SEO là một chiến lược marketing quan trọng đối với website, giúp thu hút lưu lượng truy cập miễn phí từ các công cụ tìm kiếm như Google, Bing, Yahoo. Để đánh giá hiệu quả của chiến dịch SEO, việc theo dõi và phân tích các chỉ số KPI là vô cùng cần thiết. Vậy KPI SEO là gì? Các bạn hãy cùng TinoHost tìm hiểu top 10+ chỉ số KPI SEO quan trọng nhất qua bài viết dưới đây nhé!
Đôi nét về KPI SEO
KPI SEO là gì?
KPI là viết tắt của Key Performance Indicator, tạm dịch: Chỉ số hiệu suất chính. Đây là một thước đo định lượng được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực nào đó nhằm đạt được mục tiêu cụ thể.
Như vậy, KPI SEO là các chỉ số mà các chuyên gia SEO sử dụng để đánh giá hiệu suất của chiến lược SEO và đo lường sự thành công trong việc tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Các KPI SEO có thể bao gồm vị trí từ khóa, traffic, tỷ lệ chuyển đổi, tỷ lệ thoát và nhiều yếu tố khác liên quan đến hiệu suất trang web trên các công cụ tìm kiếm như Google.
Tầm quan trọng của KPI SEO trong Digital Marketing
Theo thống kê của Forbes năm 2023, chỉ có 0.44% người dùng truy cập trang thứ hai của kết quả tìm kiếm. Có thể thấy, khi người dùng tìm kiếm thứ gì đó, họ thường chọn những kết quả xuất hiện trước mắt họ và không muốn phải tiếp tục đi kiếm thông tin mình đang cần ở trang hai. Chính vì vậy, khi website đạt được thứ hạng cao trên trang nhất Google, bạn sẽ thu hút được nhiều lượng truy cập tự nhiên hơn, dẫn đến tăng tỷ lệ chuyển đổi và doanh thu.
Để làm được điều đó, việc nghiên cứu các chỉ số KPI SEO là vô cùng cần thiết. Dưới đây là tầm quan trọng của KPI SEO đối với chiến dịch SEO của website.
Đánh giá hiệu quả chiến dịch SEO
KPI SEO cung cấp thông tin về mức độ thành công của chiến dịch SEO, giúp bạn xác định chiến lược nào hiệu quả và chiến lược nào cần cải thiện. Đồng thời, các chỉ số này sẽ hỗ trợ bạn so sánh hiệu quả chiến dịch SEO của mình với đối thủ cạnh tranh, từ đó xác định điểm mạnh và điểm yếu để lập chiến dịch tối ưu SEO phù hợp.
KPI SEO còn giúp bạn xác định những yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả chiến dịch SEO, từ đó tập trung nguồn lực vào những yếu tố quan trọng nhất.
Quản lý ngân sách SEO hiệu quả
KPI SEO giúp bạn theo dõi hiệu quả của từng hoạt động SEO, từ đó phân bổ ngân sách hợp lý cho các hoạt động SEO hiệu quả nhất. Đồng thời, bạn cũng có thể loại bỏ những hoạt động SEO không hiệu quả, từ đó tiết kiệm ngân sách và tránh lãng phí thời gian.
Tăng cường khả năng báo cáo
KPI SEO là bằng chứng cụ thể để báo cáo kết quả SEO cho ban lãnh đạo hoặc khách hàng. Khi thu thập được các chỉ số một cách chi tiết, bạn bạn báo cáo hiệu quả chiến dịch SEO một cách khoa học và dễ hiểu cho các bên liên quan.
KPI SEO còn giúp bạn thuyết phục các bên liên quan đầu tư vào chiến dịch SEO.
Các công cụ đo lường KPI SEO hiệu quả
Google Analytics
Google Analytics là công cụ miễn phí và phổ biến nhất để theo dõi lưu lượng truy cập website. Dữ liệu từ Google Analytics có thể được sử dụng để theo dõi hiệu quả của nhiều chiến dịch SEO khác nhau.
