Khi làm CV xin việc hoặc các loại hồ sơ cá nhân khác, bạn sẽ thấy một mục gọi là trình độ chuyên môn. Thực tế, có rất nhiều người đã nhầm lẫn giữa khái niệm trình độ chuyên môn và trình độ học vấn nên thường ghi sai trong hồ sơ. Vậy trình độ chuyên môn là gì? Trình độ chuyên môn và trình độ học vấn khác nhau như thế nào? Trong bài viết này, Tino Group sẽ hướng dẫn bạn cách ghi trình độ chuyên môn chính xác vào hồ sơ.
Định nghĩa trình độ chuyên môn
Trình độ chuyên môn là gì?
Trình độ chuyên môn là thuật ngữ thể hiện quá trình đào tạo của một người trong lĩnh vực chuyên môn cụ thể thông qua trường lớp hoặc các khóa đào tạo và được cấp bằng bởi cơ quan quản lý giáo dục Nhà nước.
Ngoài ra, thuật ngữ này còn được dùng để chỉ khả năng, năng lực của ai đó về một lĩnh vực chuyên biệt. Trình độ chuyên môn được phân chia thành các cấp bậc nhất định như: tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ sư, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp,..
Ví dụ về trình độ chuyên môn như: Kỹ sư Kiến trúc, Cử nhân Quản trị kinh doanh, tiến sĩ Y dược, ….
Trình độ chuyên môn đóng vai trò rất quan trọng khi được ghi vào hồ sơ. Vì mọi người đều có thể học chương trình văn hóa giống nhau từ lớp 1 đến lớp 12. Tuy nhiên, để có thể làm những công việc khác nhau trong cuộc sống, bạn sẽ cần được đào tạo những kiến thức về chuyên ngành khác nhau.
Dựa vào trình độ chuyên môn, người tuyển dụng sẽ đánh giá chính xác về năng lực và khả năng làm việc của bạn. Do đó, việc mô tả trình độ chuyên môn của bản thân một cách đầy đủ, xúc tích và ấn tượng sẽ cho giúp nhà tuyển dụng thấy được tiềm năng của bạn.
Các cấp bậc trình độ chuyên môn trong hệ thống đào tạo
Trình độ chuyên môn sơ cấp
Chương trình đào tạo này áp dụng cho các ngành nghề thuộc lĩnh vực kỹ thuật và thường được đào tạo trong các trường dạy nghề. Cấp bậc sơ cấp yêu cầu học viên nắm được các kiến thức, kỹ năng và thao tác kỹ thuật cơ bản cho một ngành nghề nào đó để nhanh chóng xin việc làm. Họ thực hiện các nhiệm vụ theo yêu cầu dưới sự giám sát của quản lý. Thời gian đào tạo ở chương trình này tương đối ngắn và học phí cũng khá thấp.
Trình độ chuyên môn trung cấp
Chương trình đào tạo này thường áp dụng cho những học viên đã tốt nghiệp trung học cơ sở (hết lớp 9). Trình độ chuyên môn trung cấp yêu cầu học viên phải nắm vững kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp và có khả năng thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao một cách độc lập. Ngoài ra, các học viên tốt nghiệp THPT theo học chương trình này với thời gian khoảng 2 năm.
Trình độ chuyên môn cao đẳng
Chương trình đào tạo này áp dụng cho những học viên đã tốt nghiệp trung học phổ thông (hết lớp 12). Cấp bậc cao đẳng yêu cầu học viên phải có kiến thức thực tế, nắm vững lý thuyết của một ngành, có kỹ năng thực hành nghề nghiệp, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng như khả năng làm việc độc lập và làm việc nhóm trong điều kiện môi trường công việc thay đổi. Thời gian đào tạo là từ khoảng 3 năm – 3 năm rưỡi.
Trình độ chuyên môn đại học
Chương trình đào tạo này áp dụng cho những học viên đã tốt nghiệp trung học phổ thông, hay đã tốt nghiệp bậc cao đẳng. Cấp bậc đại học yêu cầu học viên phải nắm vững các kiến thức chuyên môn, hiểu toàn diện và chuyên sâu về các kiến thức lý thuyết, có kỹ năng đầy đủ các kỹ năng mềm cần thiết. Thời gian đào tạo từ khoảng 4 – 5 năm hoặc có thể lâu hơn tùy vào từng chuyên ngành.
Trình độ chuyên môn thạc sĩ, tiến sĩ
Đây là chương trình đào tạo sau đại học, áp dụng cho những học viên mong muốn nghiên cứu chuyên sâu, có kiến thức chuyên ngành rộng lớn và bao quát. Bên cạnh đó, học viên cần có khả năng ứng dụng chuyên môn vào các vấn đề mang tính thực tiễn, và có định hướng phát triển cụ thể cho tương lai. Chương trình đào tạo bậc thạc sĩ, tiến sĩ đều có thời gian 2 năm.
Các yếu tố đánh giá trình độ chuyên môn
Kiến thức chuyên môn
Để đánh giá trình độ và năng lực của ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ dựa trên những kiến thức, kỹ năng mà ứng viên có được trong quá trình đào tạo. Ví dụ, với các công việc thuộc lĩnh vực kế toán, ứng viên phải nắm vững các kiến thức về kế toán và các kỹ năng như: lập chứng từ, xử lý dữ liệu,… Bên cạnh các kiến thức chuyên môn về ngành nghề đang hoạt động, bạn cần tự trau dồi thêm kiến thức thuộc các lĩnh vực có liên quan khác.
