Được biết đến như một công việc với mức lương hấp dẫn và thu hút nguồn nhân sự, Account Manager đã trở thành vị trí được nhiều bạn trẻ quan tâm. Không những thế, chức vụ này cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Vậy chính xác Account Manager là gì? Account Manager cần làm những nhiệm vụ nào? Tino Group sẽ giúp bạn giải đáp toàn bộ thắc mắc về Account Manager qua bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu tổng quan về Account Manager
Account Manager là gì?
Account Manager (quản lý bộ phận Account) là người chịu trách nhiệm đối với những công việc liên quan đến xây dựng mối quan hệ với khách hàng, ký kết hợp đồng để mang lại lợi ích và doanh thu cho công ty. Những người đảm nhiệm vị trí này sẽ đưa ra các quyết định, phương hướng giải quyết cuối cùng để xử lý các vấn đề phát sinh trong hoạt động liên quan đến khách hàng hoặc dự án.
Bộ phận Account hay Account Manager cần tập trung và tìm cách cải thiện mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Bộ phận này đóng vai trò chủ chốt trong việc mang lại giá trị bền vững cho tổ chức, doanh nghiệp. Để trở thành một Account Manager giỏi, bạn cần có khả năng phối hợp tốt với đội ngũ kinh doanh. Mục tiêu hàng đầu bạn phải hướng đến là đạt chỉ tiêu doanh số và đảm bảo sự hài lòng cho người tiêu dùng.
Có thể nói, Account Manager chính là người “kiếm tiền nuôi cả công ty”. Ngoài việc tìm kiếm, tư vấn cho khách hàng, chốt đơn sản phẩm, Account Manager còn quản lý bộ phận cấp thấp hơn như Account Executive, đưa ra đánh giá và phân tích báo cáo từ họ.
4 trọng trách cốt lõi của Account Manager
Account Manager đóng vai trò như “cầu nối” giữa doanh nghiệp và khách hàng. Họ chính là người quản lý, theo dõi và điều hành các hoạt động liên quan đến khách hàng, đối tác như thương lượng, trao đổi, ký kết hợp đồng, duy trì và mở rộng mối quan hệ với khách hàng trong tương lai.
Tạo ra nguồn tiền cho doanh nghiệp
Một trong những trọng trách lớn nhất của Account Manager là mang lại nguồn doanh thu cho doanh nghiệp. Họ giữ vai trò đàm phán, kết nối trực tiếp với khách hàng để chốt dự án, ký kết hợp đồng. Thông qua những hoạt động của Account Manager, doanh nghiệp có thể kiếm lợi nhuận, doanh thu.
Để thành công chốt dự án, Account Manager phải biết nắm bắt cơ hội, xây dựng hình tượng chuyên nghiệp và dẫn dắt đội ngũ Account phát triển đúng hướng. Bên cạnh đó, một Account Manager cũng cần có khả năng phân tích tình hình doanh nghiệp, xu hướng thị trường để hiểu rõ thị hiếu khách hàng, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp cho dự án.
Phối hợp với các phòng ban khác
Khi nhận được kịch bản từ khách hàng, nhiệm vụ của Account Manager là chia sẻ thông tin cần thiết đến những bộ phận có liên quan. Account Manager chính là người đi cùng dự án từ giai đoạn đầu đến khi hoàn tất dự án và trình bày cho khách hàng.
Đồng thời, họ còn đóng vai trò kết nối các bộ phận làm việc như planner, đội ngũ creative, nhà sản xuất,… Thậm chí, Account Manager cũng đảm nhiệm việc kết nối với các đối tác bên ngoài để thực hiện chiến dịch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Kiểm soát và phân bổ ngân sách
Để thực thi dự án, doanh nghiệp cần có nguồn ngân sách nhất định. Account Manager chính là người kiểm soát và phân bổ nguồn ngân sách cho các hoạt động, chiến lược của phòng ban một cách hợp lý.
Ngoài ra, khách hàng cũng luôn mong muốn thực hiện dự án tối ưu chi phí nhất. Thế nên, Account Manager cần phải “cân đo đong đếm” sao cho vừa hợp lý với khách hàng, vừa tối ưu lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Làm hài lòng khách hàng
Account Manager được gọi vui là “làm dâu trăm họ”. Vì không chỉ làm hài lòng khách hàng, Account Manager còn phải thuận thảo với nhân sự của mình. Về cơ bản, Account Manager cũng là một công việc trong lĩnh vực dịch vụ. Thế nên, “khách hàng là Thượng Đế” đã trở thành khẩu hiệu quen thuộc của các Account Manager. Thế nên, biết cách làm hài lòng khách hàng giúp Account Manager cải thiện uy tín, tăng số lượng dự án trong tương lai và mang lại giá trị, lợi nhuận cao cho doanh nghiệp.
5 kỹ năng cần có của một Account Manager
#1. Tư duy đột phá
Một Account Manager giỏi sẽ không tuân theo những lối mòn hoặc các ý tưởng cũ cho các chiến dịch mới. Để cải thiện tư duy, Account Manager cần dành thời gian nghiên cứu, khảo sát về khách hàng, đối tượng mục tiêu, lĩnh vực hoạt động, xu hướng mới,… Từ đó, bạn mới có thể đưa ra những ý tưởng mới mẻ, giúp dự án phát triển theo chiều hướng mới lạ và thú vị hơn.
