vậy Business Development là gì? Vai trò của Business Development trong doanh nghiệp như thế nào? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan về Business Development
Business Development là gì?
Business Development hay Phát triển kinh doanh là một ngành nghề có sự liên quan mật thiết với Sales và Marketing trong doanh nghiệp. Bộ phận này có nhiệm vụ giữ mối quan hệ với khách hàng, xây dựng các chiến lược kinh doanh phù hợp để thúc đẩy hình ảnh của thương hiệu, mở rộng thị trường và tối đa hoá lợi nhuận.
Mục đích cuối cùng của bộ phận này là đề các giải pháp để doanh nghiệp ngày càng phát triển và vững mạnh.
Hiện nay, Business Development đang là một trong những ngành nghề rất được nhiều bạn trẻ theo đuổi, đặc biệt là những người có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic, nhạy bén.
Business Developer là những người làm trong bộ phận phát triển kinh doanh nên còn gọi là nhân viên phát triển kinh doanh.
Vai trò của Business Development trong doanh nghiệp
Business Development hướng đến sự phát triển bền vững cho tổ chức, doanh nghiệp. Vai trò cụ thể của bộ phận này là:
- Xây dựng giá trị lâu dài cho doanh nghiệp: Bộ phận Business Development sẽ lên ý tưởng, thực hiện những ý tưởng thông qua những hoạt động cụ thể gắn với chiến lược dài hạn như: chiến dịch quảng bá sản phẩm, phân tích dữ liệu thông qua các cuộc khảo sát đánh giá chất lượng để cải thiện sản phẩm/dịch vụ.
- Tăng trưởng mối quan hệ: Business Development làm tăng khả năng tiếp cận doanh nghiệp của khách hàng tiềm năng, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ phận kinh doanh gặp gỡ, thuyết phục khách hàng trải nghiệm, dùng thử sản phẩm/dịch vụ để xúc tiến bán hàng và xây dựng mối quan hệ với khách hàng.
Mô tả công việc của Business Developer
Dưới đây là những công việc cơ bản của một Business Developer:
- Từ các dữ liệu về đối tượng của phòng Marketing, nhân viên phát triển kinh doanh sẽ lựa chọn những khách hàng tiềm năng nhất và gửi đến bộ phận Sales.
- Thực hiện các cuộc gọi, gửi email để giới thiệu sản phẩm của công ty đến các khách hàng hay doanh nghiệp khác.
- Nắm bắt được xu hướng của thị trường, tâm lý của người tiêu dùng ở thời điểm hiện tại để cung cấp các sản phẩm hợp lý cũng như có những thay đổi phù hợp cho doanh nghiệp.
- Xây dựng hình ảnh của doanh nghiệp, tạo dựng lòng tin để biến các khách hàng mới thành khách hàng trung thành.
- Kết hợp với đội ngũ phát triển sản phẩm để tạo ra giá trị phù hợp nhất với thị hiếu của khách hàng.
- Sắp xếp các buổi gặp mặt giữa khách hàng và các nhân viên phòng kinh doanh trong một số trường hợp
- Tìm kiếm cơ hội kinh doanh sản phẩm/dịch vụ trên thị trường. Tìm hiểu các đối thủ cạnh tranh, phân tích tiềm năng sản phẩm..
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và các vấn đề, nhu cầu của khách hàng với quản lý.
- Phân tích và báo cáo hoạt động của đối thủ cạnh tranh.
Business Development Manager là gì?
Business Development Manager là vị trí Quản lý phát triển kinh doanh. Họ sẽ chịu trách nhiệm chính cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua việc xác định các khách hàng tiềm năng và giữ mối quan hệ tốt đẹp với khách. Các công việc cơ bản của Business Development Manager như sau:
- Tìm kiếm các cơ hội kinh doanh mới trên thị trường (nghiên cứu thị trường, các xu hướng mới, khách hàng…)
- Phân tích tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại để đưa ra những dự đoán, hướng phát triển cho doanh nghiệp trong tương lai
- Đề xuất các chiến lược thích hợp đổi mới hoạt động kinh doanh khi cần
- Xem xét và xử lý các hợp đồng với khách hàng (Tùy vào quy mô của doanh nghiệp)
- Lên kế hoạch chi tiết cho các chiến dịch bán hàng của doanh nghiệp
- Quản lý, giám sát và đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên cấp dưới
- Tham gia đàm phán giá thành sản phẩm với nhà cung cấp
- Tham gia hội nghị, hội thảo để có thêm nhiều kiến thức hữu ích trong kinh doanh
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cho các lãnh đạo cấp cao hơn
Mức lương của nhân viên phát triển kinh doanh là bao nhiêu?
Theo thống kê từ nhiều nguồn tuyển dụng, mức lương trung bình của nhân viên phát triển kinh doanh thông thường sẽ khá cao, dao động từ khoản 11 triệu – 20 triệu/ tháng tùy vào quy mô của doanh nghiệp cũng như kinh nghiệm và năng lực của nhân viên.
Đối với các vị trí quản lý cấp cao, có nhiều năm trong nghề, lương trung bình của họ rơi vào khoảng trên 40 triệu/tháng, nhiều người thậm chí còn có thể kiếm được trên 100 triệu/tháng.
Do có nguồn thu nhập hấp dẫn nên để theo đuổi công việc Business Development, bạn phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Theo dõi phần tiếp theo để biết thêm chi tiết.
