Để một sản phẩm được đón nhận rộng rãi trên thị trường, các doanh nghiệp phải xác định được người tiêu dùng có nhu cầu về sản phẩm đó hay không. Do đó, sản phẩm cần được dự báo nhu cầu trước khi ra mắt. Vậy dự báo nhu cầu sản phẩm là gì? Trong bài viết này, Tino Group sẽ cùng bạn tìm hiểu các phương pháp dự báo nhu cầu sản phẩm phổ biến nhất hiện nay.
Dự báo nhu cầu sản phẩm là gì?
Định nghĩa dự báo nhu cầu sản phẩm
Dự báo nhu cầu sản phẩm là một phương pháp phân tích và sử dụng các bộ dữ liệu khác nhau như doanh số bán hàng trong quá khứ, khối lượng hàng tồn kho và giá thị trường để dự đoán nhu cầu của người tiêu dùng về sản phẩm trong tương lai.
Khi dự kiến, đánh giá được nhu cầu sản phẩm trong tương lai, doanh nghiệp có thể xác định được chủng loại, số lượng sản phẩm cần sản xuất. Đây cũng là cơ sở giúp quyết định quy mô doanh nghiệp và chuẩn bị nguồn lực cần thiết.
Lợi ích của dự báo nhu cầu sản phẩm
Chuẩn bị ngân sách
Dự báo về nhu cầu sản phẩm, bạn có thể chuẩn bị chính xác ngân sách cho các hoạt động marketing – bán hàng, chi phí về vận chuyển hoặc chi phí lưu trữ hàng tồn kho.
Ngoài ra, biết được nhu cầu sản phẩm trên thị trường là bao nhiêu, doanh nghiệp sẽ dễ dàng xác định số lượng, chủng loại sản phẩm cần sản xuất để tiết kiệm chi phí cho các hoạt động khác.
Phát triển chiến lược định giá
Hiểu nhu cầu về sản phẩm có thể giúp bạn xác định mức giá thích hợp để bán trên thị trường. Chẳng hạn như các sản phẩm có nhu cầu cao trong thời gian ngắn, bạn hoàn toàn có thể tăng giá để thu về lợi nhuận lớn.
Lưu trữ hàng tồn kho
Càng có nhiều hàng tồn kho, việc lưu trữ càng tốn chi phí. Đồng thời, giữ hàng tồn kho càng lâu, sản phẩm càng có xu hướng giảm giá trị. Dự báo nhu cầu có thể giúp bạn chi tiêu ít hơn khi mua sỉ và luôn sẵn sàng để nhập những mặt hàng mới, mẫu mã hiện đại hơn.
Tránh khan hiếm hàng
Nhu cầu về sản phẩm tăng đột biến luôn có thể xảy ra bất kỳ lúc nào (ví dụ: một sản phẩm có nhu cầu thấp trước đây trở thành trend), dự báo nhu cầu sản phẩm phù hợp có thể giúp bạn tránh tình trạng hết hàng. Khi không có đủ sản phẩm để đáp ứng nhu cầu, khách hàng hoàn toàn có thể chuyển sang đối thủ cạnh tranh.
Các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu sản phẩm
Tính thời vụ
Khi các mùa thay đổi, nhu cầu về sản phẩm cũng có thể thay đổi. Một thương hiệu có tính thời vụ cao hoặc kinh doanh theo chu kỳ sẽ dễ dàng xác định được thời điểm doanh số bán hàng bùng nổ để tăng giá sản phẩm và sau đó sẽ giảm giá bán khi doanh số chậm lại.
Yếu tố cạnh tranh
Nếu một doanh nghiệp mới gia nhập thị trường và bắt đầu tranh giành thị phần, các doanh nghiệp khác sẽ kinh doanh chậm lại. Mặt khác, nếu một đối thủ cạnh tranh hiện tại rút hoặc bắt đầu mất vị thế vì sản phẩm không tốt, doanh thu của các doanh nghiệp sẽ tăng đáng kể.
Yếu tố địa lý
Dự báo nhu cầu sản phẩm không thể bỏ qua yếu tố địa lý, đặc biệt là kinh doanh theo mô hình truyền thống. Nếu cửa hàng của bạn quá xa hoặc ở vị trí không thuận lợi để khách hàng đến và mua sản phẩm, nhu cầu sẽ giảm đáng kể.
Nền kinh tế
Điều kiện kinh tế cũng có thể có tác động lớn đến việc dự báo nhu cầu sản phẩm. Ví dụ, nếu một nền kinh tế đang suy thoái và ít người làm việc hơn, nhu cầu về các sản phẩm xa xỉ, giá cao có thể sẽ bị giảm xuống. Trong khi nhu cầu đối với các sản phẩm bình dân lại tăng lên.
