Được mệnh danh là “đứa con lai” của Recruiter và Headhunter, Talent Acquisition đã trở thành một trong những phương thức tuyển dụng hiệu quả nhất hiện nay. Trong cuộc chiến “săn nhân tài” ở kỷ nguyên số, Talent Acquisition đã và đang được các doanh nghiệp áp dụng. Vậy chính xác Talent Acquisition là gì? Vì sao phương thức tuyển dụng này lại được ưa chuộng đến vậy? Điểm khác biệt giữa Talent Acquisition và Recruitment là gì?
Tìm hiểu tổng quan về Talent Acquisition
Talent Acquisition là gì?
Talent Acquisition (tạm dịch: thu hút nhân tài) là thuật ngữ phổ biến được sử dụng trong lĩnh vực nhân sự. Thuật ngữ này dùng để chỉ quy trình tạo dựng mối quan hệ với những ứng viên tiềm năng, bổ sung cho các vị trí còn thiếu của doanh nghiệp. So với tuyển dụng truyền thống, Talent Acquisition là phương thức chiêu mộ nhân tài hoàn toàn mới.
Không chỉ tập trung xây dựng mối quan hệ với ứng viên, Talent Acquisition còn chú trọng đến hình tượng của doanh nghiệp. Với phương thức tuyển dụng này, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tìm được các ứng viên phù hợp với từng vị trí, bộ phận còn trống ở hiện tại hoặc trong tương lai.
Talent Acquisition mang tính chiến lược và diễn ra gần như liên tục. Hầu hết các doanh nghiệp sẽ có một nhóm nhân sự đảm nhiệm vị trí Talent Acquisition. Việc này giúp doanh nghiệp luôn đảm bảo chất lượng và số lượng nhân sự.
Vì vậy, các chiến lược Talent Acquisition được thực hiện trong một khoảng thời gian dài. Đây là một trong những điểm khác biệt giữa Talent Acquisition và phương thức tuyển dụng truyền thống.
Nhiệm vụ cơ bản của bộ phận Talent Acquisition
Xây dựng chiến lược tuyển dụng
Bước đầu tiên trong quy trình thực hiện Talent Acquisition là hoạch định chiến lược tuyển dụng rõ ràng, cụ thể. Thay vì lên kế hoạch tuyển dụng ngắn hạn, bộ phận nhân sự Talent Acquisition sẽ lập một hệ thống các hoạt động cần làm trong khoảng thời gian dài để tìm kiếm nhân sự phù hợp. Ngoài ra, việc quản lý thông tin ứng viên cũng như thiết lập danh sách ứng viên tiềm năng cũng được thực hiện trong bước này.
Sàng lọc nhân sự
Trên thực tế, nhân sự trong bộ phận Talent Acquisition đều là những chuyên gia có kiến thức chuyên môn và hiểu rõ yêu cầu của từng bộ phận trong doanh nghiệp. Họ đóng vai trò như một “quân sư”, am hiểu tính chất của “trăm công nghìn việc”.
Vì vậy, họ có thể sàng lọc và tuyển chọn nhân sự một cách chuẩn xác dựa trên các yếu tố như: kinh nghiệm, kỹ năng, năng lực,… Nhờ đó, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng kiếm được những “quân tốt” chủ chốt để phát triển công ty.
Tăng độ thu hút cho thương hiệu
Trên thực tế, các nhân tài thường sẽ bị hấp dẫn bởi các thương hiệu danh tiếng, có sức ảnh hưởng trong ngành. Chính vì thế, một trong những yếu tố giúp việc tuyển dụng thành công là thương hiệu. Có thể nói, thương hiệu càng có nền tảng, tiền đề, càng dễ thu hút nhân sự giỏi.
Bộ phận Talent Acquisition có nhiệm vụ quảng bá hình ảnh, thông tin tích cực về doanh nghiệp để tiếp cận nhân sự. Bên cạnh đó, họ còn tập trung vào việc truyền tải văn hoá và môi trường doanh nghiệp cho các ứng viên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, các nhân sự trong bộ phận Talent Acquisition nên tạo dựng mối quan hệ tích cực với ứng viên thông qua các nền tảng mạng xã hội, website.
Xây dựng mối quan hệ với ứng viên
Đây được xem là nhiệm vụ cốt lõi và quan trọng nhất của bộ phận Talent Acquisition. Dù có được tuyển dụng hay không, bộ phận Talent Acquisition vẫn lưu trữ thông tin dài hạn của các ứng viên để phòng cho những trường hợp cần thiết. Thậm chí, ngay cả những nhân viên đã nghỉ việc, thông tin của họ vẫn được lưu trữ lại trên hệ thống nhân sự chung của doanh nghiệp.
