Dù là một hình thức trao đổi thông tin cổ điển, nhưng đến nay, Email vẫn là một phần không thể thiếu trong công việc và học tập của con người. Công cụ này phổ biến và tiện lợi đến mức hầu như ai cũng sở hữu cho mình một địa chỉ Email riêng. Vậy Email là gì? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Giới thiệu chung về Email
Email là gì?
Email hay E-mail là từ viết tắt của Electronic Mail, tạm dịch: Thư điện tử. Đây là một phương tiện trao đổi thông tin thông qua mạng Internet giữa các thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại, máy tính bảng,… Việc Email ra đời mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của con người, trong đó phải kể đến sự nhanh chóng và an toàn.
Thông thường, các dịch vụ Email đều miễn phí. Bạn chỉ cần có một tài khoản Email và được kết nối Internet là đã có thể gửi thư cho bạn bè, người thân và đối tác. Ngoài ra, Email không chỉ chứa văn bản đơn thuần mà trong đó còn có thể kèm theo các hình ảnh, âm thanh, video,..
Bên cạnh việc sử dụng Email để gửi hay nhận thư, đây còn là một yếu tố bắt buộc khi bạn muốn đăng ký tài khoản mạng xã hội như Facebook, các diễn đàn, tài khoản để chơi game online và rất nhiều loại tài khoản khác.
Cũng vì vậy, Email đang được sử dụng rộng rãi hiện nay và là một thứ không thể thiếu trong việc học tập và làm việc.
Địa chỉ Email là gì?
Địa chỉ email là tên đầy đủ của Email khi một ai đó nhập vào để gửi thư cho bạn. Giống như mỗi căn nhà sẽ có địa chỉ riêng Email cũng vậy, chỉ khác là bạn được phép đặt tên Email thoải mái miễn sao cái tên đó chưa có ai lựa chọn chứ không bị gò bó như số nhà.
Ví dụ: dongtung@gmail.com, abc@yahoo.com, support@tino.org.
Lịch sử hình thành Email
- Năm 1965: Ray Tomlinson, một kỹ sư lập trình người Mỹ, được cho là người đầu tiên đã thành công trong việc gửi thông điệp giữa hai máy tính sử dụng mạng ARPANET (mạng máy tính sơ đẳng ban đầu của Mỹ). Ông sử dụng ký tự “@” để ngăn cách tên người dùng và tên máy chủ, tạo nên địa chỉ Email đầu tiên như chúng ta biết ngày nay.
- Năm 1971: Ray Tomlinson đã phát triển hệ thống gửi thư điện tử trên ARPANET, đánh dấu sự xuất hiện của Email thực sự. Người dùng có thể gửi tin nhắn qua mạng giữa các máy tính khác nhau. Ông cũng tạo ra giao thức đầu tiên để gửi và nhận thư điện tử qua mạng.
- Năm 1978: Vinton Cerf và Bob Kahn phát triển giao thức TCP/IP. Đây là bộ giao thức mạng tiêu chuẩn cho Internet. Bước ngoặt này đã giúp Email phát triển nhanh chóng với khả năng gửi thư giữa các máy tính trên mạng.
- Năm 1982: SMTP (Simple Mail Transfer Protocol) ra đời, giúp tạo nên quy trình chuẩn để gửi thư qua Internet.
- Năm 1983: Các giao thức POP (Post Office Protocol) cũng như IMAP (Internet Message Access Protocol) được phát triển, giúp người dùng có khả năng truy cập thư điện tử từ máy chủ từ xa và lưu trữ thư trên máy chủ.
- Năm 1991: Tim Berners-Lee phát triển World Wide Web (WWW), mở ra cánh cửa cho việc sử dụng Email thông qua trình duyệt web, thay vì phải sử dụng các ứng dụng Email riêng biệt.
