Cross Platform hay đa nền tảng là một thuật ngữ rất phổ biến trong giới lập trình ứng dụng. Hầu như mọi doanh nghiệp hiện nay đều tập trung vào ứng dụng đa nền tảng. Viết các ứng dụng này còn giúp lập trình viên chạy được dự án trên bất kỳ nền tảng nào mà không cần viết lại từ đầy. Vậy cụ thể Cross Platform là gì? Nên phát triển ứng dụng với Cross Platform hay Native App?
Định nghĩa Cross Platform
Cross Platform là gì?
Cross Platform hay Multi Platform là thuật ngữ được sử dụng để chỉ các ứng dụng đa nền tảng. Hiểu đơn giản, chỉ với một bản code, bạn có thể phiên dịch và sử dụng trên nhiều nền tảng hệ điều hành khác nhau, các môi trường lập trình khác nhau hoặc thậm chí là trên các loại thiết bị phần cứng vật lý khác nhau. Điều này sẽ giúp lập trình viên tiết kiệm được rất nhiều công sức và thời gian đáng kể.
Sự phát triển của ứng dụng Cross Platform
Thực tế, ứng dụng đa nền tảng chỉ mới phổ biến gần đây. Khi một nhà sản xuất máy tính như IBM hoặc Hewlett-Packard (HP) chế tạo máy tính, họ thường chọn hệ điều hành cho phần cứng của mình. Trong thời gian đầu, các ứng dụng được xây dựng để hoạt động trên một thương hiệu phần cứng/hệ điều hành cụ thể.
Thời gian tiếp theo, các nhà sản xuất phần cứng bắt đầu cung cấp phần mềm ứng dụng của riêng họ. Để sử dụng ứng dụng phần mềm, khách hàng cần mua một loại phần cứng cụ thể. Ví dụ như phần mềm chỉnh sửa âm thanh GarageBand của Apple, do Apple sản xuất và chỉ khả dụng trên các sản phẩm phần cứng của Apple.
Tuy nhiên, công ty phần mềm nhận thấy muốn bán nhiều phần mềm hơn sẽ phải cung cấp ứng dụng của mình trên nhiều nền tảng. Nếu ứng dụng phần mềm có sẵn trên cả Windows và MacOS sẽ có nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Phần mềm đa nền tảng trở nên phổ biến rộng rãi hơn với sự gia tăng của các nền tảng máy tính như Linux hoặc MacOS. Sự ra đời của Smartphone cũng dẫn đến nhu cầu đa nền tảng ngày càng tăng. Ví dụ: nhiều nhà phát triển ứng dụng tạo ứng dụng cho cả thiết bị Android và iOS. Việc cung cấp ứng dụng trên cả hai nền tảng phổ biến này cho phép họ kiếm được nhiều tiền hơn cũng như tiếp cận được lượng người dùng khổng lồ.
Lợi ích và hạn chế của ứng dụng Cross Platform đối với lập trình viên
Lợi ích
Ưu điểm của các ứng dụng đa nền tảng là bạn có thể sử dụng trên nhiều hệ điều hành và thiết bị khác nhau. Chẳng hạn, bộ ứng dụng Microsoft Office bao gồm Word, Excel và PowerPoint, Outlook,…đã có mặt trên Windows, MacOS, iOS (iPhone/iPad) và Android. Dưới đây là những lợi ích cụ thể của ứng dụng Cross Platform đối với lập trình viên.
Dễ bảo trì và phát triển
Khi xây dựng ứng dụng Cross Platform, nhà thiết kế cần đảm bảo tuân thủ và chặt chẽ theo đúng mô hình MVC hoặc MVVM để tránh phụ thuộc hệ điều hành. Nhờ vậy, chúng mới hoạt động tốt trên nhiều nền tảng khác nhau.
Dù yêu cầu cao nhưng các ứng dụng này sẽ cho hiệu năng vượt trội, giúp cho việc bảo trì và mở rộng, phát triển phần mềm trở nên dễ dàng hơn.
