Trải qua biết bao thăng trầm trong lịch sử cũng như những cuộc biến động kinh tế toàn cầu, Coca Cola vẫn luôn là một trong những thương hiệu mang tính biểu tượng nhất mọi thời đại với danh hiệu “ông vua” trong ngành công nghiệp nước giải khát. Vậy làm thế nào để Coca Cola giữ vững vị thế của mình trong những năm qua? Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích mô hình SWOT của Coca Cola để giải đáp vấn đề trên một cách rõ ràng.
Đôi nét về Coca Cola
Lịch sử phát triển của Coca Cola
Coca Cola (hay Coke) là một thương hiệu thức uống giải khát có nguồn gốc từ Hoa Kỳ, được sản xuất bởi công ty Coca-Cola. Hương vị Coca Cola đầu tiên được sản xuất vào năm 1886 bởi John Pemberton tại Atlanta, Georgia. Tên gọi khi đó là “Pemberton’s French Wine Coca”. Vào năm 1887, John Pemberton đã đổi loại tên thức uống này thành “Coca Cola” và bắt đầu bán tại các quán cà phê, nhà hàng.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1892, sau khi ông Asa Griggs Candler – chủ tịch đầu tiên của công ty Coca Cola, tìm đến và mua lại cổ phần của Pemberton, sản phẩm Coca Cola đóng chai đầu tiên mới được ra đời vào năm 1894.
Đến năm 1899, công ty của hai doanh nhân Benjamin Franklin Thomas và Joseph Brown Whitehead trở thành nhà phân phối Coca Cola đóng chai đầu tiên trên thế giới. Từ đó, doanh số của Coca Cola đóng chai bùng nổ một cách nhanh chóng. Trong vòng 10 năm (từ năm 1899 đến 1909) đã có tới 379 nhà máy Coca Cola ra đời nhằm cung cấp sản phẩm cho thị trường, đặc biệt là thị trường nước đóng chai.
Vào năm 1923, công ty được chuyển giao cho Robert Woodruff và đạt được thành công lớn trong việc mở rộng thương hiệu cũng như mở rộng sản xuất.
Từ đó đến nay, Coca-Cola từng bước trở thành “ông vua” trong ngành công nghiệp nước giải khát, có mặt tại hơn 200 quốc gia với hơn 10.000 sản phẩm được tiêu thụ mỗi giây.
Coca Cola là một biểu tượng mang lại sự sảng khoái cho tất cả mọi người. Kiểu dáng quen thuộc của chai Coca Cola cũng như sự khác biệt của nhãn hiệu đã trở thành một phần cuộc sống của người tiêu dùng trên toàn cầu.
Các sản phẩm thuộc thương hiệu Coca Cola
- Coca Cola Classic: đây là sản phẩm cổ điển của hãng, có hương vị ngọt ngào và có một số các phiên bản khác nhau, chẳng hạn như Coca Cola Classic, Diet Coke, Coca Cola Zero,…
- Sprite: là một thương hiệu thức uống giải khát không có ca cao được sản xuất bởi công ty CocaCola.
- Fanta: là một thương hiệu thức uống giải khát có các vị trái cây, được sản xuất bởi công ty Coca-Cola.
- Minute Maid: là một thương hiệu nước ép trái cây và nước ép trái cây chế biến được sản xuất bởi công ty Coca-Cola.
- Powerade: là một thương hiệu thức uống dưỡng chất được sản xuất bởi công ty Coca-Cola.
- Dasani: là một thương hiệu nước uống (nước suối) được sản xuất bởi công ty Coca-Cola.
- Barq’s: là một thương hiệu nước ngọt (xá xị) được sản xuất bởi công ty Coca-Cola.
