Trong bối cảnh thị trường lao động biến động và xu hướng nhảy việc ngày càng gia tăng, “Shift Shock” – hiện tượng “sốc ca làm việc” đang trở thành mối lo ngại lớn của các doanh nghiệp. Khi thực tế công việc khác xa so với kỳ vọng, người lao động sẽ dễ cảm thấy thất vọng, lo lắng, dẫn đến giảm năng suất và thậm chí là ý định nghỉ việc. Hiểu rõ Shift Shock là gì, nguyên nhân và cách khắc phục là vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thể giữ chân nhân tài, nâng cao hiệu quả công việc và thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Shift Shock là gì?
Định nghĩa Shift Shock
Shift Shock (chênh lệch) là thuật ngữ được sử dụng để miêu tả cảm giác hụt hẫng khi bạn nhận ra công việc thực tế hoàn toàn khác biệt so với những gì được giới thiệu trong quá trình tuyển dụng. Chẳng hạn, nhà tuyển dụng nhấn mạnh về môi trường làm việc lành mạnh trong phỏng vấn, nhưng thực tế công ty lại dung túng cho các lãnh đạo độc tài và điều kiện làm việc bất công.
Theo bà Kathryn Minshew, người sáng lập và cựu Giám đốc điều hành của The Muse – nền tảng nghề nghiệp được hơn 70 triệu người sử dụng để tìm việc đã định nghĩa rằng: “Shift Shock chỉ cảm giác hụt hẫng và thất vọng khi bắt đầu một công việc mới sau khi bạn nhận ra rằng vị trí hoặc công ty rất khác so với những gì bạn nghĩ ban đầu.” Minshew cũng cho rằng Shift Shock lý do khiến nhiều Gen Z và Millennials nghỉ việc để tìm kiếm cơ hội khác.
Trong lĩnh vực bất động sản, có một thuật ngữ gọi là “caveat emptor” – “người mua phải cẩn trọng”. Điều này có nghĩa là trách nhiệm tìm hiểu và đặt câu hỏi thuộc về người mua. Nếu người mua phát hiện ra lỗi của bất động sản sau khi giao dịch và hối hận thì trách nhiệm thuộc về họ. Tuy nhiên, quan niệm này đang dần thay đổi.
Thị trường ngày nay đang chuyển dịch sang “caveat venditor” – “người bán phải cẩn trọng”. Giờ đây, trách nhiệm cung cấp thông tin về công ty và bản chất công việc thuộc về nhà tuyển dụng. Nếu không minh bạch, nhân viên mới sẽ gặp phải tình trạng Shift Shock, tỷ lệ giữ chân nhân tài sẽ giảm và chi phí tuyển dụng sẽ tăng vọt. Điều này đòi hỏi nhà tuyển dụng phải nỗ lực giảm thiểu Shift Shock và tăng cường tính minh bạch trong suốt quá trình tuyển dụng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng Shift Shock
Thống kê của The Muse
Vào năm 2022, The Muse đã khảo sát lượng người dùng và trong số hơn 2.500 người tham gia, 72% cho biết họ đã từng trải qua tình trạng Shift Shock. Một số kết quả thú vị khác từ cuộc khảo sát Shift Shock của The Muse:
- 29% cho biết tình trạng Shift Shock của họ bao gồm cả công việc và công ty.
- 41% sẽ cho công việc mới từ 2 đến 6 tháng cơ hội nếu họ cảm thấy Shift Shock khi mới vào làm.
- 48% sẽ cố gắng xin lại công việc cũ nếu họ cảm thấy Shift Shock ở công ty mới.
- 80% cho rằng việc nghỉ một công việc mới trước 6 tháng là chấp nhận được nếu công việc đó không đáp ứng được kỳ vọng của bạn.
Sự thay đổi trong kỳ vọng của lực lượng lao động
Tính đến năm 2023, Millennials chiếm tỷ trọng lớn nhất trong lực lượng lao động. Cùng với Gen Z, họ chiếm gần 40% tổng số người lao động trên toàn cầu. Giới trẻ ngày nay có những quan niệm khác biệt về công việc so với thế hệ trước, và một trong những điểm khác biệt quan trọng nhất nằm ở kỳ vọng của họ về mối quan hệ giữa người lao động và nhà tuyển dụng.
Thế hệ Y và Gen Z mong đợi nhà tuyển dụng tôn trọng họ. Thậm chí, họ coi đây là điều kiện tiên quyết chứ không phải thứ được đánh đổi bằng thành tích trong CV. Người lao động trong các nhóm tuổi này không cảm thấy nghĩa vụ ràng buộc với nhà tuyển dụng như các thế hệ trước. Nếu cảm thấy mình không được trân trọng, họ sẵn sàng tìm kiếm cơ hội tốt hơn mà không hề do dự.
