Doanh nghiệp bạn chuyên sản xuất hàng hóa tại Việt Nam và sắp tới có dự định xuất khẩu sang nước ngoài? Bạn không biết quy trình thông quan, xuất khẩu hàng hóa ra sao? Thủ tục xuất, nhập khẩu đối với bạn vẫn là một “ẩn số”? Vậy đừng bỏ qua bài viết dưới đây, Tino Group sẽ giúp bạn hiểu rõ xuất khẩu hàng hóa là gì, thông quan hàng hóa là gì và những thông tin xoay quanh chủ đề này.
Tổng quan về xuất khẩu, thông quan hàng hóa
Xuất khẩu hàng hóa là gì?
Trong lý luận thương mại quốc tế, xuất khẩu hàng hóa là việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài. Bên cạnh đó, theo cách tính toán cán cân thanh toán quốc tế theo IMF, xuất khẩu hàng hóa là hoạt động bán hàng hóa, sản phẩm cho cư dân ngoài nước.
Về bản chất, xuất khẩu hàng hóa không phải phương thức bán hàng riêng lẻ. Trên thực tế, đây là một hệ thống bán hàng có tổ chức cả bên trong lẫn bên ngoài. Tổ chức này hướng đến mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận, nâng cao năng suất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ổn định và nâng cao mức sống của người dân.
Đặc tính của xuất khẩu là có khả năng mang lại hiệu quả đột biến. Từ đó, hoạt động này tạo điều kiện cho nhập khẩu, thúc đẩy các ngành kinh tế hướng theo xuất khẩu, tăng doanh thu ngoại tệ và cải thiện cơ hội việc làm cho người lao động.
Theo điều 28 Luật Thương mại 2005: “Xuất khẩu hàng hóa là việc hàng hoá được đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đưa vào khu vực đặc biệt nằm trên lãnh thổ Việt Nam được coi là khu vực hải quan riêng theo quy định của pháp luật.”
Thông quan hàng hóa là gì?
Thông quan là một trong những thủ tục bắt buộc đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất/nhập khẩu hàng hóa chính ngạch. Hiểu đơn giản, khi muốn bán hoặc thu mua hàng hóa, sản phẩm vào nội địa, bạn cần thực hiện thủ tục thông quan.
Thông quan được định nghĩa theo từ điển Tiếng Việt là việc cơ quan hàng hải chấp nhận hàng hóa được xuất khẩu nhập khẩu và phương tiện vận tải được xuất cảnh, nhập cảnh. Theo khoản 21 Điều 4 Luật Hải quan năm 2014: “Thông quan là việc hoàn thành các thủ tục hải quan để hàng hóa được nhập khẩu, xuất khẩu hoặc đặt dưới chế độ quản lý nghiệp vụ hải quan khác.”.
Dựa trên thủ tục thông quan, cơ quan chức năng có thể quản lý và nắm bắt thông tin hàng hóa, đảm bảo hàng hóa được mua bán là hợp pháp theo quy định của Pháp luật.
Tìm hiểu điều kiện và thủ tục thông quan, xuất khẩu hàng hóa
Điều kiện thông quan hàng hóa là gì?
Các loại hàng hóa đã hoàn thành thủ tục hải quan là những mặt hàng đủ điều kiện thông quan, xuất/nhập khẩu. Người khai hải quan và công chức hải quan thực hiện các thủ tục hải quan dựa theo quy định của Pháp luật đối với các mặt hàng, phương tiện vận tải. (Dựa trên quy định khoản 3 Điều 6 và khoản 1 Điều 37 Luật Hải quan năm 2014).
Quy trình thông quan, xuất khẩu hàng hóa
Bước 1: Khai và nộp đơn hải quan/nộp hoặc xuất trình chứng từ hồ sơ hải quan
Người khai cần đăng ký tờ khai hải quan để được cấp tờ khai hải quan bằng 1 trong 2 phương thức:
- Đăng ký tờ khai hải quan trực tuyến.
- Đăng ký tờ khai hải quan trực tiếp tại cơ quan hải quan.
Tùy vào từng trường hợp, người khai sẽ nộp hoặc xuất trình các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan. Các chứng từ này bao gồm:
- Hợp đồng mua/bán hàng hóa.
- Hóa đơn thương mại.
- Chứng từ vận tải.
- Chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
- Giấy phép xuất/nhập khẩu.
- Văn bản thông báo kết quả kiểm tra hoặc miễn kiểm tra chuyên ngành.
- Một số từ liên quan khác liên quan đến hàng hóa theo quy định của Pháp luật.
Có hai loại chứng từ thuộc hồ sơ hải quan: chứng từ giấy và chứng từ điện tử. Trong đó, chứng từ điện tử phải đảm bảo tính toàn vẹn và đầy đủ khuôn dạng theo quy định Pháp luật về giao dịch điện tử.