- Từ những năm 1990 đến nay: Email trở thành phương tiện truyền thông phổ biến và không thể thiếu trong công việc, cuộc sống hàng ngày. Các dịch vụ Email lớn như Yahoo Mail, Hotmail (sau này là Outlook) và Gmail của Google đã ra đời, phát triển với nhiều tính năng linh hoạt.
Email hoạt động như thế nào?
Email hoạt động dựa trên một loạt các giao thức và quy trình để gửi, nhận và lưu trữ thông điệp điện tử.
Soạn thư điện tử (Compose Email)
Người dùng sử dụng một ứng dụng Email (như Outlook, Gmail, Thunderbird) để soạn thư điện tử. Họ điền vào địa chỉ Email của người nhận, tiêu đề, nội dung và tập tin đính kèm (nếu có).
Gửi thư điện tử (Send Email)
Khi người dùng nhấn nút “Gửi“, ứng dụng Email sẽ sử dụng giao thức SMTP (Simple Mail Transfer Protocol) để gửi thư từ máy tính của người gửi đến máy chủ Email của họ (Mail Server Outgoing).
Máy chủ đi (Outgoing Mail Server)
Máy chủ đi nhận thư từ ứng dụng Email và sử dụng giao thức SMTP để gửi thư đến máy chủ Email của người nhận. Máy chủ đi thường sử dụng cổng 25 hoặc 587 để giao tiếp.
Máy chủ đến (Incoming Mail Server)
Máy chủ đến là nơi lưu trữ thư điện tử mới của người nhận. Điểm đặc biệt là máy chủ đến có thể sử dụng các giao thức khác nhau như POP3 (Post Office Protocol 3) hoặc IMAP (Internet Message Access Protocol).
- POP3: Thư được tải về máy tính của người nhận và xóa khỏi máy chủ. Thư điện tử thường được lưu trữ cục bộ và không đồng bộ trên nhiều thiết bị.
- IMAP: Thư vẫn được lưu trữ trên máy chủ và có thể được truy cập từ nhiều thiết bị. Thư trên máy tính của người nhận chỉ là bản sao.
Người nhận đọc thư (Read Email)
Khi người nhận mở ứng dụng Email của họ, ứng dụng sẽ sử dụng giao thức IMAP hoặc POP3 để tải thư từ máy chủ đến.
Trả lời và chuyển tiếp (Reply and Forward)
Người nhận có thể trả lời thư, chuyển tiếp hoặc thêm bình luận mới. Quá trình này cũng sử dụng giao thức SMTP để gửi thư đi.
Lưu trữ (Archiving)
Thư có thể được lưu trữ trong hộp thư đến (inbox), hộp thư gửi đi (sent), hộp thư rác (spam), các thư mục khác tùy thuộc vào cách cấu hình và quản lý của người dùng.
Bảo mật và xác thực (Security and Authentication)
Giao thức SSL (Secure Sockets Layer) hoặc TLS (Transport Layer Security) thường được sử dụng để bảo mật dữ liệu trong quá trình truyền tải thư. Để truy cập vào hộp thư, người dùng thường cần đăng nhập bằng tên đăng nhập và mật khẩu.
Cấu trúc của một địa chỉ Email
Định dạng chuẩn của địa chỉ Email như sau: tennguoidung@congty.tenmien. Chỉ những ký tự cụ thể (đa phần là chữ cái, số và một số dấu chấm câu như dấu chấm hoặc gạch ngang) mới được phép dùng trong tên địa chỉ email. Cấu trúc của một địa chỉ Email gồm 2 phần chính: tên người dùng và tên miền.
Phần 1: Tên người dùng
Phần này viết liền không dấu, do người dùng đặt ra và đứng trước ký tự @.
Ví dụ: Trong địa chỉ Email: huynhdongtung@gmail.com thì “huynhdongtung” là phần tên người dùng.
Tên người dùng có thể ở nhiều định dạng khác nhau, bao gồm tên gọi, tên gọi.tên họ (ví dụ: tung.huynh) hoặc chữ cái đầu tiên, tên họ (ví dụ: THuynh).