Giảm tải code
Các lập trình viên chỉ lập trình ứng dụng Cross Platform với một bộ code có thể chạy đa nền tảng. Điều này đồng nghĩa, bạn sẽ viết ít code hơn, tiết kiệm được thời gian và công sức so với các loại ứng dụng khác.
Bên cạnh đó, Cross Platform còn giúp công sức trong việc nghiên cứu chuyển đổi và tiết kiệm chi phí đầu tư phần cứng thích hợp. Do đó, loại ứng dụng này rất phù hợp với những dự án lớn và đòi hỏi tính linh hoạt đa dạng.
Bộ code có thể tái sử dụng
Bộ code của các ứng dụng Cross Platform hoạt động tốt trên nhiều nền tảng khác nhau. Vì vậy, lập trình viên có thể được tái sử dụng bộ code đó cho những ứng dụng Cross Platform khác.
Hạn chế
- Theo đánh giá của nhiều lập trình viên chuyên nghiệp, Cross Platform không có khả năng khai thác thư viện của những nền tảng lớn như Android hoặc IOS dù loại ứng dụng này tiết kiệm được chi phí và có tính linh hoạt cao.
- Quá trình cấp phép cho công nghệ của ứng dụng Cross Platform thường gặp nhiều khó khăn và phức tạp.
Nên phát triển ứng dụng với Cross Platform hay Native App?
Native App là gì?
Ứng dụng Native hay Native App là các ứng dụng gốc. Ứng dụng này có thể được viết bằng ngôn ngữ lập trình gốc và dành riêng cho một nền tảng cụ thể. Ví dụ: Các ứng dụng dành riêng cho nền tảng iOS được viết bằng ngôn ngữ Objective C, tương tự với Java trên Android hay C# trên Winphone.
Các Native App hoạt động với hệ điều hành của thiết bị với hiệu suất nhanh hơn và linh hoạt hơn các loại ứng dụng thay thế. Nếu ứng dụng hướng đến người dùng thuộc nhiều loại thiết bị khác nhau, nhà phát triển sẽ tạo một phiên bản ứng dụng riêng cho từng loại.
Ví dụ: ứng dụng Facebook đã từng được viết bằng HTML5 để sử dụng cho iOS, Android và web di động. Tuy nhiên, ứng dụng này chậm hơn đối với người dùng iOS, khiến các nhà phát triển phải tạo mã riêng cho iOS.
Ưu điểm và hạn chế của Native App
Ưu điểm
- Native App hoạt động nhanh, hiệu quả và bền bỉ hơn hết so với những loại ứng dụng khác.
- Native App được tạo ra bởi ngôn ngữ lập trình gốc cho một hệ điều hành duy nhất. Do đó, các loại ngôn ngữ lập trình khác đều không thể sánh bằng.
- Cho phép sử dụng dữ liệu lần cuối cùng khi online cho trường hợp offline.
- Native App được thiết kế để tận dụng đầy đủ các tính năng của thiết bị. Ví dụ như sử dụng máy ảnh, la bàn, GPS, danh sách liên lạc.
- Có thể sử dụng hệ thống push – thông báo mỗi khi phần mới được công bố
- Native App cung cấp đến người dùng những trải nghiệm tốt nhất do tập trung vào giao diện người dùng trên mỗi hệ điều hành.
- Native App được phân phối cực dễ dàng vì có trong mọi cửa hàng ứng dụng
Hạn chế
- Với mỗi hệ điều hành, lập trình viên phải viết Native code tương ứng. Điều này gây ra tốn kém về chi phí cũng như đòi hỏi người lập trình phải thông thạo nhiều ngôn ngữ khác nhau.
- Quá trình bảo trì, nâng cấp cũng tốn nhiều thời gian, thủ tục phức tạp. Đôi khi, lập trình viên có thể gặp phải những trường hợp reject vì phạm điều lệ trên cửa hàng ứng dụng.
