Thuật ngữ Concierge được sử dụng để chỉ một bộ phận đem lại trải nghiệm tốt nhất cho khách ngay từ giây phút đầu tiên họ đặt chân đến khách sạn. Vậy cụ thể nghề Concierge là gì? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Tổng quan về nghề Concierge
Concierge là gì?
Thuật ngữ Concierge trong tiếng Pháp nghĩa là người gác cổng hoặc người phụ trách thắp nến trong cung điện (chandelle hoặc cierge). Từ điển tiếng Anh định nghĩa Concierge là người cung cấp các dịch vụ theo nhu cầu của khách.
Trong lĩnh vực khách sạn, Concierge được hiểu là bộ phận hỗ trợ dịch vụ khách hàng thuộc khối tiền sảnh. Họ sẽ phục vụ ở cửa sảnh khách sạn, làm nhiệm vụ đưa đón và xách hành lý, cung cấp thông tin về khách sạn, các điểm quan tâm phụ cận cho khách, hướng dẫn khách nhận phòng, đăng ký trước bữa ăn, bỏ thư hoặc thực hiện một số công việc theo yêu cầu riêng của khách.
Vai trò chung của bộ phận Concierge trong khách sạn
Hỗ trợ bộ phận Bellman và Doorman
- Quản lý và vận chuyển hành lý của khách trong quá trình check in, lưu trú và check out.
- Chào đón, hướng dẫn khách đến quầy lễ tân khi họ làm thủ tục check in.
- Hỗ trợ vận chuyển hành lý khi khách có nhu cầu chuyển phòng.
Quản lý các ấn phẩm, báo, tạp chí
- Quản lý số lượng báo, tạp chí cần thiết tại quầy Concierge
- Phân phối ấn phẩm, báo, tạp chí đến phòng của khách theo quy định của khách sạn hoặc yêu cầu của khách.
Tiếp nhận và xử lý thư, bưu kiện của khách hàng gửi đến khách sạn
- Tiếp nhận thư, bưu kiện bên ngoài được chuyển đến cho khách đang lưu trú tại khách sạn. Sau đó, thực hiện việc chuyển thư, bưu kiện đến cho khách hàng trong thời gian nhanh nhất.
- Chuyển tiếp thư, bưu kiện trong trường hợp khách đã rời khách sạn.
Quản lý việc khách hàng mượn/ thuê trang thiết bị của khách sạn
- Cho khách hàng mượn/thuê trang thiết bị như phích cắm điện, dây nối… theo quy định của khách sạn.
- Thông báo về các khoản phí thuê, đặt cọc đến khách hàng muốn thuê trang thiết bị tại khách sạn.
Hỗ trợ mảng kỹ thuật và công nghệ cho khách hàng
- Cung cấp mật khẩu WiFi cho khách khi họ nhu cầu.
- Tiếp nhận các thông tin về sự cố kỹ thuật, công nghệ của khách hàng đến các bộ phận liên quan để giải quyết nhanh nhất.
Hỗ trợ tư vấn thông tin cho khách
- Trực tiếp tư vấn nếu khách hàng có nhu cầu biết thêm thông tin về những địa điểm du lịch gần với khách sạn, đường đi tại địa phương hoặc bất cứ thông tin gì liên quan đến khách sạn.
- Giới thiệu đến khách hàng những tour du lịch tốt nhất và hỗ trợ đặt vé nếu khách cần giúp đỡ.
- Hướng dẫn những khách hàng có nhu cầu sử dụng những dịch vụ như Gym, Spa hay F&B,… để tập luyện, thư giãn và trải nghiệm.
Hỗ trợ các phương tiện di chuyển cho khách
- Phối hợp với các bộ phận liên quan để điều động các đội xe của khách sạn đến đưa đón khách đúng giờ.
- Phối hợp với đội xe thực hiện việc xếp lịch sử dụng xe, tài xế và hỗ trợ xác nhận điểm đến, thông báo các khoản phí… khi khách cần.
Sắp хếp đặt báo thức khi khách có nhu cầu
Một số khách tại khách sạn sẽ có nhu cầu đặt báo thức nhắc nhở. Khi đó, Concierge sẽ tiếp nhận thông tin, xác nhận số phòng, giờ báo thức và cài đặt báo thức vào hệ thống cho khách. Ngoài ra, họ cũng sẽ chủ động thông báo cho khách khi đến giờ.
