Maslow là một mô hình rất nổi tiếng trong Marketing. Mô hình này giúp xác định nhu cầu của con người ở mỗi cấp bậc nhất định. Từ đó, doanh nghiệp có đưa ra các chiến lược giá hay chiến lược tiếp thị phù hợp. Tuy nhiên, bản thân tháp nhu cầu Maslow vẫn tồn tại một số hạn chế. Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu cụ thể ưu – nhược điểm của tháp nhu cầu Maslow qua bài viết dưới đây nhé!
Đôi nét về 5 cấp bậc của tháp nhu cầu Maslow
Maslow là ai?
Abraham Harold Maslow (1908 – 1970) là một nhà tâm lý học người Mỹ. Ông được biết đến là “cha đẻ” của hệ thống nhu cầu của Maslow, một lý thuyết về tâm lý dựa trên việc đáp ứng nhu cầu bẩm sinh của con người và hướng đến cuộc sống lành mạnh, có ích cho cả thể chất lẫn tinh thần.
Maslow còn là giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc tế Alliant, Đại học Brandeis, Đại học Brooklyn và Đại học Columbia. Thông qua lý thuyết về tháp nhu cầu, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung vào những phẩm chất tích cực của con người.
Giáo trình Tâm lý học đại cương (xuất bản năm 2002) đã xếp Maslow là nhà tâm lý học được trích dẫn nhiều thứ mười trong thế kỷ 20.
5 cấp bậc của tháp nhu cầu Maslow
Nhu cầu sinh lý (Physiological needs)
Nhu cầu sinh lý được xếp vào loại hành vi tâm lý căn bản và quan trọng nhất vì có liên quan đến nhu cầu sinh tồn của con người. Nếu không được đáp ứng, cơ thể con người sẽ không tồn tại được.
Các nhu cầu sinh lý có thể là: ăn uống, ngủ nghỉ, thời trang, tình dục,…..
Nhu cầu được an toàn (Safety needs)
Khi đã đáp ứng được nhu cầu sinh lý, các yêu cầu tiếp theo bắt đầu trở nên phức tạp hơn. Ở cấp bậc này, nhu cầu chính của con người là được đảm bảo an toàn.
Nhu cầu được an toàn bao gồm: đảm bảo về nơi ăn, chốn ở, chỗ làm, ngân khoản tiết kiệm, an toàn lao động hoặc bảo hiểm tai nạn,…
Nhu cầu xã hội
Khi đã đạt được nhu cầu về sinh lý và an toàn, con người bắt đầu yêu cầu cao hơn trong đời sống tinh thần. Đây là những nhu cầu liên quan đến tình cảm với các mối liên hệ xung quanh họ, cụ thể: tình bạn, sự lãng mạn, gia đình, các nhóm xã hội, tổ chức tôn giáo, …
Nhu cầu được tôn trọng (Esteem needs)
Việc mong muốn bản thân được xã hội tôn trọng, kính nể cũng là một nhu cầu chính đáng. Nhu cầu này sẽ giúp bản thân tự tin hơn trong cuộc sống, đồng thời có trách nhiệm với sự tôn trọng mà người khác dành cho mình.
Nhu cầu được tự thể hiện (Self-actualization needs)
Đây là cấp bậc cao nhất trong nhu cầu của con người. Sau khi đáp ứng các nhu cầu trên, con người mong muốn được khẳng định bản thân, thể hiện mình, được sống và làm việc theo sở thích, được lựa chọn theo đuổi đam mê và cống hiến cho tổ chức, cộng đồng hay xã hội.
Ưu – nhược điểm của tháp nhu cầu Maslow
Ưu điểm
Đối với tiếp thị: Lý thuyết này cung cấp một bản tóm tắt hữu ích về nhu cầu của con người, có thể được sử dụng trong thiết kế sản phẩm, định vị sản phẩm, định giá,… Bên cạnh đó, các nhà tiếp thị có thể dựa trên tháp nhu cầu Maslow để xây dựng chiến dịch Marketing tập trung vào các nhu cầu cụ thể của thị trường mục tiêu.
Đối với môi trường làm việc: Tháp nhu cầu Maslow còn giúp các nhà quản lý có thể hưởng lợi từ việc được hiểu nhu cầu cơ bản của nhân viên, sự đảm bảo công việc và được công nhận đối với một nhiệm vụ được hoàn thành tốt. Tạo ra một môi trường đáp ứng những nhu cầu này sẽ giúp nhân viên hoạt động hết khả năng của họ cho doanh nghiệp.
