Sự bùng nổ của công nghệ Blockchain đã góp phần kiến tạo những xu hướng đầu tư mới mẻ, trong đó chắc chắn không thể bỏ qua Crypto – thị trường đầu tư tiền mã hoá thu hút đông đảo sự quan tâm của nhiều người. Nếu bạn có ý định dấn thân vào “mảnh đất đầu tư màu mỡ” này, hãy Tino Group tìm hiểu các khái niệm cơ bản về Crypto qua bài viết dưới đây nhé!
Giới thiệu tổng quan về thị trường Crypto
Crypto là gì?
Crypto hay Cryptocurrency (tạm dịch: tiền mã hoá) là một loại tài sản kỹ thuật số được tạo ra bằng những kỹ thuật mã hoá. Loại tài sản này được trao đổi, giao dịch và mua/bán trên các thị trường tiền mã hoá một cách an toàn.
Khác với các loại tiền fiat truyền thống được kiểm soát bởi chính phủ của các quốc gia, Crypto có thể lưu hành mà không chịu bất kỳ sự kiểm soát nào từ các cơ quan quản lý tiền tệ như ngân hàng trung ương.
Crypto được tung ra và phát hành bởi các dự án Blockchain. Tương tự như các phương tiện giao dịch trong thực tế, những giao dịch tiền mã hoá được diễn ra trên các nền tảng Blockchain.
Toàn bộ thông tin về các giao dịch Crypto sẽ được bảo mật, không thể thay đổi hoặc xóa bỏ dưới bất kỳ hình thức nào. Đây chính là tính năng nổi bật của công nghệ Blockchain. Ngoài ra, bất kỳ cá nhân, đơn vị, tổ chức nào cũng có thể tạo ra Crypto. Tuy nhiên, giá trị của mỗi Crypto phụ thuộc vào sự chấp thuận của người dùng và mức độ phủ sóng của chúng. Điều này đồng nghĩa với việc Crypto sẽ trở nên vô giá trị nên không được người dùng ủng hộ.
Một số điểm đặc trưng của Crypto
Tính phi tập trung
Trên thực tế, các loại tiền mã hoá không phụ thuộc vào một máy chủ hoặc máy chủ trung tâm. Thay vào đó, chúng được phân phối trên mạng lưới nhất định với sự tham gia của hàng nghìn máy tính. Và đây chính là mạng lưới phi tập trung.
Số hóa
Khác với các loại tiền tệ khác, Crypto là một loại số hoá, không tồn tại hữu hình. Loại tài sản này chỉ được giao dịch giữa người dùng với người dùng trên mạng lưới Internet. Vì vậy, các nhà đầu tư không thể trực tiếp cầm hoặc nắm giữ tiền mã hoá như tiền pháp định. Đồng thời, những vật phẩm giao dịch trên Blockchain cũng hoàn toàn được số hóa tương tự như Crypto.
Ngang hàng, không phụ thuộc
Một đặc tính nổi bật tiếp theo của Crypto là tính ngang hàng, không phụ thuộc. Quá trình giao dịch Crypto được thực hiện từ người này sang người khác trên thông qua mạng Internet. Nghĩa là bạn sẽ làm việc trực tiếp với nhau mà không chịu bất kỳ sự chi phối nào bởi bên thứ 3. Nhờ đó, tốc độ xử lý thông tin giao dịch được diễn ra nhanh chóng và không chịu phí trung gian.
Tính ẩn danh
Tính ẩn danh được xem là điểm cộng lớn của crypto. Trong quá trình giao dịch tiền mã hoá, bạn không cần cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân nào. Ngoài ra, người sở hữu hoặc sử dụng Crypto cũng không cần chịu bất kỳ quy tắc mang tính bắt buộc nào.
Đây vừa là điểm cộng vừa là rủi ro lớn đối với người giao dịch tiền mã hoá. Do không thể xác minh danh tính của người giao dịch, nên nếu bạn gặp phải các vấn đề liên quan đến lừa đảo cũng rất khó để giải quyết.