Phân tích ma trận SWOT của Coca Cola
Điểm mạnh của Coca Cola
Một thương hiệu nổi tiếng toàn cầu
Nhiều người biết đến Coca Cola như một hãng nước giải khát có số lượng tiêu thụ lớn nhất trong lịch sử thị trường giải khát thế giới. Điều này đồng nghĩa, mức độ nhận diện thương hiệu của Coca Cola là cực kỳ cao. Theo nhiều nghiên cứu, có đến 94% dân số thế giới nhận diện được logo đặc trưng trắng – đỏ của Coca Cola.
Cùng với đó là giá trị thương hiệu Coca Cola luôn nằm trong top đầu thế giới nhiều năm qua và không có dấu hiệu suy giảm.
Lợi thế cạnh tranh
Lợi thế cạnh tranh của Coca Cola được xác định ở phạm vi tiếp cận sản phẩm. Cụ thể, thương hiệu Coca Cola đã xuất hiện tại hơn 200 quốc gia cùng với hơn 500 loại sản phẩm khác nhau đến với người tiêu dùng toàn cầu.
Coca Cola chiếm 3.1% trên tổng lượng sản phẩm thức uống toàn thế giới. Mỗi ngày Coca Cola bán được hơn 1 tỷ loại nước uống. Tức mỗi giây có hơn 10.000 sản phẩm của Coca Cola được tiêu thụ .
Sự đa dạng về sản phẩm giúp Coca Cola dễ dàng chinh phục mọi đối tượng có phong cách sống, sở thích và đặc điểm khác nhau, kể cả những người tiêu dùng khó tính nhất.
Tuy nhiên, lợi thế cạnh tranh thực sự của Coca Cola nằm ở việc thương hiệu này được xem là biểu tượng, là bản sắc văn hóa của nước Mỹ. Đây là loại thức uống có tính kết nối cảm xúc nhất. Người dân Mỹ có cảm giác “hạnh phúc” mỗi khi nhắc đến Coca Cola và có lòng trung thành cao với thương hiệu. Nhiều người thừa nhận khó có thể tìm ra sản phẩm thay thế Coca Cola (kể cả Pepsi) vì đã quá quen với hương vị của nhãn hiệu này.
Mạng lưới phân phối rộng khắp
Nhờ vào thị phần lớn cùng khả năng thống lĩnh thị trường, Coca Cola nắm giữ vị thế thương lượng đối với các nhà cung cấp và các đối tác kinh doanh của mình. Khi đó, công ty sẽ có những đàm phán về giao dịch tốt hơn và trở nên linh hoạt hơn trong hoạt động .
Ngoài ra, Coca Cola còn có mạng lưới rộng khắp gồm các nhà máy đóng chai, nhà phân phối và bán lẻ độc lập trên toàn thế giới. Nhìn chung, mạng lưới phân phối cũng là một trong những thế mạnh của Coca Cola, giúp công ty có thể quản lý được sự hiện diện của mình trên toàn cầu.
Chiến dịch tiếp thị đẳng cấp
Các chiến dịch tiếp thị, khuyến mại nhằm thống lĩnh thị trường đồ uống cũng là một trong những thế mạnh không thể không kể đến của Coca Cola. Đây là chiến lược nhận diện thương hiệu mà công ty đã khởi tạo hàng trăm năm qua.
Từ những ngày đầu tiên, Coca Cola đã luôn là một phần không thể thiếu được trong các sự kiện lớn ở Mỹ và trên toàn thế giới. Trong thế chiến thứ II, công ty đã đảm bảo rằng mỗi thành viên của quân đội Mỹ sẽ có được một ly Coca chỉ với giá 5 cent (xu) và không tính thuế hay các giá trị khác.
Để làm được điều đó, công ty đã xây dựng các nhà máy đóng chai tại 64 điểm ở khu vực Châu Âu, Châu Phi và Thái Bình Dương. Nhờ vậy, vị thế của thương hiệu đã phát triển thần tốc sau chiến tranh thế giới II.
Coca Cola còn là nhà tài trợ chính thức cho thế vận hội mùa hè 1996 ở Atlanta.
