Sự thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có thị trường mục tiêu. Yếu tố này quyết định đến khả năng mua hàng của người tiêu dùng và hỗ trợ doanh nghiệp thu hút khách hàng lý tưởng. Trong bài viết dưới đây, Tino Group sẽ giúp bạn hiểu rõ thị trường mục tiêu là gì cũng như những thông tin xoay quanh khái niệm này.
Tổng quan về thị trường mục tiêu
Thị trường mục tiêu là gì?
Thị trường mục tiêu (Target Market) là phân khúc người tiêu dùng có nhiều khả năng mua và sử dụng sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. Nhóm đối tượng này đóng vai trò như “tập hợp con” của doanh nghiệp.
Khi thiết lập thị trường mục tiêu, bạn có thể tạo ra những sản phẩm đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường mục tiêu cũng giúp bạn “cân đo đong đếm” nguồn chi tiêu tiếp thị sao cho hợp lý.
Thị trường mục tiêu được xác định dựa trên 3 yếu tố chính, bao gồm:
- Nhân khẩu học: Giới tính, thu nhập, tình trạng hôn nhân, dân tộc, việc làm,…, của khách hàng tiềm năng.
- Nơi sống: Khu vực khách hàng của bạn đang sinh sống (quốc gia, thành phố, địa chỉ nhà).
- Hành vi mua sắm: Sở thích, insight, các vấn đề khách hàng gặp phải.
Tóm lại, thị trường mục tiêu giúp bạn xác định khách hàng của mình là ai. Từ đó, bạn sẽ xây dựng được các chiến lược tiếp thị phù hợp. Đồng thời, dựa trên thông tin từ thị trường mục tiêu, bạn cũng có thể nâng cấp phương thức tiếp thị cũ để tạo ra giá trị mới.
Tại sao cần xác định thị trường mục tiêu?
Theo bạn, yếu tố nào giúp sản phẩm của doanh nghiệp được khách hàng đón nhận nồng nhiệt? Chất lượng sản phẩm? Khả năng ứng dụng? Độ bền? Những yếu tố này đúng nhưng vẫn chưa đủ. Vì trên thực tế, dù tốt đến đâu, sản phẩm vẫn chỉ phục vụ cho một nhóm người dùng nhất định.
Thay vì chỉ chú trọng vào chất lượng, bạn nên xác định rõ phân khúc khách hàng mà mình hướng đến. Phác thảo chân dung khách hàng càng rõ nét, bạn càng dễ hiểu nhu cầu và mong muốn của họ là gì. Dựa vào đó, bạn sẽ xác định được thị trường mục tiêu của mình.
Không những thế, thị trường mục tiêu còn là “chiếc chìa khóa” giúp bạn cải thiện sản phẩm/dịch vụ tốt hơn, chạm đúng “điểm đau” của khách hàng. Hiểu rõ khách hàng tiềm năng và tập hợp họ lại thành thị trường mục tiêu là giải pháp hữu hiệu giúp bạn nhận định được hành vi khách hàng, nắm rõ thói quen tương tác của họ trên các kênh truyền thông.
Ngoài ra, bằng cách xác định thị trường mục tiêu, bạn sẽ biết chính xác yếu tố thúc đẩy khách hàng đưa ra quyết định “xuống tiền”. Thông qua đó, bạn có thể truyền tải thông điệp phù hợp, gây ấn tượng sâu sắc hơn với khách hàng.
6 bước xác định thị trường mục tiêu
#1. Xác định giá trị và lợi ích của doanh nghiệp
Đầu tiên, bạn cần xác định giá trị và lợi ích mà mình mang lại cho khách hàng. Việc này giúp bạn nhận định rõ ràng hơn về thị trường mục tiêu của mình. Trên thực tế, tiếp thị không phải là nghệ thuật bán hàng mà là cách bạn hiểu rõ giá trị mình tạo ra.
Để xác định giá trị và lợi ích từ sản phẩm/dịch vụ của mình, bạn có thể tự trả lời những câu hỏi:
- Sản phẩm/dịch vụ của bạn giúp khách hàng giải quyết vấn đề gì?
- Sản phẩm/dịch vụ bạn cung cấp đáp ứng nhu cầu nào của khách hàng?
- Mục tiêu tạo ra sản phẩm/dịch vụ của bạn là gì?
#2. Thu hẹp phạm vi khách hàng tiềm năng
Sau khi hiểu rõ giá trị của mình, bạn cần xác định nhóm khách hàng nào sẽ đón nhận tính năng từ sản phẩm/dịch vụ. Đây là những người có nhiều khả năng mua hàng của bạn nhất. Thực hiện bước này sẽ giúp bạn thu hẹp phạm vi nhân khẩu học cho thị trường mục tiêu.
Bạn có thể xem xét các yếu tố như độ tuổi, giới tính, nơi sống, thu nhập,…, để nhận định rõ nét hơn về khách hàng. Tốt nhất, bạn nên ghi chú cẩn thận, tránh sai sót vì bước này rất quan trọng.
#3. Tinh chỉnh thị trường mục tiêu
Giờ đây thị trường mục tiêu của bạn đã dần rõ nét. Bước tiếp theo bạn cần làm là bổ sung thêm hành vi tiêu dùng, thói quen mua sắm vào nhân khẩu học của nhóm khách hàng đã xác định ở bước 2. Một số thông tin bạn cần bổ sung là:
- Sở thích của khách hàng.
- Thói quen hằng ngày của khách hàng.
- Giá trị mà khách hàng đón nhận.