Nếu bạn cần dịch vụ email theo tên công ty miễn phí thì có thể đăng ký miễn phí tại https://tinohost.com/business-email/
Phần 2: Tên miền
Tên miền thường đứng sau ký hiệu @, nó chính là tên của nơi cung cấp dịch vụ thư điện tử.
Bạn có thể nhận địa chỉ Email từ nhà cung cấp dịch vụ Internet, công ty, trường học hoặc qua dịch vụ email dựa trên web như Gmail, Outlook, iCloud…Trong đó Gmail là nhà cung cấp dịch vụ Email phổ biến nhất.
Các thành phần của một Email
Địa chỉ người gửi (Sender’s Address)
Đây là địa chỉ Email của người gửi, thường nằm trong phần “From” hoặc “Sender” của Email.
Địa chỉ người nhận (Recipient’s Address)
Đây là địa chỉ Email của người nhận, thường nằm trong phần “To” của Email. Bạn cũng có thể thêm nhiều địa chỉ Email người nhận khác nhau.
Địa chỉ CC (Carbon Copy)
Đây là địa chỉ Email của những người bạn muốn thông báo hoặc sao chép Email đến. Họ sẽ nhìn thấy ai nằm trong danh sách nhận Email.
Địa chỉ BCC (Blind Carbon Copy)
Tương tự như CC, nhưng người nhận trong danh sách BCC sẽ không thấy những người khác trong danh sách này. Đây thường được sử dụng để gửi Email đến nhiều người mà không tiết lộ danh tính của tất cả mọi người.
Tiêu đề (Subject)
Tiêu đề là một dòng ngắn gọn mô tả nội dung chính của Email, giúp người nhận hiểu nhanh về nội dung của thông điệp.
Nội dung (Content)
Phần này chứa nội dung chính của Email, bao gồm: văn bản, hình ảnh, video, đính kèm tập tin, liên kết và nhiều loại thông tin khác.
Chữ ký (Signature)
Chữ ký thường nằm ở cuối Email và chứa thông tin về người gửi như tên, vị trí công việc, thông tin liên hệ và các thêm thông tin khác.
Tập tin đính kèm (Attachments)
Email có thể đi kèm với các tập tin như hình ảnh, tài liệu văn bản, bảng tính và những định dạng khác. Các tập tin này được gửi cùng với Email để chia sẻ thông tin hoặc tài liệu cần thiết.
Ngày và giờ (Date and Time)
Thông điệp được gửi đi và nhận thường đi kèm với ngày/giờ gửi nhận, giúp người nhận biết khi nào Email đã được gửi.
Header và Metadata (Header Information)
Header chứa các thông tin về quá trình gửi Email bao gồm các tiêu đề điều hướng, thông tin về máy chủ gửi và máy chủ đích, mã xác thực bảo mật, và các thông tin khác.
Các địa chỉ phụ trợ (Reply-To, Return-Path)
Các địa chỉ này xác định nơi người nhận hoặc hệ thống Email của họ nên gửi phản hồi lại.
Ưu điểm và hạn chế của Email
Ưu điểm
Tiết kiệm chi phí
Gửi Email hoàn toàn miễn phí, ngoài chi phí cho dịch vụ Internet. Bạn sẽ không cần phải mua tem và sử dụng dịch vụ bưu chính để gửi thư.
Tiết kiệm thời gian
Thời gian gửi thư cũng nhanh chóng hơn giúp người gửi và người nhận có thể giải quyết các vấn đề cấp bách một cách tốt nhất. Ngoài ra, việc đánh máy Email sẽ giúp tiết kiệm thời gian hơn thay vì viết tay.
Gửi Email đến bất kỳ đâu
E-mail có thể được gửi đến bất cứ Quốc gia và vùng lãnh thổ nào trên thế giới.