Phân loại các chức danh Concierge
Trưởng bộ phận Concierge
- Theo dõi, đôn đốc các công việc liên quan đến hành lý, chuyển thư từ và bưu phẩm, đảm bảo phục vụ khách trong khách sạn một cách đầy đủ.
- Quản lý, giám sát việc cung ứng dịch vụ đưa đón khách tại sân bay, cho thuê xe…
- Cập nhật thông tin các điểm ăn uống, giải trí, mua sắm hay các sự kiện đang diễn ra lân cận.
- Huấn luyện nghiệp vụ cho nhân viên dựa trên tiêu chuẩn khách sạn
- Lên lịch làm việc hàng tuần cho nhân viên
- Đảm bảo vệ sinh và trang thiết bị tại khu vực tiền sảnh khách sạn
- Giám sát tình hình an ninh trật tự ở khu vực tiền sảnh
- …
Trưởng nhóm hành lý
- Giám sát các hoạt động phục vụ khách, điều động nhân viên làm việc
- Trả lời điện thoại, ghi chép các cuộc gọi từ nhân viên hành lý
- Hỗ trợ sắp xếp lịch làm việc cho nhân viên hành lý
- Tiếp nhận, cấp phiếu hành lý/hàng hóa và thực hiện công việc của nhân viên hành lý khi có đông khách
- …
Nhân viên hành lý
- Vận chuyển hành lý của khách khi nhận, trả hoặc đổi phòng
- Cung cấp cho khách các thông tin về dịch vụ của khách sạn
- Lưu giữ hành lý của khách trong kho
- Hướng dẫn khách lên phòng, giới thiệu cách sử dụng thiết bị trong phòng, đặc biệt là cách mở/khóa cửa
- Thay thế cho nhân viên mở cửa khi cần thiết
- Quản lý các bảng thông tin hướng dẫn ở khu vực sảnh và tiền sảnh
Nhân viên cung cấp thông tin
- Nắm rõ và thực hiện cung cấp thông tin cho khách về hoạt động trong ngày của khách sạn (dịch vụ, chương trình khuyến mãi…)
- Giới thiệu các dịch vụ ăn uống và giải trí của khách sạn
- Đặt vé máy bay, tàu, xe cho khách hoặc đặt bàn khi khách muốn ăn ngoài
- Khuyến khích khách hàng điền vào mẫu góp ý hoặc tổng hợp ý kiến từ khách
- Tham gia giải quyết các phàn nàn của khách về dịch vụ của khách sạn
Nhân viên đưa đón khách
- Cập nhật thông tin khách đến, thông tin chuyến bay và đối tượng khách hàng trên mỗi chuyến bay
- Đưa đón khách ở sân bay, bến tàu hoặc những nơi khách yêu cầu
- Hướng dẫn khách ra bãi xe, giới thiệu một số thiết bị trong xe theo tiêu chuẩn khách sạn quy định
Nhân viên mở cửa
- Mở cửa và chào đón khách ra vào khách sạn
- Hỗ trợ khách lên xuống xe
- Hỗ trợ sắp xếp hành lý cho khách khi lên xuống xe
Nhân viên Valet
- Hỗ trợ giữ xe, hướng dẫn cho xe vào đúng nơi quy định.
- Đưa biên nhận gửi xe cho khách
- Gọi cho nhân viên mang xe đến giao cho khách
Mức lương của Concierge là bao nhiêu?
Theo ghi nhận của nhiều khách sạn, mức lương hiện nay của nhân viên Concierge dao động trong khoảng từ 4 – 12 triệu đồng/ tháng tùy vào quy mô khách sạn, địa điểm làm việc, tính chất công việc, cũng như năng lực của nhân viên.
Mức lương này chưa bao gồm tiền Tip, thưởng, trợ cấp và các đãi ngộ khác.
Những yêu cầu quan trọng để trở thành một nhân viên Concierge chuyên nghiệp
Yêu cầu về chuyên môn và nghiệp vụ khách sạn
Để làm việc trong ngành dịch vụ khách sạn – du lịch, các Concierge phải trang bị đủ kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ khách sạn. Đồng thời, bạn có sự am hiểu rộng về văn hóa vùng miền, địa điểm du lịch nổi tiếng tại địa phương và khu vực lân cận khách sạn.
