Một trong những yếu tố góp phần tạo nên sự thành công khi sản phẩm/dịch vụ mới ra mắt là Go To Market Strategy – chiến lược tiếp cận thị trường. Yếu tố này giúp sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận người tiêu dùng hơn. Vậy chính xác Go To Market Strategy là gì? Vì sao doanh nghiệp cần áp dụng chiến lược Go To Market Strategy khi ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới? Câu trả lời về thuật ngữ này sẽ được Tino Group giải đáp ngay qua bài viết dưới đây nhé!
Giới thiệu tổng quan về Go To Market Strategy
Go To Market Strategy là gì?
Go To Market Strategy (GTMS – tạm dịch: chiến lược tiếp cận thị trường) là kế hoạch chi tiết mà doanh nghiệp triển khai để đưa sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường. Với Go To Market Strategy, các hoạt động tiếp thị, bán hàng và phân phối sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được tối ưu. Từ đó, doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận, tiếp cận khách hàng và chinh phục thành công.

Go To Market Strategy tập trung vào việc xác định các yếu tố quan trọng như đối tượng khách hàng mục tiêu, kênh phân phối, chiến lược giá cả, chiến lược tiếp thị và quảng cáo, chiến lược bán hàng. Bằng cách tích hợp những yếu tố này một cách hợp lý, GTMS sẽ giúp doanh nghiệp xác định cách tiếp cận thị trường, tạo ra giá trị và xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng.
Mục tiêu cốt lõi của Go To Market Strategy là gì?
- Tăng cường sự nhận diện của sản phẩm/dịch vụ trên thị trường.
- Tạo ra sự khác biệt và giá trị đối với khách hàng so với đối thủ cạnh tranh.
- Tối ưu hóa việc tiếp cận và giao tiếp với đối tượng khách hàng mục tiêu.
- Xác định chiến lược giá cả phù hợp để tạo thu nhập, đáp ứng nhu cầu khách hàng.
- Đảm bảo quy trình bán hàng và phân phối được thực hiện một cách hiệu quả.
Không đơn thuần là một kế hoạch, GTMS còn là một quá trình liên tục được điều chỉnh và cải thiện theo thời gian. Với sự hỗ trợ của GTMS, doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa tiềm năng của sản phẩm/dịch vụ trên thị trường và đạt được sự thành công bền vững.
Vì sao doanh nghiệp áp dụng Go To Market Strategy khi tung sản phẩm mới?
Định hình mục tiêu
GTMS giúp doanh nghiệp xác định rõ mục tiêu của sản phẩm hoặc dịch vụ mới và đối tượng khách hàng mà họ muốn tiếp cận. Khi nắm rõ các mục tiêu, doanh nghiệp có thể tập trung vào việc phát triển những hoạt động tiếp thị, bán hàng phù hợp để đạt được hiệu quả cao.

Xác định cách tiếp cận thị trường
GTMS giúp xác định cách tiếp cận thị trường tối ưu nhằm đưa sản phẩm/dịch vụ mới đến tay khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả. Khi phân tích thị trường, nghiên cứu đối thủ cạnh tranh và đánh giá các kênh tiếp thị khác nhau, doanh nghiệp có thể đưa ra quyết định thông minh về cách tiếp cận khách hàng mục tiêu.
Xây dựng nhận thức thương hiệu
GTMS giúp doanh nghiệp xây dựng và tăng nhận thức về thương hiệu mới. Doanh nghiệp có thể áp dụng các hoạt động quảng cáo, truyền thông và tiếp thị. Những hoạt động này sẽ giúp doanh nghiệp tăng sự chú ý, thu hút khách hàng tiềm năng đến với sản phẩm/dịch vụ mới của mình.
Tối ưu hóa quy trình kinh doanh
GTMS giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình kinh doanh bằng cách xác định các kênh phân phối, phương thức bán hàng và chiến lược giá cả phù hợp. Đây là cách để doanh nghiệp nhanh chóng đưa sản phẩm/dịch vụ mới vào thị trường. Từ đó, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp cũng được thúc đẩy.
Đánh giá và điều chỉnh
GTMS cho phép doanh nghiệp đánh giá hiệu quả của chiến lược tiếp thị và bán hàng. Bằng cách theo dõi và đo lường các chỉ số quan trọng như doanh số bán hàng, tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ tiếp cận khách hàng,…, doanh nghiệp có thể xác định kết quả thực tế của chiến lược kinh doanh. Nếu cần, doanh nghiệp cũng có thể điều chỉnh GTMS để tối ưu hóa hiệu quả.