Tệp đính kèm
Mỗi Email có thể gồm một hoặc nhiều tệp đính kèm, cho phép bạn đính kèm thêm tài liệu, hình ảnh, video, âm thanh,..
Lưu trữ dài hạn
Email được lưu trữ điện tử trong thời gian dài. Ngoài ra, Email cũng không dễ bị thất lạc hay rách do những tác động bên ngoài.
Thân thiện với môi trường
Gửi Email không yêu cầu giấy, bìa cứng hoặc băng đóng gói, điều này giúp bảo tồn tài nguyên môi trường.
Tính bảo mật cao
Mỗi địa chỉ Email sẽ có một mật khẩu riêng do chính chủ sở hữu đặt ra. Do đó, bạn chỉ có thể đăng nhập và đọc Email khi có mật khẩu.
Hạn chế
Thiếu thành ý
Một số người không thích nhận Email bằng thư tay vì cho rằng thiếu thành ý, thiếu sự trân trọng. Mặc khác, vì Email không thể bộc lộ cảm xúc nên người nhận có thể hiểu sai thông điệp của người gửi
Dễ gửi sai người nhận
Đôi khi Email cũng có thể gửi sai tới người nhận chỉ vì gõ sai 1 ký tự địa chỉ gửi thư. Điều này xảy ra thường xuyên đối với những địa chỉ Email được đặt gần giống nhau.
Có thể chứa virus
Một số Email có thể chứa các tệp tin có virus, nên người dùng cần cẩn thận khi mở Email từ người lạ hoặc khi có yêu cầu tải xuống tệp đính kèm.
Bị chuyển thành spam
Trong một số trường hợp khiến Email bị gửi vào hòm thư spam làm người nhận không biết mình đã nhận được thư.
Giới hạn lưu trữ
Các dịch vụ Email miễn phí thường bị giới hạn dung lượng lưu trữ, dẫn đến việc bạn có thể không nhận được thư mới và buộc phải xóa những thư cũ do hộp thư đến đã đầy.
Sự khác biệt giữa Email và Webmail
Phương thức truy cập
- Email: Người dùng sử dụng các ứng dụng Email đã cài đặt trên máy tính (như Microsoft Outlook, Mozilla Thunderbird) hoặc ứng dụng di động để quản lý thư. Các ứng dụng này cần cấu hình địa chỉ máy chủ Email để hoạt động.
- Webmail: Người dùng truy cập vào trình duyệt web và đăng nhập vào trang web của nhà cung cấp dịch vụ Email (như Gmail, Yahoo Mail) để gửi, nhận, quản lý thư.
Khả năng truy cập và thiết bị
- Email: Thường chỉ có thể truy cập từ các thiết bị đã cài đặt ứng dụng Email. Dữ liệu thư và tài liệu đính kèm sẽ được lưu trữ cục bộ trên thiết bị.
- Webmail: Cho phép truy cập từ bất kỳ thiết bị có trình duyệt web và kết nối Internet nào, bao gồm: máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị thông minh khác.
Lưu trữ dữ liệu
- Email: Thư và tài liệu đính kèm có thể được lưu trữ cục bộ trên máy tính hoặc máy chủ riêng, tùy thuộc vào cài đặt và cấu hình của người dùng.
- Webmail: Dữ liệu thư và tài liệu đính kèm thường được lưu trữ trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ Email. Người dùng truy cập thông qua trình duyệt web, dữ liệu luôn có sẵn khi đăng nhập từ bất kỳ đâu.
Quản lý dữ liệu
- Email: Người dùng có kiểm soát cao hơn về việc quản lý dữ liệu thư và tập tin đính kèm. Họ có thể sao chép, di chuyển, lưu trữ và sao lưu dữ liệu dễ dàng.
- Webmail: Thường giới hạn trong việc quản lý dữ liệu. Tuy nhiên, một số dịch vụ webmail cung cấp khả năng tạo thư mục và gắn nhãn để tổ chức dữ liệu.
