Chiết khấu là khái niệm rất phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh. Hình thức Marketing này giúp doanh nghiệp có thể lôi kéo được nhiều khách hàng và thu về lợi nhuận tốt hơn, trong khi khách hàng sẽ tiết kiệm được chi phí khi mua số lượng lớn sản phẩm/dịch vụ. Vậy cụ thể chiết khấu là gì? Cách tính như thế nào? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Định nghĩa chiết khấu
Chiết khấu là gì?
Chiết khấu (Discount) là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong hầu hết các hoạt động kinh doanh để chỉ việc giảm giá một sản phẩm/dịch vụ nào đó trên tỷ lệ phần trăm nhất định. Hiểu đơn giản, người bán sẽ trừ đi một phần trong tổng giá bán và người mua phải trả số tiền ròng còn lại.
Tỷ lệ chiết khấu là yếu tố quan trọng có thể đánh vào tâm lý của khách hàng, khiến họ có nhu cầu mua hàng số lượng lớn để được giảm giá. Các doanh nghiệp hiện nay thường xuyên áp dụng phương thức này để thúc đẩy bán hàng và tăng doanh số.
Ngoài ra, chiết khấu còn là một cách hiệu quả để doanh nghiệp tri ân khách hàng, duy trì mối quan hệ dài lâu với khách hàng đã lựa chọn mình.
Lợi ích cụ thể của chiết khấu trong chiến dịch Marketing
Tăng nhận diện thương hiệu
Chiết khấu giúp thương hiệu của doanh nghiệp tạo ấn tượng tích cực trong mắt khách hàng. Bởi trước khi lựa chọn sản phẩm/dịch vụ của một thương hiệu, đa số người tiêu dùng sẽ có thói quen xem xét thương hiệu đó có nhiều chương trình khuyến mãi không.
Vì vậy, việc áp dụng chính sách chiết khấu, khách hàng sẽ chú ý đến thương hiệu của bạn nhiều hơn các đối thủ cạnh tranh khác. Hơn nữa, chương trình giảm giá vào các dịp đặc biệt (ngày lễ, Tết, sự kiện, …) sẽ giúp doanh nghiệp được nhớ đến nhiều hơn.
Thu hút khách hàng và tăng doanh số
Tâm lý chung của người tiêu dùng hiện nay là được mua sản phẩm với “giá hời”. Vì vậy, áp dụng chiết khấu cho sản phẩm là một cách cực kỳ hiệu quả để kích thích nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Bên cạnh thu hút khách hàng tiềm năng, chiết khấu còn có khả năng hấp dẫn những người mua cũ.
Mục tiêu cuối cùng của việc thu hút khách hàng là đẩy nhanh tiêu thụ sản phẩm và tăng doanh số cũng như lợi nhuận. Ngoài ra, trong quá trình tham khảo các mặt hàng được chiết khấu, người dùng sẽ có xu hướng lựa chọn những sản phẩm/dịch vụ khác mà bạn đang cung cấp.
Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ thu về một khoản doanh thu rất lớn trong các chiến dịch có áp dụng hình thức chiết khấu.
Hạn chế của chiết khấu là gì?
Mặc dù là hoạt động cần phải có trong hoạt động kinh doanh, nhưng chiết khấu vẫn có một số hạn chế sau:
- Giảm giá trị thương hiệu trong mắt những khách hàng cao cấp
- Hình thành thói quen chờ giảm giá của khách hàng
- Giảm độ tin cậy ở khách hàng, tạo tâm lý nghi ngờ về chất lượng, hạn sử dụng của sản phẩm
Phân loại các hình thức chiết khấu phổ biến hiện nay
Chiết khấu theo số lượng mua (Volume Discounts)
Chiết khấu theo số lượng mua là hình thức chiết khấu được áp dụng phổ biến nhất. Khách mua hàng càng nhiều sản phẩm sẽ càng được giảm giá. Hình thức này có khả năng thuyết phục khách hàng mua hàng số lượng lớn.