Không phụ thuộc
Như đã nói, Crypto không phụ thuộc vào bất kỳ sự quản lý, kiểm soát của bên thứ 3 hay các đơn vị trung gian. Vì vậy, bạn có thể quản lý và kiểm soát tiền cũng như thông tin của mình mọi lúc, mọi nơi. Không những thế, bạn cũng được chủ động trong việc giao dịch trên thị trường Crypto.
Được mã hóa
Khi giao dịch tiền mã hoá, bạn sẽ được cung cấp một mật mã đặc biệt. Mật mã này giúp ngăn chặn các đối tượng lạ xâm nhập vào thông tin của bạn. Đây cũng là một trong những đặc tính nổi bật của Crypto.
Tính toàn cầu
Trên thực tế, mỗi quốc gia sẽ phát hành một đồng tiền riêng được gọi là tiền tệ pháp định. Tiền pháp định chỉ hoạt động trên phạm vi lãnh thổ nhất định. Trong khi đó, Crypto có thể hoạt động trên khắp thế giới, được hiểu như một loại tiền tệ xuyên lục địa.
Các khái niệm cơ bản về Crypto mà nhà đầu tư nên biết
Coin là gì?
Coin là loại tiền được phát hành trên một Blockchain riêng biệt và hoàn toàn độc lập. Sự xuất hiện của coin nhằm giải quyết các vấn đề về tài chính, bảo mật, phát triển ứng dụng, thanh toán,…, của một Blockchain nào đó. Đồng thời, mỗi Blockchain chỉ có 1 coin duy nhất.
Ví dụ:
Token là gì?
Tương tự như coin, token cũng là đồng tiền được phát hành trên nền tảng Blockchain. Tuy nhiên, token không có Blockchain riêng mà phải “ký sinh” trên Blockchain khác. Khi một dự án phát triển đủ mạnh sẽ hướng đến việc thiết lập nền tảng Blockchain độc lập. Trong trường hợp này, token sẽ được xem là coin.
Ví dụ:
- KONO là token của Konomi – token được lưu trữ và giao dịch trên Blockchain Ethereum.
- MER là token của Mercurial – token được lưu trữ và giao dịch trên Blockchain Solana.
Bitcoin là gì?
Bitcoin là đồng tiền mã hoá đầu tiên trên thế giới. Đây được xem là đồng tiền đặt nền móng cho sự phát triển của thị trường Crypto.
Altcoin là gì?
Altcoin là từ ghép của Alternative (thay thế) và coin. Từ này dùng để chỉ tất cả các loại coin hoặc token trên thị trường Crypto ngoại trừ Bitcoin. Sự xuất hiện của Altcoin nhằm mục đích thay thế cho Bitcoin.
Stablecoin là gì?
Stablecoin là những đồng coin được gắn với một loại tài sản cố định nhằm ổn định thị trường tiền mã hoá. Bên cạnh đó, những đồng coin này phải được hỗ trợ bởi các loại tài sản mà chúng “neo” vào như tiền pháp định (Tether – USDT), vàng, các loại tiền mã hoá khác (MarketDAO – DAI).
Mining là gì?
Mining (tạm dịch: khai thác, đào) là một tính năng thú vị của một số đồng tiền mã hoá như Bitcoin. Tính năng này cho phép người tham gia mạng lưới xử lý các bài toán hệ thống để nhận tiền mã hoá. Những người tham gia mining còn được gọi là miner (thợ đào). Họ có thể sử dụng các công cụ như máy đào để thực hiện nhiệm vụ này.
White paper là gì?
Whitepaper (tạm dịch: sách trắng hay bạch thư) là một loại tài liệu của các doanh nghiệp nhằm truyền tải thông điệp đến mọi người. Trong thế giới tiền mã hoá, whitepaper được xem là bản mô tả chi tiết các dự án đã thực hiện. Thông qua đó, các nhà đầu tư sẽ có cái nhìn tổng quan hơn về dự án.
