Đối với một doanh nghiệp, vốn kinh doanh đóng vai trò “huyết mạch” trong sự tồn tại và phát triển. Có thể nói, sử dụng và quản lý vốn kinh doanh hiệu quả là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp mở cánh cửa thành công. Dù chiếm giữ vai trò quan trọng nhưng không phải ai cũng hiểu rõ vốn kinh doanh là gì. Vậy nên, Tino Group sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về khái niệm vốn kinh doanh và cách phân loại nguồn vốn này nhé!
Giới thiệu tổng quan về vốn kinh doanh
Vốn kinh doanh là gì?
Vốn kinh doanh (Business Capital) được xem là yếu tố hàng đầu quyết định sự thành bại của một doanh nghiệp trong quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh. Thông thường, doanh nghiệp sẽ trích một phần của vốn kinh doanh để chi trả cho những yếu tố đầu vào như lương công nhân hay nguyên/vật liệu phục vụ sản xuất.
Vốn kinh doanh còn là “điều kiện cần” khi doanh nghiệp muốn vận hành. Khi muốn điều hành một doanh nghiệp, bạn cần có một số vốn nhất định. Số vốn này đại diện cho số tài sản mà doanh nghiệp hiện đang sở hữu.
Theo quan điểm của Karl Marx, vốn kinh doanh là yếu tố đầu vào của một doanh nghiệp, mang ý nghĩa thực tiễn với giá trị rất cao. Còn dưới góc nhìn của Paul Anthony Samuelson, vốn lại là một loại hàng hóa, được sản xuất để làm “tiền đề” cho các hoạt động sản xuất khác. Đồng thời, ông cũng cho rằng đây là yếu tố đầu vào của một hoạt động sản xuất trong quá trình vận hành.
Về bản chất, vốn kinh doanh vận động không ngừng, chúng có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau như tiền hoặc tài sản. Và cuối cùng, vốn kinh doanh vẫn trở về dưới dạng tiền tệ. Tùy thuộc vào kết quả sản xuất của doanh nghiệp, vốn kinh doanh có thể tăng lên hoặc giảm xuống.
Đặc điểm cơ bản của vốn kinh doanh
Vốn kinh doanh sở hữu những đặc điểm nổi bật như:
- Đóng vai trò như nguồn lực ban đầu, cải thiện quy trình sản xuất kinh doanh, tạo ra lợi nhuận, doanh thu cho cá nhân, doanh nghiệp, mang đến của cải/vật chất mới.
- Là yếu tố tiên quyết, xuất hiện đầu tiên, có trước các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Được quay vòng theo chu kỳ, phải được thu về khi kết thúc chu kỳ hoạt động để đảm bảo cho chu kỳ hoạt động tiếp theo.
- Doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu không thu hồi vốn kinh doanh trước khi chu kỳ hoạt động kết thúc.
Vai trò của vốn kinh doanh đối với doanh nghiệp
Điều kiện tiên quyết của doanh nghiệp
Vốn kinh doanh đóng vai trò là điều kiện tiên quyết đối với sự hình thành và hoạt động của một doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp sở hữu nguồn vốn nhiều, ít khác nhau. Vì vậy, vốn kinh doanh còn là điểm nhận diện, giúp phân chia loại hình doanh nghiệp nhỏ, vừa hay lớn.
Duy trì và phát triển doanh nghiệp
Một trong những vai trò to lớn của vốn kinh doanh là giúp duy trì và phát triển doanh nghiệp. Để có thể vận hành, doanh nghiệp cần phải sở hữu nguồn lao động, nguyên/vật liệu đầu vào, máy móc, thiết bị,… Vậy doanh nghiệp buộc phải có nguồn vốn nhất định để có thể mua và sở hữu các yếu tố đầu vào. Điều này đồng nghĩa nếu không có vốn, doanh nghiệp không thể thành lập và duy trì hoạt động sản xuất.
Hỗ trợ xây dựng chiến lược quản lý
Trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp sẽ không ít lần có sự thay đổi về cơ sở vật chất. Và vốn kinh doanh chính là điều kiện cần hỗ trợ chủ doanh nghiệp đưa ra những chiến lược thay đổi hợp lý nhất. Từ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn khi quyết định tân trang máy móc, thiết bị hoặc mở rộng quy mô sản xuất để cạnh tranh với đối thủ cùng ngành.
Quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp
Cuối cùng, vốn kinh doanh còn ảnh hưởng đến sự tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp. Có thể nói, việc quản lý và sử dụng vốn ở hiện tại chính là “tiền đề” cho sự phát triển của doanh nghiệp trong tương lai.
Vốn kinh doanh được phân loại như thế nào?
Tùy theo mục đích, nguồn gốc và đặc điểm, vốn kinh doanh sẽ được phân loại theo nhiều cách thức khác nhau. Tuy nhiên, 3 cách phổ biến nhất để phân loại vốn kinh doanh, được nhiều cá nhân và doanh nghiệp áp dụng là:
- Phân loại dựa trên đặc điểm luân chuyển của vốn.