Thay đổi tư duy hậu đại dịch
Đại dịch toàn cầu đã gây ra những biến động lớn trong quan điểm của mọi người về công việc, khiến hàng triệu người phải suy nghĩ lại về các ưu tiên của mình. Nhiều người quyết định rằng việc đi lại đường xa và những công việc mệt mỏi không còn xứng đáng nữa. Một số người lựa chọn chuyển đổi nghề nghiệp để theo đuổi đam mê hoặc rời khỏi lực lượng lao động để tập trung vào gia đình.
Tóm lại, người lao động ngày nay không còn chấp nhận những thứ như tăng ca, quá sức hoặc các yêu cầu vô lý và có nhiều khả năng nghỉ việc nếu phải đối mặt với những điều này một cách bất ngờ.
Thiếu hụt nhân tài
Mặc dù thị trường lao động cạnh tranh đã giảm bớt một chút, nhưng các nhà tuyển dụng trong nhiều lĩnh vực vẫn đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài. Khi các công ty cảm thấy cần thiết phải tuyển dụng nhân viên, áp lực có thể khiến các nhà tuyển dụng phóng đại những mặt tích cực của vị trí và giảm nhẹ những nhược điểm để thu hút nhiều ứng viên hơn. Khi một trong những ứng viên đó được tuyển dụng và nhận ra thực tế không như mong đợi, họ sẽ cảm thấy bị lừa – đó chính là Shift Shock.
Shift Shock là hệ quả của sự thiếu minh bạch
Theo Minshew, nguyên nhân chính dẫn đến Shift Shock là thiếu minh bạch trong mô tả công việc và văn hóa công ty. Nhà tuyển dụng thường tô vẽ một bức tranh màu hồng về công việc và giảm nhẹ những mặt tiêu cực. Điều này có thể dẫn đến sự không khớp giữa những gì ứng viên nghĩ về công việc và trải nghiệm thực tế của họ sau khi được tuyển dụng.
Minshew ví điều này như việc hẹn hò: “Trong buổi hẹn hò đầu tiên, chúng tôi không cần bạn phải kể hết mọi chuyện tiêu cực trong quá khứ của mình, tất nhiên, bạn sẽ cố gắng thể hiện những điều tốt đẹp nhất. Tuy nhiên, bạn phải chân thành, bởi vì nếu bạn không thành thật trong những cuộc trò chuyện đầu tiên, bạn có thể sẽ hẹn hò với một người hoàn toàn không phù hợp với mình.”
Các yếu tố khác góp phần vào Shift Shock bao gồm hành vi thiếu tôn trọng từ quản lý, thiếu hòa nhập, các hoạt động phi đạo đức và môi trường làm việc khắc nghiệt. Nghiên cứu của The Muse cho thấy gần 80% Gen Z và nhân viên Millennials báo cáo từng trải qua môi trường làm việc độc hại tại một thời điểm nào đó trong sự nghiệp.
Trong một tập của podcast “Voices of HR” trên HRMorning, bà Minshew chia sẻ: “Khi mọi người cảm thấy ấn tượng họ nhận được về công việc, nhóm, công ty không khớp với suy nghĩ trước khi vào làm việc, họ sẽ cảm thấy thiếu gắn kết, thất vọng và các cảm xúc tiêu cực khác. Quan trọng nhất, họ có nhiều khả năng nghỉ việc hơn.”
Tại sao Shift Shock là một vấn đề nghiêm trọng?
Tỷ lệ nghỉ việc cao ở nhân viên mới
Tác động lớn nhất và dễ nhìn thấy nhất về hệ quả của Shift Shock chính là tỷ lệ nghỉ việc cao ở nhân viên mới. Theo HRdive, một nền tảng cung cấp thông tin và dữ liệu về thị trường lao động, có đến 48% người lao động cho biết họ đã nghỉ việc vì công việc không như những gì họ nghĩ. Những nhân viên cảm thấy hụt hẫng do Shift Shock thường không ngại nghỉ việc ngay cả khi chỉ mới làm việc vài tháng.
Nếu không được kiểm soát, tình trạng nghỉ việc ở nhân viên mới có thể dẫn đến chi phí tuyển dụng tăng vọt, năng suất giảm và gây gián đoạn kinh doanh do thiếu hụt nhân sự.