Exchange
Exchange là sàn giao dịch hay là nơi tập trung người mua và người bán cũng như các sản phẩm giao dịch. Tại sàn giao dịch, người dùng có thể đặt lệnh mua/bán hoặc tạo quảng cáo cho các đồng coin như BTC hay ETH.
Circulating Supply
Đây là lượng tiền mã hoá lưu thông hoặc tổng số coin lưu hành trên thị trường. Circulating Supply đóng vai trò như một chỉ số quan trọng để tính vốn hoá thị trường của một đồng coin. Thông thường, các nhà đầu tư có thể xem chỉ số Circulating Supply trên CoinMarketCap hoặc CoinGecko.
Market Cap
Market Cap (Vốn hóa thị trường) là tổng giá trị thị trường của một đồng coin. Chỉ số này được tính bằng giá khớp lệnh gần nhất của một đồng coin như BTC hoặc ETH nhân với Circulating Supply. Vì vậy, giá trị của Market Cap có thể bị thay đổi tùy theo nhu cầu của thị trường ở các thời điểm khác nhau.
Volume
Đây là khối lượng giao dịch của một tài sản trong khoảng thời gian nhất định theo giờ, ngày tháng. Thông thường, Volume trong thị trường tiền mã hóa sẽ được xác định là khối lượng giao dịch của đồng coin trong vòng 24 giờ. Thông qua chỉ số này, người dùng có thể đánh giá sức mạnh của đồng coin dựa trên giá, tính thanh khoản và chất lượng của xu hướng thị trường.
Margin
Margin hay giao dịch ký quỹ là thuật ngữ dùng để chỉ việc sử dụng đòn bẩy tài chính trong giới đầu tư. Hiện tại, phương thức này vẫn chưa quá phổ biến trên thị trường tiền mã hoá, chỉ có một số sàn giao dịch cung cấp tính năng này. Vì về bản chất, Margin là phương thức đầu tư khá rủi ro. Thế nên, nếu tham gia Margin, bạn cần xem xét kỹ lưỡng trước khi thực hiện giao dịch.
FOMO
FOMO là viết tắt của cụm từ Fear of Missing out hay hội chứng sở bỏ lỡ, mất cơ hội. Hiển đơn giản, FOMO là một hiệu ứng tâm lý rất phổ biến của các nhà đầu tư. Hiệu ứng này hầu như có mặt trong các phương thức giao dịch từ Forex, chứng khoán đến tiền mã hoá.
HODL
HODL là lóng bắt nguồn từ Hold (nắm giữ). Từ HODL lần đầu xuất hiện trên diễn đàn Bitcoin do một người khởi xướng với tựa đề “I am hodling” để biểu thị việc anh ta vẫn đang nắm giữ Bitcoin dù thị trường đang tụt dốc. Ở thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư tiền mã hoá vẫn dùng từ HODL để chỉ trạng thái nắm giữ đồng coin.
Airdrop
Đây là hình thức tặng token cho người dùng trên thị trường tiền mã hoá. Hình thức này thường được áp dụng trong các dự án ICO, chiến lược quảng cáo, nhằm thu hút người dùng tham gia nhiều hơn vào dự án.
Bottom Fishing
Bottom Fishing hay bắt đáy chính là phương thức đợi giá thấp và bắt đầu mua của chủ đầu tư. Đồng thời, người bắt đáy luôn hy vọng đồng coin ấy sẽ tăng giá trở lại và kiếm được một khoản lợi nhuận lớn.