Dù là thương hiệu đứng đầu ngành đồ uống giải khát, Coca Cola vẫn chi rất mạnh tay cho các chiến dịch quảng cáo của mình. Năm 2019, công ty đã chi hơn 4 tỷ USD để triển khai tiếp thị kỹ thuật số, các chương trình khuyến mãi nhằm thu hút khách hàng từ khắp nơi trên thế giới.
Tại Việt Nam, vào mỗi độ xuân về, không ai là không nhớ tới cánh én mùa xuân màu vàng trên nền đỏ nổi bật của Coca Cola. Hoặc bạn có còn nhớ trend in tên lên lon Coca từng “làm mưa làm gió” suốt một thời gian. Đây là một trong những chiến dịch thành công nhất mà thương hiệu này từng thực hiện.
Điểm yếu của Coca Cola
Cạnh tranh với Pepsi – “Đối thủ truyền kiếp” của Coca Cola
Ai cũng biết Pepsi là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Coca Cola. Câu chuyện về cuộc chiến giữa Coca Cola và Pepsi đến nay vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Bởi lẽ cả hai có quá nhiều điểm tương đồng trong sản phẩm cùng với các chiến dịch quảng cáo mang tính thách thức nên sự cạnh tranh giữa hai thương hiệu này lại càng không thể giảm bớt.
Dù Pepsi chưa thể sánh bằng Coca Cola nhưng chính sự “ngáng đường” này đã trở thành điểm yếu đầu tiên của nhãn hiệu. Nếu không có một đối thủ như Pepsi, có lẽ Coca Cola sẽ đạt đến vị thế “độc tôn”, chi phối toàn bộ thị trường nước giải khát.
Nhưng nếu xét trên một khía cạnh khác, việc cạnh tranh với Pepsi lại càng tôn vinh thêm sự vĩ đại của Coca Cola.
Khả năng dạng hóa sản phẩm
Danh mục sản phẩm vừa nằm ở điểm mạnh nhưng cũng “chen chân” vào danh sách các điểm yếu của Coca Cola. Bởi việc đa dạng hoá sản phẩm là con dao hai lưỡi, không chỉ mang lại ưu thế mà còn khó khăn cho Coca Cola.
Cụ thể, Coca Cola chỉ dừng lại ở việc đa dạng hoá sản phẩm trong mảng nước giải khát và tất nhiên sẽ rất khó bị đánh bại trong “sân chơi” này. Thế nhưng, trong khi Pepsi đã “lấn sân” sang mặt hàng đồ ăn nhẹ như Lays và Kurkure thì Coca-Cola đang bị tụt lại trong phân khúc này và vẫn loay hoay chưa thể đưa ra định vị rõ ràng cho mình.
Mối quan tâm về sức khỏe
Đồ uống có ga là một trong những nguồn cung cấp đường chính cho cơ thể, điển hình là hai vấn đề sức khỏe nghiêm trọng: béo phì và tiểu đường. Trong khi đó, các sản phẩm của Coca Cola đều có lượng đường cao. Nhiều chuyên gia y tế đã cấm sử dụng các loại nước ngọt nên đã khiến doanh thu và hình ảnh của Coca Cola bị ảnh hưởng không nhỏ.
Mặc dù đã cho ra mắt sản phẩm “Zero – không đường” nhưng đến hiện tại, Coca Cola vẫn chưa đưa ra bất kỳ giải pháp thay thế lành mạnh nào để giải quyết vấn đề này hiệu quả nhất.
Bao bì hủy hoại môi trường
Trong báo cáo TearFund vào năm 2020, Coca Cola được nêu tên là một trong 4 thương hiệu tiêu dùng lớn nhất thế giới đang góp phần lớn vào sự nóng lên toàn cầu và lượng khí thải carbon do chai nhựa bỏ đi.
Vấn đề quản lý nước
Khả năng quản lý chất thải của Coca Cola đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi một thời gian dài. Thương hiệu từng bị cáo buộc đổ chất thải độc hại xuống sông Hằng của Ấn Độ. Ngoài ra, họ cũng bị buộc tội sử dụng nước lãng phí ở các nhà máy sản xuất, chỉ để lại một ít nước cho nông dân địa phương và động vật.