Nhược điểm
Một nhược điểm bị chỉ trích rộng rãi của lý thuyết này là khi tạo ra hệ thống phân cấp, Maslow chỉ nghiên cứu một bộ phận nhỏ trong xã hội. Các thuật ngữ trong hệ thống như “lòng tự trọng” và “an toàn” có các định nghĩa rất khác nhau trong các nền văn hóa trên toàn cầu. Do đó, các nhà nghiên cứu khó có thể đo lường những nhu cầu này hoặc tổng quát hóa chúng trên phạm vi rộng lớn.
Bên cạnh sự khác biệt về văn hóa, hệ thống này cũng không tính đến sự khác biệt của từng cá nhân. Không có bằng chứng cụ thể để khẳng định mọi người đều trải qua những nhu cầu theo thứ tự mà Maslow đề ra. Cùng một sản phẩm/dịch vụ vẫn có thể thỏa mãn nhiều nhu cầu cùng một lúc.
Ngoài ra, lý thuyết Maslow cũng không thể đo lường mức độ đáp ứng nhu cầu cũ của khách hàng một cách chính xác trước họ khi chuyển sang nhu cầu mới.
Một số lưu ý để sử dụng tháp nhu cầu Maslow thực sự chính xác
Nhu cầu không cần phải “rập khuôn” như lý thuyết
Theo lý thuyết mà Maslow đặt ra, nhu cầu của con người sẽ phát triển từ đáy tháp đến đỉnh tháp. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng bắt buộc như thế bởi nhu cầu còn phụ thuộc vào trạng thái và hoàn cảnh của mỗi người.
Chỉ có nhu cầu sinh lý thường được ở ở vị trí dưới cùng vì đây là nền tảng để con người phát triển lên những cấp độ nhu cầu khác cao hơn.
Không phải lúc nào nhu cầu cũng tăng theo từng bậc
Hầu hết mọi người đều muốn tăng tiến nhu cầu (từ đáy đến đỉnh tháp) theo từng bậc. Tuy nhiên, trình tự này có thể sẽ bị thay đổi hoặc gián đoạn bởi các yếu tố ngoại cảnh hay những biến cố không lường trước như nợ nần, ly hôn, mất việc, tai nạn,… Khi đó, thay vì tăng đều, trình tự này có thể sẽ được thiết lập lại hoặc nhảy bậc.
Ví dụ: Một chiến sĩ có thể sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy để bảo vệ người khác, bảo vệ danh dự và địa vị của một quốc gia. Điều này có nghĩa, người này đang đánh đổi tầng 2 để đến tầng 4 trong tháp Maslow.
Hay khi bị vướng vào nợ nần, phá sản, ly hôn,… nhiều người thậm chí không màng gì đến ăn uống và đánh mất tất cả các động lực, nhu cầu sống. Ngược lại, nhiều người bị bệnh, không được đảm bảo về nhu cầu an toàn cho cơ thể nhưng vẫn cảm thấy có nhu cầu về cái đẹp và trí tuệ.
Trường hợp khác, nhiều nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ dù phải vật lộn với kế sinh nhai nhưng họ vẫn muốn hết mình cống hiến cho nghệ thuật.
Các giai cấp, tầng lớp xã hội có ưu tiên nhu cầu cụ thể nhưng mức độ có thể không quá cao như bạn nghĩ
Dù Maslow không đề cập rõ ràng nhưng dường như mọi người đều ngầm hiểu rằng các nhu cầu ở tầng thấp sẽ quan trọng hơn đối với tầng lớp lao động. Ngược lại, các nhu cầu ở tầng cao hơn thì quan trọng đối với tầng lớp trung lưu, thượng lưu.
Thực tế, đúng là mỗi tầng lớp có mức độ ưu tiên cho các nhu cầu là khác nhau nhưng không rõ ràng như mọi người đã quy chụp.
Cụ thể, một kết quả nghiên cứu về nhu cầu của 3 tầng lớp xã hội và mối tương quan với lý thuyết của Maslow đã chỉ ra rằng: Tầng lớp lao động vẫn có nhu cầu xã hội và nhu cầu khẳng định bản thân tương đối cao bên cạnh 2 nhu cầu cơ bản (nhu cầu sinh lý và nhu cầu được an toàn). Họ cũng có nhu cầu tinh thần cao, chứ không chỉ quanh quẩn với suy nghĩ “Hôm nay ăn gì?”