Giảm gắn kết trong môi trường làm việc
Một nhân viên mới nghỉ việc ngay sau khi bắt đầu không bao giờ là điều tốt. Tuy nhiên, tình trạng nhân viên chán ghét công việc nhưng vẫn gắn bó đôi khi còn tồi tệ hơn. Ngoài làm việc kém hiệu quả, nhân viên thiếu gắn kết còn làm giảm tinh thần của cả nhóm.
Mất lòng tin vào lãnh đạo
Thông thường, Shift Shock là kết quả của sự thiếu minh bạch trong quá trình tuyển dụng. Khi điều đó xảy ra, nhân viên mới cảm thấy mình bị lừa dối, và mất lòng tin vào ban lãnh đạo công ty. Hệ quả là nhân viên khó quản lý, thường xuyên chống đối các chỉ thị của công ty và gây cản trở cho việc đạt được mục tiêu.
Doanh nghiệp cần làm gì khi nhân viên gặp Shift Shock
Dấu hiệu nhận biết nhân viên gặp Shift Shock
- Giảm năng suất và hiệu quả làm việc: Nhân viên có thể cảm thấy không hài lòng với công việc, dẫn đến giảm năng suất và hiệu quả làm việc.
- Thiếu động lực và tinh thần làm việc: Nhân viên có thể cảm thấy chán nản, thiếu động lực và tinh thần làm việc.
- Thay đổi hành vi: Nhân viên có thể trở nên ít giao tiếp, hay vắng mặt hoặc thậm chí có những hành vi tiêu cực.
- Bày tỏ sự thất vọng: Nhân viên có thể trực tiếp bày tỏ sự thất vọng với công việc hoặc với quản lý.
Cách doanh nghiệp xử lý khi nhân viên gặp Shift Shock
Lắng nghe và thấu hiểu
Bước đầu tiên là lắng nghe cởi mở và thấu hiểu những lo lắng và thất vọng của nhân viên. Để làm được điều đó đó, doanh nghiệp cần tạo môi trường an toàn và thoải mái để nhân viên chia sẻ vấn đề của mình. Đặc biệt, tránh phán xét hoặc đổ lỗi cho nhân viên.
Xác định nguyên nhân
Cùng với nhân viên, ban lãnh đạo cần xác định nguyên nhân dẫn đến Shift Shock. Có thể do mô tả công việc không chính xác, quá trình tuyển dụng thiếu minh bạch, hoặc môi trường làm việc không phù hợp với kỳ vọng của nhân viên.
Đưa ra giải pháp
Tùy thuộc vào nguyên nhân, doanh nghiệp cần đưa ra các giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề Shift Shock. Ví dụ: có thể điều chỉnh mô tả công việc, cung cấp thêm đào tạo cho nhân viên, hoặc tạo môi trường làm việc thân thiện và hỗ trợ hơn.
Nếu nhân viên cảm thấy không được chuẩn bị để đáp ứng các yêu cầu của vai trò mới, phía lãnh đạo nên cung cấp các nguồn lực học tập và phát triển để giúp họ thành công. Các chương trình học tập và phát triển sẽ hiệu quả hơn khi được tích hợp vào quy trình làm việc của cá nhân, thay vì yêu cầu nhân viên tham dự các buổi đào tạo ngoài giờ làm.
Theo dõi và hỗ trợ
Sau khi đưa ra giải pháp, doanh nghiệp cần theo dõi sát sao tình hình của nhân viên để đảm bảo họ hài lòng với giải pháp được đưa ra. Đồng thời, cung cấp hỗ trợ liên tục cho nhân viên để giúp họ hòa nhập và thích nghi với công việc.
Phòng ngừa Shift Shock: Giải pháp cho nhà tuyển dụng
Mô tả công việc chính xác
Bước đầu tiên để ngăn ngừa tình trạng Shift Shock là xem xét lại quy trình soạn thảo mô tả công việc. Shift Shock là kết quả của sự bất đồng giữa kỳ vọng và thực tế. Do đó, điều cần thiết là tất cả những người tham gia tuyển dụng bao gồm ban lãnh đạo phòng ban và nhà tuyển dụng phải thống nhất với nhau.
Cần có hệ thống đảm bảo mô tả công việc phản ánh chính xác các nhiệm vụ và yêu cầu của vị trí. Ngoài ra, hãy chi tiết hóa các khía cạnh khác ảnh hưởng đến sự hài lòng của nhân viên mới, chẳng hạn như văn hóa công ty, môi trường văn phòng và cơ hội phát triển. Có thể sử dụng phiếu khảo sát ý kiến của nhân viên mới để thu thập thông tin về những điểm cần cải thiện trong mô tả công việc cũng như quá trình tuyển dụng nói chung.