Đặc biệt, từng có báo cáo rằng Coca Cola đã pha trộn đồ uống của họ với thuốc trừ sâu để khử độc tố.
Cơ hội của Coca Cola
Tăng cường sự hiện diện tại các nước đang phát triển
Nhiều khu vực khí hậu nóng (các nước Trung Đông và Châu Phi) sẽ có mức tiêu thụ đồ uống lạnh rất cao. Do đó, việc gia tăng sự hiện diện ở những khu vực này có thể là một điều tuyệt vời đối với Coca Cola.
Tiếp tục là vấn đề đa dạng hóa sản phẩm
Đa dạng hoá sản phẩm lại xuất hiện một lần nữa trong phân tích SWOT của Coca Cola.
Thực tế, chưa có một nhãn hiệu nào thống lĩnh được thị trường đồ ăn nhẹ như cách Coca Cola đang thống lĩnh thị trường nước giải khát. Các thương hiệu trong mảng này vẫn đang phân chia thị phần lẻ tẻ và ít thế mạnh vượt trội.
Vì vậy, Coca Cola có thể đẩy mạnh vào lĩnh vực này dựa trên tiềm năng kinh tế và kinh nghiệm “chinh chiến” tại rất nhiều quốc gia, chẳng hạn như am hiểu thị trường bản địa, dây chuyền sản xuất chuyên nghiệp đến tiềm lực tài chính vững chãi.
Tiếp thị tăng cường
Mọi người trở nên có ý thức hơn về sức khỏe, chú trọng quan sát những loại thực phẩm hoặc đồ uống họ đang tiêu thụ. Khi lối sống lành mạnh trở thành một nếp sống mới, Coca Cola đã phản ứng bằng cách đưa Truvia (sản phẩm thay thế đường) vào các sản phẩm nước giải khát của mình. Bằng cách tiếp thị sản phẩm theo hướng lành mạnh hơn, Coca Cola hoàn toàn có thể tăng doanh thu tổng thể.
Theo báo cáo thường niên của Coca Cola, công ty đã giảm lượng đường trong đồ uống và sản xuất đến 28% sản lượng bán ra cho đồ uống ít calo hoặc không chứa calo.
Mang đến hệ thống chuỗi cung ứng tiên tiến
Hệ thống kinh doanh của Coca Cola phụ thuộc rất nhiều vào việc trung chuyển và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, chi phí cho vận tải và nguyên liệu luôn có xu hướng tăng theo thời gian. Khó khăn này mở ra cơ hội cho Coca Cola khi muốn ứng dụng một hệ thống tiên tiến hơn để quá trình phân phối được cải thiện và tiết kiệm tối đa chi phí.
Đổi mới liên tục
Sự dịch chuyển nhanh chóng của xã hội dẫn đến thói quen tiêu dùng của khách hàng cũng thay đổi từng ngày. Vì vậy, một trong những cách để giữ chân khách hàng là cần phải liên tục đổi mới.
Với Coca Cola, thương hiệu nước giải khát đã quá quen thuộc thì sự đổi mới có thể nằm ở bao bì hoặc các chiến dịch marketing độc đáo. Các chiến dịch này sẽ giúp Coca Cola thay đổi diện mạo cho một thương hiệu tưởng chừng đã cũ.
Mở rộng quan hệ đối tác
Quan hệ đối tác là một cách giúp Coca Cola mở ra được thêm cơ hội mới cho bản thân mình. Bằng việc hợp tác với các thương hiệu khác bao gồm đồ uống và đồ ăn nhẹ, Coca Cola vẫn đang từng bước thống lĩnh thị trường và mở rộng thị phần. Điều này còn có thể giúp Coca Cola giảm được áp lực cạnh tranh trên thị trường.
