Trong bài trước, chúng ta đã tìm hiểu về Malware là một loại phần mềm độc hại. Và bài viết này sẽ đưa bạn đến với một “sinh vật” gây hại cho các thiết bị điện tử khác. Đó chính là virus. Vậy, virus máy tính là gì? Phương pháp “lây nhiễm” của virus máy tính ra sao? Và làm thế nào để phòng tránh nhiễm virus máy tính? Tất cả sẽ có trong bài viết này!
Tìm hiểu về virus máy tính
Virus là gì?
Theo Norton – một trong những phần mềm diệt virus hàng đầu thế giới, virus máy tính giống như bệnh cảm cúm, chúng được thiết kế để lây lan từ máy này sang máy khác, từ máy chủ này sang máy chủ khác và chúng có khả năng tự sao chép. Một điểm khác tương tự với virus cảm cúm, chúng sinh ra nhờ tế bào chủ, virus máy tính tiếp tục “sinh sản”, duy trì nhờ vào các tệp tin hoặc tệp tài liệu.
Cách virus máy tính hoạt động và tấn công
Hiểu một cách đơn giản theo thuật ngữ kỹ thuật: virus máy tính là một loại mã độc hoặc chương trình viết ra nhằm thay đổi cách máy tính hoạt động và có khả năng lây lan từ máy tính này sang máy tính khác.
Chúng hoạt động bằng cách chèn hoặc đính kèm những chương trình độc hại vào trong một tài liệu hợp pháp hỗ trợ macro để thực thi mã độc hại của chúng. Khi thực thi, chúng sẽ tạo ra tác động, hậu quả không mong muốn như gây hỏng các phần mềm, hệ thống hoặc phá hủy dữ liệu của bạn.
Những loại virus máy tính phổ biến
Với sự phát triển liên tục của Internet và các phương pháp bảo vệ máy tính, các loại virus, phần mềm độc hại sẽ tự “thích nghi” và “tiến hoá” để chống lại các phương pháp bảo mật này. Và chúng ta có những chủng loại virus phổ biến như sau:
- Boot sector virus: đây là loại sẽ tấn công để kiểm soát máy của bạn khởi động hoặc boot. Loại virus này chỉ có thể lây nhiễm thông qua các thiết bị cắm vào máy tính như USB.
- Web scripting virus: đây là một loại mã khai thác trình duyệt hoặc các website. Khi vô tình truy cập vào những website bị nhiễm, máy tính của bạn có khả năng bị nhiễm theo.
- Browser hijacker: loại virus này sẽ chiếm quyền điều khiển một phần chức năng của trình duyệt và điều hướng trình duyệt truy cập vào những website chúng muốn.
- Resident virus: đúng với cái tên của mình, chúng sẽ “thường trú” trong máy tính của bạn và khởi động bất cứ khi nào chúng muốn.
- Direct action virus: ngược lại với Resident virus, Direct action virus chỉ hoạt động khi bạn kích hoạt vào chúng.
- Polymorphic virus: virus đa hình là một loại vô cùng nguy hiểm. Mỗi lần kích hoạt, chúng sẽ thay đổi mã nhằm tránh bị những phần mềm diệt virus phát hiện.
- File infector virus: nếu bạn vô tình tải những tệp thực thi về từ Internet, có thể chúng sẽ chứa những loại virus này. Khi kích hoạt, chúng sẽ hoạt động và chiếm hoặc thực hiện một số chức năng, hành động nhất định.
- Multipartite virus: những loại này cũng cực kỳ nguy hiểm. Chúng sẽ lây nhiễm trong phần mềm lẫn hệ thống khởi động của máy tính.
- Macro virus: chúng thường xuất hiện trong các email và tấn công máy tính khi bạn tải hoặc mở những tài liệu bị nhiễm.
Dấu hiệu, cách diệt và phòng tránh virus máy tính
Dấu hiệu virus nhiễm máy tính
Sau đây, Tino Group sẽ liệt kê ra những dấu hiệu chắc chắn máy tính của bạn đã bị nhiễm virus, bao gồm:
- Hàng loạt popup thường xuyên xuất hiện
- Trang chủ trình duyệt bị thay đổi và bạn không thể thay đổi lại được
- Bạn bị spam email liên tục
- Những chương trình không xác định chạy ngầm khi bạn sử dụng máy tính
- Bạn không thay đổi mật khẩu nhưng mật khẩu của bạn bị thay đổi một cách bất thường
- Windows Defender báo cáo có virus trong máy tính
Ngoài ra, chúng ta còn một số dấu hiệu khác nhưng những dấu hiệu này có thể bị nhầm lẫn với các lỗi khác trong Windows như:
- Máy tính thường xuyên bị chậm: do máy của bạn yếu hoặc virus chạy ngầm khiến máy chậm.