Breakout
Là thuật ngữ thường được sử dụng trong phân tích kỹ thuật để mô tả giá vượt ra khỏi mức hỗ trợ hoặc kháng cự. Những công cụ kỹ thuật số được dùng để xác định các bước đột phá mới về giá như đường trung bình trượt, mô hình giá, đường xu hướng và các thông số kỹ thuật khác.
dApp
dApp là viết tắt của cụm từ Decentralized Application (tạm dịch: tài chính phi tập trung). Đây là những ứng dụng phi tập trung được triển khai trên các nền tảng và giao thức blockchain hiện có. Các dApp hướng đến mục tiêu xử lý một vấn đề trong một lĩnh vực cụ thể.
Đồng thời, những token sẽ được dùng trong các dApp riêng với từng nền tảng. Do dApp được phát hành trực tiếp trên nền tảng Blockchain nên tính chất của các ứng dụng này sẽ phụ thuộc nhiều vào nền tảng mà chúng được xây dựng.
DeFi
DeFi là viết tắt của cụm từ Decentralized Finance (tạm dịch: tài chính phi tập trung). Đây được biết đến như một tập hợp các dự án được phát hành trên nền tảng Blockchain. Người dùng có quyền sử dụng bất kỳ ứng dụng hoặc dự án nào mà không cần sự hỗ trợ từ bên thứ 3. Vì vậy, với DeFi, bạn có quyền quyết định việc đầu tư tài sản của mình.
Gas fee
Gas fee là một khoản phí mà nhà đầu tư cần chuẩn bị khi thực hiện giao dịch trên các nền tảng Blockchain. Khoản phí này sẽ tỷ lệ thuận với Gwei. Nghĩa là Gwei càng lớn, người dùng sẽ tốn càng nhiều Gas fee. Lúc này, giao dịch của người dùng cũng được thực hiện nhanh chóng hơn. Với mỗi Blockchain khác nhau, Gas fee cũng sẽ khác nhau.
ICO
ICO là viết tắt của cụm từ Initial Coin Offering hay phát hành coin đầu tiên. Đây được xem là hình thức gọi vốn khá phổ biến trong thị trường tiền mã hoá.
Liquidity
Liquidity (thanh khoản) là tính thanh khoản được xác định trên sàn CEX hoặc sàn DEX. Tính thanh khoản càng cao, nhu cầu bán đồng coin càng lớn và ngược lại.
Sàn CEX là gì?
Sàn CEX (Centralized Exchange) là sàn giao dịch tiền mã hoá tập trung, được quản lý bởi đơn vị thứ 3. Bên thứ 3 này có thể là công ty hoặc tổ chức chủ sàn, có nhiệm vụ kiểm soát và làm cầu nối để giao dịch các loại tài sản Crypto. Để đăng nhập KYC (Know your customer) của sàn CEX, bạn cần tạo tài khoản ID và Password. Một số sàn CEX phổ biến hiện nay là: Bittrex, Gate.io, Kucoin, BitMax, Houbi, Binance,…
Sàn DEX là gì?
Sàn DEX (Decentralized Exchange) là sàn giao dịch tiền mã hoá phi tập trung. Các giao dịch được thực hiện trên sàn DEX mang tính chất ngang hàng (P2P). Nghĩa là người dùng tự giao dịch với nhau trên nền tảng Blockchain mà không cần thông qua bất kỳ đơn vị trung gian nào. Với sàn DEX, bạn sẽ tự quản lý và thực hiện các giao dịch của mình. Một số sàn DEX phổ biến là: Sushiswap, Saber, QuickSwap, UniSwap,…
Ví điện tử
Ví điện tử là phần mềm hỗ trợ người dùng lưu trữ, gửi, nhận và theo dõi số dư các loại tiền mã hoá một cách trực quan. Trong “thế giới” Crypto, có rất nhiều cách phân loại ví, nhưng phổ biến nhất là 3 loại: ví nóng, ví lạnh và ví sàn.
Ví nóng là gì?
