Hiện nay, AMD và Intel là 2 dòng chip xử lý mạnh mẽ dành cho máy tính có yêu cầu công việc cao. Trong khi Intel là thương hiệu lâu đời mang đến sự uy tín cho người dùng thì AMD đã bắt đầu vươn lên một cách mạnh mẽ. Điển hình là dòng AMD EPYC với khả năng xử lý siêu việt, nhiều nhân hơn và giá rẻ hơn. Vậy chip AMD EPYC là gì? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu cụ thể về AMD EPYC qua bài viết dưới đây nhé!
AMD EPYC là gì?
Đôi nét về AMD
AMD (Advanced Micro Devices) là một trong những thương hiệu chip máy tính lớn hàng đầu thế giới bên cạnh Intel. Công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ. Bên cạnh sản xuất chip, AMD còn là một thương hiệu lớn về card đồ họa rời cạnh tranh trực tiếp với nVidia và kinh doanh một số linh kiện điện tử khác.
Các dòng AMD nổi tiếng hiện nay là AMD Ryzen (Ryzen 3, Ryzen 5, Ryzen 7, Ryzen 9), AMD FX, AMD Athlon, AMD Threadripper và mới nhất là AMD EPYC.
Dòng AMD EPYC
AMD EPYC là bộ vi xử lý của AMD dành cho các hệ thống máy chủ chuyên nghiệp và hệ thống nhúng (Embedded System). Dòng sản phẩm này được AMD giới thiệu vào tháng 6 năm 2017 với thiết kế và tiếp thị dựa trên kiến trúc vi mô Zen. Ưu điểm của EPYC là có số lõi nhiều hơn, nhiều luồng PCI Express cũng như hỗ trợ lượng RAM và bộ nhớ cache lớn hơn.
Đặc biệt, dòng chip này còn cung cấp khả năng bảo mật cực tốt để duy trì tính an toàn cho hệ thống bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm.
Lịch sử phát triển của dòng AMD EPYC
- Vào tháng 3 năm 2017, AMD đã công bố kế hoạch tham gia lại thị trường máy chủ với nền tảng dựa trên vi kiến trúc Zen. Thương hiệu này được đặt tên là EPYC.
- Vào tháng 6 năm 2017, AMD chính thức ra mắt bộ vi xử lý EPYC 7001 và bắt đầu cạnh tranh với dòng sản phẩm Intel Xeon .
- Vào tháng 8 năm 2019, thế hệ EPYC 7002 ‘Rome’ dựa trên vi kiến trúc Zen 2 (thế hệ thứ 2) được ra mắt. Thế hệ này tăng đáng kể hiệu suất trên mỗi lõi so với kiến trúc của thế hệ trước.
- Vào tháng 3 năm 2021, AMD ra mắt dòng EPYC 7003 ‘Milan’, dựa trên vi kiến trúc Zen 3 (thế hệ thứ 3). EPYC Milan tiếp tục mang lại hiệu xuất cao hơn nhiều so với EPYC Rome.
- Bản làm mới của loạt EPYC Milan có tên Milan-X ra mắt ngày 21 tháng 3 năm 2024 với các lõi như thế hệ trước nhưng có thêm 512MB bộ nhớ đệm, nâng tổng số bộ nhớ đệm trên mỗi CPU lên 768 MB.
Điểm nổi bật của AMD EPYC thế hệ thứ 3 – EPYC Milan
Kiến trúc
AMD EPYC sử dụng kiến trúc lõi Zen 3 với hiệu suất khá ấn tượng so với các bộ vi xử lý EPYC Rome (Zen 2). AMD đã tuyên bố rằng đây là lần “đại tu” thiết kế toàn diện nhất từ trước đến nay. Trung bình, kiến trúc Zen 3 mang lại hiệu suất cao hơn đến 19% trên mỗi MHz tần số so với công nghệ trước.
Một số cải tiến đáng chú ý trên EPYC Milan như: tăng gấp đôi bộ nhớ đệm L1, cải thiện băng thông và chuyển đổi nhanh hơn giữa bộ đệm OPCache và bộ đệm lệnh.
Thông số kỹ thuật
EPYC Milan có kiến trúc lõi Zen 3 x86 (64 lõi /128 luồng) với bộ nhớ cache 32MB L3. Đặc biệt, thế hệ EPYC này cung cấp công suất đỉnh lên đến 280W trong khi thế hệ trước chỉ có 240W.
EPYC Milan hỗ trợ công nghệ DDR4 8G với với tốc độ xung nhịp 3.2Ghz cho phép CPU truy cập bộ nhớ trên nhiều DIMM một cách nhanh chóng.
Bảo mật
AMD đã tập trung vào bảo mật với CPU EPYC thế hệ thứ 3. Điều này rất quan trọng đối với các bộ phận công nghệ thông tin và quản trị viên vì các máy chủ thường lưu trữ nhiều loại thông tin của khách hàng.