Những yếu tố giúp bạn trở thành nhân viên phát triển kinh doanh chuyên nghiệp
Khả năng thiết lập và thực hiện chiến lược phát triển kinh doanh
Vị trí này yêu cầu bạn phải có tầm nhìn chiến lược để phát triển và hoàn thành các mục tiêu kinh doanh. Trong đó, 3 yếu tố bạn cần quan tâm là:
- Khách hàng: Nghiên cứu hành vi của đối tượng khách hàng và dựa vào đó để tìm kiếm khách hàng mới cũng như tạo ra nhiều giá trị hơn cho khách hàng hiện tại.
- Thị trường: Tìm hiểu và đánh giá thị trường để nắm bắt xu hướng mới nhất. Đồng thời, phân tích được điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ cạnh tranh trong ngành.
- Mối quan hệ: Biết xây dựng và tận dụng các mối quan hệ dựa trên sự tin cậy để mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp.
Am hiểu các chỉ số đo lường trong kinh doanh
Biết và hiểu rõ các chỉ số đo lường trong kinh doanh như, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, ROI, ROE, ROS, … sẽ giúp ích rất nhiều cho người làm công việc phát triển kinh doanh. Những kiến thức nền tảng này sẽ hỗ trợ cho các chiến lược của bạn trở nên hiệu quả hơn, đồng thời giúp bạn giảm bớt căng thẳng khi tiếp xúc với khách hàng.
Kiến thức về các chỉ số chuyên ngành này có thể được trau dồi từ các dự án, tham gia các khóa học hoặc tham khảo trong những cuốn sách về kinh doanh.
Sử dụng tốt các phần mềm CRM và Excel
Các phần mềm CRM (Customer Relationship Management) chắc chắn sẽ là thứ không thể thiếu đối với nhân viên phát triển kinh doanh chuyên nghiệp. Đây là các phần mềm giúp quản lý và tối ưu các quy trình chăm sóc khách hàng nhằm mục đích tăng trải nghiệm khách hàng đối với công ty.
Ngoài ra, bạn còn cần phần mềm CRM để lưu trữ, phân tích thông tin để nghiên cứu kỹ hơn về hành vi, nhu cầu của họ.
Bên cạnh đó, một phần mềm quen thuộc nhưng cũng rất quan trọng đối với nhân viên Business Development là Excel. Phần mềm này sẽ hỗ trợ cho quá trình xử lý dữ liệu khách hàng và tạo báo cáo, thống kê trở nên dễ dàng hơn.
Khả năng giao tiếp với khách hàng, đối tác
Công việc chính của Business Development là tìm hiểu, phân tích khách hàng để thu hút họ về với doanh nghiệp. Để làm tốt điều này, giao tiếp tốt gần như là một yêu cầu bắt buộc.
Khi giao tiếp tốt, khả năng xử lý nhanh nhẹn, khéo léo sẽ giúp bạn trao đổi với khách hàng dễ dàng hơn, từ đó ký được thêm nhiều hợp đồng có giá trị.
Đặc biệt, một nhân viên Business Development giỏi phải là người có nhiều mối quan hệ. Việc quen biết với nhiều người trong ngành sẽ giúp bạn nhận được sự hỗ trợ và có các kinh nghiệm quý giá trong công việc.
Để mở rộng mạng lưới mối quan hệ, bạn có thể tham gia các buổi họp, sự kiện lớn có lượng khách đông đảo hoặc kết nối thông qua các nền tảng mạng xã hội.
Kỹ năng thuyết trình
Đây là kỹ năng cần thiết cho vị trí quản lý trong Business Development. Họ cần biết cách truyền đạt thông tin và trao đổi với các cấp lãnh đạo, cấp dưới về các đường lối, chiến lược, kế hoạch…sao cho dễ hiểu và rõ ràng để hoạt động kinh doanh diễn ra thuận lợi.
Kỹ năng tổ chức
Nhân viên phát triển kinh doanh phải có kỹ năng tổ chức tốt. Vì bạn sẽ cần sắp xếp công việc một cách hợp lý, có trình tự và chọn ra các vấn đề cần ưu tiên để tập trung giải quyết trước.
Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến nghề Business Development. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị đầy đủ khi có mong muốn theo đuổi con đường trở thành một Business Developer chuyên nghiệp. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Học ngành gì để làm Business Development?
Để làm nhân viên phát triển kinh doanh, bạn cần tốt nghiệp Đại học các ngành Marketing, Quản trị kinh doanh hoặc các ngành tương tự.
Ngoài ra, nếu có kinh nghiệm làm việc ở vị trí nhân viên Marketing, nhân viên kinh doanh sẽ là một lợi thế lớn khi ứng tuyển.
KPI của nhân viên Business Development được tính thế nào?
KPI của một nhân viên phát triển kinh doanh khá đa dạng, bao gồm:
- Số khách hàng (Số lượng cold calls thực hiện hàng tháng, số lượng hợp đồng chốt được hàng tháng, tỷ lệ chuyển đổi từ lead sang khách hàng).
- Giá trị trung bình của hợp đồng
- Mức độ hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm
Business Development và Sales khác nhau như thế nào?
Về bản chất công việc, Sales là bán hàng, tức là sẽ có doanh số ngay tại thời điểm bán, còn Business Development là phát triển kinh doanh nên sẽ thiên về xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài để tạo mối quan hệ với khách hàng bền vững, phát triển tổ chức phù hợp với xu thế thời đại.
Tìm việc Business Development ở đâu?
Nhu cầu mở rộng thị trường đang được nhiều doanh nghiệp đẩy mạnh nên vị trí nhân viên phát triển kinh doanh cũng được tuyển dụng khá nhiều.
Bạn có thể tìm trên các nền tảng tuyển dụng trực tuyến như: CareerBuilder, TopCV, VietNamWorks, Indeed,…hoặc tham khảo các Group tuyển dụng trên Facebook.