Bước 2: Kiểm tra hàng hóa, phương tiện vận tải
Trong bước tiếp theo, bạn cần đưa hàng hóa, phương tiện vận tải đến các địa điểm được quy định. Tại đây, cơ quan, đơn vị có thẩm quyền sẽ kiểm tra tính hợp pháp của hàng hóa, phương tiện vận tải. Tùy vào từng loại hàng hóa và thủ tục thông quan khác nhau, địa điểm kiểm tra cũng khác nhau:
- Khu vực cửa đường bộ, đường sắt liên vận quốc tế, cảng hàng không; bưu điện quốc tế; cảng biển, cảng thủy nội địa nội địa có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh; cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;
- Trụ sở Chi cục Hải quan;
- Điểm tập trung theo quyết định của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan;
- Tại cơ sở sản xuất, công trình; nơi tổ chức hội chợ, triển lãm;
- Tại khu vực kho ngoại quan, kho bảo thuế, địa điểm thu gom hàng lẻ;
- Địa điểm kiểm tra chung giữa Hải quan Việt Nam với Hải quan nước láng giềng tại khu vực cửa khẩu đường bộ;
- Một số địa điểm khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định trong trường hợp cần thiết.
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Cuối cùng, bạn chỉ cần nộp thuế và thực hiện một số nghĩa vụ tài chính theo quy định của Pháp luật về thuế, phí, lệ phí cũng như những quy định khác của Pháp luật.
Hàng hóa nào được thông quan?
Theo Điều 37 Luật Hải quan năm 2021 và khoản 2 Điều 32 Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/21015, việc thông quan hàng hóa được quy định như sau:
- Hàng hóa được thông quan sau khi hoàn tất thủ tục hải quan.
- Trong trường hợp người khai hải quan đã hoàn thành thủ tục hải quan nhưng chưa nộp hoặc nộp chưa đủ thuế phải nộp đủ thuế trong thời hạn quy định hàng hóa được thông quan khi tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp hoặc áp dụng thời hạn nộp thuế theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp người khai hải quan bị xử phạt vi phạm hành chính về hải quan bằng hình thức phạt tiền và hàng hóa đó được phép xuất khẩu, nhập khẩu thì hàng hóa có thể được thông quan nếu đã nộp phạt hoặc được tổ chức tín dụng bảo lãnh về số tiền phải nộp để thực hiện quyết định xử phạt của cơ quan hải quan hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Hàng hóa phải kiểm tra, phân tích, giám định để xác định có đủ điều kiện được xuất/nhập khẩu. Cơ quan hải quan chỉ thực hiện thông quan hàng hóa sau khi xác định hàng hóa được xuất/nhập khẩu trên cơ sở kết luận kiểm tra, phân tích, giám định hoặc thông báo miễn kiểm tra của cơ quan kiểm tra chuyên ngành theo quy định của Pháp luật.
- Hàng hóa phục vụ nhu cầu khẩn cấp; hàng hóa chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng; túi ngoại giao, túi lãnh sự, hành lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ được thông quan theo quy định.
- Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được thông quan nhưng vẫn đang trong địa bàn hoạt động hải quan, nếu cơ quan hải quan phát hiện dấu hiệu vi phạm thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra hồ sơ hải quan, kiểm tra thực tế hàng hóa, xử lý theo quy định của pháp luật và chịu các chi phí phát sinh trong trường hợp không phát hiện vi phạm.
Trên đây là những thông tin cơ bản về xuất khẩu và thông quan hàng hóa. Qua bài viết, Tino Group hy vọng bạn đã giải đáp được câu hỏi “Xuất khẩu hàng hóa là gì? Thông quan hàng hóa là gì?”. Nếu có bất kỳ thắc mắc liên quan đến quy trình làm thủ tục thông quan, bạn hãy bình luận phía bên dưới bài viết để Tino Group phản hồi nhanh chóng.
Những câu hỏi thường gặp
Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là gì?
Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là quá trình bộ phận Hải quan kiểm tra tính trung thực, hợp lý và mức độ tin cậy của thông tin mà chủ hàng hóa đã khai báo. Nhân viên sẽ tiến hành kiểm tra các loại chứng từ thương mại hải quan, chứng từ kế toán và ngân hàng của các lô hàng đã thông quan.
Khi nào áp dụng phí dịch vụ thông quan?
Phí dịch vụ thông quan được áp dụng khi nhà xuất/nhập khẩu ủy quyền cho đại lý hải quan hoặc người khác khi đi làm thủ tục thông quan.
Lệ phí Hải quan là bao nhiêu?
Lệ phí làm thủ tục Hải quan được quy định là 20.000 VNĐ/tờ. Đồng thời, hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh Việt Nam có lệ phí là 200.000 VNĐ/tờ khai.
Có cần đóng thuế xuất nhập khẩu không?
Việc đóng thuế xuất/nhập khẩu tùy thuộc vào các mặt hàng xuất/nhập khẩu mà bạn cần đóng như: thuế xuất/nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế GTGT,…