Khi nhắc đến một trong những thương hiệu công nghệ lớn trên thế giới, chắc hẳn chúng ta không thể bỏ qua Samsung – một tập đoàn điện tử hàng đầu “xuất thân” từ Hàn Quốc. Để tạo ra một “đế chế” công nghệ cho riêng mình, bên cạnh chất lượng sản phẩm, dịch vụ, Samsung còn tập trung xây dựng một chiến lược Marketing cực kỳ hiệu quả. Hãy cùng Tino Group khám phá chiến lược Marketing của Samsung để hiểu rõ hơn về tập đoàn công nghệ này nhé!
Giới thiệu đôi nét về tập đoàn Samsung
Samsung được biết đến như một tập đoàn công nghệ đa quốc gia lớn bậc nhất thế giới thuộc quyền sở hữu của Hàn Quốc. Tập đoàn được sáng lập bởi ông Lee Byung Chul vào năm 1938. Bên cạnh công nghệ, Samsung còn phát triển đa dạng các lĩnh vực khác như dệt may, bảo hiểm, chứng khoán, chế biến thực phẩm, bất động sản, bán lẻ,…
Trên thị trường công nghệ, Samsung là một trong những “con hổ đầu đàn” có quyền lực nhất hiện nay. Các sản phẩm đến từ Samsung không chỉ chất lượng mà còn rất đắt giá, mang giá trị cao. Thương hiệu này có tầm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Hàn Quốc, góp khoảng ⅕ tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia.
Không chỉ có sức ảnh hưởng sâu rộng tại “xứ sở kim chi”, Samsung còn phủ sóng và đóng vai trò quan trọng đối với nhiều quốc gia khác trên thế giới. Sau hơn 3 thập kỷ hình thành và phát triển, từ một thương hiệu bán lẻ nhỏ bé, Samsung đã vươn lên thành một tập đoàn tài phiệt đa ngành nghề.
Thương hiệu tập trung nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực điện tử tiêu dùng và công nghệ cao, cụ thể là: điện thoại, TV, chất bán dẫn và chip điện thoại. Trong đó, smartphone của Samsung là mặt hàng được người tiêu dùng chú ý hơn cả. Thương hiệu đã tập trung nghiên cứu, phát triển và đầu tư rất nhiều chiến lược tiếp thị cho dòng sản phẩm này. Thế nên, Smartphone đã trở thành ngành “mũi nhọn”, mang lại doanh thu cao ngất ngưỡng cho Samsung.
Tìm hiểu chiến lược Marketing của Samsung qua mô hình 4P
Để vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghệ tại Việt Nam, Samsung đã vận dụng kịp thời và hiệu quả các chiến lược Marketing mạnh mẽ của mình. Vậy chiến lược Marketing của Samsung là gì? Vì sao chiến lược ấy lại mang lại hiệu quả tốt đến thế?
Tương tự những tập đoàn lớn khác, Samsung cũng sở hữu một mô hình SWOT của doanh nghiệp. Dựa vào đó, thương hiệu rút ra những giá trị cốt lõi về chất lượng sản phẩm, dịch vụ để xây dựng chiến lược Marketing phù hợp. Dưới đây là chiến lược Marketing của Samsung qua mô hình 4P.
#1. Về sản phẩm
Trên phương diện sản phẩm, Samsung đã tạo ra sự đa dạng hóa để thoả mãn mọi nhu cầu, mong muốn của người tiêu dùng. Sản phẩm của Samsung bao gồm nhiều danh mục khác nhau như:
- Smartphone, máy tính bảng, phụ kiện đi kèm, laptop.
- Các loại thiết bị gia dụng: máy hút bụi, máy lạnh, tủ lạnh, máy lọc không khí, đồ dùng nấu ăn,…
- Các thiết bị về âm thanh, TV, phụ kiện, màn hình, máy in,…
- Bộ nhớ, thẻ nhớ máy tính và điện thoại.
- Máy quay phim, máy chụp ảnh.
Có thể thấy, các sản phẩm của Samsung cực kỳ đa dạng, phù hợp với mọi nhu cầu sử dụng. Thậm chí, chiến lược Marketing về giá của thương hiệu còn được biểu thị rõ nét trên logo. Samsung thiết kế logo theo hình elip – biểu tượng của dải ngân hà, mang ý nghĩa: “Thương hiệu bao trùm tất cả”. Ý nghĩa này cho thấy Samsung đang sở hữu tham vọng lớn là trở thành “thủ lĩnh” công nghệ toàn cầu.
Ngoài ra, điểm cộng rất lớn của Samsung là đóng gói theo xu hướng hạn chế đồ nhựa. Thương hiệu đã cho người tiêu dùng có cái nhìn thiện cảm hơn khi hướng đến việc bảo vệ môi trường. Đây là một yếu tố đắt giá mà nhiều thương hiệu công nghệ lớn khác đã bỏ qua. Chính vì thế, Samsung đã thành công ghi điểm trong mắt người tiêu dùng. Nhờ đó, lượng khách hàng cũng tăng lên nhanh chóng.
