Làm thế nào để đánh giá Facebook có phải là kênh đầu tư hiệu quả? Các Marketers đo lường lượng traffic bằng cách nào? Câu trả lời dành cho bạn là sử dụng link UTM – một yếu tố không thể thiếu trong lĩnh vực Digital Marketing. Vậy chính xác UTM Tracking là gì? Làm thế nào tạo link UTM chuẩn? Link UTM mang lại những lợi ích gì cho website? Hãy cùng TinoHost giải đáp toàn bộ thắc mắc về UTM qua bài viết dưới đây nhé!
Giới thiệu đôi nét về UTM Tracking
UTM Tracking là gì?
UTM (Urchin Tracking Module, tạm dịch: thông số theo dõi mô-đun Urchin) hay UTM Tracking là một phương pháp giúp theo dõi và phân tích hiệu quả các chiến dịch tiếp thị số. Bằng cách sử dụng các thông số UTM trong URL, bạn có thể theo dõi nguồn gốc và hiệu suất của lưu lượng truy cập đến website của mình.
Không những thế, UTM còn hỗ trợ các nhà tiếp thị đa dạng hoá thông tin gắn vào liên kết của mình. Từ đó, Marketers có thể phân biệt, xác định nguồn gốc, phương tiện và chiến dịch tiếp thị nào thu hút người dùng đến. Khi những thông tin này được truyền đi cùng với URL và ghi lại trong các công cụ phân tích web, marketers có thể sử dụng để theo dõi, đo lường hiệu quả của các hoạt động truyền thông.
UTM đóng vai trò quan trọng trong việc xác định nguồn khách hàng, đo lường tỷ lệ chuyển đổi. Yếu tố này còn giúp Marketers hiệu rõ hơn về các hoạt động tiếp thị của một doanh nghiệp trên các kênh trực tuyến.
UTM Source là gì?
UTM Source hay nguồn UTM là tham số của UTM. Tham số này được dùng để xác định nguồn gốc của traffics truy cập đến trang web hoặc chiến dịch quảng cáo. Dựa trên nguồn UTM, bạn có thể xác định đâu là nguồn tạo ra lưu lượng truy cập, như mạng xã hội, Email Marketing, website đối tác,…
Cấu trúc của đường link UTM là gì?
Cấu trúc của đường link UTM bao gồm URL chính của trang đích và các tham số UTM được thêm vào cuối URL đó. Mỗi tham số UTM được tạo thành từ một cặp “tên tham số” và “giá trị” được ngăn cách bởi dấu “=”. Các tham số UTM trong cùng một URL được ngăn cách với nhau bằng dấu “&”.
Cấu trúc tổng quát của một đường link UTM:
URL?utm_source=nguon&utm_medium=hinhthuc&utm_campaign=chien_dich&utm_term=tukhoa&utm_content=noidung
Trong đó:
- URL: Là địa chỉ trang đích mà bạn muốn người dùng truy cập.
- utm_source: Xác định nguồn gốc của lưu lượng truy cập (bắt buộc). Ví dụ: Google, Facebook, Newsletter.
- utm_medium: Chỉ ra hình thức chiến dịch (bắt buộc). Ví dụ: CPC (cost-per-click), email, social.
- utm_campaign: Định danh tên chiến dịch hoặc khuyến mãi cụ thể (bắt buộc). Ví dụ: summer_sale, black_friday.
- utm_term: Theo dõi từ khóa mà người dùng đã tìm kiếm (tùy chọn, thường dùng trong quảng cáo trả phí). Ví dụ: giay_adidas.
- utm_content: Phân biệt giữa các nội dung hoặc liên kết khác nhau trỏ đến cùng một URL (tùy chọn). Ví dụ: banner1, banner2.
Ví dụ cụ thể: Nếu bạn muốn tạo một đường link UTM để theo dõi một chiến dịch quảng cáo trên Google với tên là “Spring Sale”, thì đường link có thể trông như sau:
https://www.example.com/?utm_source=google&utm_medium=cpc&utm_campaign=spring_sale&utm_term=giay_thethao&utm_content=link_a
Hướng dẫn cách tạo link UTM bằng Campaign URL Builder
Campaign URL Builder là gì?