Dòng EPYC Milan chỉ cho phép người dùng chạy mã đáng tin cậy thông qua tải BIOS, giúp ngăn chặn mã độc và Rootkit/Bootkit trước khi hệ điều hành được khởi động.
Hơn nữa, EPYC đã mã hóa nội dung của bộ nhớ hệ thống chính thông qua AMD’s Secure Memory Encryption (SME), đảm bảo rằng tất cả bộ nhớ hệ thống sẽ được mã hóa bằng cách sử dụng các khóa được tạo ngẫu nhiên trên mỗi lần đặt lại hệ thống.
Cụ thể, EPYC Milan có khả năng bảo vệ chống lại các cuộc tấn công như:
- Quét bộ nhớ: Một số phần mềm độc hại có thể quét bộ nhớ của thiết bị để lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng.
- Tấn công khởi động nguội: Điều này được thực hiện bởi các cá nhân có quyền truy cập vật lý vào máy chủ. Họ sẽ chạy kết xuất bộ nhớ RAM thông qua khôi phục cài đặt gốc. Những kẻ tấn công sau sẽ có quyền truy cập không hạn chế vào dữ liệu mà chúng phân tích được để tìm thông tin nhạy cảm, riêng tư của người dùng.
AMD EPYC được ứng dụng trong lĩnh vực nào?
Data Center
Các trung tâm dữ liệu (Data Center) được cung cấp bởi bộ xử lý AMD EPYC sẽ mang lại hiệu suất vượt trội, giúp doanh nghiệp của bạn dễ dàng mở rộng quy mô.
Điện toán đám mây
Cloud Computing là mô hình cung cấp tài nguyên máy tính cho người dùng thông qua internet. Tuy nhiên, hạn chế của mô hình này là đôi khi chi phí tăng cao, quá trình di chuyển phức tạp, hiệu suất và các lo ngại về an ninh.
Bộ vi xử lý AMD EPYC sẽ giúp bạn giải quyết công việc với cường độ cao nhất cũng như hiệu quả về chi phí.
Cơ sở dữ liệu
Hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu là cốt lõi của các ứng dụng doanh nghiệp để xử lý giao dịch và phân tích mọi thứ. AMD EPYC sẽ giúp tăng tốc hiệu suất ứng dụng trên các khối lượng công việc để bạn có thể tập trung vào việc biến dữ liệu thô thành thông tin chi tiết có thể phân tích.
Thiết kế và mô phỏng
AMD EPYC giúp tăng tốc các hoạt động mô phỏng và thiết kế của bạn.
Các giải pháp HPC thương mại do AMD EPYC cung cấp giúp bạn cải thiện chất lượng thiết kế và đẩy nhanh tiến độ mô phỏng các sản phẩm ngành ô tô, hàng không, chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao, hàng tiêu dùng, năng lượng, vật liệu và xử lý hóa học.
HCI và Virtualization (ảo hóa)
Các giải pháp HCI được cung cấp bởi AMD EPYC có thể:
- Tăng tốc khối lượng công việc cho các ứng dụng kinh doanh ảo hóa
- Tối ưu hóa HCI bằng cách hợp nhất khối lượng công việc và ít sử dụng máy chủ vật lý hơn
- Giúp bảo vệ dữ liệu với AMD Infinity Guard
- Tiết kiệm năng lượng
Mạng và Viễn thông
Bộ xử lý AMD EPYC cung cấp năng lượng cho các máy chủ x86, mang lại hiệu suất vượt trội và giảm tiêu thụ năng lượng.
Các nền tảng hỗ trợ bộ xử lý EPYC cũng có thể đáp ứng nhu cầu hiệu suất ứng dụng với ít máy chủ vật lý hơn so với các giải pháp khác. Điều này có thể làm diện tích trung tâm dữ liệu nhỏ hơn, chi phí phần cứng thấp hơn, chi phí điện năng, làm mát và chi phí mạng cũng thấp hơn.
Siêu máy tính và HPC
Máy tính hiệu suất cao (High Performance Computing – HPC) giúp các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và kỹ sư dễ dàng đưa trí tưởng tượng của họ vào cuộc sống. Điều đó thúc đẩy khám phá khoa học, cung cấp thiết kế sản phẩm tốt hơn và tìm câu trả lời cho các vấn đề phức tạp.
Với công nghệ AMD EPYC, cộng đồng HPC có thể thúc đẩy những đổi mới và hiểu biết sâu sắc với tính toán hiệu suất cao và các tính năng bảo mật nâng cao để giúp mang lại kết quả tốt hơn bao giờ hết.