Tùy vào loại hình sản phẩm, dịch vụ
Các sản phẩm và dịch vụ khác nhau có dự báo nhu cầu rất khác nhau. Ví dụ, dự báo nhu cầu đối với hàng hóa dễ hư hỏng, có thời hạn sử dụng ngắn phải rất chính xác, nếu không có thể mất giá trị hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, nhu cầu còn được dự đoán thông qua tỷ lệ giữ chân và khả năng tiêu thụ ổn định của khách hàng.
Các phương pháp dự báo nhu cầu
Phương pháp thống kê
Đây là một phương pháp dự báo nhu cầu đáng tin cậy và hiệu quả về chi phí. Hai cách để sử dụng phương pháp thống kê phổ biến bao gồm: Dự báo xu hướng và Phân tích hồi quy.
Dự báo xu hướng
Đây có lẽ là phương pháp dự báo nhu cầu dễ dàng nhất. Hiểu đơn giản, bạn sẽ nhìn vào quá khứ để dự đoán tương lai và bỏ qua các tình huống xảy ra đột xuất.
Ví dụ: Trong năm vừa rồi, doanh số bán hàng tăng đột biến trong năm trước vì sản phẩm của bạn bỗng trở nên hot trend trong một tháng hoặc website của bạn bị tấn công khiến doanh số bán hàng bị giảm trong một khoảng thời gian. Cả hai sự kiện này ít có khả năng lặp lại nên chúng không nên được tính vào dự báo xu hướng.
Phân tích hồi quy
Phương pháp này cho phép bạn xác định và phân tích mối quan hệ giữa các biến số khác nhau như doanh số bán hàng, chuyển đổi hay đăng ký email. Thông qua phân tích, bạn sẽ có một cái nhìn tổng thể về tác động của mỗi biến số để từ đó phân bổ nguồn lực hợp lý và thúc đẩy doanh số bán hàng.
Nghiên cứu/Khảo sát thị trường
Nghiên cứu thị trường là một dạng khác của dự báo nhu cầu. Trong đó, khảo sát khách hàng là công cụ dự báo nhu cầu quan trọng nhất. Ngày nay, các cuộc khảo sát trực tuyến giúp sẽ bạn dễ dàng nhắm đến đối tượng mục tiêu, đồng thời kết hợp với phần mềm khảo sát giúp cho việc phân tích ít tốn thời gian hơn nhiều so với trước đây.
Bằng cách sử dụng các cuộc khảo sát, các nhà dự báo sẽ thu được nhiều thông tin chi tiết có giá trị. Từ đó có thể vẽ ra một bức tranh tốt hơn về khách hàng cung như nhu cầu của họ về sản phẩm để có chiến lược tiếp phù hợp.
Phương pháp tổng hợp thông tin từ nhân viên bán hàng
Tổng hợp thông tin từ bán hàng là một phương pháp dự báo nhu cầu sản phẩm ở cấp độ chi nhánh hoặc khu vực, sau đó, tổng hợp của tất cả các yếu tố được xem xét để phát triển thành dự báo nhu cầu tổng thể của doanh nghiệp. Cách tiếp cận này rất có giá trị vì nhân viên bán hàng là những người tiếp xúc gần nhất với thị trường nên có thể đưa ra những dự đoán chính xác hơn dựa trên trải nghiệm trực tiếp của họ với khách hàng.
Khi sử dụng phương pháp này, bạn hãy nhớ rằng các yếu tố như giá sản phẩm, chiến dịch tiếp thị, đối thủ cạnh tranh và khả năng chi tiêu của khách hàng có thể khác nhau tùy theo khu vực.
Lấy ý kiến chuyên gia
Ý kiến tập thể rất có giá trị. Tuy nhiên, đôi khi bạn vẫn cần lời khuyên từ các chuyên gia. Doanh nghiệp sử dụng phương pháp dự báo nhu cầu này có thể thuê một chuyên gia bên ngoài để dự đoán hoạt động trong tương lai. Những người có chuyên môn sẽ dễ dàng đưa ra những thông tin hữu ích cho bạn về những gì sẽ xảy ra trong những tuần, tháng hoặc thậm chí là năm tới.
Phương pháp Delphi
Phương pháp Delphi được phát triển bởi RAND Corporation vào những năm 1950 và vẫn còn phổ biến cho đến ngày nay. Phương pháp dự báo Delphi thường được sử dụng cùng với ý kiến chuyên gia để đưa ra dự báo nhu cầu sản phẩm.
Vì phương pháp này cho phép các chuyên gia xây dựng dựa trên kiến thức và ý kiến của nhau nên kết quả cuối cùng có tỷ lệ chính xác cao hơn.