#2. Giá thành
Không chỉ riêng Samsung, việc định giá sản phẩm rất quan trọng đối với mọi doanh nghiệp. Sự xác lập giá thành có ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn bộ chiến lược Marketing. Đồng thời, việc này còn tác động đến doanh thu và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.
Hiểu được tầm quan trọng về giá, Samsung không ngừng nghiên cứu, điều chỉnh và đưa ra mức giá tối ưu nhất cho sản phẩm của mình. Thương hiệu mong muốn sản phẩm có thể phủ sóng khắp thế giới, thuyết phục khách hàng không chỉ về chất lượng mà còn về giá thành.
Vậy nên, thay vì chỉ tập trung vào 1 hoặc 2 phân khúc khách hàng, Samsung đã trải dài giá thành của mình từ thấp cho đến cao. Nhờ đó, thương hiệu có thể “xâm nhập” vào toàn bộ tầng lớp người tiêu dùng. Việc này cũng giúp khách hàng có thể tiếp cận với sản phẩm một cách dễ dàng hơn.
Trên phương diện giá thành, Samsung thực hiện theo hai hướng đi chính, bao gồm:
- Price Skimming Strategy – chiến lược giá “hớt váng”: Chiến lược này phát triển các mức giá cao để bán cho những đối tượng có nhu cầu sử dụng cao. Sau khi thu hồi lợi nhuận, thương hiệu giảm dần giá xuống để khai thác thêm nhóm có nhu cầu sử dụng thấp hơn.
- Competitive Pricing Strategy – chiến lược giá cạnh tranh: Chiến lược này định giá cạnh tranh dựa trên cơ sở giá bán của đối thủ. Với chiến lược giá cạnh tranh, Samsung tập trung chủ yếu vào thị trường chứ không phải chi phí sản xuất.
#3. Hệ thống phân phối
Chiến lược Marketing của Samsung là xây dựng một hệ thống phân phối rộng khắp. Ở thời điểm hiện tại, thương hiệu đã tăng mức độ hiện diện của mình lên một tầm cao mới. Bạn có thể bắt gặp Samsung ở bất kỳ các kênh nào trên thị trường. Nhưng ở mức độ cơ bản, Samsung vẫn đẩy mạnh vào 3 kênh chính, bao gồm:
- Các công ty bán lẻ.
- Hệ thống siêu thị điện máy trên toàn quốc.
- Cửa hàng Samsung Brand.
Các công ty bán lẻ
Samsung đã tạo dựng mối quan hệ hợp tác song phương cùng các công ty bán lẻ lớn và uy tín tại Việt Nam như: Nguyễn Kim, Thế giới di động, FPT, Viễn Thông A, CellphoneS, TechOne,… Nhìn chung, các nhà phân phối của Samsung đều là những cái tên uy tín, dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ.
Bên cạnh đó, Samsung còn sở hữu mạng lưới tại các cửa hàng điện thoại và hệ thống siêu thị điện máy lớn. Ngoài các thiết bị di động, đồ dùng gia dụng, hệ thống còn cung cấp linh kiện đi kèm cho người tiêu dùng.
Hệ thống siêu thị điện máy
Với các hệ thống siêu thị điện máy, Samsung đã “chọn mặt gửi vàng” tại những cái tên danh tiếng như Ruby Plaza, Trần Anh, Pico Plaza,… Ở Hà Nội, mạng lưới siêu thị điện máy có phân phối sản phẩm của Samsung trải dài khắp các quận.
Samsung Brand Shop
Samsung hiện đã hợp tác với các nhà phân phối để mở một loạt cửa hàng Samsung Brand. Thương hiệu vừa cho ra mắt Samsung Plaza tại quận Cầu Giấy – cửa hàng Samsung Plaza thứ 3 tại Việt Nam theo mô hình brand shop.
Theo đó, Samsung Brand Shop chỉ bán các dòng sản phẩm của Samsung. Đây chính là bước phát triển vượt bậc trong hệ thống phân phối của thương hiệu này. Thông qua các Samsung Brand Shop, vị thế của dòng sản phẩm Samsung sẽ được nâng cao, dễ tiếp cận và tăng độ uy tín trong mắt người tiêu dùng.
#4. Xúc tiến
Quảng cáo
Tại thị trường Việt Nam, Samsung đã tận dụng triệt để các kênh truyền hình và mạng xã hội để cải thiện mức độ nhận diện thương hiệu. Đối với mạng xã hội, Samsung đã xây dựng các chiến lược quảng cáo trên các kênh phổ biến như Facebook, Instagram, Twitter, TikTok… Đồng thời, thương hiệu không ngừng đăng bài PR, video quảng bá thời thượng để hấp dẫn người tiêu dùng trẻ tuổi.
