Tấn công mạng không đơn thuần là những cuộc xâm nhập ngẫu nhiên mà còn là các chiến dịch tấn công kéo dài, tinh vi và có chủ đích. Vậy tấn công APT là gì? Vì sao tấn công APT lại trở thành một trong những mối đe dọa đáng sợ nhất trên thế giới mạng hiện nay? Trong bài viết dưới đây, TinoHost sẽ cung cấp cho bạn cái nhìn sâu sắc về tấn công APT. Hãy cùng theo dõi ngay nhé!
Tấn công APT là gì?
Tấn công APT (Advanced Persistent Threat – tấn công có chủ đích) là một cuộc tấn công mạng tinh vi và dai dẳng. Kẻ tấn công sử dụng các công nghệ tân tiến, kỹ thuật lừa đảo để đột nhập vào mạng mục tiêu nhằm đánh cắp dữ liệu nhạy cảm trong thời gian dài. Thông thường, các cuộc tấn công APT sẽ được lên kế hoạch cẩn thận và thiết kế nhằm xâm nhập vào một tổ chức cụ thể. Tấn công APT thậm chí có thể vượt qua các biện pháp bảo mật và hoạt động “lặng thầm” mà khó có ai phát hiện ra.
So với các cuộc tấn công truyền thống, tấn công APT có mức độ tinh vi và phức tạp hơn. Những kẻ tấn công thường là một đội ngũ tội phạm giàu kinh nghiệm, có thế lực “chống lưng”. Và tất nhiên, mục tiêu của chúng thường là các tổ chức, doanh nghiệp có tên tuổi trên thị trường.
Mục tiêu của các cuộc tấn công APT thường rơi vào 4 nhóm:
- Gián điệp mạng: Đánh cắp tài sản trí tuệ hoặc bí mật quốc gia.
- Tội phạm mạng: Vì mục đích tài chính.
- Hacktivism (hoạt động tấn công mạng vì lý do chính trị hoặc xã hội).
- Phá hoại.
Tấn công APT đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các tổ chức. Trước hình thức tấn công nguy hiểm này, mỗi một doanh nghiệp cần phải có biện pháp bảo mật tân tiến để phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
3 giai đoạn của một cuộc tấn công APT
Giai đoạn 1: Do thám
Giai đoạn đầu tiên của một cuộc tấn công APT là do thám. Ở giai đoạn này, kẻ tấn công sẽ dành phần lớn thời gian để thu thập thông tin về mục tiêu của họ. Trong giai đoạn do thám, kẻ tấn công sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng về cấu trúc mạng, hệ thống bảo mật và nhân sự trong tổ chức.
Mục tiêu của giai đoạn này là xác định các lỗ hổng và điểm yếu có thể bị khai thác. Một số hoạt động của các kẻ tấn công trong giai đoạn 1:
- Thu thập thông tin công khai: Kẻ tấn công sử dụng các nguồn dữ liệu công khai như trang web công ty, mạng xã hội, báo cáo tài chính để tìm hiểu về tổ chức.
- Phân tích hệ thống bảo mật: Họ tìm kiếm thông tin về các giải pháp bảo mật đang được sử dụng để tìm ra điểm yếu.
- Xác định mục tiêu nội bộ: Các cá nhân quan trọng trong tổ chức, như quản trị viên hệ thống hoặc nhân viên có quyền truy cập cao sẽ bị nhắm đến để tạo ra con đường xâm nhập hiệu quả.
Giai đoạn 2: Xâm nhập ban đầu
Sau khi hoàn thành giai đoạn do thám, kẻ tấn công tiến hành xâm nhập ban đầu vào hệ thống mục tiêu. Mục tiêu của giai đoạn này là thiết lập một điểm truy cập ban đầu vào mạng của tổ chức mà không bị phát hiện. Các phương pháp được sử dụng trong giai đoạn xâm nhập là:
- Tấn công phishing: Gửi email giả mạo chứa liên kết độc hại hoặc tệp đính kèm để lừa nhân viên tải về malware.
- Sử dụng malware: Cài đặt phần mềm độc hại vào hệ thống mục tiêu để mở cửa sau (backdoor) cho phép truy cập từ xa.