Bảo mật và quyền riêng tư
- Email: Người dùng có kiểm soát cao hơn về bảo mật và quyền riêng tư, vì dữ liệu thường lưu trữ cục bộ và họ có thể áp dụng các biện pháp bảo mật tùy chỉnh.
- Webmail: Dữ liệu thư và tài liệu đính kèm thường lưu trữ trên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ. Bảo mật phụ thuộc vào chính sách và biện pháp bảo mật của nhà cung cấp.
Bảo mật dữ liệu trong truyền tải
- Email: Cần sử dụng giao thức bảo mật như SSL hoặc TLS để mã hóa dữ liệu trong quá trình truyền tải thư qua mạng.
- Webmail: Đa số dịch vụ webmail sử dụng SSL hoặc TLS để bảo mật dữ liệu trong truyền tải.
Phân loại Email phổ biến hiện nay
Email cá nhân
Email cá nhân là tài khoản Email của cá nhân cụ thể, đuôi của Email cá nhân thường có dạng tên miền của nhà cung cấp, ví dụ: @yahoo.vn, @gmail.com,…
Các dữ liệu, thông tin sẽ được lưu trong hộp thư cá nhân khi sử dụng Email này. Trong công việc, người ta hạn chế sử dụng Email cá nhân vì không thể hiện được sự chuyên nghiệp.
Email doanh nghiệp
Email doanh nghiệp hay Business Email là dạng Email sử dụng tên miền riêng của công ty. Email này sẽ do doanh nghiệp quản lý và cấp cho từng nhân viên sử dụng để giao tiếp trong công việc như gửi thư cho khách hàng, đối tác,…Trong trường hợp nhân viên nghỉ việc, công ty có thể thu hồi Email về và đảm bảo các dữ liệu, thông tin cũng được lưu trữ trong phạm vi an toàn.
Mức độ bảo mật của Email doanh nghiệp cao hơn nhiều so với Email cá nhân và cũng ít bị Spam hơn.
Công dụng của thư điện tử
Giao tiếp cá nhân và kết nối xã hội
Thư điện tử đã tạo nên một kênh giao tiếp cá nhân hiệu quả trong thời đại số hóa. Nhờ tính năng gửi/nhận thư từ bất kỳ nơi nào trên thế giới thông qua Internet, mọi người có thể dễ dàng liên lạc, kết nối với bạn bè, gia đình và người thân từ xa.
Thư điện tử tạo ra một không gian cho trao đổi thông điệp, hình ảnh, video và những câu chuyện cuộc sống hàng ngày. Đây là cách giúp người dùng giữ vững mối quan hệ và sự gần gũi trong môi trường hiện đại.
Giao tiếp trong kinh doanh và công việc
Email là công cụ chính trong môi trường kinh doanh. Công cụ này đã thay đổi cách chúng ta tương tác và làm việc. Doanh nghiệp sử dụng Email để gửi thông báo, báo cáo, hợp đồng và hóa đơn đến đối tác, khách hàng và đồng nghiệp. Với tính năng tích hợp với lịch trình làm việc, Email giúp lập kế hoạch và quản lý nhiệm vụ, tạo ra môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn.
Marketing và quảng cáo
Email cũng đã trở thành một phương tiện quan trọng trong các chiến dịch quảng cáo và tiếp thị. Công cụ này có khả năng gửi đến hàng ngàn hoặc thậm chí hàng triệu người cùng lúc. Có thể thấy, Email đã giúp các doanh nghiệp tiếp cận và tương tác với khách hàng tiềm năng một cách hiệu quả. Các chiến dịch Email marketing thường chứa thông tin về sản phẩm mới, ưu đãi độc quyền, thông báo sự kiện và nhiều hình thức quảng cáo khác.