Google Analytics cung cấp nhiều dữ liệu chi tiết về hành vi của người dùng trên website, như:
- Traffic
- Nguồn truy cập
- Tỷ lệ thoát
- Thời gian trên trang
- Hành vi chuyển đổi
Google Search Console
Google Search Console là công cụ miễn phí của Google cung cấp thông tin về hiệu suất website của bạn trên Google Search, bao gồm thứ hạng từ khóa, số lần hiển thị, …Dữ liệu từ Google Search Console có thể được sử dụng để xác định các vấn đề SEO cần khắc phục và cải thiện thứ hạng website trên Google Search.
Google Search Console cung cấp thông tin về:
- Thứ hạng từ khóa
- Lượng truy cập tự nhiên
- Vấn đề bảo mật
- Thứ hạng từ khóa
- Số lần hiển thị
- Tỷ lệ click (CTR)
- Lỗi website
Ahrefs
Ahrefs là công cụ trả phí cung cấp nhiều tính năng mạnh mẽ để phân tích SEO, bao gồm nghiên cứu từ khóa, theo dõi thứ hạng, xây dựng liên kết,…Công cụ này có thể được sử dụng để nghiên cứu đối thủ cạnh tranh, theo dõi hiệu quả chiến dịch SEO và cải thiện thứ hạng website.
Ahrefs giúp bạn theo dõi các KPI SEO như:
- Khối lượng tìm kiếm từ khóa
- Từ khóa cạnh tranh
- Backlink
- Lượng truy cập
SEMrush
SEMrush là một công cụ trả phí cung cấp nhiều tính năng tương tự như Ahrefs, bao gồm nghiên cứu từ khóa, theo dõi thứ hạng, phân tích đối thủ cạnh tranh, … Công cụ mạnh mẽ này sẽ giúp bạn tối ưu hóa chiến dịch SEO và cải thiện thứ hạng website.
SEMrush có thể được sử dụng để:
- Theo dõi thứ hạng website
- Xây dựng backlink
- Khối lượng tìm kiếm từ khóa
- Backlink
- Lượng truy cập organic của đối thủ cạnh tranh
Moz Pro
Ngoài SEMrush và Ahrefs, nhiều chuyên gia SEO thường đề xuất Moz Pro. Đây cũng là một công cụ trả phí cung cấp nhiều tính năng để phân tích SEO, bao gồm nghiên cứu từ khóa, theo dõi thứ hạng, phân tích website, …
Moz Pro giúp bạn theo dõi các KPI SEO như:
- Khối lượng tìm kiếm từ khóa
- Từ khóa cạnh tranh
- Domain Authority
- Page Authority
- Xây dựng backlink
- Theo dõi thứ hạng website
Top 10+ chỉ số KPI SEO quan trọng nhất cho chiến dịch SEO
#1. Đo lường chuyển đổi (Doanh số và Khách hàng tiềm năng)
Chuyển đổi đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá hiệu quả của chiến dịch SEO. Chỉ số này thể hiện số lượng khách truy cập thực hiện hành động mong muốn trên website của bạn, chẳng hạn như mua hàng, đăng ký nhận tin tức hoặc liên hệ tư vấn.
- Việc theo dõi chuyển đổi giúp bạn xác định được chiến dịch SEO nào mang lại hiệu quả cao nhất, từ đó tập trung nguồn lực vào những chiến dịch hiệu quả.
- Phân tích dữ liệu chuyển đổi giúp bạn hiểu rõ hành vi của khách hàng và đưa ra những điều chỉnh phù hợp để tối ưu hóa chiến dịch SEO.
- Chuyển đổi là bằng chứng cụ thể để báo cáo kết quả SEO cho ban lãnh đạo hoặc khách hàng.
Để theo dõi chuyển đổi, bạn cần xác định các hành động mà bạn muốn khách hàng thực hiện trên website, ví dụ như mua hàng, đăng ký nhận tin tức hoặc liên hệ tư vấn.
Sau đó, hãy theo dõi số lượng chuyển đổi và tỷ lệ chuyển đổi theo thời gian. Phân tích dữ liệu để hiểu rõ hành vi của khách hàng và đưa ra những điều chỉnh phù hợp cho chiến dịch SEO.
Có nhiều công cụ miễn phí và trả phí giúp bạn theo dõi chuyển đổi, phổ biến nhất là Google Analytics. Cách theo dõi chuyển đổi trên Google Analytics 4 (GA4) như sau: Vào Admin -> Events -> Đánh dấu các sự kiện chuyển đổi để bắt đầu theo dõi.