5 yếu tố cơ bản của Go To Market Strategy
Đối tượng khách hàng (Target Customers)
Yếu tố đầu tiên của GTM Strategy là xác định rõ ràng đối tượng khách hàng mục tiêu. Hoạt động này bao gồm việc nghiên cứu và hiểu rõ về khách hàng tiềm năng. Để “phác hoạ” chân dung khách hàng chuẩn xác, bạn có thể sử dụng những “chất liệu” như demografic, hành vi tiêu dùng, nhu cầu và vấn đề mà sản phẩm hoặc dịch vụ,… Bằng cách tìm hiểu và định rõ đối tượng khách hàng, bạn có thể tập trung nỗ lực tiếp thị, tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn.
Phân đoạn thị trường (Market Segmentation)
Phân đoạn thị trường là quá trình chia nhỏ thị trường chung thành các phân đoạn nhỏ hơn với nhóm khách hàng có các đặc điểm và nhu cầu tương tự. Việc phân đoạn thị trường giúp bạn hiểu sâu hơn về từng nhóm khách hàng, từ đó tạo ra thông điệp tiếp thị phù hợp. Đồng thời, đây cũng là cách để bạn tối ưu hóa các hoạt động tiếp thị cho mỗi phân đoạn. Điều này giúp tăng khả năng chinh phục khách hàng và nâng cao hiệu quả GTMS.
Kênh phân phối (Distribution Channels)
Kênh phân phối là các phương tiện và cơ chế để tiếp cận và đưa sản phẩm/dịch vụ đến với khách hàng. Một số kênh phân phối phổ biến là: bán lẻ, đại lý, phân phối qua đại lý, kênh trực tuyến, tiếp thị qua mạng xã hội,… Lựa chọn kênh phân phối phù hợp giúp đảm bảo sản phẩm/dịch vụ của bạn được tiếp cận đúng đối tượng khách hàng.

Chiến lược giá cả (Pricing Strategy)
Chiến lược giá cả là việc định giá sản phẩm/dịch vụ của bạn trong thị trường. Đây là một yếu tố quan trọng trong GTMS. Trên thực tế, giá cả không chỉ ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm mà còn tác động đến hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Khi đề xuất một chiến lược giá cả, bạn cần xem xét các yếu tố như chi phí sản xuất, chi phí cạnh tranh, giá trị cung cầu, lợi nhuận mong muốn,… Bạn có thể lựa chọn mức giá phù hợp để tăng sức hấp dẫn cho sản phẩm/dịch vụ. Mức giá cũng là yếu tố để bạn định vị thương hiệu hoặc tạo ra lợi thế cạnh tranh.
Chiến lược tiếp thị và quảng bá (Marketing and Promotion Strategy)
Chiến lược tiếp thị và quảng bá là hoạt động quan trọng trong việc giới thiệu cũng như xây dựng nhận diện thương hiệu của sản phẩm/dịch vụ. Hoạt động này bao gồm việc xác định các phương tiện tiếp cận khách hàng như quảng cáo, PR, tiếp thị trực tuyến, sự kiện, tạo nội dung, mạng xã hội,… Bằng cách lựa chọn và thực hiện chiến lược tiếp thị, quảng bá phù hợp, bạn có thể thu hút sự quan tâm của khách hàng.
Cách xây dựng Go To Market Strategy hiệu quả
#1. Chọn thị trường mục tiêu
Để xây dựng chiến lược Go To Market Strategy, bước đầu tiên bạn cần làm là xác định thị trường mục tiêu của doanh nghiệp. Có thể nói, đây là bước quan trọng khi doanh nghiệp cho ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới.
Vậy làm thế nào để lựa chọn thị trường mục tiêu phù hợp?
Tốt nhất, bạn và đội ngũ của mình nên tự đặt ra và trả lời những câu hỏi sau:
- Sản phẩm/dịch vụ bạn cung cấp phù hợp với người dùng cá nhân (B2C) hay khách hàng doanh nghiệp (B2B)?
- Bạn dựa trên yếu tố nào để xác định thị trường mục tiêu? Đó là nhân khẩu học, vị trí địa lý hay sở thích tiêu dùng?
- Những vấn đề mà khách hàng tiềm năng gặp phải là gì? Sản phẩm/dịch vụ có thể giải quyết “nỗi đau” của khách hàng bằng cách nào?