Quản lý công việc và lịch trình
Một trong những ứng dụng quan trọng của thư điện tử trong môi trường làm việc là việc quản lý công việc và lịch trình. Email hỗ trợ người dùng gửi thông báo về nhiệm vụ, lịch họp cho các thành viên trong tổ chức hoặc nhóm làm việc. Một số tính năng như gắn thẻ và phân loại thư giúp tạo ra tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong việc theo dõi các hoạt động cũng như công việc.
Lưu trữ thông tin và tài liệu
Một trong những ưu điểm lớn của Email là khả năng lưu trữ thông tin quan trọng và tài liệu. Thư điện tử giúp người dùng lưu trữ thông tin liên quan đến công việc, học tập hoặc cuộc sống cá nhân, tạo nên một cơ sở dữ liệu cá nhân dễ dàng truy cập và tìm kiếm khi cần.
Giao tiếp học tập và giảng dạy
Email cũng đã có sự ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực giáo dục. Giáo viên có thể sử dụng Email để gửi thông báo về nội dung học tập, bài tập và tài liệu cho học sinh. Ngoài ra, Email còn cung cấp một kênh cho học sinh và giáo viên thảo luận, trao đổi ý kiến và tương tác ngoài lớp học.
Tìm hiểu về nhà cung cấp dịch vụ Email miễn phí và trả phí
Đơn vị cung cấp Email miễn phí tốt nhất hiện nay
Gmail
Gmail được biết đến là một trong những nhà cung cấp dịch vụ Email miễn phí tốt nhất hiện nay. Theo một thống kê, tính đến năm 2016, trên thế giới có khoảng hơn 1 tỷ người sử dụng Gmail.
Thuộc sở hữu của Google, Gmail có rất nhiều tiện ích và hệ thống bộ lọc mạnh mẽ. Một số tính năng nổi bật nhất của dịch vụ Email này có thể kể đến như: tính năng hoàn tác gửi, chuyển tiếp Email, xác minh 2 bước , spam filter,… Ngoài ra, Gmail còn được tích hợp với các công cụ hữu ích do Google phát triển như Google Calendar, Google Documents,…
Outlook
Outlook là dịch vụ Email miễn phí do Microsoft phát triển..Dịch vụ Email này được hỗ trợ rất nhiều tính năng hữu ích từ Microsoft như: Cultter, undelete, phục hồi email,..Ngoài ra, Outlook cũng sử dụng tính năng xác minh 2 bước để đảm bảo tính bảo mật cho tài khoản người dùng.
Outlook hiện đang rất được ưa chuộng từ cá nhân đến doanh nghiệp. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã khai thác tối đa các tính năng để đưa Outlook trở thành một trợ thủ đắc lực trong công việc.
Đơn vị cung cấp Email doanh nghiệp (Email theo tên miền riêng)
Hiện nay có rất nhiều đơn vị cung cấp Email doanh nghiệp uy tín. Nổi bật nhất trong số đó là Tinomail.
Tinomail tự hào là đơn vị chuyên cung cấp giải pháp Email theo tên miền riêng dành cho các doanh nghiệp và cá nhân. Ưu điểm nổi bật của Tinomail là có một hệ thống Email và các dịch vụ vô cùng linh hoạt, có thể đáp ứng tối đa nhu cầu sử dụng đa dạng của khách hàng, mang lại những giá trị tốt nhất cho doanh nghiệp khi kinh doanh trong thời đại công nghệ số.
Tham khảo dịch vụ Email doanh nghiệp của Tinomail tại đây
Kinh nghiệm sử dụng email hiệu quả
Đặt tên Email chuyên nghiệp
Để người khác tin tưởng, trước hết, bạn cần phải đặt tên Email thật chuyên nghiệp. Điều này sẽ khiến người nhận có ấn tượng tốt ngay từ lần đầu tiên. Nhờ vậy, tỷ lệ đọc email của bạn sẽ tăng cao.