- Phong cách sống của khách hàng.
- Những vấn đề khách hàng gặp phải.
- …
Để thu thập những thông tin này, bạn có thể sử dụng nhiều công cụ hỗ trợ khác nhau. Cách phổ biến nhất mà các doanh nghiệp áp dụng là tạo cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến trên mạng xã hội hoặc bất kỳ kênh nghiên cứu thị trường nào. Giải pháp này giúp bạn nhận định chính xác hơn về người tiêu dùng.
#4. Xem xét nhu cầu thị trường
Đây là bước quan trọng nhưng cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Thị trường là một “sân chơi” không ngừng biến động. Điều này đồng nghĩa thói quen tiêu dùng của khách hàng sẽ liên tục thay đổi. Vì vậy, bạn cần thường xuyên nghiên cứu thị trường và tiếp cận người tiêu dùng.
Bạn cần giữ tinh thần khách quan và hạn chế sử dụng các giả định để nhận diện thị trường chuẩn xác hơn. Theo nghiên cứu của CBInsights, có khoảng 35% doanh nghiệp start-up thất bại do nhận định sai nhu cầu thị trường.
Thậm chí, dù sản phẩm cung cấp sản phẩm chất lượng, bạn vẫn có nguy cơ thất bại nếu không xác định chính xác nhu cầu, mong muốn hoặc “điểm đau” của khách hàng.
#5. Đánh giá lại phân khúc khách hàng
“Lời nói gió bay”. Không ai dám chắc rằng người có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm/dịch vụ của bạn sẽ mua sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp. Chính vì thế, bạn cần phải đánh giá lại mức độ khả thi của các nhóm khách hàng mình đã tập hợp ở những bước trên. Hãy đặt ra một số câu hỏi sau và tự trả lời:
- Nhóm khách hàng này có thể duy trì hoạt động kinh doanh của mình không?
- Thu nhập của nhóm khách hàng này có đủ mua sản phẩm/dịch vụ bạn đang cung cấp không?
- Những khách hàng này có khả năng giới thiệu sản phẩm/dịch vụ của bạn với người khác không?
- Tiếp cận thị trường mục tiêu bạn đã tiếp cận bằng cách nào?
- …
#6. Phân tích SWOT của mình và đối thủ
Để hiểu rõ hơn thuật ngữ SWOT, bạn có thể tham khảo bài viết SWOT là gì? Ví dụ về mô hình SWOT của doanh nghiệp mà Tino Group đã cung cấp trước đó.
Phân tích SWOT của mình và đối thủ là bước cuối cùng khi xác định thị trường mục tiêu. Ngoài ra, đây cũng là một phần không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị. Việc phân tích này giúp bạn xác định được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của doanh nghiệp mình và cả đối thủ.
Từ đó, bạn có thể so sánh hai bảng phân tích SWOT để xem điểm giống, khác, hơn và kém giữa mình và đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, bạn cần xác định đối tượng khách hàng mà đối thủ đang hướng đến bằng cách:
- “Stalk” đối thủ trên các trang mạng xã hội.
- Sử dụng công cụ Google Analytics.
- Nghiên cứu khách hàng của đối thủ.
Nếu đối thủ và doanh nghiệp bạn tiếp thị cùng nhóm khách hàng, bạn có thể đánh giá chiến lược quảng bá của đối thủ có những ưu và hạn chế nào. Các thông tin này rất hữu ích để bạn dùng làm tư liệu xây dựng kế hoạch truyền thông cho doanh nghiệp mình.
Xác định đúng thị trường mục tiêu tạo bước đà vững chắc giúp doanh nghiệp chinh phục khách hàng thành công. Đặc biệt, nếu là doanh nghiệp vừa startup, bạn càng phải chú trọng đến thị trường mục tiêu. Vì đây là tiền đề giúp doanh nghiệp bạn hoạt động bền vững trên thị trường.
Trên đây là toàn bộ thông tin về thị trường mục tiêu và cách xác định thị trường mục tiêu hiệu quả. Hy vọng bài viết đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về một thuật ngữ khá quan trọng trong kinh doanh. Chúc hành trình gây dựng sự nghiệp của bạn thành công vượt ngoài mong đợi!
Những câu hỏi thường gặp
Xác định thị trường mục tiêu qua kênh nào hiệu quả?
Có 3 kênh liên lạc bạn cần ưu tiên khi tiếp cận khách hàng mục tiêu:
- Email.
- Các nền tảng mạng xã hội phổ biến như Facebook, Zalo, Instagram, TikTok,…
- Thường xuyên cập nhật tin tức trên Internet để nắm bắt thông tin mới nhất về ngành.
Điểm khác nhau giữa khách hàng mục tiêu và thị trường mục tiêu là gì?
- Đối tượng mục tiêu: Là người hoặc nhóm người đưa ra quyết định mua hàng (những người bạn đang tiếp thị).
- Thị trường mục tiêu: Nhóm khách hàng có khả năng mua sản phẩm/dịch vụ của bạn.
Các yếu tố cần thiết khi xác định nhân khẩu học là gì?
Để xác định nhân khẩu học của khách hàng, bạn cần xem xét các yếu tố:
- Độ tuổi.
- Giới tính.
- Chức vụ.
- Thu nhập.
- Nơi ở.
- “Điểm đau”.
- Mối quan tâm.
- …
Thương hiệu nào đã xác định thị trường mục tiêu thành công?
Các thương hiệu đã xác định thị trường mục tiêu thành công là:
- Nike.
- Netflix.
- Vans.
- Acecook.
- …