AMD công bố Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ (U.S. Department of Energy) đã sử dụng CPU AMD EPYC để trang bị cho siêu máy tính mới mang tên Polaris. Hệ thống này được lắp ráp bởi Hewlett Packard Enterprise (HPE) và vừa mới nâng cấp lên EPYC thế hệ thứ 3.
So sánh chip Intel và AMD
Về giá bán
Cả Intel và AMD đều cung cấp những dòng chip CPU với phân khúc giá rất đa dạng. Ở mức giá tầm trung, chip của AMD được lựa chọn phổ biến hơn vì có giá rẻ hơn so với Intel.
Về hiệu năng
Đối với các dòng thông thường, chip Intel được đánh giá cao hơn AMD về hiệu năng và tối ưu tốt hơn cho việc chơi game nặng. Đối lại, AMD thường cung cấp hiệu suất đa luồng tốt hơn nhờ vào số lượng lõi và số luồng nhiều hơn.
Bên cạnh đó, AMD được sản xuất trên tiến trình 7nm (tiến trình sản xuất các bóng bán dẫn siêu nhỏ) giúp nâng cao hiệu suất của vi xử lý.
Với sự xuất hiện của dòng EPYC 7003 (sản phẩm dành cho doanh nghiệp, máy chủ dữ liệu), AMD đang tỏ ra vượt trội hơn Intel về cả hiệu năng lẫn giá bán.
Về khả năng xử lý đồ họa
Ở phần này, AMD đang cho thấy sự vượt trội hơn khi cung cấp đến thị trường một số card đồ họa chuyên dụng trong khi Intel đến hiện tại vẫn chưa có.
Tuy nhiên, mặc dù được đánh giá cao về đồ họa tích hợp nhưng hiệu năng tính toán của AMD lại kém hơn so với Intel.
Về khả năng ép xung
AMD được cho là hỗ trợ ép xung tốt hơn so với chip của Intel trong tầm giá thấp. Còn với dòng cao cấp, Intel được đánh giá tốt hơn.
Về khả năng tương thích driver
Chip Intel hỗ trợ tối ưu các driver tốt hơn so với AMD vì chip này đã được sử dụng phổ biến trước đó, các driver sẽ tương thích tốt hơn với Intel.
Nên chọn chip AMD hay Intel?
- Đối với người dùng thông thường, không quá am hiểu về công nghệ thì chip Intel là lựa chọn phổ biến và an toàn hơn.
- Học sinh, nhân viên văn phòng sử dụng laptop vào nhiều mục đích làm việc, chơi game nên sử dụng chip AMD vì có giá thành rẻ hơn.
- Những người cần xử lý video nhiều nên chọn chip AMD nhiều nhân và luồng để xử lý cũng như render nhanh hơn.
- Riêng các trung tâm dữ liệu thì nên chọn dòng AMD EPYC, đặc biệt là thế hệ thứ 3 bởi dòng chip này tốn ít dung lượng, hiệu suất cao và bảo mật tốt hơn.
Tóm lại, EPYC đang giúp cho AMD phá vỡ mọi kỷ lục trong ngành chip máy tính. Rất nhiều các doanh nghiệp lớn đã bắt đầu sử dụng chip AMD EPYC trong các hệ thống của họ. Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ nắm được một số thông tin cơ bản về chip AMD EPYC để có lựa chọn thích hợp cho doanh nghiệp của mình.
Những câu hỏi thường gặp
EPYC hosting là gì?
EPYC hosting là các hosting được cung cấp bởi máy chủ sử dụng công nghệ chip AMD EPYC. Với sự hỗ trợ của AMD EPYC, các máy chủ này được thiết kế cho khối lượng công việc đòi hỏi nhiều dữ liệu bằng cách cung cấp tốc độ bộ nhớ nhanh hơn với 128 làn PCIe 3.0 và 32 core.
ADM EPYC được sử dụng bởi các doanh nghiệp lớn nào trên thế giới?
Các đối tác đã sử dụng công nghệ chip AMD EPYC bao gồm AWS, Cisco, Dell Technologies, Google Cloud, HPE, Lenovo, Oracle Cloud Infrastructure, Microsoft Azure, Supermicro và Tencent Cloud,…Họ đều là những người của các nhà cung cấp nền tảng trung tâm dữ liệu lớn.
Đối thủ chính của ADM EPYC là dòng nào?
Intel XEON là dòng chip cạnh tranh với ADM EPYC. XEON cũng có đầy đủ cấu hình và chức năng cần thiết cho cho máy chủ.
EPYC và XEON, chip nào tốt hơn?
So với các XEON của Intel, hiện tại các thế hệ EPYC đang có sức mạnh vượt trội và giá thành thấp hơn. Gần đây, đã có rất nhiều doanh nghiệp trên thế giới bắt đầu sử dụng EPYC trong các hệ thống của họ.