Địa chỉ IP là thuật ngữ rất phổ biến đối với những người đam mê công nghệ máy tính và thế giới kỹ thuật số. Thành phần này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các máy tính liên lạc, truyền tin với nhau trên internet hoặc một mạng nội bộ. Trong bài hôm nay, Tino Group sẽ cùng bạn tìm hiểu cụ thể địa chỉ IP là gì cũng như cách xem địa chỉ IP chi tiết.
Địa chỉ IP là gì?
Định nghĩa địa chỉ IP
Địa chỉ IP (Internet Protocol) là một giao thức Internet được sử dụng để làm địa chỉ đơn nhất cho những thiết bị điện tử như điện thoại, laptop hiện nay có thể nhận diện và liên lạc với nhau trên mạng máy tính.
Về cơ bản, các thiết bị cứng trong một mạng chỉ có thể kết nối và giao tiếp với nhau khi có địa chỉ IP và đó địa chỉ IP là duy nhất. Bạn có thể hiểu đơn giản, IP giống như địa chỉ nhà, công ty hay doanh nghiệp vậy. Tuy nhiên, địa chỉ IP nó không cố định mà sẽ thay đổi theo từng mạng cụ thể.

Địa chỉ IP là một mã số định danh có dạng chuỗi số và được phân tách bằng dấu chấm. Trong đó, mỗi tập hợp số luôn nằm trong khoảng từ 0 đến 255. Tức là phạm vi của một địa chỉ IP đầy đủ là từ 0.0.0.0 đến 255.255.255.255. Ví dụ: Một địa chỉ IP có dạng 192.158.1.38.
Ví dụ đơn giản về địa chỉ IP
Giả sử có một kiện hàng bạn cần gửi cho bạn bè ở nơi khác, bạn phải biết địa chỉ chính xác của người nhận. Sau đó, bạn sẽ ghi địa chỉ cụ thể lên bưu kiện bằng cách tra cứu danh sách địa chỉ khác nhau của nhiều bạn bè.
Quy trình gửi dữ liệu qua mạng cũng tương tự như vậy. Tuy nhiên, thay vì thông qua một danh sách để tìm địa chỉ IP, máy tính sẽ sử dụng các máy chủ DNS tìm tên máy rồi sau đó mới tìm ra địa chỉ IP thiết bị đó.

Chẳng hạn như khi bạn nhập một trang web vào trình duyệt (abc.com), yêu cầu tải trang này sẽ được gửi đến các máy chủ DNS để tìm kiếm tên máy chủ (abc.com) và tìm ra địa chỉ IP tương ứng. Nếu không có địa chỉ IP đính kèm, máy tính sẽ không có thông tin để tìm kiếm.
Phân loại địa chỉ IP
IP riêng – IP Private
IP riêng hay IP cá nhân là loại IP chỉ được sử dụng trong một mạng (công ty, trường học hoặc gia đình). Các địa chỉ IP này không thể kết nối với mạng Internet mà chỉ có những thiết bị trong mạng mới có thể giao tiếp với nhau thông qua bộ định tuyến router. Bạn có thể tự thiết lập địa chỉ IP riêng theo cách thủ công hoặc để bộ định tuyến thiết lặp sẵn.
IP công cộng – IP Public
Đây là địa chỉ IP được chỉ định bởi nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) nhằm mục đích chuyển đi các yêu cầu Internet đến một gia đình hoặc tổ chức cụ thể. Sau đó, địa chỉ IP này sẽ được sử dụng để liên lạc với các thiết bị kết nối Internet, cho phép các thiết bị trong mạng liên lạc trực tiếp với nhau.

IP tĩnh – IP Static
Địa chỉ IP này được cố định để dành riêng cho một người hoặc nhóm người sử dụng với điều kiện thiết bị kết nối Internet của họ luôn luôn được đặt một địa chỉ IP. Thông thường, IP tĩnh được cấp cho một máy chủ như máy chủ web, email,… để nhiều người có thể truy cập mà không làm gián đoạn các quá trình.
IP động – IP Dynamic
Đây là địa chỉ IP của máy tính có thể thay đổi. Nếu không sử dụng một số dịch vụ đặc biệt cần dùng IP tĩnh, bạn sẽ được ISP gán cho các IP khác nhau sau mỗi lần kết nối. Việc sử dụng IP động của các ISP nhằm mục đích tiết kiệm nguồn địa chỉ IP đang cạn kiệt hiện nay.
Nếu bạn không kết nối vào mạng Internet, ISP sẽ sử dụng IP đó để cấp cho một người sử dụng khác.
Ưu điểm và hạn chế của địa chỉ IP
Ưu điểm
- Địa chỉ IP là giao thức quan trọng đóng vai trò kết nối và giao tiếp giữa các thiết bị mạng qua Internet. Đồng thời, IP cũng giúp thiết bị truy cập Internet dễ dàng và nhanh chóng hơn.
- Với bản chất “độc nhất” dành riêng cho từng thiết bị, địa chỉ IP giúp các nhà quản trị mạng có thể dễ dàng quản lý được hệ thống chặt chẽ hơn, giúp khắc phục kịp thời các lỗi phát sinh.
- Việc IP ra đời được đánh giá là một sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ mạng.
Hạn chế
- Thông tin cá nhân sẽ dễ dàng bị khai thác nếu chẳng may địa chỉ IP bị ai đó xâm nhập và phá hoại.
- Mọi hoạt động của người dùng sẽ bị lưu lại thông qua địa chỉ IP.
Cách xem địa chỉ IP trên máy tính và điện thoại
Trên điện thoại
Xem địa chỉ IP công cộng
Cách 1: Search nhanh trên trình duyệt: “what is my ip”
Trên điện thoại, bạn hãy mở trình duyệt và nhập “what is my ip”, kết quả trả về sẽ tự động hiện lên địa chỉ IP công cộng của bạn ở phía trên cùng. Bạn cũng có thể làm tương tự với máy tính bảng để xem địa chỉ IP công cộng.