#2. Giá trị trọn đời của khách hàng – Customer Lifetime Value (CLV)
Giá trị trọn đời của khách hàng (CLV) là thước đo dự đoán tổng lợi nhuận bạn có thể kiếm được từ một khách hàng duy nhất trong suốt thời gian họ gắn bó với doanh nghiệp. Theo dõi CLV giúp bạn đưa ra quyết định sáng suốt hơn về việc tạo nội dung, lựa chọn từ khóa và tối ưu hóa phễu chuyển đổi. Cụ thể:
- CLV cho bạn biết giá trị dài hạn của mỗi khách hàng, giúp bạn đánh giá hiệu quả chiến dịch SEO trong việc thu hút khách hàng có giá trị.
- Dựa vào CLV, bạn có thể phân bổ ngân sách và nguồn lực SEO hợp lý, tập trung vào những khách hàng tiềm năng mang lại lợi nhuận cao hơn.
- CLV còn là chỉ số chung được nhiều bộ phận khác trong công ty sử dụng. Điều này giúp mọi người cùng phối hợp đưa ra các quyết định chiến lược tốt hơn.
- CLV giúp bạn phân loại khách hàng thành các nhóm dựa trên giá trị họ mang lại. Nhờ đó, bạn có thể tối ưu hóa website và phân bổ nguồn lực phù hợp với từng nhóm. Ví dụ: Bạn nhận thấy khách hàng mua sản phẩm giá rẻ lại mang lại lợi nhuận cao hơn về lâu dài. Khi đó, bạn có thể tối ưu kênh bán hàng để thu hút thêm khách hàng tiềm năng cho các sản phẩm này.
#3. Cost Per Acquisition (CPA)
Cost Per Acquisition (CPA) là chỉ số đo lường chi phí cần dùng để có được một khách hàng chuyển đổi (mua hàng, đăng ký,…).
Những yếu tố được tính vào chi phí SEO gồm:
- Lương nhân viên
- Chi phí thuê dịch vụ SEO
- Công cụ SEO
- Sản xuất nội dung
- Xây dựng liên kết
So sánh CPA với CLV sẽ giúp bạn phát hiện ra những yếu tố kém hiệu quả trong việc chuyển đổi khách hàng tiềm năng. Ví dụ: CPA cao có thể cho thấy bạn đang chi tiền cho nội dung nhắm mục tiêu từ khóa sai hoặc thu hút đối tượng người dùng khó chuyển đổi thành khách hàng.
Công thức tính CPA:
Tổng chi phí SEO / Số lượng chuyển đổi = CPA
Lưu ý: Giống như các chỉ số SEO khác, theo dõi CPA theo thời gian sẽ hữu ích hơn là chỉ nhìn vào một số liệu đơn lẻ.
#4. Chỉ số Return on Investment (ROI)
Return on Investment (ROI) là thước đo lợi nhuận ròng bạn nhận được trên số tiền đã bỏ ra. Trong SEO, ROI dương (kiếm được lợi nhuận) là mục tiêu hàng đầu. Điều này cho thấy thời gian và nguồn lực dành cho nội dung, bảo trì website, xây dựng liên kết và các hoạt động SEO khác là xứng đáng.
Tuy nhiên, đo lường ROI cho SEO là một việc không đơn giản. Chi phí đầu tư cho SEO thì dễ tính, dù là thuê dịch vụ bên ngoài hay làm nội bộ. Nhưng để thấy được lợi nhuận thì cần nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm.
Ví dụ: Bạn thuê viết một bài nội dung với giá 500$. Sau đó, bạn dành vài giờ để chỉnh sửa, đăng tải bài viết, tương đương với 200$ tiền công. Như vật, tổng chi phí đầu tư cho bài viết này là 700$.
Nếu tính ROI ngay sau khi đăng bài, kết quả sẽ là âm vì chưa tạo ra doanh thu.
Nhưng nếu tính lại ROI sau 6 tháng để xem bài viết thu hút traffic và chuyển đổi như thế nào, bạn có thể thấy bài viết này mang lại 1000$ doanh thu.
Công thức tính ROI: Lợi nhuận ròng (Doanh thu – Chi phí đầu tư) / Chi phí đầu tư
Ví dụ trên: 1000$ (Doanh thu) – 700$ (Chi phí đầu tư) = 300$ (Lợi nhuận ròng)
300$ / 700$ = 0.428 = 42.8% (ROI)
Khó khăn trong việc đo ROI cho SEO là xác định khoảng thời gian hợp lý để tính toán ROI.