Phân tích, đo lường và đánh giá dữ liệu
Về cơ bản, Talent Acquisition là một phương thức tuyển dụng lâu dài. Vì vậy, nhiệm vụ mà bộ phận này chắc chắn không thể bỏ qua việc phân tích dữ liệu. Các thông tin của ứng viên sẽ được nhóm Talent Acquisition nghiên cứu, phân tích chi tiết.
Không chỉ hỗ trợ việc tuyển dụng trở nên hiệu quả, phân tích dữ liệu còn là thước đo giúp doanh nghiệp xác định tiềm năng, hiệu suất làm việc cũng như khả năng phát triển của ứng viên.
Bên cạnh đó, phương thức tuyển dụng này còn đòi hỏi quy trình đo lường và dự đoán dữ liệu chuẩn xác. Talent Acquisition thường tập trung vào các con số, dữ liệu và dẫn chứng rõ ràng thay vì dựa trên cảm tính để tuyển dụng. Khi thực hiện nhiệm vụ này, quá trình tuyển dụng sẽ trở nên hiệu quả, thu hút nhiều ứng viên tiềm năng và cải thiện khả năng phát triển của doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của Talent Acquisition là gì?
Tạo ra nguồn nhân tài dồi dào
Talent Acquisition giúp doanh nghiệp sở hữu trong tay những thông tin của các ứng viên tiềm năng và phù hợp nhất. Bên cạnh đó, các thông tin ứng viên sẽ được cập nhật và bổ sung liên tục trong khoảng thời gian dài.
Vậy nên, phía doanh nghiệp sẽ không phải rơi vào tình trạng thiếu nhân sự. Đặc biệt, các hồ sơ của ứng viên đều rất chất lượng vì đã được team Talent Acquisition chọn lọc kỹ lưỡng.
Tăng khả năng cạnh tranh
Các chiến lược Talent Acquisition tạo ra cơ hội cạnh tranh tích cực trong nội bộ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đây là còn tiền đề thúc đẩy lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh. Sở hữu càng nhiều nhân sự giỏi, doanh nghiệp càng phát triển mạnh mẽ hơn.
Đồng thời, khi chiến lược Talent Acquisition hiệu quả, nhân sự trong doanh nghiệp sẽ dễ dàng “bắt đúng tần số” của nhau. Từ đó, hiệu suất làm việc nhóm của cả đội hình sẽ được cải thiện vượt trội.
Tiết kiệm thời gian và chi phí tuyển dụng
Khi tuyển nhân sự không phù hợp, doanh nghiệp sẽ phải mất rất nhiều thời gian, chi phí để tìm kiếm và đào tạo nhân sự mới. Bên cạnh đó, bạn cũng phải đầu tư thời gian cho các hoạt động quảng cáo mà không có chiến thuật cụ thể, phân loại thông qua hồ sơ, sàng lọc và phỏng vấn từng ứng viên một. Với các chiến lược Talent Acquisition, doanh nghiệp bạn sẽ tránh khỏi những thất thoát hoặc vấn đề không đáng có.
Không bỏ lỡ nhân tài
Trên thực tế, phần lớn ứng viên mới đều là những “viên ngọc thô” cần được mài giũa. Có rất nhiều ứng viên giàu tiềm năng, phù hợp với công việc nhưng kinh nghiệm thực chiến và kỹ năng chuyên ngành chưa có. Đây là nhóm ứng viên “thô” chưa rèn luyện.
Nếu tuyển dụng bằng phương thức truyền thống, bạn buộc phải loại bỏ các ứng viên này vì doanh nghiệp hiện đang cần nguồn nhân sự giàu kinh nghiệm. Trái lại, nếu áp dụng chiến lược Talent Acquisition, bạn sẽ có nhiều thời gian hơn để đào tạo những nhân tài “thô” và biến họ thành các ứng viên tiềm năng hàng đầu.
5 điểm khác nhau cơ bản giữa Talent Acquisition và Recruiter (tuyển dụng truyền thống)
Thời gian
Điểm nổi bật của Talent Acquisition là được thực hiện trong khoảng thời gian dài. Thay vì cố gắng tìm các ứng viên càng nhanh càng tốt, đội ngũ Talent Acquisition sẽ thiết lập kế hoạch dài hạn và duy trì mối quan hệ với các ứng viên tiềm năng. Việc này giúp đề phòng trường hợp doanh nghiệp thiếu ứng viên trong tương lai. Trong khi đó, Recruiter chú trọng việc “đánh nhanh, thắng nhanh”, tìm nhân sự để đảm nhiệm vị trí còn trống ngay lập tức.