Chiết khấu theo số lượng mua lớn có thể được áp dụng theo nguyên tắc không cộng dồn (tính theo số lượng sản phẩm mỗi lần đặt hàng) hoặc cộng dồn (tính trên số lượng sản phẩm những lần đặt hàng trong một thời kỳ nhất định). Ngoài ra, chính sách chiết khấu phải được áp dụng thống nhất cho mọi khách hàng.
Chiết khấu thương mại (Trade Discount)
Chiết khấu thương mại (Trade Discount) được các nhà sản xuất áp dụng cho các thành viên của kênh thương mại, chẳng hạn như đại lý, cửa hàng, siêu thị,…Mức chiết khấu thường dao động từ 5% – 15% so với giá sản phẩm.
Chiết khấu theo mùa (Seasonal Discounts)
Giá của hàng hóa giảm vào một mùa cụ thể sẽ được gọi là chiết khấu theo mùa. Đây là một cách tuyệt vời để doanh nghiệp bán hàng vào thời điểm trái mùa. Hình thức giảm giá này không chỉ tạo ra sự phấn khích cho khách hàng mà còn giúp doanh nghiệp xử lý hàng tồn kho mùa trước để chuẩn bị cho mùa tới và duy trì sản xuất đều đặn trong suốt cả năm.
Ví dụ về chiết khấu theo mùa: Các khách sạn vùng biển giảm giá phòng vào mùa đông. Hoặc ngược lại, các hãng thời trang áo ấm Thu – Đông sẽ có trương trình ưu đãi giảm giá vào mùa hè.
Giảm giá bán lẻ (Promotional Discounts)
Doanh nghiệp/cửa hàng sẽ toàn bộ mặt hàng trong một thời gian ngắn. Người tiêu dùng thường mong đợi vào các đợt sale lễ Tết để mua hàng. Do đó, đây là một hình thức chiết khấu rất hiệu quả để cạnh tranh với đối thủ.
Các phương pháp tính chiết khấu sản phẩm
Mức chiết khấu và tỷ lệ chiết khấu là gì?
Mức chiết khấu được hiểu là khoản chi phí tương đương với mức giảm giá cho khách hàng và có thể được điều chỉnh dễ dàng.
Trong mua bán, kinh doanh thương mại, tỷ lệ chiết khấu chính là tỷ lệ được giảm giá, khuyến mại cho người mua nhằm kích thích mua sắm
Mức chiết khấu và tỷ lệ chiết khấu sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách hàng và doanh thu của doanh nghiệp. Vì mức chiết khấu quá thấp sẽ không thu hút được khách hàng, còn khi quá cao sẽ khiến cho doanh nghiệp bị lỗ.
Một số phương pháp tính chiết khấu sản phẩm phổ biến
Lưu ý: Bạn có thể áp dụng cách tính chiết khấu này để giảm giá sản phẩm lẻ hoặc chiết khấu cho các lô hàng sỉ đều được.
Phương pháp tổng quát
Đây là phương pháp đơn giản nhưng mang lại kết quả rất chính xác. Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Xác định tỷ lệ chiết khấu phù hợp mà doanh nghiệp muốn áp dụng tùy vào điều kiện, số vốn, định hướng và thời điểm cụ thể. Mức chiết khấu cần đảm bảo không ảnh hưởng quá nhiều tới doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp
Bước 2: Xác định số tiền giảm giá chiết khấu bằng cách nhân giá gốc với tỷ lệ chiết khấu đã đưa ra ban đầu.
Bước 3: Để tính được giá bán sau chiết khấu, bạn chỉ cần lấy giá gốc trừ đi số tiền giảm giá là ra. Đây là mức giá mà khách hàng phải trả khi mua sản phẩm/dịch vụ. Mức giá này cần phải được cân đối giữa doanh thu và mức giá sản phẩm của đối thủ cạnh tranh trên thị trường.