Marketing là một “bức tranh muôn hình vạn trạng”. Thế nên, nếu Account Manager không học hỏi, trau dồi tư duy mỗi ngày, bạn có thể bị đào thải ra khỏi sân chơi. Vì vậy, Account Manager cần biết cách định vị Agency của mình để đưa ra giải pháp sáng tạo tối ưu, giúp cho dự án khách hàng toả sáng hơn trên thị trường.
#2. Am hiểu kiến thức Marketing
Tính chất công việc của Account Manager về cơ bản là theo dõi, xây dựng kế hoạch và hỗ trợ đội ngũ creative sáng tạo ý tưởng mới. Chính vì thế, để đánh giá và nhận định dự án, Account Manager cần có vốn kiến thức chuyên sâu về Marketing.
Thông thường, các Agency tuyển dụng vị trí Account Manager thường ưu tiên những bạn tốt nghiệp ngành quản trị kinh doanh hoặc các khóa Marketing. Tuy nhiên, dù học trái ngành, bạn cũng có thể đảm nhận vị trí này. Vì về bản chất, nhiệm vụ Account Manager chủ yếu là hiểu rõ khách hàng, nắm bắt kịch bản nhanh và đưa ra nhiều góc nhìn mới.
#3. Giao tiếp
Giao tiếp chính là “chiếc chìa khoá” để các Account Manager tiếp cận và chinh phục khách hàng. Khi đứng giữa khách hàng và đội ngũ nhân sự, Account Manager cần khéo léo trong giao tiếp để đáp ứng mong muốn và yêu cầu của cả hai bên.
Hơn hết, đọc vị khách hàng là một kỹ năng cần thiết của một Account Manager. Người xưa có câu: “Mềm nắn, rắn buông”. Câu nói này thật sự rất đúng khi bạn trở thành một Account Manager. Bạn có thể khéo léo, mềm mỏng để thuyết phục khách hàng ký kết hợp đồng hoặc cứng rắn thúc đẩy đội ngũ nhân sự nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc dự án. Mềm mỏng đúng nơi, cứng rắn đúng chỗ chính là bí quyết giúp khách hàng xem trọng thành quả và giá trị mà bạn cũng như doanh nghiệp của mình mang lại.
Không những thế, Account Manager chuyên nghiệp sẽ nhìn ra các lỗi cần khắc phục của nhân sự nếu dự án đi lệch khỏi mong muốn ban đầu. Đồng thời, họ cũng sở hữu khả năng quyết đoán, nhìn nhận mọi việc sâu và rộng hơn để không bị khách hàng ép giá.
#4. Không ngại thách thức
Những Account Manager giàu kinh nghiệm trong ngành không chỉ giỏi về việc quản lý khách hàng, họ còn có khả năng lăn xả với hàng trăm dự án từ đơn giản đến phức tạp. Thế nên, việc chịu khó, không ngại thử thách cũng là kỹ năng cần có của một Account Manager.
Thay vì trốn tránh hoặc từ chối các dự án khó, một Account Manager chuyên nghiệp sẽ quyết tâm thực hiện đến cùng. Thậm chí, dự án càng “khoai”, Account Manager giỏi càng hứng thú và quyết tâm thực hiện đến cùng. Trên thực tế, chỉ có thể dấn thân, học hỏi những điều mới mẻ, vốn sống và kinh nghiệm của Account Manager mới được trau dồi, mài giũa. Đến một lúc nào đó, bạn chắc chắn sẽ lĩnh hội được kiến thức hữu ích và thuyết phục thành công khách hàng của mình.
#5. Phân chia công việc hợp lý
Sau khi nhận được các thông tin về dự án từ khách hàng, Account Manager cần bắt tay vào hệ thống, phác thảo kịch bản và chia sẻ đến các bộ phận có liên quan.
Trong quá trình này, Account Manager cần có kỹ năng phân bổ công việc, trao đổi, dàn xếp các hoạt động, nhiệm vụ để thực thi dự án. Bên cạnh đó, Account Manager cũng cần lên thời gian dự kiến hoàn thành cho từng bộ phận, liên tục bám sát kế hoạch, sự kiện,…, để dự án diễn ra tốt đẹp hơn.
Account Manager là một công việc quan trọng, đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo ra doanh thu và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với khách hàng. Qua bài viết trên, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu rõ Account Manager là gì cũng như nhiệm vụ của bộ phận này đối với doanh nghiệp. Hãy tiếp tục theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những bài viết hay và hữu ích tiếp theo nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Mức lương trung bình của Account Manager là bao nhiêu?
Tùy vào năng lực, kinh nghiệm và hiệu quả dự án, các Account Manager sẽ có mức lương trung bình khác nhau. Nhưng nhìn chung, thu nhập bình quân của Account Manager tại Việt Nam sẽ dao động từ 15 triệu – 35 triệu/tháng.
Học ngành nào để làm Account Manager?
Những người học chuyên ngành Marketing hoặc Quản trị kinh doanh sẽ có ưu thế hơn khi ứng tuyển vị trí Account Manager. Tuy nhiên, dù học bất kỳ ngành nghề nào, bạn vẫn có thể đảm nhiệm vị trí này nếu có đủ kỹ năng, kinh nghiệm và kiến thức.
Account Manager thường làm việc với bộ phận nào?
Account Manager thường làm việc trực tiếp với bộ phận Creative hoặc Design.
Sale và Account Manager có giống nhau không?
Câu trả lời là “Không!”. Trong khi Sale phát triển theo chủ nghĩa “cứ deal là có tiền”, Account Manager sẽ tập trung vào lợi nhuận dài hạn.