#5. Hiển thị tự nhiên (Organic Visibility)
Hiển thị tự nhiên (Organic Visibility) là mức độ website của bạn xuất hiện trên trang kết quả tìm kiếm không trả tiền (Organic Search) của các công cụ tìm kiếm. Nói cách khác, đây là khả năng nhìn thấy thương hiệu của bạn trên các trang tìm kiếm tự nhiên.
Đây là một trong những KPI quan trọng nhất để theo dõi hiệu quả SEO. Chỉ số này liên quan trực tiếp đến các nỗ lực SEO của bạn, đồng thời, tác động đến sự phát triển tổng thể của doanh nghiệp và phạm vi tiếp cận thương hiệu.
Xếp hạng website trên trang kết quả tìm kiếm (SERPs) truyền thống thường được đánh giá dựa trên 10 liên kết màu xanh lam. Tuy nhiên, SERP ngày nay phức tạp hơn nhiều, bao gồm:
- Bảng kiến thức (Knowledge Panel)
- Kết quả địa phương (Local Pack)
- Mô tả trích đoạn nổi bật (Featured Snippets)
- Và nhiều tính năng khác
Mặc dù giao diện SERPs thay đổi nhưng cốt lõi vẫn như cũ: Organic Visibility càng cao, bạn càng tiếp cận được nhiều khách hàng tiềm năng.
Theo thống kê của Backlinko, một nền tảng nổi tiếng về SEO, cho biết: “Vào năm 2023, vị trí thứ nhất trên SERPs nhận được gần 27,6% lượt click trong khi vị trí thứ 10 chỉ nhận được 2.4%.”
Bạn có thể theo dõi Organic Visibility bằng một số công cụ phân tích và theo dõi thứ hạng. Google Search Console cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về Organic Visibility, hiển thị tổng số lần hiển thị trang web của bạn trong một khoảng thời gian nhất định.
Số lần hiển thị cho biết các tìm kiếm mà trang web của bạn đã xuất hiện, ngay cả khi người dùng không nhấp vào. Đây là cách tuyệt vời để theo dõi sự gia tăng liên tục về Organic Visibility của website.
#6. Phiên truy cập tự nhiên (Organic Sessions)
Phiên truy cập tự nhiên là lượt truy cập vào website của bạn thông qua tìm kiếm không trả tiền (Organic Search). Đây là một chỉ số quan trọng để đánh giá hiệu quả chiến lược SEO.
- Organic Visibility tốt sẽ dẫn đến nhiều phiên truy cập tự nhiên hơn.
- Organic Sessions cao tạo ra nhiều traffic, traffic chất lượng sẽ tăng tỷ lệ chuyển đổi thành khách hàng và ROI của SEO được cải thiện.
Bạn có thể dễ dàng theo dõi traffic tự nhiên bằng các công cụ phân tích và theo dõi thứ hạng như Semrush. Lưu ý, nên loại trừ các từ khóa có chứa tên thương hiệu của bạn vì chúng không thực sự phản ánh hiệu quả của các chiến dịch SEO.
Ngoài ra, Google Search Console cũng cho phép theo dõi Organic Sessions.
Lưu ý: So sánh kết quả theo từng năm thay vì từng tháng để tránh bỏ qua các yếu tố mùa vụ ảnh hưởng đến lượng truy cập. Ví dụ: Một website du lịch biển sẽ có Organic Sessions cao vào mùa hè.
#7. Lưu lượng truy cập có thương hiệu và không có thương hiệu
Lưu lượng truy cập có thương hiệu là lượng truy cập đến từ những người đã biết thương hiệu của bạn, thường thông qua các kênh marketing khác hoặc do người khác giới thiệu.
Lưu lượng truy cập không có thương hiệu là lượng truy cập đến từ những người tìm kiếm các từ khóa liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ mà bạn xếp hạng cao trên trang kết quả tìm kiếm. Nói cách khác, đây là những người dùng có thể chưa biết đến doanh nghiệp của bạn trước đây.