Thách thức của Coca Cola
Nâng cao ý thức về sức khỏe
Người tiêu dùng ngày càng áp dụng lối sống đặt sức khỏe lên hàng đầu và hạn chế sử dụng các sản phẩm có gas. Điều này có thể làm giảm doanh thu và lợi nhuận của Coca Cola khi khách hàng chuyển sang sản phẩm lành mạnh hơn do các đối thủ cạnh tranh cung cấp.
Các quy định mới của chính phủ về sản phẩm nước giải khát
Nhiều quốc gia ban hành những đạo luật mới liên quan tới việc bán nước ngọt và kiểm soát hàm lượng đường để chống béo phì ở trẻ vị thành niên. Một trong số đó là áp đặt nhiều mức thuế khác nhau cho các hãng đồ uống có ga.
Các quy định mới có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận của Coca Cola vì hãng sẽ phải trả nhiều thuế hơn và cải tổ lại sản phẩm để phù hợp với các quy định. Khi đó, mức phạt nếu không tuân thủ tăng lên sẽ dẫn đến áp lực lên quỹ tài chính của công ty.
Cạnh tranh gián tiếp
Ngoài Pepsi, Coca Cola còn có nhiều đối thủ cạnh tranh gián tiếp, chẳng hạn như Starbucks, Costa Coffee, Lipton và Nescafe. Mặc dù không bán cùng mặt hàng nhưng Starbucks và các thương hiệu trên đang kinh doanh các loại đồ uống mà nhiều người có thể yêu thích hơn nước ngọt. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khía cạnh doanh thu cũng như vị thế trên thị trường của Coca Cola.
Trên đây là một số thông tin về mô hình SWOT của Coca Cola mà Tino Group muốn chia sẻ đến các bạn. Hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu được tại sao Coca Cola thống lĩnh thị trường nước giải khát cũng như nhận ra những thách thức mà thương hiệu này phải đối mặt. Hẹn gặp lại ở những bài viết thú vị kế tiếp nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Coca Cola vào thị trường Việt Nam năm nào?
Coca Cola xâm nhập vào thị trường Việt Nam vào năm 1994, thời điểm mà nước ta đang mở cửa giao thương và chuẩn bị cho việc tham gia WTO. Tập đoàn Coca Cola đã thành lập một công ty liên doanh tại Việt Nam có tên gọi là Coca-Cola Beverages Vietnam Limited (CCBV) với vốn đầu tư lớn từ một số nhà đầu tư quốc tế.
Coca Cola có nhà máy ở Việt Nam không?
Coca Cola có nhiều nhà máy tại Việt Nam, bao gồm các địa điểm như: Bình Dương, Hà Nội, Huế, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng,…
Chai Coca Cola đầu tiên có giá bao nhiêu?
Chai Coca Cola đầu tiên được bán tại Atlanta, Georgia, Mỹ vào năm 1886 với mức giá 5 cent/chai. Giá này đã được tính cho một chai Coca Cola tại quán cà phê Jacob’s Pharmacy, nơi mà sản phẩm đầu tiên được tung ra.
Tại sao nói Coca Cola là biểu tượng của nước Mỹ?
Có một khoảng thời gian thịnh hành câu: “Ở đâu có Coca Cola, ở đó có chủ nghĩa tư bản”. Câu nói này ám chỉ sự hiện diện của Coca Cola đã đặt nền móng cho sự hiện diện của văn hoá Mỹ, lối sống Mỹ và ý thức hệ tư bản chủ nghĩa kiểu Mỹ lên một nền văn hóa nào đó. Thế giới có thể đã thay đổi nhưng chuyện Coca Cola vẫn tiếp tục mở đường cho nước Mỹ len lỏi đến mọi góc xó trên khắp thế giới vẫn còn tiếp diễn.
Nếu bạn đã từng xem bộ phim “Đến thượng đế cũng phải cười”, hình ảnh chai Coca do phi công Mỹ vứt xuống bộ lạc châu Phi đang ám chỉ sự đồng hóa mà nước Mỹ đang áp đặt lên châu lục này.