Đối với các PHP Developer, Yii Framework là cái tên khá quen thuộc. Tuy nhiên, không phải nhà phát triển nào cũng biết Yii Framework là gì, nhất là người vừa bước vào “sân chơi” lập trình. Trong bài viết dưới đây, TinoHost sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm những kiến thức mới mẻ về Yii Framework cũng như cách cài đặt phần mềm này. Mời bạn cùng đón đọc nhé!
Giới thiệu đôi nét về Yii Framework
Yii Framework là gì?
Yii Framework là một framework phát triển ứng dụng web mã nguồn mở miễn phí. Framework này chính thức ra mắt công chúng vào tháng 12 năm 2008. Phiên bản 1.0 của Yii đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng phát triển website.
“Cha đẻ” của Yii là Qiang Xue – một chuyên gia trong lĩnh vực phát triển Prado Framework. Yii được tạo ra dựa trên nhu cầu phát triển web ngày càng tăng của các lập trình viên. Đây được xem như một công cụ tối ưu, trực quan và dễ sử dụng.
Cái tên Yii là viết tắt của cụm từ tiếng Anh: “Yes, it is!” hoặc 3 chữ cái đầu của “Easy” (dễ dàng), “Efficient” (hiệu suất) và “Extensible” (khả năng mở rộng). Về cơ bản, Yii là một framework PHP hiệu suất cao, giúp các nhà phát triển ứng dụng web 2.0 tối ưu hoá quy trình làm việc. Điểm nổi bật của Yii là khả năng tái sử dụng các thành phần của ứng dụng để tăng tốc độ phát triển. Để phát triển các ứng dụng web quy mô lớn, Yii đã dựa trên kiến trúc component (thành phần tái sử dụng) và hỗ trợ mô hình MVC (Model-View-Controller).
Yii còn được đánh giá cao về khả năng tối ưu hóa cache, giúp framework trở lên lý tưởng hơn cho các ứng dụng web có dung lượng dữ liệu lớn, như trang web tin tức, diễn đàn, hệ thống quản lý nội dung, thương mại điện tử,…
Để chạy ứng dụng viết bằng Yii, bạn cần sử dụng một máy chủ web hỗ trợ PHP 5.1.0 trở lên. Nếu muốn phát triển ứng dụng bằng Yii, bạn cần có kiến thức lập trình hướng đối tượng (OOP). Đó là vì Yii là một framework OOP thuần tuý, giúp bạn ra các ứng dụng mạnh mẽ và dễ bảo trì.
Các tính năng nổi bật của Yii Framework
Mô hình MVC (Model-View-Controller)
Yii tuân theo mô hình MVC, cho phép tách biệt logic ứng dụng thành các thành phần riêng biệt. Model đại diện cho dữ liệu, View là giao diện người dùng và Controller điều phối luồng công việc. Những tính năng này giúp lập trình viên tạo ra các ứng dụng có cấu trúc và dễ quản lý.
Tích hợp ORM (Active Record)
Yii tích hợp ORM (Object-Relational Mapping) mạnh mẽ gọi là Active Record. Tính năng này cho phép người dùng tương tác với cơ sở dữ liệu thông qua việc sử dụng đối tượng. Đồng thời, ORM còn giảm độ phức tạp của mã SQL và đơn giản hóa quá trình làm việc với dữ liệu.
Bảo mật mạnh mẽ
Yii cung cấp các tính năng bảo mật như xác thực, quản lý phiên, kiểm tra quyền truy cập và mã hóa dữ liệu. Framework này giúp bảo vệ ứng dụng khỏi các tấn công phổ biến như SQL injection và cross-site scripting (XSS).
Caching đa cấp độ
Yii hỗ trợ cache ở nhiều cấp độ và loại khác nhau, bao gồm: cache trình duyệt, cache dữ liệu và cache truy vấn cơ sở dữ liệu. Tính năng này giúp tối ưu hóa hiệu suất ứng dụng bằng cách giảm thời gian phản hồi.
Tích hợp Ajax dễ dàng
Yii cho phép người dùng tích hợp Ajax vào ứng dụng bằng cách sử dụng các công cụ như jQuery và tích hợp AJAX. Với tính năng này, người dùng có thể dễ dàng thiết lập những tính năng tương tác trực tiếp trên trang web mà không cần tải lại toàn bộ trang.
Hệ thống quản lý lỗi tùy biến
Yii cung cấp một hệ thống quản lý lỗi mạnh mẽ, cho phép xử lý lỗi theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể dễ dàng ghi nhật ký lỗi, hiển thị trang lỗi tùy chỉnh và xử lý các loại lỗi khác theo nhu cầu.
Hỗ trợ RESTful API
Yii cho phép phát triển các ứng dụng dựa trên RESTful API một cách dễ dàng. Điều này làm cho việc tạo các dịch vụ web dễ dàng và có khả năng tích hợp với các ứng dụng khác.
Một số thành phần của Yii Framework
Model (Mô hình)
Trong Yii Framework, Model đại diện cho dữ liệu và quan hệ với cơ sở dữ liệu. Yii hỗ trợ hai loại model, bao gồm: form model (CFormModel) và active record model (CActiveRecord). Form model chính là những dữ liệu mà người dùng nhập và lưu trữ trong bộ nhớ. Trong khi đó, Activerecord Model sẽ tương ứng với dữ liệu trong cơ sở dữ liệu.
View (Giao diện)
View là thành phần giao diện người dùng trong kiến trúc MVC. Thành phần này chứa mã PHP để hiển thị dữ liệu từ Model.