Lý giải cho sự quy chụp trên là vì nhu cầu của con người còn bị khắc sâu hơn nếu người đọc bị ảnh hưởng bởi lăng kính của truyền thông. Điển hình như hiện tượng được nhà xã hội học Ehsan Shah Ghasemi gọi với cái tên “khiêu dâm nghèo đói” (Poverty porn). Các tổ chức, công ty, cá nhân thường dùng hình ảnh của người nghèo và mô tả sự túng quẫn của họ để thu hút sự chú ý của đại chúng.
Khám phá hết tiềm năng của bản thân không chỉ là nhu cầu của những cá nhân xuất chúng
Nhiều người thường cho rằng nhu cầu được thể hiện (Self-Actualization – tầng cuối cùng trong tháp) chỉ có thể xuất hiện ở một số con người xuất chúng. Tuy nhiên, Gareth Costello – một học giả người Ireland chuyên nghiên cứu học thuyết của Maslow đã khuyến cáo chỉ nên coi cảnh giới đó như một trạng thái chứ không phải là một nhu cầu.
Vì ngay cả những con người bình thường, những người bị đày đọa, bị ngược đãi hoặc những con người bất hạnh trong cuộc sống vẫn có thể đạt đến tầng cuối cùng trong tháp Maslow.
Mức độ ưu tiên và cách thể hiện nhu cầu sẽ thay đổi theo bối cảnh văn hoá
Như đã chia sẻ trong phần nhược điểm, một thiếu sót của tháp Maslow là không xét đến mức độ ưu tiên của nhu cầu ở các môi trường văn hoá khác nhau.
Xuất thân từ Mỹ, một môi trường văn hoá coi trọng chủ nghĩa cá nhân, Maslow đã xếp nhu cầu khẳng định bản thân lên đỉnh tháp. Tuy nhiên, ở các môi trường văn hoá có tính gắn kết nhóm cao hơn như châu Á, nhu cầu xã hội có thể được xếp cao hơn nhiều.
Chẳng hạn, các học sinh châu Á thường sợ phát biểu ý kiến cá nhân nếu họ nhận ra ý kiến của mình có thể phá vỡ bầu không khí đồng thuận trong nhóm.
Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng không thể phủ nhận rằng, công trình nghiên cứu của Maslow thể hiện được tầm quan trọng của người đi tiên phong, giúp giải thích nhiều vấn đề trong việc hình thành các nhu cầu của con người. Hy vọng qua bài viết trên, bạn sẽ nhận thấy được ưu nhược điểm của tháp nhu cầu Maslow để áp dụng hiệu quả. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Nhu cầu thể hiện bản thân có hạn chế gì?
Nhu cầu thể hiện bản thân đôi khi lại gây ra các tác dụng phản cảm. Vẫn còn đó các bài học của rất nhiều bạn trẻ hiếu thắng khi phải trả cái giá quá đắt cho việc thể hiện cái tôi cao. Vì thế, nhu cầu thể hiện bản thân cần được áp dụng trong thực tiễn ở mức vừa phải, đúng đắn để tránh gây cảm giác khó chịu cho những người xung quanh.
Những người ở cấp bậc “nhu cầu an toàn” là những ai?
- Họ muốn có thu nhập ổn định và công việc được đảm bảo.
- Họ muốn sống trong môi trường ổn định. Ví dụ, đất nước có chính trị và kinh tế ổn định, môi trường làm việc an toàn.
- Khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế với mức giá phải chăng.
Có phải chỉ khi nhu cầu cũ được đáp ứng đầy đủ thì mới xuất hiện nhu cầu mới?
Đây là một nhận định không hề chính xác. Khi nhu cầu bậc thấp đã được thoả mãn ở một mức độ nhất định, nhu cầu cao hơn vẫn có thể được xuất hiện.
Làm sao để áp dụng nhu cầu xã hội hiệu quả vào công ty?
Để áp dụng nhu cầu xã hội hiệu quả vào công ty, bạn cần tạo ra các buổi bonding, các chuyến du lịch để nhân viên ngồi lại với nhau, thấu hiểu và sẻ chia cho nhau. Đồng thời, việc làm này cũng giúp cho những bạn mới còn e dè, ngại ngùng có thể mở lòng với mọi người xung quanh.