Trong thời buổi cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay, một CV đẹp thôi là chưa đủ. Bạn cần phải thể hiện CV đó dưới dạng hình ảnh và âm thanh thay vì chỉ là một bản cứng. Nói cách khác, khi nhà tuyển dụng yêu cầu bạn giới thiệu bản thân qua video, bạn cần chuẩn bị các ý tưởng quay video giới thiệu bản thân hấp dẫn.
Cách xây dựng ý tưởng quay video giới thiệu bản thân
Có phần giống với CV, video giới thiệu bản thân cũng cần thể hiện đầy đủ các thông tin nhà tuyển dụng cần biết về bạn, vừa vặn, không-thừa-không-thiếu. Một video để chứng minh được khả năng của bản thân và trả lời cho câu hỏi “tại sao người khác nên chọn bạn?”. Để giải quyết được bài toán này, bạn có thể lên ý tưởng quay video giới thiệu bản thân bằng cách “đặt câu với những từ để hỏi” (wh_questions).
Bạn có thể đọc thêm bài viết về cách viết CV tiếng Anh ấn tượng tại đây.
Who
“Who” là từ để hỏi đề cập đến đối tượng là người. Không đơn thuần “who” chỉ dành để hỏi “bạn là ai?”. Bạn có thể phát triển câu hỏi với từ “who” lên ở các mức độ sâu sắc hơn. Ví dụ như:
- Đồng nghiệp, cộng sự bạn đã từng làm việc chung là những ai?
- Người nào có thể tham chiếu các thông tin, xác nhận những gì bạn nói là thật? (Tương đương với reference trong CV).
- Bạn muốn mình là ai trong 5, 10 năm nữa? Đạt đến những chức vụ gì?
- Ai là hình mẫu lý tưởng trong mắt bạn?
- Ai là người có tác động trực tiếp, truyền cảm hứng để bạn theo đuổi con đường này?
Bạn có thể bắt đầu bằng những câu hỏi tương tự như vậy.
What
“What” là từ để hỏi đề cập đến sự vật, hiện tượng. Khi giới thiệu về bản thân, “what” có thể hiểu là sở thích, đam mê, mong muốn, tính cách, kinh nghiệm, những công việc bạn đã từng làm,…Sẽ có rất nhiều kiểu câu hỏi được phát triển lên từ “what” mà bạn có thể áp dụng trong lúc quay video giới thiệu bản thân. Ví dụ như:
- Điều gì khiến bạn ấn tượng nhất ở một doanh nghiệp, buổi giao lưu, một công việc,…?
- Bạn mong muốn gì sau khi tham gia chương trình?
- Sự cố đáng nhớ nhất bạn đã trải qua ở môi trường cũ là gì?
- Bài học nào đã giúp bạn trưởng thành hơn?
- Bạn có thể đóng góp gì cho doanh nghiệp?
Những câu hỏi như vậy sẽ giúp bạn có thêm nhiều ý để phát triển video giới thiệu chính mình.
Where and when
“Ở đâu” và “khi nào” được dùng để kể lại các công việc cùng với khoảng thời gian trước đây bạn đã từng làm. Ví dụ như bạn đã từng làm việc ở những công ty nào? Trong thời gian bao lâu? Hoặc bạn đã từng đi giao lưu ở các chương trình, hội nghị, quốc gia nào?
“Where and when” thường sẽ là một yếu tố bổ trợ giúp bạn có thêm ý tưởng để làm video của mình thêm sâu sắc. Bạn có thể linh động thêm bớt các câu hỏi cho phù hợp, đừng áp dụng một cách máy móc, rập khuôn sẽ khiến cho video của bạn trở nên mất tự nhiên.
How
Đây là câu hỏi rất quan trọng để nhà tuyển dụng đưa ra quyết định của họ cũng như đánh giá về phần thể hiện của bạn. Đó có thể là các câu hỏi tình huống giả định, đòi hỏi bạn phải xử lý khôn khéo, tư duy nhạy bén. Bạn có thể bắt đầu bằng cách tự trả lời những câu đơn giản như:
- Làm thế nào để bạn đương đầu với áp lực trong công việc?
- Bạn đã vượt qua định kiến của xã hội/ nghịch cảnh/,…như thế nào để đến được đây?
- Bạn đã thoát khỏi vùng an toàn của mình bằng cách nào?
- Bạn đã cải thiện bản thân mình từng ngày như thế nào?
Bạn không cần giới thiệu quá nhiều trong một câu hỏi, “chất lượng vẫn quan trọng hơn số lượng”. Bạn chỉ cần đúng trọng tâm và trả lời chắc chắn, thuyết phục một câu vẫn hơn dùng rất nhiều nhưng không thực sự “làm tới” bất kỳ câu nào.
Why
Đừng quên yếu tố này trong phần quay video giới thiệu bản thân mình bạn nhé. Sẽ có hàng trăm, hàng triệu câu hỏi “vì sao, tại sao” dành cho bạn. Hai câu hỏi quan trọng nhất bạn cần làm rõ trong số các câu đó có thể kể đến như:
- Tại sao bạn lựa chọn công ty/ chương trình/ sự kiện,…này?