Ví nóng (hot wallet) là loại ví lưu trữ tiền mã hoá trực tuyến. Trong đó, người dùng có thể nắm giữ Private Key để bảo mật tài sản của mình. Bên cạnh việc lưu trữ Crypto, các ví nóng còn tích hợp rất nhiều tính năng hấp dẫn như swap, tạo profile theo dõi, hỗ trợ nhiều tiêu chuẩn token khác nhau,… Hầu hết các ví đều được sử dụng miễn phí. Tuy nhiên, với việc lưu trữ trên Internet, người dùng dễ gặp nhiều vấn đề rủi ro, tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công bới các tội phạm mạng. Một số ví nóng tiêu biểu hiện nay là TrustWallet, Coinbase Pro, Electrum, Mycelium,…
Ví lạnh là gì?
Ví lạnh (cold wallet) là những loại ví vật lý có thể cầm nắm trên tay. Thông thường, các nhà đầu tư dài hạn sẽ là đối tượng sử dụng ví lạnh. Vì số lần họ giao dịch khá ít. Điểm cộng của ví lạnh là có độ an toàn cực kỳ cao. Một vài cái tên tiêu biểu đại diện cho ví lạnh là Ledger, Trezor, Cool Wallet,…
Ví sàn
Ví sàn (Exchange Wallet) là loại ví được rất nhiều người sử dụng. Đây là loại ví được tạo ra trên các sàn giao dịch và người dùng không trực tiếp nắm giữa Private Key. Ví sàn khá thuận tiện với các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Tuy nhiên, loại ví này cũng tồn tại rất nhiều rủi ro như sàn scam, sàn đột ngột shut down.
Kết luận
Ở thời điểm hiện tại, Crypto chính là “thiên đường” kiếm lợi nhuận của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Crypto là kênh đầu tư rất mạo hiểm, đòi hỏi người tham gia phải có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm thực chiến. Vì vậy, trước khi bước chân vào lĩnh vực này, bạn cần trang bị đầy đủ kiến thức cũng như tìm hiểu các khái niệm cơ bản về Crypto để hành trình đầu tư thuận lợi hơn. Chúc bạn thành công và gặp nhiều may mắn khi tham gia thị trường đầu tư đầy hấp dẫn này nhé!
CẢNH BÁO: Đây là bài viết chia sẻ thông tin, không phải là lời kêu gọi đầu tư, bạn phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đầu tư vào các sản phẩm tài chính luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Chúc bạn sáng suốt và tỉnh táo để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Cần bao nhiêu vốn để đầu tư crypto?
Trên thực tế, không có câu trả lời chính xác để giải đáp thắc mắc này. Vì mỗi nhà đầu tư có nguồn tài chính khác nhau. Dù vậy, khi đầu tư một thị trường rủi ro như Crypto, bạn nên sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi – đây là số tiền bạn có thể đánh mất mà không ảnh hưởng đến cuộc sống của mình.
Crypto có phải là khoản đầu tư tốt?
Tuỳ vào mỗi nhà đầu tư, Crypto có thể là khoản đầu tư tốt hoặc không. Nếu nhà đầu tư có đủ kinh nghiệm, kiến thức, Crypto sẽ mang lại nguồn lợi nhuận tuyệt vời. Ngược lại, nếu nhà đầu tư mới, chưa hiểu biết nhiều về thị trường, Crypto có thể là “cái bẫy” lớn.
Mua tiền mã hoá bằng cách nào?
Bạn có thể mua tiền mã hoá thông qua các nhà môi giới hoặc sàn giao dịch. Để mua tiền mã hoá, mỗi cá nhân phải mở tài khoản, gửi tiền mặt và đặt lệnh giao dịch.
Crypto có hợp pháp tại Việt Nam không?
Theo quy luật hiện hành của pháp luật Việt Nam, Bitcoin và các loại tiền mã hoá không được công nhận là tiền tệ và phương tiện thanh toán hợp pháp. Vì vậy, khi sử dụng tiền mã hoá làm phương tiện thanh toán, bạn sẽ không được pháp luật Việt Nam thừa nhận và bảo vệ.