Có thể nói, thời điểm hiện tại là giai đoạn bùng nổ của các mô hình thương mại điện tử. Đỉnh điểm là khi đại dịch Covid-19 hoành hành, nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng. Thậm chí, dịch bệnh qua đi, dư âm của xu hướng này vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong bài viết hôm nay, Tino Group sẽ cùng bạn khám phá các mô hình thương mại điện tử B2C – một trong những mô hình kinh doanh phổ biến nhất hiện nay.
Tổng quan về mô hình thương mại điện tử B2C
Thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử (eCommerce) là một mô hình kinh doanh cho phép các doanh nghiệp, nhà bán lẻ và người tiêu dùng thực hiện toàn bộ giao dịch một cách trực tuyến.
Hiện tại, có 6 mô hình thương mại điện tử cơ bản, bao gồm:
- Business to Consumer (B2C).
- Business to Business (B2B).
- Business to Government (B2G).
- Business to Business to Consumer (B2B2C).
- Consumer to Consumer (C2C).
- Consumer to Business (C2B).
Trong bài tham khảo này, Tino Group sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết về mô hình thương mại điện tử B2C. Đây là mô hình phổ biến, mang lại hiệu quả cao nên rất được mọi người ưa chuộng.
Mô hình thương mại điện tử B2C là gì?
Thương mại điện tử B2C (Business to Consumer) là mô hình giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng. Về bản chất, đây là thương mại điện tử bán lẻ, vận hành dựa trên sự trao đổi, giao dịch giữa doanh nghiệp trực tuyến với người tiêu dùng. Thương mại điện tử B2C là 1 trong 6 mô hình kinh doanh chính, phổ biến và mang lại hiệu quả vượt trội nhất hiện nay.
Một ví dụ điển hình về nền tảng thương mại điện tử B2C là Amazon. Phần lớn quy trình bán hàng thương mại điện tử đều thông qua Internet từ đặt hàng, trao đổi đến thanh toán. Chỉ riêng bước vận chuyển và giao hàng là nằm ngoài không gian mạng. Đây được xem là ưu điểm lớn nhất của mô hình thương mại điện tử. Với mô hình này, người bán và người mua có thể thực hiện giao dịch ở bất kỳ đâu, vào thời điểm nào.
Trong bối cảnh hiện tại, việc bán hàng trực tuyến đã trở nên dễ dàng và vượt trội hơn so với phương thức kinh doanh truyền thống. Nhờ vậy, mô hình thương mại điện tử B2C đã trở thành một trong những lĩnh vực kinh doanh phát triển nhanh nhất trong nền kinh tế toàn cầu.
Theo nghiên cứu của Statista, doanh số thương mại điện tử B2C đạt gần 4,9 nghìn tỷ USD trên toàn thế giới trong năm 2021. Con số này được dự báo sẽ tăng thêm 50% trong 4 năm tới, đạt khoảng 7,4 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
5 mô hình thương mại điện tử B2C phổ biến
Tương tự như bất kỳ thị trường mới nổi nào, những người tham gia B2C hưởng được rất nhiều lợi ích trong từng thị trường ngách. Tùy thuộc vào mục đích kinh doanh, sản phẩm, cửa hàng trực tuyến,…, các doanh nghiệp bán lẻ có thể triển khai mô hình thương mại B2C khác nhau.
#1. Mô hình bán hàng trực tiếp
Bán hàng trực tiếp trong phân khúc B2C là phương thức kinh doanh rất hiệu quả. Đây là mô hình được áp dụng phổ biến nhất hiện nay. Mô hình này cho phép người bán và người mua kết nối trực tiếp với nhau mà không thông qua bất kỳ bên trung gian nào.
Trên thực tế, bán hàng trực tiếp mang đến hiệu quả cao trong việc thu hút một nhóm khách hàng có cùng nhu cầu tiêu dùng và sở thích giống nhau. Đó có thể là các tín đồ thời trang, người hâm mộ Kpop, người đam mê đồ dùng công nghệ,… Ví dụ: Zara mở cửa hàng trực tuyến với các sản phẩm độc quyền nhằm thu hút những tín đồ thời trang của mình.
#2. Mô hình bán hàng qua trung gian trực tuyến
So với bán hàng trực tiếp, mô hình này cũng khá phổ biến và mang lại hiệu quả cao. Bên trung gian là những đơn vị tự xây dựng một trang web nhằm gắn kết các doanh nghiệp và khách hàng tiềm năng lại với nhau. Họ tạo nên một không gian mua sắm trực tuyến. Tại đây, doanh nghiệp có thể thu hút khách hàng tiềm năng, người tiêu dùng có thể tìm kiếm sản phẩm mà mình mong muốn.
Các đơn vị trung gian trực tuyến không cung cấp bất kỳ sản phẩm, dịch vụ hoặc đại diện cho thương hiệu nào. Họ đóng vai trò như một phương tiện kết nối người bán và người mua. Hiện tại, mô hình này đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Shopee, Lazada, Tiki, Sendo,…, là ví dụ điển hình cho mô hình này.