Campaign URL Builder là công cụ trực tuyến do Google phát triển. Công cụ này hỗ trợ người dùng tạo liên kết UTM với định dạng chuẩn nhanh chóng. Đồng thời, Campaign URL Builder còn cho phép người dùng nhập thông tin chi tiết về nguồn gốc, phương tiện và chiến dịch tiếp thị của một liên kết. Sau đó, công cụ này sẽ tự động tạo ra URL với các tham số UTM tương ứng.
Không chỉ hỗ trợ tạo link UTM chuẩn, Campaign URL Builder còn giúp người dùng theo dõi, phân tích hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị trực tuyến. Với công cụ này, bạn có thể tạo ra các URL chứa thông tin UTM đầy đủ. Sau đó, bạn có thể dùng các URL này trong các chiến dịch quảng cáo, Email Marketing, bài viết trên trang mạng xã hội,…
Giao diện của Campaign URL Builder cung cấp những thuộc tính như sau:
- Website URL: Đây là URL đích mà bạn muốn người dùng truy cập sau khi click vào liên kết. Đây là trường bắt buộc.
- Campaign ID: Đặt Campaign ID phù hợp với quy mô và đặc điểm của các chiến dịch của bạn.
- Campaign Source: Xác định nguồn gốc của lưu lượng truy cập, ví dụ: Google, Facebook, Email, …
- Campaign Medium: Mô tả phương tiện truyền thông được sử dụng, ví dụ: CPC (Cost Per Click), Banner, Email, …
- Campaign Name: Tên của chiến dịch marketing.
- Campaign Term: Sử dụng cho các từ khóa trong chiến dịch tìm kiếm trả tiền.
- Campaign Content: Sử dụng để phân biệt các sáng tạo khác nhau trong cùng một chiến dịch, ví dụ: banner khác nhau, dòng chủ đề email khác nhau.
Các bước thực hiện
Bước 1: Truy cập Campaign URL Builder
Mở trình duyệt web và truy cập vào trang Campaign URL Builder: Campaign URL Builder.
Bước 2: Nhập thông tin vào các trường bắt buộc
- Website URL: Nhập URL của trang đích mà bạn muốn người dùng truy cập. Đây là URL cơ bản trước khi thêm các tham số UTM.
- Campaign ID: Bạn có thể đặt Campaign ID là “FB_NewProduct_Q2_2023” để thể hiện rằng đây là một chiến dịch trên Facebook, quảng bá sản phẩm mới trong quý 2 năm 2023.
- Campaign Source (utm_source): Nhập nguồn gốc của lưu lượng truy cập, ví dụ: Google, Facebook, Newsletter.
- Campaign Medium (utm_medium): Nhập hình thức chiến dịch, ví dụ: CPC, email, social.
- Campaign Name (utm_campaign): Nhập tên chiến dịch hoặc khuyến mãi cụ thể, ví dụ: summer_sale, black_friday.
Bước 3: Nhập thông tin vào các trường tùy chọn (nếu cần)
- Campaign Term (utm_term): Theo dõi từ khóa mà người dùng đã tìm kiếm. Trường này thường được sử dụng trong các chiến dịch quảng cáo trả phí.
- Campaign Content (utm_content): Phân biệt giữa các nội dung hoặc liên kết khác nhau trỏ đến cùng một URL. Đây là trường tùy chọn giúp bạn so sánh hiệu quả của các phiên bản quảng cáo khác nhau.
Bước 4: Xem kết quả và sao chép link UTM
Sau khi bạn đã nhập xong các thông tin, Campaign URL Builder sẽ tự động tạo ra một link UTM ở phía dưới. Bạn có thể sao chép link này hoặc nhấn Shorten Link để sử dụng trong các chiến dịch tiếp thị của mình.
Trong những thông số trên, Website URL và Campaign Source là 2 thông số bắt buộc, những thông số còn lại sẽ tùy thuộc vào nhu cầu, tính chất của các chiến dịch mà chúng ta quy ước.
Bước 5: Kiểm tra và theo dõi
Để đảm bảo link UTM hoạt động đúng cách, hãy dán vào trình duyệt và thử truy cập. Nếu đường dẫn mở đúng trang đích và các thông số UTM được giữ nguyên, link đã được tạo thành công.
Sau khi triển khai, bạn có thể theo dõi hiệu quả của chiến dịch bằng cách sử dụng các công cụ phân tích như Google Analytics.
Một số template mẫu về cách đặt UTM mà bạn có thể áp dụng như:
Lưu ý quan trọng khi đặt thông số:
- Không sử dụng dấu cách “ “.