Cách 2: Sử dụng các công cụ kiểm tra IP trực tuyến
Bạn truy cập vào website https://www.whatismyip.com. Giao diện của website sẽ hiển thị địa chỉ IP công cộng.

Một số website xem IP uy tín khác mà bạn có thể sử dụng như: ipchicken.com hay whatismyipaddress.com.
Xem địa chỉ cá nhân
Đối với điện thoại Android: Bạn vào Cài đặt -> Giới thiệu -> Trạng thái. Địa chỉ IP cá nhân sẽ được hiển thị tại đây.

Đối với iPhone: Bạn vào Cài đặt -> WiFi -> Chọn tên mạng WiFi đang kết nối để xem địa chỉ IP cá nhân.

Trên máy tính Windows
Xem IP công cộng
Tương tự như trên điện thoại, bạn có thể truy cập vào website whatismyip.com, ipchicken.com hoặc whatismyipaddress.com để xem địa chỉ IP công cộng nhanh gọn lẹ.
Xem IP cá nhân
Cách 1: Xem IP cá nhân với Command Prompt:
Bước 1: Nhấn tổ hợp phím Windows + R rồi nhập “CMD” vào hộp thoại Run vừa mới xuất hiện và nhấn OK.
Bước 2: Nhập lệnh ipconfig trong cửa sổ và nhấn Enter.

Bước 3: Địa chỉ IP riêng sẽ hiển thị ở mục IPv4 Address.

Cách 2: Xem IP cá nhân với Task Manager:
Bước 1: Nhấn chuột phải trên thanh Taskbar chọn Task manager.
Bước 2: Tại phần Performance, bạn chọn mục WiFi hoặc Ethernet (nếu sử dụng mạng dây) và xem địa chỉ IP tại IPv4 Address.

Trên máy tính Macbook
Xem địa chỉ IP công cộng
Bạn chỉ cần mở trình duyệt và truy cập vào các website như: whatismyip.com, ipchicken.com hoặc whatismyipaddress.com để xem địa chỉ IP công cộng trên Macbook.
Xem địa chỉ IP cá nhân
Bước 1: Bạn nhấn vào logo Apple ở góc trên bên trái màn hình và chọn Tùy chọn hệ thống.

Bước 2: Tại đây, bạn nhấn vào mục Mạng để mở ra bảng thông tin kết nối mạng.

Bước 3: Địa chỉ IP cá nhân sẽ xuất hiện với dòng chữ nhỏ ở bên dưới mục Trạng thái.

Như vậy Tino Group đã cung cấp cho bạn một vài thông tin cơ bản về địa chỉ IP cũng như cách xem địa chỉ IP trên điện thoại và máy tính. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn khi xảy ra các vấn đề liên quan đến truy cập mạng. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Làm sao để bảo vệ địa chỉ IP?
Để bảo vệ địa chỉ IP, người ta thường dùng thủ thuật gọi là Fake IP thông qua máy chủ Proxy hoặc VPN. Tuy nhiên, nếu thiết lập VPN không chính xác sẽ có nguy cơ DNS và IP bị rò rỉ, khiến tin tặc có thể dễ dàng truy cập thông tin của bạn.
Tham khảo bài viết: Hướng dẫn cách Fake IP trên điện thoại Android để biết thêm chi tiết.
Khi nào nên sử dụng VPN để Fake IP?
Các trường hợp nên sử dụng VPN gồm:
- Kết nối WiFi công cộng
- Truy cập vào internet bị chặn
- Có nhu cầu “ẩn danh” khi sử dụng mạng Internet
IPv6 khác gì IPv4?
Trước tiên, IPv4 là phiên bản IP sử dụng 32 bit để lưu trữ 2 ^ 32 = 4.294.967.296 địa chỉ. Đây cũng là IP đang chiếm đến 94% lưu lượng truy cập Internet.
IPv6 là phiên bản mới nhất của Internet Protocol. Phiên bản này được triển khai để đáp ứng nhu cầu sử dụng địa chỉ IP trên Internet ngày càng nhiều. Cụ thể, với không gian 128bit, IPv6 có thể lưu trữ 2 ^ 128 = 340.282.366.920.938.463.463.374.607.431.768.211.456 địa chỉ IP.
Do đó, IPv6 là phương án bổ sung cho IPv4 đang dần cạn kiệt.
Tham khảo bài viết: So sánh IPv4 và IPv6 để biết thêm chi tiết.
Tại sao máy tính bị lỗi xung đột IP?
- Máy tính thiết lập IP tĩnh trùng với IP động đã được cài cho một máy tính khác trong hệ thống.
- Khi máy tính được bật lên từ trạng thái sleep, Wireless Router sẽ cấp IP máy đang sleep cho một máy khác cùng hệ thống.
- Khi máy tính có nhiều Network Adapters kết nối dẫn đến bị xung đột địa chỉ IP với chính nó.
- Khi có quá nhiều thiết bị kết nối với Wireless Router
CÔNG TY CỔ PHẦN TẬP ĐOÀN TINO
- Trụ sở chính: L17-11, Tầng 17, Tòa nhà Vincom Center, Số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng đại diện: 42 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh - Điện thoại: 0364 333 333
Tổng đài miễn phí: 1800 6734 - Email: sales@tino.org
- Website: www.tino.org