Controller (Bộ điều khiển)
Controller là thành phần điều khiển các yêu cầu từ người dùng. Mỗi hành động trong Controller tương ứng với một chức năng cụ thể của ứng dụng. Yii mặc định đi kèm với một số hành động như actionIndex và actionContact.
Layout (Bố cục)
Layout là một bố cục tổng quan cho toàn bộ trang web. Bố cục này chứa các thành phần chung và có thể chứa mã PHP. Với sự hỗ trợ của Layout, toàn bộ trang web của bạn sẽ đồng nhất về giao diện.
Widget (Thành phần giao diện)
Widget là thành phần giao diện tương tác với người dùng. Chúng có thể được nhúng vào trang web để tạo ra các yếu tố giao diện đa dạng như lịch, biểu đồ và hộp tìm kiếm.
Component (Thành phần)
Component là các đối tượng đại diện cho các tính năng và chức năng cụ thể trong ứng dụng. Theo đó, Component có thể là những CComponent hoặc các lớp dẫn xuất từ chúng. Vai trò của Component là được dùng để quản lý các tác vụ cụ thể trong ứng dụng.
Module (Mô đun)
Module là một phần độc lập chứa các thành phần như Model, View, Controller và những thành phần hỗ trợ khác. Một module được dùng để chia nhỏ ứng dụng thành các phần nhỏ hơn, giúp quản lý và bảo trì dễ dàng. Module không thể tồn tại độc lập và phải nằm trong một ứng dụng chính.
Ưu điểm và hạn chế của Yii Framework
Ưu điểm
Hiệu quả và hiệu suất cao
Yii được thiết kế để đáp ứng nhu cầu phát triển ứng dụng web. Không những thế, framework này mang lại hiệu suất vượt trội. So với các framework khác, Yii có khả năng xử lý nhiều yêu cầu trong một khoảng thời gian ngắn.
Tích hợp nhiều tính năng
Yii được xem là phiên bản tổng hợp những điểm mạnh của các framework thế hệ tiền nhiệm. Với Yii, nhà phát triển có thể tiết kiệm được nhiều thời gian khi xây dựng ứng dụng web. Đồng thời, Yii còn tích hợp nhiều công cụ, thư viện hữu ích để giảm thời gian phát triển ứng dụng.
Khả năng tái sử dụng và mở rộng cao
Yii là một framework hoàn toàn hướng đối tượng, cho phép người dùng tái sử dụng và mở rộng mã nguồn dễ dàng. Nhờ đó, người dùng có thể tạo ra các ứng dụng có cấu trúc và dễ quản lý.
Hỗ trợ nhiều hệ quản trị cơ sở dữ liệu (DBMS)
Yii sử dụng PDO (PHP Data Object) để hỗ trợ nhiều hệ quản trị cơ sở dữ liệu khác nhau. Nhờ đó, khi thay đổi cơ sở dữ liệu, ứng dụng bạn tạo ra sẽ linh hoạt và dễ thích nghi hơn.
Hạn chế
Đang trong quá trình phát triển
Dù sở hữu nhiều ưu điểm, Yii Framework vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể gặp một số khó khăn nếu Framework này có sự thay đổi và cải tiến. Hạn chế này còn ảnh hưởng đến việc duy trì và nâng cấp ứng dụng.
Khả năng học và sử dụng
So với một số framework khác, Yii tương đối phức tạp. Do đó, nhà phát triển cần phải dành nhiều thời gian tìm hiểu, làm quen để trải nghiệm Yii hiệu quả hơn.
Không phù hợp cho các dự án nhỏ
Yii phù hợp với các dự án lớn và có tính phức tạp cao. Vì vậy, đối với những dự án đơn giản, Yii sẽ không phát huy trọn vẹn tính năng, thậm chí, framework này cũng không mang lại kết quả như mong muốn.
Nhìn chung, Yii Framework là một công cụ mạnh mẽ, hỗ trợ rất tốt cho các nhà phát triển ứng dụng web. Tuy nhiên, tuỳ vào từng dự án cụ thể, Yii Framework sẽ phát huy tác dụng khác nhau. Qua bài viết trên, TinoHost hy vọng bạn đã hiểu Yii Framework là gì cũng như có thể khai thác những tính năng mạnh mẽ của công cụ này. Đừng quên theo dõi TinoHost để đón đọc những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Xử lý lỗi trong Yii Framework bằng cách nào?
Yii cung cấp hệ thống quản lý lỗi mạnh mẽ để theo dõi, ghi nhật ký lỗi. Bạn có thể tùy chỉnh và xử lý lỗi theo nhu cầu.
Tối ưu hoá hiệu suất ứng dụng Yii bằng cách nào?
Bạn có thể tối ưu hóa hiệu suất ứng dụng Yii bằng cách sử dụng cache, sử dụng tốt các truy vấn cơ sở dữ liệu và sử dụng kỹ thuật tối ưu hóa mã nguồn.
Yii Framework có tích hợp bảo mật không?
Tất nhiên là có! Yii Framework cung cấp nhiều tính năng bảo mật, như xác thực, quản lý phiên, kiểm tra quyền truy cập, bộ lọc dữ liệu để bảo vệ ứng dụng khỏi các tấn công web.
Yii có tích hợp ORM không?
Câu trả lời là: “Có!”. Yii Framework tích hợp một ORM mạnh mẽ gọi là Active Record. Với tính năng này, người dùng có thể làm việc với cơ sở dữ liệu dễ dàng hơn.