Mặc dù lưu lượng truy cập có thương hiệu cho thấy các kênh marketing khác đang hoạt động hiệu quả, nhưng không trực tiếp phản ánh thành công của chiến dịch SEO. Mặt khác, lưu lượng truy cập không có thương hiệu cho thấy website của bạn đang thu hút người dùng mới bằng cách xếp hạng cao cho các từ khóa mục tiêu.
Bạn có thể dễ dàng theo dõi tỷ lệ này trên SEMrush bằng cách sử dụng các bộ lọc nâng cao trong báo cáo “Positions” của công cụ nghiên cứu Organic Research.
#8. Thứ hạng từ khóa
Thứ hạng từ khóa cung cấp thông tin chi tiết về những từ khóa nào đang thu hút traffic cho website của bạn và lý do tại sao. Xếp hạng càng cao càng thu về nhiều traffic và khách hàng tiềm năng hơn.
Tuy nhiên, cách nhìn nhận về thứ hạng từ khóa đã thay đổi. Trước đây, doanh nghiệp thường chỉ theo dõi một vài từ khóa quan trọng và đánh giá thành công của chiến lược SEO dựa trên thứ hạng của những từ khóa đó.
Hiện nay, với sự phát triển của tìm kiếm ngữ nghĩa (Semantic Search), một công cụ có thể xếp hạng cho hàng trăm, thậm chí hàng nghìn từ khóa khác nhau, bạn phải luôn cập nhật thông tin về các từ khóa mà bạn xếp hạng tốt cũng như những từ khóa mà bạn không xếp hạng tốt. Những thông tin này sẽ giúp bạn điều chỉnh chiến lược nội dung để thu hút thêm traffic và khách hàng tiềm năng.
Bạn có thể sử dụng công cụ Position Tracking của SEMrush để theo dõi xem các từ khóa quan trọng nhất của bạn được xếp hạng như thế nào.
- Để thiết lập Position Tracking, bạn điều hướng đến tab “Position Tracking” trong menu thanh bên
- Nhấp vào “Create project”
- Nhập tên miền hoặc tên miền phụ của bạn và nhấp vào “Create project”
- Chọn công cụ tìm kiếm, thiết bị, vị trí và ngôn ngữ ưa thích của bạn
- Thêm từ khóa bạn muốn theo dõi và nhấp vào “Start Tracking”.
Giờ đây, bạn sẽ có thể xem thứ hạng của mình cho từng từ khóa đã nhập cùng với các số liệu khác, chẳng hạn như lưu lượng truy cập ước tính, khả năng hiển thị và tỷ lệ tìm kiếm bằng giọng nói.
#9. Chỉ số Google Business Profile
Google Business Profile (trước đây gọi là Google My Business) là một công cụ miễn phí của Google giúp quản lý sự hiện diện của doanh nghiệp trên các sản phẩm của Google.
Đối với doanh nghiệp địa phương:
Sử dụng Google Business Profile là điều cần thiết để gia tăng khả năng hiển thị trên Google Maps và tìm kiếm. Sau khi thiết lập Google Business Profile, bạn sẽ thấy một số chỉ số được theo dõi mặc định trong nền tảng. Bao gồm:
- Lượt tìm kiếm (Search): Số lần hồ sơ doanh nghiệp của bạn xuất hiện trong kết quả tìm kiếm trên Google.
- Lượt xem trang doanh nghiệp (Views): Số lần người xem trang Google Business Profile của bạn.
- Nhấp vào trang doanh nghiệp (Clicks): Số lần người dùng nhấp vào trang web hoặc nút liên hệ trên trang Google Business Profile của bạn.
- Yêu cầu chỉ đường (Direction requests): Số lần người dùng yêu cầu chỉ đường đến doanh nghiệp của bạn trên Google Maps.
- Cuộc gọi điện thoại (Calls): Số lần người dùng nhấp vào nút gọi trên trang Google Business Profile của bạn để liên hệ với doanh nghiệp.
Tất cả những số liệu này đều cực kỳ quan trọng đối với doanh nghiệp địa phương nên được theo dõi như KPI của SEO.
#10. Backlinks
Backlinks là một trong những yếu tố hàng đầu ảnh hưởng đến thứ hạng tìm kiếm trên Google. Vì vậy, bạn cần hiểu rõ tình trạng hiện tại của hồ sơ liên kết website mình, đặc biệt là so sánh với đối thủ cạnh tranh.