Bên cạnh đó, việc sử dụng tên miền riêng cũng sẽ giúp bạn càng trông chuyên nghiệp hơn. Không chỉ vậy, Email tên miền riêng có nhiều tính năng hữu ích như: chống spam, chặn email lạ, an toàn bảo mật,…
Nên tránh đặt tên những Email kiểu pegauxinh@gmail.com, changtraimanhme@gmail.com, cuncondethuong@yahoo.com…
Đặt tiêu đề Email rõ ràng, súc tích
Hầu như ít ai để trống tiêu đề Email, các Email không có tiêu đề rất dễ bị người nhận bỏ qua khi kiểm tra hộp thư. Tiêu đề phải được viết ngắn gọn, khái quát đúng nội dung chính của thư.
Kiểm tra lại và chỉnh sửa Email trước khi gửi
Đây là những việc làm rất cần thiết trước khi gửi Email. Việc kiểm tra lại Email tuy mất thời gian nhưng giúp bạn rất nhiều thứ như sửa lỗi chính tả; chỉnh lại các câu văn, đoạn văn lủng củng, khó hiểu; kiểm tra đúng tên người nhận hay file đính kèm,..
Lời chào cần phải chuyên nghiệp
Tránh mở đầu Email bằng những lời chào thiếu chuyên nghiệp. Thay vào đó, bạn cần viết lời chào lịch sự, phù hợp với từng đối tượng người nhận khác nhau như khách hàng, đối tác, bạn bè, thầy cô,.. Nên dùng những từ như: Kính gửi, Thân gửi,…
Nên cẩn thận với các đính kèm và đường dẫn lạ
Cần tránh việc mở các file đính kèm trên các Email lạ vì chúng có thể mang đến virus cho thiết bị của bạn.
Ngoài ra, đặc biệt cẩn trọng với những Email liên quan đến ngân hàng, dịch vụ thanh toán online,..Vì hiện nay xuất hiện rất nhiều đối tượng lừa đảo qua Email.
Ví dụ về các cuộc tấn công Email và bảo mật thư điện tử
Phishing
Phishing là hình thức tấn công mạo danh, trong đó kẻ tấn công giả mạo thành một tổ chức, doanh nghiệp hoặc cá nhân tin cậy và gửi Email giả mạo để lừa đảo người nhận cung cấp thông tin nhạy cảm như mật khẩu, thông tin tài khoản hoặc số thẻ tín dụng.
Spear Phishing
Tương tự như phishing, nhưng tấn công này tập trung vào một cá nhân, doanh nghiệp hoặc tổ chức cụ thể. Kẻ tấn công thường sử dụng thông tin cá nhân hoặc dữ liệu công ty để làm cho Email giả mạo trở nên thuyết phục hơn.
Malware Attachments
Với cuộc tấn công này, tội phạm mạng sẽ gửi Email đính kèm tập tin có chứa phần mềm độc hại (malware) như virus, ransomware hoặc trojan. Khi người nhận mở tập tin đính kèm, máy tính của họ có thể bị nhiễm malware.
Spoofing
Kẻ tấn công thay đổi địa chỉ Email hoặc tiêu đề Email để giả mạo người gửi thật và lừa người nhận tin tưởng. Ví dụ, kẻ tấn công có thể thay đổi địa chỉ Email thành một tên miền tương tự để lừa đảo người nhận.
Man-in-the-Middle (MitM)
Khi tấn công này xảy ra, kẻ tấn công can thiệp vào quá trình truyền tải Email giữa người gửi và người nhận để đánh cắp thông tin, thay đổi nội dung hoặc thậm chí nghe lén.
Các đuôi Email phổ biến
- .COM: Là đuôi phổ biến nhất và đại diện cho “commercial”. Nó thường được sử dụng cho các doanh nghiệp và tổ chức thương mại.