Ưu điểm của các đơn vị trung gian trực tuyến là cho phép người dùng truy cập lượng lớn thông tin cực kỳ nhanh chóng. Đồng thời, bên trung gian còn giúp xác định vị trí của các cửa hàng trực tuyến, kết hợp với những đơn vị vận chuyển uy tín.
#3. Mô hình bán hàng dựa trên quảng cáo
Thay vì cung cấp sản phẩm, những website phát triển theo mô hình này sẽ bán quảng cáo cho các sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp khác sở hữu. Sau một khoảng thời gian cung cấp, xây dựng nội dung quảng cáo, các website này dần trở nên phổ biến, có tầm ảnh hưởng và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh phát triển.
Phần lớn những nội dung trên các website này đều mang tính thú vị, hấp dẫn nhằm thu hút lưu lượng truy cập của khách hàng. Lưu lượng truy cập này được dùng để bán quảng cáo hàng hóa, dịch vụ cho bên thứ 3.
Ví dụ: Website quảng cáo nhận treo banner, logo, áp phích, cung cấp thông tin dịch vụ,…, cho đơn vị khác. Những website này sẽ nhận được tiền từ việc cho thuê quảng cáo và hưởng hoa hồng trên số lượng sản phẩm bán được.
#4. Mô hình bán hàng dựa trên cộng đồng
Các nền tảng mạng xã hội nổi tiếng như Facebook, Instagram, Zalo,…, là “mảnh đất màu mỡ” để Marketers xây dựng cộng đồng trực tuyến lớn mạnh. Những cộng đồng này bao gồm các thành viên có cùng sở thích, quan điểm, tiêu chuẩn mua sắm,…
Thông thường, một nhóm cộng đồng sẽ được dẫn dắt bởi một hoặc nhiều doanh nhân, người nổi tiếng trong lĩnh vực, chuyên môn nào đó. Khi cộng đồng đủ lớn mạnh, họ bắt đầu sử dụng nhóm để quảng bá sản phẩm, dịch vụ và kiếm tiền thông qua nền tảng này. Các thành viên trong nhóm cứ như vậy đã trở thành khách hàng tiềm năng cho những thương hiệu góp mặt trong nhóm.
Có thể nói, đây là mô hình bán hàng và tiếp thị tối ưu, mang lại hiệu quả cao nhất hiện nay. Vì những thành viên trong cộng đồng chính là nhóm khách hàng tiềm năng, có nhu cầu sử dụng một sản phẩm/dịch vụ nào đó cao nhất. Ví dụ: Nếu kinh doanh mỹ phẩm trực tuyến, bạn có thể tham gia group: “Đẹp chanh sả” – đây là cộng đồng chăm sóc sắc đẹp rất lớn trên Facebook để tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
#5. Mô hình bán hàng dựa trên phí
Hiện tại, các trang thương mại điện tử sẽ tính phí đối với khách hàng sử dụng website của họ. Vì họ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ độc quyền, chất lượng cao và mang đến trải nghiệm vượt trội hơn những website miễn phí.
Tại Việt Nam, mô hình này chưa thật sự phổ biến. Tuy nhiên, bạn có thể nhận diện mô hình bán hàng tính phí thông qua các website lớn trên thế giới như: Netflix, Spotify, Amazon Prime, Hulu, Medium,…
Điểm chung của các website này là cung cấp các dịch vụ chất lượng, mang đến lợi ích thiết thực cho người dùng. Vì vậy, dù tính phí, các website này vẫn thu hút rất nhiều khách hàng.
Kết luận
Mô hình thương mại điện tử B2C đã tạo nên bước đột phá lớn trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến. Khi áp dụng mô hình này, nhiều doanh nghiệp đã thành công và thu lợi nhuận khủng. Qua những thông tin từ bài viết, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về mô hình thương mại điện tử B2C. Từ đó, bạn có thể lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp với mục tiêu của mình. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Shopee có phải mô hình thương mại điện tử B2C không?
Shopee là một trong những mô hình điện tử B2C phổ biến nhất hiện nay. Trước đây, mô hình kinh doanh của Shopee là C2C (Consumer to Consumer) – website kết nối giữa cá nhân với cá nhân. Với sự phát triển không ngừng, Shopee đã mở rộng thêm mô hình B2C – doanh nghiệp với người tiêu dùng.
Công nghệ sử dụng trong mô hình thương mại điện tử B2C là gì?
Đối với mô hình thương mại điện tử B2C, công nghệ được sử dụng phổ biến nhất là Cloud Computing.
Thị trường mục tiêu của B2C là gì?
Thị trường mục tiêu của mô hình thương mại điện tử B2C là người tiêu dùng (cả trong nước lẫn quốc tế).
Các công ty B2C nào thành công nhất hiện nay?
Những cửa hàng B2C thành công nhất hiện nay là: Amazon, Walmart, Alibaba, eBay, Shopify, Magento,…