- Phân loại dựa trên quan hệ sở hữu.
- Phân loại dựa trên thời gian huy động và sử dụng vốn.
Phân loại dựa trên đặc điểm luân chuyển vốn
Đối với cách phân loại này, vốn kinh doanh sẽ được chia thành 2 loại vốn cơ bản: vốn cố định và vốn lưu động. Trong đó:
- Vốn cố định: Là loại tài sản có giá trị lớn được dùng trong thời gian dài, trải qua nhiều chu kỳ vận động của doanh nghiệp như máy móc thiết bị hay dây chuyền sản xuất.
- Vốn lưu động: Có giá trị bằng tiền tệ của những loại tài sản ngắn hạn, có giá trị thanh khoản cao. Nguồn vốn này có khả năng chi phối hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Phân loại dựa trên quan hệ sở hữu
Khi phân loại dựa trên quan hệ sở hữu, vốn kinh doanh cũng được chia thành hai loại:
- Vốn sở hữu: Là nguồn vốn hình thành từ ban đầu của chủ sở hữu doanh nghiệp, được bổ sung thêm trong quá trình phát triển nếu doanh nghiệp cần.
- Vốn vay (Vốn nợ phải trả): Là nguồn vốn hình thành từ các nguồn vay của cá nhân, tổ chức hay các tổ chức tín dụng. Nguồn vốn vay có thể sẽ phát sinh lãi và cần doanh nghiệp phải trả trong khoảng thời gian nhất định.
Phân loại dựa trên thời gian huy động và sử dụng vốn
Đối với cách phân loại này, vốn kinh doanh sẽ được chia thành 2 loại vốn:
- Vốn thường xuyên: Là nguồn vốn được sử dụng trong thời gian dài (tối thiểu 1 năm) khi doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
- Vốn tạm thời: Là nguồn vốn được sử dụng trong thời gian ngắn, được dùng để chi trả các chi phí phát sinh bất thường của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp huy động nguồn vốn bằng cách nào?
Thông thường, các doanh nghiệp sẽ dùng tiền của chủ sở hữu để có được nguồn vốn kinh doanh. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách thức khác nhau để doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc huy động nguồn vốn. So với đầu tư kinh doanh, huy động vốn sẽ giúp doanh nghiệp có nhiều tiền và tiết kiệm thời gian hơn.
Giải pháp huy động vốn phổ biến, được nhiều doanh nghiệp áp dụng là góp vốn ban đầu. Với phương thức này, lợi nhuận sẽ không được chia, nguồn vốn có từ hoạt động phát hành cổ phiếu. Ngoài ra, nhiều chủ thể khác có thể huy động vốn bằng cách vay ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc phát hành trái phiếu.
Các hình thức huy động vốn phụ thuộc vào những loại hình chủ thể khác nhau như:
- Doanh nghiệp Nhà nước: Thường huy động vốn từ vốn đầu tư trực tiếp từ Nhà nước hoặc Công ty mẹ đầu tư vào công ty con.
- Công ty Cổ phần: Huy động vốn từ phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu.
- Công ty TNHH, công ty hợp doanh: Huy động vốn từ những người cam kết góp vốn vào công ty.
Kết luận
Tóm lại, vốn kinh doanh chính là “xương sống” của một doanh nghiệp, đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thông qua vốn kinh doanh, doanh nghiệp mới có thể xuất hiện trên thị trường, duy trì và tồn tại giữa “làn sóng” cạnh tranh khốc liệt.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến vốn kinh doanh. Tino Group hy vọng bài viết sẽ là nguồn tham khảo hữu ích khi bạn thành lập công ty, doanh nghiệp. Đừng bỏ lỡ những bài viết hay của Tino Group bằng cách nhấn nút theo dõi chúng tôi nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Dùng giấy ghi nợ để góp vốn kinh doanh có hợp pháp không?
Cá nhân, tổ chức có thể sử dụng giấy ghi nợ để góp vốn kinh doanh trong các trường hợp sau:
- Không phải là cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, không thuộc đối tượng không được góp vốn doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Chỉ có chủ sở hữu giấy ghi nợ mới có quyền sử dụng để góp vốn kinh doanh.
- Giấy ghi nợ cần phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc đồng thuận.
Thế nào là lợi nhuận không chia?
Trong suốt quy trình kinh doanh, doanh nghiệp sẽ sở hữu nguồn vốn nếu hoạt động này có hiệu quả. Nguồn vốn thu được từ lợi nhuận sẽ không cần phải chia và được đem đi tái đầu tư.
Có thể phát hành thêm cổ phiếu để huy động vốn không?
Tất nhiên là có! Bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, doanh nghiệp có thể tăng số lượng vốn của mình.
Vốn kinh doanh hay hoạt động kinh doanh có trước?
Về bản chất, doanh nghiệp phải sở hữu nguồn vốn kinh doanh nhất định mới có thể hoạt động kinh doanh. Vậy vốn kinh doanh có trước hoạt động sản xuất, kinh doanh.