Kế hoạch tuyển dụng
Recruiter nổi bật với kế hoạch tuyển dụng Linear Process (quy trình tuyến tính). Trong khi Talent Acquisition sẽ thực hiện kế hoạch tuyển dụng dưới dạng Ongoing Circle (quy trình tuần hoàn liên tục).
Không đơn thuần là việc tuyển dụng ứng viên cho các vị trí còn trống, các chiến lược “dài hơi” của Talent Acquisition nhằm mở rộng mạng lưới nhân sự cho doanh nghiệp. Đồng thời, chiến lược này cũng có tác dụng duy trì nguồn nhân tài bền vững, vận hành như một vòng tuần hoàn khép kín, liên tục lặp lại.
Recruiter là “tập hợp con” của Talent Acquisition
Về bản chất, Recruiter là một phần của phương thức tuyển dụng Talent Acquisition. Có thể thấy, Recruiter chính là bước khởi đầu giúp doanh nghiệp tập trung vào việc phát triển thương hiệu tuyển dụng. Thông qua bước khởi đầu, doanh nghiệp sẽ tiếp cận được nhiều người hơn và thu hút nhân tài tự động đầu quân.
Tính chất công việc
Phần lớn công việc của Recruiter là tuyển chọn ứng viên thông qua CV, kinh nghiệm làm việc hoặc thông số do doanh nghiệp đặc ra. Ngược lại, công việc của đội ngũ Talent Acquisition sẽ đa dạng hơn.
Nhiệm vụ của họ là phân tích, chọn lọc, đánh giá và dự đoán thông tin, dữ liệu của các ứng viên. Thông qua đó, doanh nghiệp sẽ chinh phục được niềm tin của nhân viên cũ, tuyển chọn được nhân tài và được lòng các ứng viên mới giàu tiềm năng.
Quy trình quản lý nhân sự
Ngoài những nhiệm vụ được đề cập phía trên, đội ngũ Talent Acquisition còn đảm nhiệm vai trò quản lý nhân tài. Không chỉ kết thúc ở việc tuyển chọn nhân sự như Recruiter, đội ngũ Talent Acquisition còn phải duy trì, mở rộng mối quan hệ lâu dài với các ứng viên, nhân sự tại doanh nghiệp.
Đến đây, Tino Group tin rằng bạn đã hiểu được Talent Acquisition là gì cũng như điểm khác biệt giữa phương thức tuyển dụng hiện đại và truyền thống. Hy vọng những thông tin trên sẽ là nguồn tham khảo hữu ích giúp bạn đủ cơ sở và kiến thức để lựa chọn phương thức tuyển dụng phù hợp với doanh nghiệp mình.
Đừng quên theo dõi Tino Group để không bỏ lỡ những thông tin hữu ích và mới nhất nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Nên chọn Talent Acquisition hay Recruiter?
Tuỳ thuộc vào quy mô và đặc tính của mỗi lĩnh vực, chuyên ngành, doanh nghiệp có thể tuyển dụng theo phương thức Talent Acquisition hoặc Recruiter. Nếu doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có tốc độ nhân sự thay đổi nhanh và liên tục, Talent Acquisition là một chiến lược phù hợp với bạn. Ngược lại, nếu doanh nghiệp bạn chỉ có nhu cầu thuê nhân sự mỗi năm một lần, Recruiter vẫn là phương án tuyệt vời nhất.
Vì sao Talent Acquisition ngày càng được nhiều doanh nghiệp áp dụng?
Talent Acquisition giúp doanh nghiệp tuyển chọn nhân sự trong cả thời gian ngắn và dài hạn. Thông qua quá trình theo dõi, chăm sóc ứng viên, doanh nghiệp có thể cải thiện định vị thương hiệu và tiết kiệm chi phí tuyển dụng. Vì vậy, đây chính là lý do chính khiến ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng phương thức tuyển dụng này.
Đội ngũ Talent Acquisition tìm ứng viên bằng cách nào?
Thay vì “ôm cây đợi thỏ”, đội ngũ Talent Acquisition thường chủ động tìm ứng viên trên mạng xã hội, forum cộng đồng – nơi hội tụ nhiều chuyên gia trong các ngành/lĩnh vực.
Talent Acquisition có thể quản lý thông tin ứng viên trên Excel không?
Excel là một công cụ hỗ trợ đắc lực mà đội ngũ Talent Acquisition có thể sử dụng để quản lý thông tin ứng viên. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có quy mô lớn, nhu cầu tuyển dụng cao, bạn không nên sử dụng Excel vì các tính năng của ứng dụng này không đáp ứng đủ. Thay vào đó, bạn nên sử dụng các phần mềm quản trị nhân sự để tối ưu quy trình quản lý thông tin, dữ liệu.