Các chỉ số liên kết bạn nên theo dõi gồm:
- Tổng số lượng backlinks: Tổng số liên kết trên các website khác trỏ về website của bạn.
- Tổng số tên miền trỏ về (referring domains): Số lượng website riêng biệt có chứa liên kết đến website của bạn.
- Số lượng liên kết bị mất: Số lượng backlinks đã bị gỡ bỏ khỏi các website khác.
- Số lượng liên kết mới: Số lượng backlinks mới được tạo trên các website khác trỏ về website của bạn.
Bạn có thể dễ dàng theo dõi các chỉ số backlink bằng công cụ Backlink Analytics và Backlink Audit của SEMrush hoặc Ahrefs.
Lưu ý:
Chỉ số backlinks riêng lẻ không mang lại nhiều ý nghĩa. Bạn cần so sánh hồ sơ liên kết của mình với các đối thủ cạnh tranh để đánh giá hiệu quả chiến lược xây dựng backlinks.
#11. Tỷ lệ nhấp chuột tự nhiên (Organic CTR)
Tỷ lệ nhấp chuột tự nhiên (Organic CTR) là tỷ lệ phần trăm người dùng nhấp vào website của bạn trên trang kết quả tìm kiếm (SERPs) so với tổng số lần hiển thị. Mặc dù CTR không trực tiếp ảnh hưởng đến thứ hạng tìm kiếm, nhưng đây là một chỉ số quan trọng cần theo dõi.
CTR cao cho thấy tiêu đề và mô tả meta hấp dẫn, thu hút người dùng click vào website. Ngược lại, CTR thấp là dấu hiệu cần cải thiện nội dung hiển thị trên SERP để tăng lượt click.
- Bạn nên theo dõi CTR theo từng trang và theo từng từ khóa.
- So sánh CTR của website bạn với mức trung bình của các vị trí hiển thị trên SERPs. CTR cao hơn mức trung bình cho thấy website của bạn đang thu hút người dùng click hơn so với các đối thủ cạnh tranh.
Bạn có thể dễ dàng phân tích CTR của từng trang và từ khóa trong báo cáo hiệu suất của Google Search Console.
#12. Mức độ tương tác của người dùng (User Engagement)
Mức độ tương tác của người dùng là thước đo cho thấy nội dung website của bạn có hấp dẫn và giữ chân người dùng hay không. Các chỉ số cần theo dõi bao gồm:
- Tỷ lệ thoát (Bounce Rate): Là tỷ lệ phần trăm người dùng rời khỏi website ngay sau khi vào một trang nhất định. Tỷ lệ thoát cao cho thấy nội dung trang web của bạn có thể không hấp dẫn hoặc không liên quan đến truy vấn tìm kiếm của người dùng.
- Thời gian trung bình trên trang (Average Time on Page): Thời gian trung bình người dùng dành cho một trang. Đối với các bài viết dài cung cấp nhiều thông tin, thời gian trung bình trên trang cao là một dấu hiệu tích cực. Ngược lại, đối với các trang web bán hàng, thời gian trung bình trên trang cao có thể cho thấy nội dung khó hiểu hoặc thiếu tính thuyết phục.
- Tổng thời gian phiên (Session Duration): Tổng thời gian người dùng dành cho website của bạn trong một phiên truy cập.
- Số trang trung bình mỗi phiên (Pages per Session): Số trang trung bình mà người dùng xem trong một phiên truy cập.
Mỗi chỉ số tương tác này cần được đánh giá trong bối cảnh cụ thể của doanh nghiệp và mục tiêu của bạn.
Bạn có thể dễ dàng theo dõi các chỉ số tương tác của người dùng trong GA4 (Google Analytics 4):
Reports -> Engagement) -> Pages and screens (để xem tỷ lệ thoát).
Reports -> Engagement -> Engagement overview (để xem thời gian trung bình trên trang và tổng thời gian phiên).
Những lưu ý khi nghiên cứu các chỉ số KPI SEO
Xác định mục tiêu SEO
Việc đầu tiên bạn cần làm là xác định mục tiêu SEO của mình. Mục tiêu SEO của bạn là gì? Bạn muốn tăng lượng truy cập website? Hay bạn muốn cải thiện thứ hạng website trên Google Search?