Với kênh Youtube, Samsung “bắt tay” hợp tác với những “ngôi sao” bóng đá đình đám như Messi, Ronaldo để quảng bá sản phẩm Galaxy 11. Với sức hút của các ngôi sao, sản phẩm này nhanh chóng thu hút lượng lớn khách hàng, tăng doanh thu vượt bậc. Ngoài ra, Samsung cũng đã quảng cáo thương hiệu trong series Avenger của Marvel. Chiến lược này mang lại thành công ngoài sức mong đợi cho sản phẩm của hãng.
Đối với nghệ sĩ Việt Nam, Samsung bắt tay hợp tác với Quang Vinh, Thanh Hằng, Châu Bùi, Trấn Thành,… Với độ nổi tiếng và sức ảnh hưởng của họ, các chiến dịch quảng cáo Samsung đã lan tỏa mạnh mẽ đến người tiêu dùng.
Đặc biệt, Samsung còn hợp tác với nhóm nhạc đình đám BlackPink để quảng bá dòng smartphone Galaxy. Sự hợp tác này đã giúp dòng điện thoại nhanh chóng được nhiều người biết đến.
Bán hàng cá nhân
Đây cũng là một chiến lược Marketing của Samsung. Bán hàng cá nhân bao gồm một số hoạt động sau:
- Cung cấp thông tin chi tiết, đầy đủ về sản phẩm cho công chúng.
- Nhân viên bán hàng cố gắng duy trì và xây dựng mối quan hệ với người tiêu dùng.
- Nhân viên bán hàng cung cấp thông tin về các chương trình khuyến mại, quảng cáo cho người tiêu dùng.
Theo đó, mỗi nhân viên bán hàng sẽ nhận được 5% hoa hồng trên một mặt hàng đã bán được. Với chính sách này, các nhân viên sẽ có động lực và tăng năng suất làm việc hơn.
Khuyến mại
Samsung là một trong những thương hiệu rất tích cực trong việc tổ chức các chương trình khuyến mại hấp dẫn. Khi mua sản phẩm của Samsung, khách hàng thường được tặng những phụ kiện đi kèm, như mua điện thoại được tặng củ sạc nhanh, vòng đeo tay, pin dự phòng,…
Một chương trình khuyến mại cũng rất hấp dẫn của Samsung là “Thu cũ đổi mới”. Chương trình này được áp dụng rộng khắp cả nước. Với những chiếc điện thoại cũ đáp ứng đủ yêu cầu sẽ được hãng thu mua. Đồng thời, khách hàng sẽ nhận được một chiếc điện thoại mới với tính năng mạnh mẽ hơn với mức phí trả góp là 0%.
Quan hệ công chúng
Chiến lược Marketing của Samsung tập trung vào việc cải thiện mối quan hệ công chúng. Với chiến lược này, Samsung đã tận dụng quảng bá thương hiệu thông qua báo chí với mức phí tối ưu nhất. Thương hiệu đã rất thông minh khi đã chọn cách trở thành nhà tài trợ cho nhiều tổ chức như quỹ châu Đại Dương, đội Olympic Úc, Opera Sydney, giải thưởng NSWIS,… Việc này giúp Samsung được cộng đồng đánh giá cao, cải thiện mức độ nhận diện thương hiệu trong lòng công chúng.
Trên đây là toàn bộ thông tin về chiến lược Marketing của Samsung. Qua bài viết trên, chúng tôi tin rằng bạn đã phần nào hiểu được sự thành công của thương hiệu. Đừng quên theo dõi Tino Group để tiếp tục khám phá thêm các chiến lược Marketing hấp dẫn của nhiều thương hiệu khác nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Các công ty con đáng chú ý của Samsung là thương hiệu nào?
Một số công ty con nổi bật của tập đoàn Samsung là:
- Samsung Heavy Industries – công ty đóng tàu.
- Samsung Electronics – công ty điện tử và công nghệ cao.
- Samsung Engineering & Samsung C&T – công ty xây dựng.
- Samsung Life Insurance – công ty bảo hiểm.
- Samsung Everland – chịu trách nhiệm quản lý Everland Resort.
- …
Vị thế của Samsung trên thị trường Việt Nam như thế nào?
Samsung là một trong những thương hiệu công nghệ lớn nhất tại Việt Nam. Thương hiệu này đã tạo ra hơn 170.000 việc làm cho người lao động nước ta. Có thể nói, Samsung chiếm vị thế hàng đầu tại thị trường Việt Nam về các mặt hàng công nghệ.
Các điểm hạn chế của Samsung là gì?
Dù là một thương hiệu rất mạnh, nhưng Samsung vẫn tồn đọng các hạn chế nhất định, như:
- Sản phẩm chưa có nhiều sự đột phá.
- Tên danh mục sản phẩm khá giống nhau, dễ gây nhầm lẫn.
Samsung có các hệ thống phân phối nào?
Những kênh chính của Samsung là:
- Các công ty bán lẻ.
- Hệ thống siêu thị điện máy trên toàn quốc.
- Samsung Brand Shop.