Ví dụ: Bạn đang kinh doanh một cửa hàng bán quần thể thao với mức giá 100.000 đồng/cái. Tại dịp 30/4, bạn quyết định chiết khấu cho khách hàng 20% giá bán. Khi đó phần giảm giá chiết khấu sẽ là: 20% x 100.000 = 20.000 đồng. Giá bán sau chiết khấu của chiếc quần thể thao = 100.000 – 20.000 = 80.000 đồng.
Phương pháp tính nhẩm
Chiết khấu bằng cách tính nhẩm giúp tiết kiệm không cần sử dụng đến máy tính cũng có thể đưa ra những con số nhanh và chính xác cho khách hàng. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ thật sự có hiệu quả với các mức chiết khấu có đuôi là 0 hoặc 5 (ví dụ 5%, 10%, 15%, 20%…).
Các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Làm tròn giá gốc lên con số hàng chục gần nhất (nếu là số lẻ), sau đó chia cho 10 để được một số gọi là A.
Bước 2: Chia tỷ lệ chiết khấu cho 10 và lấy phần nguyên để được một số gọi là B.
Bước 3: Xác định mức giảm giá bằng công thức: (A x B) + (A/2).
Bước 4: Xác định giá sản phẩm sau khi chiết khấu bằng cách lấy giá gốc – mức giảm giá.
Ví dụ: Giá của sản phẩm X là 119.000 đồng và tỷ lệ chiết khấu là 25%. Bạn có thể tính nhẩm nhanh như sau:
- Làm tròn 119.000 đồng thành 120.000 đồng và chia cho 10 (120.000/10 = 12.000)
- Chia tỷ lệ chiết khấu: 25/10 = 2,5 và lấy phần nguyên là 2
- Mức giảm giá theo công thức : (12.000 x 2) + (12.000/2) = 30.000 đồng
- Giá tiền sau chiết khấu: 120.000 – 30.000 = 90.000 đồng
Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn hiểu được khái niệm chiết khấu trong kinh doanh bán hàng là gì. Hy vọng bạn sẽ áp dụng cách tính chiết khấu hiệu quả cho hoạt động tiếp thị của mình. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Chiết khấu trong tài chính ngân hàng là gì?
Chiết khấu trong tài chính ngân là một trong những nghiệp vụ tín dụng ngắn hạn của ngân hàng thương mại (Techcombank, ACB, Sacombank,…). Trong đó, khách hàng chuyển nhượng quyền sở hữu những giấy tờ có giá trị chưa đến hạn thanh toán cho ngân hàng để nhận lấy một khoản tiền. Khoản tiền này được tính bằng giá trị đến hạn trừ đi lợi tức chiết khấu và hoa hồng.
Hiểu đơn giản, chiết khấu là mua giấy tờ có giá ngắn hạn thấp hơn mệnh giá khi đến thời hạn thanh toán.
Làm sao để đưa mức giá giảm thành tỷ lệ chiết khấu?
Cách thực hiện như sau:
Bước 1: Lấy giá gốc trừ giá chiết khấu
Bước 2: Chia kết quả này cho giá gốc
Bước 3: Nhân con số vừa tính ở trên cho 100. Kết quả nhận được chính tỷ lệ chiết khấu của sản phẩm
Có nên áp dụng chiết khấu thường xuyên không?
Sử dụng chiết khấu trong kinh doanh là một hoạt động Marketing hiệu quả. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng không nên quá lạm dụng hình thức này. Vì khi áp dụng chiết khấu thường xuyên, khách hàng sẽ hình thành thói quen chờ đợi sản phẩm giảm giá. Họ chỉ muốn mua hàng trong các dịp khuyến mãi cũng như bỏ qua sản phẩm không chiết khấu.
Nên áp dụng chiết khấu khi nào?
Bạn có thể áp dụng chiết khấu khi:
- Các dịp lễ, Tết (30/4, 2/9, Tết Nguyên Đán, Noel, Trung Thu,…)
- Các dịp đặc biệt của doanh nghiệp (Kỷ niệm thành lập, khai trương chi nhánh mới,…)
- Cần đẩy mạnh doanh thu và tiêu thụ sản phẩm
- Sản phẩm tồn kho, sắp hết hạn