- Khai thác lỗ hổng: Tận dụng các lỗ hổng bảo mật chưa được vá để xâm nhập vào hệ thống.
Giai đoạn 3: Khai thác
Trong giai đoạn 3, kẻ tấn công tập trung vào sự hiện diện trong mạng mục tiêu. Chúng sẽ triển khai các kỹ thuật để tránh bị phát hiện và tiếp tục mở rộng quyền truy cập của mình. Từ đó, chúng có thể khai thác thông tin một cách liên tục.
- Ẩn mình: Sử dụng các kỹ thuật như mã hoá dữ liệu, che giấu hoạt động để tránh bị phát hiện bởi các hệ thống bảo mật.
- Mở rộng quyền chiếm đoạt: Tìm cách tăng cường quyền truy cập bằng cách chiếm đoạt tài khoản có quyền cao hoặc cài đặt thêm backdoor.
- Khai thác dữ liệu: Bắt đầu thu thập và chuyển dữ liệu nhạy cảm ra ngoài mà không bị phát hiện.
Các cuộc tấn công APT thường kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Chúng gây ra thiệt hại lớn cho các tổ chức bị tấn công. Việc hiểu rõ các giai đoạn của một cuộc tấn công APT rất cần thiết để xây dựng các biện pháp phòng ngừa và phản ứng hiệu quả.
Đặc điểm nhận diện tấn công APT
Như đã đề cập, tấn công APT khác biệt so với những cuộc tấn công mạng thông thường. Do tấn công APT tinh vi và dai dẳng hơn rất nhiều. Tuy nhiên, các đặc điểm nhận diện APT cũng rõ ràng và dễ nhận biết hơn. Một số “triệu chứng” cho thấy tổ chức của bạn đang bị tấn công APT:
- Tài khoản người dùng hoạt động bất thường: Các tài khoản có quyền truy cập cap đột nhiên hoạt động nhiều hơn vào những giờ không bình thường, như ban đêm hoặc ngoài giờ làm việc.
- Trojan backdoor: Các phần mềm độc hại được cài đặt vào hệ thống để mở cửa sau, cho phép kẻ tấn công truy cập từ xa và duy trì sự hiện diện lâu dài trong mạng mà không bị phát hiện.
- Xuất hiện dữ liệu bất thường: Sự xuất hiện của các gói dữ liệu bất thường hoặc không mong đợi có thể là dấu hiệu cho thấy dữ liệu đang được tập hợp và chuẩn bị để chuyển ra ngoài.
- Dữ liệu gửi ra bất thường: Những luồng dữ liệu bất thường hoặc sự tăng đột biến đột ngột trong các hoạt động cơ sở dữ liệu, đặc biệt là những hoạt động liên quan đến số lượng lớn dữ liệu, có thể là dấu hiệu của việc dữ liệu đang bị trộm cắp.
Cách phòng tránh tấn công APT
Các cuộc tấn công APT là mối đe doạ dai dẳng, đòi hỏi các tổ chức phải chủ động xây dựng hệ thống phòng thủ toàn diện. Dưới đây là một số chiến lược hiệu quả.
Phủ sóng cảm biến toàn diện
Để bảo vệ hệ thống khỏi tấn công APT, việc triển khai các giải pháp giám sát toàn diện đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Đây là cách giúp tổ chức loại bỏ các “điểm mù” tiềm ẩn. Nhờ đó, đội ngũ bảo mật có thể phát hiện kịp thời các hoạt động bất thường và ngăn chặn mọi tấn công trước khi chúng leo thang. Các công cụ giám sát này giúp tổ chức theo dõi mọi ngóc ngách của mạng, đảm bảo không có bất kỳ sự xâm nhập nào có thể lọt qua.
Tận dụng thông tin tình báo kỹ thuật
Một trong những cách tốt nhất để tránh tấn công APT là sử dụng các nguồn tin tình báo kỹ thuật, như chỉ số xâm nhập (Indicators of Compromise – IOC). Tổ chức có thể tích hợp chỉ số này vào hệ thống quản lý sự kiện và thông tin bảo mật (SIEM). Giải pháp này giúp tổ chức phân tích sâu và liên kết các sự kiện bảo mật. Thông qua đó, tổ chức sẽ phát hiện các dấu hiệu tấn công tinh vi tiềm ẩn. Khi có thông tin chính xác, tổ chức sẽ nhanh chóng nhận diện và ngăn chặn các cuộc tấn công trước khi chúng gây ra thiệt hại.