Thiết lập kỳ vọng phù hợp trong suốt quá trình tuyển dụng
Ngăn chặn Shift Shock bằng cách hiệu chỉnh kỳ vọng của ứng viên ngay từ đầu. Giữa ứng viên và nhà tuyển dụng cần có những cuộc trao đổi thẳng thắn về mục tiêu cho vị trí này và những gì được mong đợi trong 30, 60 hoặc 90 ngày đầu tiên làm việc. Khuyến khích ứng viên đặt câu hỏi và cung cấp câu trả lời minh bạch.
Ngoài ra, cho phép các ứng viên tiềm năng quan sát những người hiện đang làm việc trong cùng vị trí. Sử dụng các bài đánh giá trước tuyển dụng và bổ sung thêm các công cụ hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình tuyển dụng để dự đoán khả năng thành công của ứng viên. Tất cả các giải pháp này sẽ giúp nâng cao độ chính xác khi tuyển dụng và giảm thiểu khả năng lựa chọn sai người.
Chào đón và hỗ trợ nhân viên mới
Cung cấp chương trình hướng dẫn và đào tạo cho nhân viên mới để giúp họ hòa nhập nhanh chóng và hiệu quả với công ty. Tạo môi trường làm việc thân thiện và hỗ trợ để họ cảm thấy được trân trọng và có giá trị.
Nhà tuyển dụng cũng cần duy trì giao tiếp thường xuyên với nhân viên để nắm bắt phản hồi và giải quyết bất kỳ vấn đề nào phát sinh. Khuyến khích họ chia sẻ ý kiến và đề xuất của họ.
Kết luận
Shift Shock là hiện tượng phổ biến trong thị trường lao động hiện nay. Bằng cách chung tay giải quyết vấn đề Shift Shock, cả doanh nghiệp và nhân viên đều có thể gặt hái được những lợi ích to lớn. Doanh nghiệp sẽ có được nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn bó lâu dài, từ đó nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững. Nhân viên sẽ có được môi trường làm việc tích cực, hiệu quả, từ đó phát huy hết tiềm năng và đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Devin Tomb. (2022, August 30). 72% of Muse Survey Respondents Say They’ve Experienced “Shift Shock”. themuse.com. https://www.themuse.com/advice/shift-shock-muse-survey-2022
- Brian Bingaman. (2023, December 5). What to do about ‘shift shock’ – the No. 1 reason why Gen Z and Millennial workers are quitting. hrmorning.com. https://www.hrmorning.com/articles/shift-shock/
- Valerie Bolden-Barrett. (2019, March 27). Study: 48% of workers have left a job because it didn’t meet expectations. hrdive.com. https://www.hrdive.com/news/study-48-of-workers-have-left-a-job-because-it-didnt-meet-expectations/551179/
Những câu hỏi thường gặp
Có phải Shift Shock là do nhân viên không thích nghi kịp với môi trường làm việc?
Shift Shock không phải lúc nào cũng là do nhân viên không thích nghi. Nguyên nhân chính có thể là do mô tả công việc không chính xác, quá trình tuyển dụng thiếu minh bạch, môi trường làm việc không phù hợp với kỳ vọng của nhân viên, hoặc thiếu giao tiếp và hỗ trợ từ phía doanh nghiệp.
Nhân viên nào dễ gặp phải Shift Shock nhất?
Shift Shock có thể xảy ra với bất kỳ ai, bất kể ngành nghề hay cấp bậc nào. Tuy nhiên, một số nhóm người lao động có nguy cơ cao hơn, chẳng hạn như:
- Nhân viên mới
- Nhân viên chuyển đổi ngành nghề
- Nhân viên được thăng chức hoặc chuyển sang vị trí mới
- Nhân viên làm việc trong môi trường thay đổi nhanh chóng
Làm thế nào để biết mình đang gặp Shift Shock?
Có một số dấu hiệu cảnh báo cho thấy bạn có thể đang gặp Shift Shock, bao gồm:
- Bạn cảm thấy thất vọng hoặc hụt hẫng về công việc của mình
- Bạn cảm thấy như mình không được sử dụng hết tiềm năng
- Bạn cảm thấy không hòa nhập với môi trường làm việc
- Bạn đang cân nhắc nghỉ việc
Người lao động cần lưu ý gì để tránh Shift Shock?
Để tránh Shift Shock, người lao động có thể thực hiện một số biện pháp sau:
- Nghiên cứu kỹ lưỡng về công ty và vị trí trước khi ứng tuyển
- Hỏi những câu hỏi cụ thể trong quá trình phỏng vấn
- Trao đổi cởi mở với quản lý về kỳ vọng của bạn
- Đừng ngại tìm kiếm sự giúp đỡ nếu bạn cần