Những kiến thức này sẽ giúp Concierge tự tin hơn khi hỗ trợ khách hàng, mang đến cho khách những trải nghiệm tuyệt vời nhất.
Đặc biệt, có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh (hoặc các ngoại ngữ khác) là một lợi thế và cũng là tiêu chuẩn cho những ai muốn làm Concierge tại các khách sạn quốc tế hoặc những thành phố có đông khách du lịch nước ngoài.
Khả năng giao tiếp
Tính chất công việc của Concierge là thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều khách hàng, nhiều người ở nhiều bộ phận nên kỹ năng giao tiếp tốt là yêu cầu tối thiểu của một Concierge.
Giao tiếp tốt giúp quá trình chăm sóc, hỗ trợ và trao đổi thông tin với khách hàng hay các bộ phận khác diễn ra thuận lợi hơn.
Kỹ năng giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề là kỹ năng rất quan trọng đối với mọi lĩnh vực hiện nay. Tất nhiên, kỹ năng này đặc biệt không thể thiếu với những người làm ở vị trí Concierge nói chung. Vì sự tiếp xúc, va chạm với nhiều đối tượng nên sẽ không tránh khỏi những sự cố phát sinh hay tình huống bất ngờ cần được xử lý kịp lúc.
Đứng trước những vấn đề liên quan đến chất lượng dịch vụ, Concierge cần có khả năng tìm nguyên nhân và đưa ra hướng giải quyết khéo léo, hợp lý nhất.
Khả năng chịu được áp lực cao
Với những vị trí thường xuyên chăm sóc, hỗ trợ khách hàng những khách hàng khó tính và có phần sang trọng như Concierge, áp lực duy trì uy tín, hình ảnh khách sạn càng cao.
Vì vậy, để theo đuổi công việc này, bạn cần rèn luyện khả năng chịu được áp lực và vượt qua áp lực để luôn giữ một tinh thần thoải mái, gắn bó lâu dài với công việc.
Như vậy, những thông tin trên đã giúp bạn có cái nhìn tổng quan về nghề Concierge và những công việc cần làm của một nhân viên Concierge. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn đưa ra định hướng rõ ràng khi có mong muốn làm việc trong ngành khách sạn- du lịch. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Cơ hội nghề của nghề Concierge có rộng mở không?
Concierge được các chuyên gia trong ngành dự đoán là vị trí rất có tiềm năng. Đặc biệt trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về du lịch – thư giãn đang gia tăng nhanh chóng.
Là một Concierger, bạn sẽ làm việc tại các nhà hàng, khách sạn có quy mô lớn nhỏ khác nhau trên toàn quốc. Các khách sạn quốc tế sẽ là môi trường rất lý tưởng cho ứng viên bởi mức lương cao và điều kiện làm việc cũng vô cùng tốt.
Nhân viên Concierge thuộc bộ phận nào của khách sạn?
Nhân viên Concierge thuộc bộ phận lễ tân trong khách sạn – nhà hàng. Tuy nhiên, do tính chất công việc nên họ sẽ làm việc với nhiều bộ phận khác để đảm bảo quá trình hỗ trợ trợ khách hàng diễn ra hiệu quả nhất.
Nhân viên Concierge có nhiều tiền Tip không?
Những nhân viên phục vụ ở vị trí xách đồ, phục vụ phòng thường nhận được nhiều tiền tip từ khách hàng nhất. Do đó, nếu trở thành một Concierger chuyên nghiệp, mang đến cho khách những trải nghiệm tốt nhất, bạn sẽ có cơ hội kiếm rất nhiều tiền.
Tìm việc Concierge ở đâu uy tín?
Một số nền tảng uy tín để bạn tìm công việc Concierge như: Hoteljob.vn, JobStreet, Indeed, CareerBuilder,…
Làm Concierge có cần bằng cấp?
Để tìm được việc làm Concierge trong những khách sạn lớn, yêu cầu ứng viên cần có bằng cấp chuyên ngành liên quan đến khách sạn, có khả năng giao tiếp tiếng Anh và có kiến thức về các dịch vụ của khách sạn.
Đối với những khách sạn nhỏ, ở những khu vực không phải là địa điểm du lịch nổi tiếng, các Concierger chỉ cần tốt nghiệp trung học phổ thông nhưng vẫn đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu về kỹ năng mềm.