- Không được sử dụng dấu gạch nối “-” để nối các từ ghép. Thay vào đó, bạn phải dùng dấu gạch dưới “_”.
- Hãy luôn sử dụng chữ in thường và chữ số để tạo thông số.
Một số ứng dụng của UTM trong Digital Marketing
Theo dõi nguồn lưu lượng
Sử dụng UTM giúp bạn xác định được nguồn lưu lượng truy cập đến trang web của mình, như các kênh quảng cáo PPC, email marketing, bài viết trên mạng xã hội,… Thông qua đó, bạn có thể hiểu rõ hơn về hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị và tối ưu hoá các nguồn lưu lượng.
Đo lường hiệu quả chiến dịch
Link UTM cho phép bạn theo dõi và đo lường hiệu quả của các chiến dịch tiếp thị. Bạn có thể so sánh những tham số UTM khác nhau để xác định chiến dịch nào mang lại nhiều lượt truy cập, lượt tương tác và tỷ lệ chuyển đổi tỷ lệ cao.
Tối ưu hóa quảng cáo
Với UTM, bạn có thể theo dõi hiệu quả của các chiến dịch quảng cáo PPC (Pay-Per-Click), như Google Ads hoặc Facebook Ads. Bên cạnh đó, yếu tố này còn giúp bạn xem các thống kê UTM để biết được quảng cáo nào đang đưa khách hàng đến landing page và đạt tỷ lệ chuyển đổi cao nhất.
Phân tích hành vi người dùng
Bạn có thể theo dõi hành vi người dùng sau khi họ truy cập vào trang web thông qua link UTM. Bằng cách kết hợp thông tin UTM với công cụ phân tích web như Google Analytics, bạn có thể xem các web con, những hoạt động và hành vi của người dùng. Dựa vào đó, bạn sẽ hiểu rõ hơn về sự tương tác của khách hàng trên trang web.
Đo lường ROI (Return on Investment)
Khi sử dụng UTM, bạn có thể theo dõi và phân tích hiệu quả của các hoạt động tiếp thị cụ thể. Việc này giúp bạn đánh giá và đưa ra quyết định đầu tư vào các chiến dịch phù hợp, có tiềm năng mang lại hiệu quả cao.
Nhìn chung, UTM là một yếu tố quan trọng trong các chiến dịch Digital Marketing. Qua bài viết trên, Tino Group tin rằng bạn đã giải đáp được thắc mắc về UTM cũng như cách tạo link UTM hiệu quả. Hãy tiếp tục theo dõi Tino Group để không bỏ lỡ những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Sử dụng UTM có ảnh hưởng đến SEO không?
Sử dụng UTM sẽ không ảnh hưởng trực tiếp đến SEO. Tuy nhiên, các tham số của UTM có thể làm thay đổi URL và tạo ra nhiều phiên bản URL cho cùng 1 nội dung. Việc này làm phân tán lực lượng tìm kiếm và ảnh hưởng đến khả năng đánh giá, xếp hạng của trang web.
Cần sử dụng link UTM cho mọi liên kết trên trang web không?
Không cần thiết! Bạn có thể sử dụng link UTM cho các liên kết quảng cáo, email marketing, bài viết trên mạng xã hội hoặc các chiến dịch tiếp thị đặc biệt. Tuy nhiên, bạn không cần áp dụng link UTM cho mọi liên kết trên trang web chính của mình.
Điểm hạn chế của link UTM là gì?
Hạn chế lớn nhất của link UTM là có thể khiến URL dài và phức tạp hơn.
Tự động tạo link UTM cho các liên kết được không?
Tất nhiên là có! Bạn có thể sử dụng các công cụ và phần mềm tự động để tạo link UTM cho các chiến dịch tiếp thị.
Có giới hạn nào khi sử dụng UTM Tracking không?
Mặc dù không có giới hạn cụ thể về số lượng UTM, bạn nên tránh sử dụng quá nhiều tham số UTM để tránh làm phức tạp quá trình theo dõi và phân tích. Ngoài ra, bạn cần đảm bảo rằng các tham số UTM được sử dụng nhất quán và có ý nghĩa.
Link UTM có thể bị mất dữ liệu nếu bị rút gọn không?
Không, link UTM sẽ không bị mất dữ liệu nếu bạn sử dụng các công cụ rút gọn URL như Bitly. Các tham số UTM vẫn được bảo toàn và có thể theo dõi như bình thường.