- .NET: Đuôi này ban đầu được thiết kế cho các tổ chức mạng, nhưng hiện nay nó thường được sử dụng rộng rãi và không giới hạn cho một loại tổ chức cụ thể.
- .ORG: Đuôi này thường được sử dụng cho các tổ chức phi lợi nhuận và tôn giáo.
- .EDU: Đuôi này dành riêng cho các tổ chức giáo dục và trường đại học.
- .GOV: Đuôi này dành riêng cho các cơ quan chính phủ.
- .MIL: Đuôi này dành riêng cho các tổ chức quân đội.
- .INFO: Đuôi này thường được sử dụng cho các trang web cung cấp thông tin chung.
- .BIZ: Đuôi này thường được sử dụng cho các doanh nghiệp và tổ chức thương mại, tương tự như .com.
- .CO: Đuôi này thường được sử dụng như một biến thể của .com.
- .US, .UK, .CA, .AU,…: Đuôi này đại diện cho các quốc gia cụ thể, ví dụ như .us cho Hoa Kỳ, .uk cho Vương quốc Anh, .ca cho Canada, .au cho Australia.
- .GOV.VN, .EDU.VN, .ORG.VN: Đuôi này đại diện cho các cơ quan chính phủ Việt Nam, các tổ chức giáo dục, tổ chức phi lợi nhuận tại Việt Nam.
- .GMAIL.COM, .YAHOO.COM, .OUTLOOK.COM: Đây là những đuôi tên miền liên quan đến các dịch vụ Email miễn phí như Gmail, Yahoo Mail và Outlook.
- .NAME: Đuôi này thường được sử dụng cho mục đích cá nhân, giúp tạo địa chỉ Email dễ nhớ với tên riêng của người dùng.
Email ngày càng đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong thời đại 4.0, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp đang cạnh tranh không ngừng nghĩ trên thị trường. Trên đây là một số vấn đề cơ bản xung quanh Email. Hy vọng những thông tin này thật sự hữu ích đối với bạn. Chúc các bạn tạo được cho mình một địa chỉ Email thật chuyên nghiệp nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Email Marketing có phải là một loại Email?
Câu trả lời là không! Email marketing (Tiếp thị qua email) là phương pháp giúp bạn tiếp cận, quảng bá sản phẩm/dịch vụ của mình thông qua Email. Đây là một phần trong chiến lược Marketing và loại Email được dùng phải là Email doanh nghiệp. Email marketing rất hiệu quả cho các chiến dịch quảng bá sản phẩm/dịch vụ và chăm sóc khách hàng, giúp mang khách hàng đến gần thương hiệu hơn.
Nên viết là E-mail hay Email?
Bạn có thể viết Email, email hoặc e-mail tùy ý, vì tất cả đều hợp lệ và có cùng ý nghĩa là “Thư điện tử”. Tuy nhiên, trong một bài viết nhất định, bạn phải lựa chọn thống nhất một cách viết cho toàn bài.
Email có dễ bị tấn công?
Thực tế, Email là một trong những trung gian phổ biến nhất cho các cuộc tấn công mạng. Các phương pháp tấn công bao gồm giả mạo, gửi thư rác, lừa đảo trực tuyến, ransomware và xâm nhập Email doanh nghiệp (BEC). Trong đó, lừa đảo trực tuyến là phương tiện lây nhiễm được sử dụng rộng rãi nhất.
Có hơn 7000 tổ chức bị tấn công BEC hàng tháng, vì cứ hơn 400 Email sẽ có 1 Email bị tấn công bằng phần mềm độc hại. Do đó bạn phải lựa chọn một nhà cung cấp Email thật uy tín để bảo mật tối đa cho Email doanh nghiệp của bạn.
Tại sao không nhận được Email trong khi phía người gửi đã báo gửi thành công?
Rất có thể Email đó đã bị chuyển vào hộp thư spam. Nếu dùng Gmail, bạn có thể gõ “in:spam” vào khung tìm kiếm thư để kiểm tra