- Tại sao nhà tuyển dụng phải lựa chọn bạn mà không phải là người khác?
Hãy trả lời một cách chân thành vì chỉ có những gì xuất phát từ con tim mới có thể chạm đến con tim. Người khác có thể dễ dàng nhận ra những gì bạn nói có phải là sự thật hay không, thế nên đừng tự đánh mất cảm tình trong mắt họ bằng cách nói những điều không thật với ý mình.
Những lưu ý khi quay video giới thiệu bản thân
Muốn có một video ưng ý, bạn cần chuẩn bị hoặc tránh những điều sau để có thể triển khai tốt nhất:
- Lên kịch bản những gì mình sẽ nói trong video và tiến hành theo kịch bản.
- Trang phục chỉn chu, lịch sự, tránh makeup đậm.
- Phông nền (background) trơn hoặc tối giản, tránh gây mất tập trung cho người xem.
- Nên quay video ngửa người thay vì quay toàn thân.
- Chất lượng máy quay đảm bảo, hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động.
- Lúc quay lựa không gian kín, tránh tạp âm cũng như âm thanh dội ngược lại.
- Nói chậm rãi, chắc chắn, rõ ràng, suôn sẻ.
- Biểu đạt ánh mắt và thường xuyên nhìn vào máy quay.
- Nét mặt thần thái, tươi tắn.
- Nên quay một mạch, hạn chế cắt ghép sẽ khiến video thiếu tự nhiên.
- Không chèn hiệu ứng cầu kỳ, sặc sỡ.
- Ánh sáng tốt, không nên quá tối hoặc hắt sáng.
- Tránh để người khác xuất hiện vào khung hình.
- Tập luyện nhiều lần trước khi quay.
- Xem lại và chỉnh sửa hậu kỳ khi cần thiết.
- Đừng để video quá dài hoặc quá ngắn.
- Tập trung vào vấn đề, tránh dài dòng, lang mang.
- Không lặp lại những ý đã chia sẻ.
- Không sử dụng nhiều loại ngôn ngữ, từ ngữ địa phương.
- Video nên đặt tiêu đề rõ ràng.
- Nên có lời chào và câu kết.
- Bạn có thể nêu bố cục ở phần đầu video để người xem dễ nắm bắt.
Nếu bạn có thể thực hiện được các điều này, video của bạn sẽ trở nên hoàn thiện. Vấn đề tốt hay không sẽ phụ thuộc vào nội dung mà bạn chia sẻ. Vì thế, hãy không ngừng trau dồi cho bản thân không chỉ về kỹ năng, ý tưởng để quay video giới thiệu bản thân, mà hãy củng cố thêm giá trị của mình để những thông tin bạn trình bày có thêm sức nặng trong mắt người xem.
Trên đây là những chia sẻ về ý tưởng quay video giới thiệu bản thân. Hy vọng qua bài viết này, bạn có thể tự lên ý tưởng và kế hoạch để thực hiện video của chính mình. Nếu bạn thấy bài viết có giá trị hoặc yêu thích bài viết này, hãy ủng hộ Tino Group bằng cách nhấn like và đánh giá 5 sao ở cuối bài. Đây sẽ là niềm động lực giúp đội ngũ nhân viên không ngừng cung cấp những kiến thức bổ ích đến quý người đọc.
Những câu hỏi thường gặp
Độ dài lý tưởng dành cho một video giới thiệu bản thân là bao nhiêu?
Tùy thuộc vào yêu cầu của bên bạn muốn gửi, thông thường một video giới thiệu bản thân có thể dao động trong khoảng 1 đến 3 phút. Video càng dài người nghe sẽ càng dễ mất tập trung và thấy buồn chán.
Có nên quay video bằng camera trước điện thoại không?
Bạn nên set máy quay bằng camera sau vì tránh trường hợp hình ảnh bị lật trái – phải. Nếu được, bạn nên nhờ một người khác hỗ trợ phần quay để họ có thể canh được các góc máy đẹp nhất. Lưu ý: tránh bị rung máy khi quay vì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng video.
Có nên dùng filter để quay video không?
Bạn không nên dùng filter khi quay hay chèn hiệu ứng vào video. Điều này sẽ khiến video của bạn mất tự nhiên, thiếu chuyên nghiệp. Đặc biệt, nếu bạn thêm nhiều hiệu ứng vào sẽ khiến người xem mất tập trung. Họ sẽ chỉ để mắt đến các chi tiết đó mà quên mất những gì bạn đang nói mới là điều quan trọng.
Có nên sử dụng các ứng dụng để quay video không?
Bạn nên sử dụng camera gốc để quay. Vì như vậy chất lượng sẽ được đảm bảo nhất, đồng thời cũng thuận tiện cho việc chỉnh sửa hậu kỳ nếu có.