Khi bạn đã xác định được mục tiêu SEO, bạn có thể lựa chọn các chỉ số KPI SEO phù hợp để theo dõi.
Chọn các chỉ số KPI SEO phù hợp
Không phải tất cả các chỉ số KPI SEO đều phù hợp với tất cả các mục tiêu SEO. Ví dụ: nếu mục tiêu SEO của bạn là tăng lượng truy cập website, bạn nên theo dõi các chỉ số KPI SEO như:
- Lượng truy cập website
- Tỷ lệ thoát
- Thời gian trên trang
Nếu mục tiêu SEO của bạn là cải thiện thứ hạng website trên Google Search, bạn nên theo dõi các chỉ số KPI SEO như:
- Thứ hạng từ khóa
- Lượng truy cập tự nhiên
- Backlink
Sử dụng công cụ phù hợp để đo lường KPI SEO
Có rất nhiều công cụ khác nhau để đo lường KPI SEO. Bạn nên lựa chọn công cụ phù hợp với nhu cầu và ngân sách của bạn. Một số công cụ phổ biến để đo lường KPI SEO bao gồm:
- Google Analytics
- Google Search Console
- Ahrefs
- SEMrush
- Moz Pro
Theo dõi KPI SEO thường xuyên
Bạn nên theo dõi KPI SEO thường xuyên để đánh giá hiệu quả chiến dịch SEO và thực hiện các điều chỉnh phù hợp. Nên theo dõi KPI SEO ít nhất mỗi tháng một lần.
Kết luận
KPI SEO đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chiến lược SEO và đưa ra các quyết định cải thiện hiệu quả. Bằng cách theo dõi và phân tích các chỉ số này, bạn có thể nâng cao hiệu quả SEO cũng như thu hút nhiều khách hàng tiềm năng hơn. Chúc bạn thành công!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Michal Pecánek. (2023, May 12). 12 SEO KPIs You Should (And Shouldn’t) Track. ahrefs.com. https://ahrefs.com/blog/seo-kpis/
- Zach Paruch. (2022, December 30). SEO KPIs: 12 KPIs for SEO to Track & Measure. semrush.com. https://www.semrush.com/blog/seo-kpis/
- Juan Bello. (2022, June 29). Top 10 SEO KPIs You Should Track in 2023. portermetrics.com. https://portermetrics.com/en/articles/seo-kpis/
- Rob Watts. (2023, November 28). 60 SEO Statistics For 2024. Forbes.com. https://www.forbes.com/advisor/business/software/seo-statistics/
- Brian Dean. (2024, January 29). 69 Important SEO Statistics for 2024, Blacklinko. https://backlinko.com/seo-stats
Những câu hỏi thường gặp
Website nhỏ có cần phân tích KPI SEO?
Phân tích KPI SEO là một việc làm hữu ích cho mọi doanh nghiệp, bất kể quy mô hay ngành nghề kinh doanh. Điều này giúp bạn đánh giá hiệu quả chiến lược SEO, xác định các điểm mạnh và điểm yếu, và đưa ra các quyết định cải thiện hiệu quả SEO.
Ai là người chịu trách nhiệm theo dõi KPI SEO?
Trong một tổ chức hoặc doanh nghiệp, người chịu trách nhiệm theo dõi KPI SEO thường là những thành viên trong bộ phận tiếp thị kỹ thuật số (Digital Marketing), đội ngũ SEO, hoặc bộ phận phát triển kinh doanh trực tuyến (Online Business Development). Đây là những nhóm hoặc cá nhân có kiến thức cung như kỹ năng chuyên môn trong việc quản lý và tối ưu hóa các hoạt động SEO.
KPI SEO của website có thay đổi không?
KPI SEO có thể thay đổi theo thời gian. Khi bạn thay đổi chiến lược SEO hoặc mục tiêu SEO, bạn cũng cần thay đổi các KPI SEO để theo dõi hiệu quả của các thay đổi này.
Vị trí từ khóa có phải là chỉ số quan trọng nhất khi phân tích KPI SEO?
Mặc dù vị trí từ khóa là một chỉ số quan trọng, nhưng không thể phản ánh hoàn toàn hiệu suất SEO. Tập trung quá mức vào vị trí từ khóa có thể làm lơ đi các yếu tố khác như lưu lượng truy cập, tỷ lệ chuyển đổi và sự tương tác của người dùng.