- Thiết bị liên tục gặp sự cố: do hệ điều hành bị lỗi hoặc virus tấn công gây lỗi khắp hệ thống.
Cách diệt virus máy tính
Trong trường hợp nghi ngờ máy tính nhiễm virus, bạn có thể tải những phần mềm diệt virus miễn phí về để quét toàn bộ thiết bị của mình. Trong rất nhiều bài viết, Tino Group có nhắc đến việc không cần quá quan tâm đến việc nên tải phần mềm diệt virus nào vì tất cả những phần mềm diệt virus miễn phí đều hỗ trợ bạn quét sạch virus từ cơ bản đến nâng cao như: Avast, Norton, Kaspersky, Malwarebytes,…
Điểm khác biệt duy nhất giữa các phần mềm diệt virus chính là những dịch vụ khác đi kèm ngoài tính năng tìm, quét và diệt virus.
Cách phòng tránh nhiễm virus máy tính
Theo những nhà cung cấp dịch vụ phần mềm diệt virus hàng đầu thế giới như: Norton, Malwarebytes, Avast và cả Microsoft, để tránh bị nhiễm virus, bạn nên thực hiện những cách như sau:
- Cài đặt một phần mềm diệt virus. Kể cả phiên bản miễn phí vẫn tốt, nếu không, bạn có thể sử dụng Microsoft Defender mặc định trên Windows vẫn ổn.
- Tránh nhấp vào các quảng cáo popup trên bất cứ trang web nào
- Không nên tải những file đính kèm, đường link đến từ những email không xác định.
- Luôn quét các tệp tin bạn tải xuống từ Internet.
- Không nên cài đặt những phần mềm null, crack, lậu vì khả năng rất cao, chúng đã bị đính kèm những virus độc hại phục vụ cho mục đích nào đó của hacker (dù vẫn có những người dùng bẻ khóa phần mềm để chia sẻ cho cộng đồng cùng sử dụng – đây là hành vi phạm pháp, vi phạm vào luật sở hữu trí tuệ tại Việt Nam).
Đến đây, chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về virus máy tính là gì, cách tự bảo vệ bản thân, thiết bị khỏi những mối nguy hại đến từ Internet và những loại virus đang có trên không gian mạng. Tino Group chúc bạn sẽ luôn an toàn trên Internet.
Bài viết có tham khảo từ: Norton, Microsoft, BBC Bitesize, Malwarebytes, Avast, Kaspersky,…
FAQs về virus máy tính
Có thể tiêu diệt virus tận gốc hay không?
Câu trả lời là có và không. Đối với các loại virus, phần mềm độc hại đã được phát hiện và có cách tiêu diệt, gỡ bỏ, những phần mềm diệt virus sẽ hỗ trợ bạn gỡ bỏ chúng khỏi máy tính của bạn.
Tuy nhiên, đối với những loại virus mới, phần mềm độc hại mới các kỹ sư bảo mật chưa kịp tìm ra cách để xử lý, sẽ rất khó để chúng ta có thể nói rằng loại virus đó có thể gỡ tận gốc hay không.
Nên làm gì khi trình duyệt hiện thông báo “máy tính của bạn đang bị nhiễm virus”?
Theo các chuyên gia đến từ Microsoft, khi gặp những thông báo như thế khi bạn truy cập vào website, bạn chỉ cần tắt trang web đó đi và không nhấn vào bất cứ banner, đường link nào.
Đa phần chúng là những thông báo giả mạo với phần nội dung cảnh báo “mạnh mẽ” để đánh lừa người dùng cài các phần mềm độc hại thật vào thiết bị.
Cần làm gì để truy cập vào website kém an toàn?
Theo Tino Group, các website kém an toàn là những website: không có chứng chỉ bảo mật SSL, chứa nội dung người lớn, cờ bạc những website này thường sẽ chứa những phần mềm độc hại. Dù không khuyến khích truy cập vào, nhưng bạn vẫn có cách để bảo vệ thiết bị, bản thân khỏi những virus độc hại bằng cách: cài đặt phần mềm diệt virus, tránh click vào những link, banner, popup, không đăng nhập bằng tài khoản mạng xã hội,…
Có nên tải phần mềm lậu, crack, null hay không?
Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào bạn. Nếu điều kiện kinh tế không cho phép để sử dụng phần mềm bản quyền, bạn có thể sử dụng những phần mềm mã nguồn mở với tính năng tương tự. Trong trường hợp bạn đã quen sử dụng và không muốn chuyển sang dùng phần mềm khác, crack là một giải pháp kém an toàn và Tino Group không khuyến khích bạn thực hiện. Nhưng bạn có thể cài đặt các phần mềm bảo mật và không cài đặt khi những phần mềm bảo mật xác nhận trong tệp có virus, malware.