- Hệ điều hành càng có nhiều phiên bản gây khó khăn cho Native App
Cross Platform hay Native App tốt hơn?
Nếu muốn xây dựng ứng dụng không dành riêng cho nền tảng cụ thể nào, bạn có thể chọn phát triển Cross Platform. Nếu muốn trở thành chuyên gia cho một nền tảng cụ thể, bạn có thể chọn Native App.
Ngoài ra, để lựa chọn học Cross Platform hay Native App, bạn cần xem xét những yếu tố dưới đây.
Độ phức tạp của ứng dụng
Nếu bạn đang xây dựng một ứng dụng chỉ hiển thị thông tin lấy từ internet, phát triển Cross Platform sẽ là một lựa chọn tốt. Tuy nhiên, nếu liên quan đến quá trình xử lý nặng hoặc yêu cầu quyền truy cập vào các tính năng của thiết bị, bạn nên chọn Native App.
Chi phí
Quá trình phát triển Native App tạo ra các ứng dụng có hiệu suất cao nhưng việc xây dựng có thể tốn kém. Nếu bạn có ngân sách hạn chế để làm việc, phát triển Cross Platform là lựa chọn lý tưởng. Bạn sẽ tiết kiệm được khoảng 30% – 40% vì chỉ cần một bộ code duy nhất được tạo cho một ứng dụng hoạt động trên nhiều hệ điều hành.
Thời gian phát triển
Trong một số dự án, bạn sẽ muốn có ứng dụng càng sớm càng tốt. Khi đó, Cross Platform là lựa chọn thích hợp hơn. Bạn không cần phải làm việc trên nhiều phiên bản của ứng dụng. Thay vào đó, chỉ với một chu kỳ phát triển duy nhất để một ứng dụng được phát hành cho nhiều hệ điều hành.
UI/UX
Nếu muốn tập trung vào trải nghiệm người dùng, bạn nên chọn Native App . Các nhà phát triển có quyền truy cập vào các thành phần UI/UX khi phát triển trong môi trường gốc. Việc chọn Cross Platform sẽ làm hạn chế rất nhiều yếu tố UI/UX của ứng dụng.
Như vậy, cả Cross Platform và Native App đều có ưu điểm và nhược điểm riêng. Hy vọng những thông tin trên đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về ứng dụng Cross Platform và Native App để giúp bạn định hướng phát triển dự án của mình theo dạng ứng dụng phù hợp. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Có thể xây dựng dựng Cross Platform với những công cụ nào?
Một số công cụ hỗ trợ phát triển ứng dụng Cross Platform như: Back4App, Firebase, Xamarin, Flutter, React Native, Ionic, Sencha, Unity,…
Có những ứng dụng Cross Platform nào nổi tiếng?
Một số ứng dụng Cross Platform mà bạn bắt gặp thường xuyên là: Google Chrome, Firefox, TeamViewer, Adobe Reader, VMware,…
Tại sao phát triển Native App cần nhiều chi phí phát triển hơn so với Cross Platform?
Mỗi dự án ứng dụng có khung thời gian phát triển khác nhau tùy thuộc vào mức độ phức tạp của các tính năng. Ví dụ: Tính năng đăng nhập cho ứng dụng mạng xã hội có thể mất 26 đến 44 giờ phát triển, trong khi tính năng tìm kiếm nâng cao có thể cần 530 đến 810 giờ.
Tăng thời gian phát triển có nghĩa bạn phải trả nhiều chi phí hơn. Việc phát triển Native App yêu cầu hai ứng dụng độc lập dành cho Android và iOS, điều này rất tốn thời gian. Do đó, phát triển Native App sẽ mất nhiều chi phí hơn so với Cross Platform.
Có những Native App nào phổ biến?
Một số Native App phổ biến như: WhatsApp, Spotify, Pokemon Go, SoundCloud,…