#2. Xác định giá trị độc đáo (Unique Value Proposition – UVP)
Bước tiếp theo, bạn hãy xác định những giá trị độc đáo mà sản phẩm/dịch vụ mang lại cho khách hàng so với các đối thủ cạnh tranh. Làm nổi bật những lợi ích và giá trị cụ thể sẽ giúp khách hàng hiểu rõ sản phẩm/dịch vụ của bạn. Từ đó, họ sẽ biết lý do vì sao nên sử dụng sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp.
#3. Xác định chiến lược tiếp cận khách hàng
Xác định các kênh tiếp cận khách hàng mục tiêu cũng là bước quan trọng để bạn triển khai GTMS. Nhiệm vụ của bạn là xác định các kênh truyền thông, phân phối, tiếp thị phù hợp với đối tượng khách hàng. Bạn cần chắc chắn rằng chiến lược của mình phù hợp với thói quen tiêu dùng, hành vi mua sắm của khách hàng.
#4. Xây dựng kế hoạch tiếp thị
Tạo ra một kế hoạch tiếp thị chi tiết để quảng bá và tiếp cận khách hàng. Đó có thể là: xác định thông điệp tiếp thị, xây dựng hoạt động quảng cáo, marketing online, PR, marketing nội dung,… Bạn hãy đảm bảo rằng kế hoạch tiếp thị của mình phù hợp với giá trị độc đáo và khả năng tiếp cận khách hàng.
#5. Xác định hệ thống bán hàng
Để triển khai GTMS hiệu quả, bạn cũng cần xác định cách thức bán hàng và phân phối sản phẩm/dịch vụ. Bạn có thể lựa chọn bán hàng trực tiếp thông qua đội ngũ bán hàng của mình, hoặc sử dụng kênh bán hàng trực tuyến, đại lý, đối tác hoặc hệ thống phân phối.

#6. Thiết lập đội ngũ bán hàng và hỗ trợ
Xác định và đào tạo đội ngũ bán hàng để đảm bảo họ có đủ kiến thức cũng như kỹ năng kinh doanh. Nhờ đó, họ sẽ hiểu và quảng bá sản phẩm của bạn hiệu quả hơn. Đồng thời, bạn cũng phải xây dựng hệ thống hỗ trợ khách hàng đầy đủ, chuyên nghiệp. Vì đây là kênh để khách hàng giải đáp thắc mắc và xử lý các vấn đề kỹ thuật.
#7. Đo lường và theo dõi hiệu quả
Bạn cần xác định các chỉ số hiệu quả và mục tiêu cụ thể để đo lường sự thành công của chiến lược GTM. Để thu thập kết quả chính xác, bạn có thể sử dụng những công cụ phân tích, theo dõi có sẵn trên thị trường. Từ những thông tin thu thập được, bạn sẽ dễ dàng xác định hiệu quả của GTMS.
#8. Điều chỉnh và cải thiện
Cuối cùng, bạn cần dựa trên phản hồi từ thị trường và khách hàng để điều chỉnh, cải thiện chiến lược GTM. Dựa trên kết quả nhận được, bạn và đội ngũ của mình cần phát huy, duy trì những điểm mạnh, khắc phục các lỗ hổng hoặc hạn chế một cách triệt để. .
Tóm lại, xây dựng Go To Market Strategy là một quá trình liên tục và đòi hỏi sự linh hoạt để thích nghi với biến đổi thị trường. Vậy nên, mỗi doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật kiến thức về lĩnh vực và đối thủ cạnh tranh của mình. Hy vọng bài viết trên đã góp phần giúp bạn hiểu rõ Go To Market Strategy là gì. Chúc bạn thành công với những chiến lược kinh doanh sắp tới nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Chiến lược bán hàng trong Go To Market Strategy là gì?
Chiến lược bán hàng trong GTMS là những hoạt động và quy trình bán hàng với mục đích tiếp cận khách hàng. Các hoạt động này bao gồm: xây dựng các chiến lược đàm phán, chăm sóc khách hàng và xử lý vấn đề khách hàng gặp phải,…
Go To Market Strategy phù hợp với loại doanh nghiệp nào?
GTMS có thể được áp dụng cho mọi loại doanh nghiệp, từ startup đến các tập đoàn lớn. Việc xác định và triển khai GTMS giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mục tiêu hiệu quả, tối ưu hóa tiềm năng của sản phẩm/dịch vụ.
Triển khai GTMS tốn nhiều chi phí không?
Tuỳ vào quy mô, ngành nghề và mục tiêu của doanh nghiệp, chi phí triển khai GTMS sẽ khác nhau. Doanh nghiệp có thể cân nhắc ngân sách cũng như mục tiêu kinh doanh của mình để triển khai GTMS phù hợp.
GTMS có liên quan đến phân khúc thị trường không?
Câu trả lời là: “Có!”. GTMS bao gồm hoạt động xác định, chọn lựa các phân khúc thị trường mục tiêu. Bằng cách tập trung vào nhóm khách hàng cụ thể, GTMS sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hoá việc tiếp cận khách hàng, tiếp thị và tăng khả năng cạnh tranh.