Phương pháp phân tích Leading Indicator, Lagging Indicator và Coincidental indicators
Phương pháp dự báo này sử dụng ba chỉ số để dự đoán xu hướng.
- Leading Indicator: Các chỉ số dự đoán các sự kiện trong tương lai. Ví dụ: sự gia tăng khiếu nại của khách hàng do giao hàng chậm trễ hoặc đơn hàng tồn đọng có thể dẫn đến giảm doanh số bán hàng.
- Lagging Indicator: Các chỉ số phân tích tác động của các sự kiện trong quá khứ. Ví dụ: doanh số bán hàng tăng đột biến vào tháng trước có thể cho thấy xu hướng sản phẩm ngày càng tăng.
- Coincidental indicators: Các chỉ số lặp lại để đo lường các sự kiện đang xảy ra ngay bây giờ. Ví dụ: vòng quay hàng tồn kho theo thời gian thực thể hiện hoạt động bán hàng hiện tại.
Mỗi chỉ số có thể được sử dụng để lập kế hoạch hàng tồn kho tốt hơn và cải thiện quản lý chuỗi cung ứng.
Phương pháp kinh tế lượng
Phương pháp này sẽ xem xét các mối quan hệ giữa các yếu tố kinh tế. Ví dụ: khi đại dịch COVID-19 lan rộng vào năm 2020, nhu cầu mua sắm trực tuyến ngày càng tăng do khách hàng bị cấm ra đường và không được trải nghiệm tại cửa hàng.
Mặc dù về lý thuyết nghe có vẻ đơn giản, nhưng phương pháp dự báo nhu cầu kinh tế lượng thường phức tạp hơn rất nhiều vì các biến số có thể thay đổi khiến kết quả đo lường không còn chính xác. Những người sử dụng phương pháp này chủ yếu là các: Nhà kinh tế lượng.
Thử nghiệm A / B
Hành vi của khách hàng đôi khi có thể được thu thập thông qua các thử nghiệm thị trường được tiến hành trong các điều kiện được kiểm soát. Đó có thể là các chương trình khuyến mãi, tính năng, hình ảnh,… Nếu người tiêu dùng ủng hộ mạnh mẽ một thứ bất kỳ, các doanh nghiệp sẽ hiểu rõ hơn về những gì hấp dẫn họ để dự báo nhu cầu sản phẩm. Ví dụ: một thử nghiệm cho thấy rằng các công ty đạt nhiều doanh thu hơn khi đưa ra mức giá kết thúc bằng số lẻ.
Tóm lại, dự báo nhu cầu sản phẩm là hoạt động rất cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Đây là nền tảng để các chiến dịch marketing và bán hàng được diễn ra thuận lợi. Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ có cái nhìn tổng quan về dự báo nhu cầu sản phẩm để lên kế hoạch áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Nhu cầu khách hàng và nhu cầu sản phẩm có giống nhau?
Về cơ bản, nhu cầu khách hàng có mối quan hệ mật thiết với nhu cầu sản phẩm. Nhu cầu sản phẩm là số lượng mà hàng hóa trên thị trường được khách hàng đón nhận. Trong khi đó, nhu cầu khách hàng là mong muốn, nguyện vọng, suy nghĩ của khách hàng về một điều gì đó, có thể là về sản phẩm, về dịch vụ, hình ảnh doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi,…
Dự báo nhu cầu sản phẩm thông qua xu hướng trong quá khứ có hiệu quả?
Đây là một cách đơn giản để dự báo nhu cầu sản phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường và nền kinh tế biến động, phương pháp này thường không được sử dụng vì các biến cố sẽ làm thay đổi nhu cầu sản phẩm của người tiêu dùng.
Cách sử dụng phương pháp Delphi như thế nào?
Các bước cơ bản để áp dụng phương pháp Delphi như sau:
- Bước 1: Xây dựng một nhóm để thực hiện Delphi.
- Bước 2: Lựa chọn đội ngũ các chuyên gia liên quan tới quá trình Delphi.
- Bước 3: Xây dựng các bộ chỉ số và câu hỏi.
- Bước 4: Áp dụng Delphi vòng 1 và phân tích đáp án vòng 1
- Bước 5: Áp dụng Delphi vòng 2 và phân tích đáp án vòng 2.
- Bước 6: Phân tích và tổng hợp kết quả
Phương pháp phân tích các chỉ báo Leading Indicator và Lagging Indicator có hạn chế gì?
- Đối với Leading Indicator: Phản ứng quá nhanh của chỉ báo dễ khiến nhà đầu tư rơi vào bẫy phá giá, vẫn tồn tại rủi ro nhất định.
- Đối với Lagging Indicator: Bạn sẽ bị trễ khi tìm điểm Market Entry trên thị trường.