Hợp tác với các chuyên gia an ninh mạng
Hợp tác với các chuyên gia an ninh mạng là cách đảm bảo tổ chức có đủ nguồn lực, chuyên môn ứng phó với các mối đe dọa phức tạp. Những công ty bảo mật hàng đầu sẽ cung cấp dịch vụ hỗ trợ kịp thời trong trường hợp tổ chức bị tấn công APT. Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, tổ chức có thể nhanh chóng xác định nguyên nhân và khắc phục hậu quả cuộc tấn công.
Sử dụng WAF
WAF (Web Application Firewall – tường lửa bảo vệ web) là một lớp bảo vệ quan trọng. Với WAF, tổ chức có thể lọc, giám sát và phân tích lưu lượng truy cập giữa ứng dụng web với mạng Internet. Hơn hết, giải pháp này còn ngăn chặn các cuộc tấn công nhắm vào lỗ hổng của ứng dụng web, bảo vệ dữ liệu và đảm bảo an toàn cho hệ thống. Với khả năng ngăn chặn các yêu cầu độc hại, WAF giữ cho ứng dụng web của tổ chức luôn trong trạng thái an toàn.
Thông tin tình báo về mối đe dọa
Đây là phương pháp hữu ích để tổ chức phân tích hành vi của kẻ tấn công, theo dõi các chiến dịch tấn công và cập nhật về những biến thể phần mềm độc hại. Hiểu rõ bối cảnh của cuộc tấn công – kẻ tấn công là ai, mục đích là gì giúp tổ chức xây dựng chiến lược phòng thủ hiệu quả. Không chỉ giúp phát hiện tấn công, thông tin tình báo còn tăng khả năng phòng ngừa lỗ hổng.
Chủ động tìm mối đe dọa
Bên cạnh các công nghệ bảo mật, việc chủ động săn tìm các mối đe đoạ do chuyên gia thực hiện cũng rất quan trọng. Hiện tại, có không ít đơn vị cung cấp dịch vụ săn tìm các mối đe dọa. Họ có thể hoạt động liên tục 24/7 để đảm bảo phát hiện các dấu hiệu tấn công tinh vi tiềm ẩn sâu trong hệ thống. Từ đó, các chuyên gia sẽ ngăn chặn trước khi chúng gây ra thiệt hại nghiêm trọng. Việc chủ động săn tìm mối đe dọa là cách giúp tổ chức luôn ở thế chủ động, sẵn sàng đối phó với những mối đe dọa mạng.
Tấn công APT là mối đe dọa mang tinh vi nhằm xâm nhập và lấy cắp thông tin quan trọng trong thời gian dài mà không bị phát hiện. Để đối phó, các tổ chức cần triển khai nhiều biện pháp bảo mật khác nhau. TinoHost hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ tấn công APT là gì cũng như cách thức phòng chống mối đe doạ này hiệu quả. Nếu muốn tìm hiểu thêm những bài viết hay và hữu ích khác, bạn hãy theo dõi TinoHost ngay nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Có cách nào phục hồi sau khi bị tấn công APT không?
Để phục hồi sau khi bị tấn công APT, tổ chức cần cô lập và loại bỏ mã độc, khôi phục lại hệ thống từ các bản sao lưu an toàn. Đồng thời, tổ chức cũng nên nâng cao biện pháp bảo mật để ngăn chặn tình trạng tái phát.
Tấn công APT có thể được phát hiện từ đâu?
Tấn công APT có thể được phát hiện từ các hoạt động giám sát mạng, hệ thống báo động sớm và phân tích sâu sắc các dấu hiệu bất thường trong hệ thống.
Ai là mục tiêu chính của tấn công APT?
Các tổ chức, doanh nghiệp có dữ liệu nhạy cảm, thông tin chiến lược hoặc tài sản có giá trị cao thường là mục tiêu chính của tấn công APT.