Kỹ năng mềm liên quan
Bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm cũng chính là một trong những yếu tố giúp nhà tuyển dụng có thể đánh giá chính xác trình độ của ứng viên. Tùy theo từng tính chất công việc và vị trí ứng tuyển sẽ yêu cầu những kỹ năng mềm cụ thể. Chẳng hạn như đối với các vị trí bán hàng, kỹ năng giao tiếp và xử lý vấn đề sẽ rất quan trọng với ứng viên.
Sức khỏe nghề nghiệp
Sức khỏe cũng là một yếu tố để đo lường trình độ chuyên môn của bạn. Chỉ khi sức khỏe được đảm bảo, bạn mới có thể đảm nhận được một số công việc yêu cầu làm trong điều kiện căng thẳng, khắc nghiệt.
Cách ghi trình độ chuyên môn trong hồ sơ, CV xin việc
Hướng dẫn ghi chính xác trình độ chuyên môn trong hồ sơ, CV xin việc
Căn cứ vào Quyết định số 06/2007/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ ngày 18/06/2007 về việc ban hành thành phần hồ sơ cán bộ, công chức và mẫu biểu quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, cách kê khai trình độ trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn như sau:
- Trình độ văn hóa: Ghi đã tốt nghiệp lớp mấy, thuộc hệ đào tạo phổ thông nào. Ví dụ: Lớp 10/10 (đối với người tốt nghiệp lớp 10 hệ 10 năm) hoặc 12/12 (đối với người tốt nghiệp lớp 12 hệ 12 năm).
- Trình độ chuyên môn: Trình độ chuyên môn cao nhất được đào tạo, bồi dưỡng tại thời điểm kê khai, chẳng hạn như: Tiến sĩ khoa học, Tiến sĩ, Thạc sĩ, Cử nhân, Kỹ sư, Cao đẳng, Sơ cấp…
Ví dụ: nếu bạn tốt nghiệp Đại học ngành Quản trị kinh doanh, trình độ chuyên môn của bạn là “Cử nhân ngành Quản trị kinh doanh”. Nếu tốt nghiệp cao đẳng ngành kế toán, trình độ chuyên môn sẽ là “Cao đẳng ngành Kế toán”.
Một số điểm cần lưu ý khi ghi trình độ chuyên môn trong hồ sơ
- Khi viết trình độ chuyên môn, bạn nên nghiên cứu kỹ vị trí công việc mà công ty đó đăng tuyển. Điều này sẽ giúp bạn đưa ra được những trình độ chuyên môn phù hợp để thuyết phục nhà tuyển dụng lựa chọn.
- Cần trình bày một cách ngắn gọn, thu hút nhưng vẫn thể hiện đúng nội dung. Lưu ý văn phong, ngôn ngữ phải thật chuyên nghiệp để thuyết phục nhà tuyển dụng.
- Tránh để xảy ra sai sót chính tả hay sai ngữ pháp sẽ khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng.
- Bạn cần trung thực khi trình bày về bậc học và những thành tích đạt được, cũng như có thể cung cấp các loại bằng cấp chứng minh khi được nhà tuyển dụng yêu cầu.
- Cần hệ thống lại những gì bạn muốn trình bày và sắp xếp một cách khoa học để nhà tuyển dụng nắm rõ được những thông tin quan trọng.
Trình độ chuyên môn và trình độ học vấn khác nhau như thế nào?
Trình độ học vấn là cấp độ học tập theo các bậc bao gồm tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, cao đẳng, đại học,…Tại Việt Nam, hệ thống giáo dục bao gồm 12 lớp, từ lớp 1 đến hết lớp 5 gọi là giáo dục tiểu học, từ lớp 6 đến lớp 9 là cấp bậc trung học cơ sở và từ lớp 10 đến hết lớp 12 gọi là bậc trung học phổ thông. Sau lớp 12 sẽ là cấp bậc cao đẳng và đại học.
Trình độ học vấn là một khái niệm rộng, được chia thành hai loại là: trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn. Trong đó, trình độ văn hóa là thể hiện mức độ phát triển nhận thức về văn hóa, ứng xử tuân theo những chuẩn mực trong xã hội của một người. Bạn sẽ ghi tại phần trình độ văn hóa theo công thức: Số lớp mà bạn hoàn thành (x) trên 12. Ví dụ: 7/12, 8/12, 9/12,…
Giả sử một học sinh học lớp 10 và không học nữa, sẽ có trình độ học vấn là trung học phổ thông và trình độ văn hóa là 10/12. Với những học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có trình độ học văn hóa là 12/12. Tuy nhiên, học sinh đó chưa được đào tạo bài bản về một chuyên môn, lĩnh vực cụ thể thì chưa được coi là có trình độ chuyên môn.
Bài viết trên đã cung cấp cho bạn một số thông tin hữu ích về khái niệm trình độ chuyên môn và một số kinh nghiệm khi viết trình độ chuyên môn trong CV, hồ sơ cá nhân. Đồng thời, Tino Group hy vọng bạn sẽ không còn nhầm lẫn giữa trình độ chuyên môn và trình độ học vấn nữa nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Làm ngành kế toán cần có trình độ chuyên môn gì?
Theo quy định tại Điều 18, Nghị định 174/2016/NĐ-CP: “Người có trình độ chuyên môn nghiệp vụ kế toán là người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và sau đại học chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học hoặc các học viện ở trong và ngoài nước.”
Kỹ năng chuyên môn của cử nhân tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh là gì?
Sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh cần trang bị một số kỹ năng nghề nghiệp như:
- Kỹ năng bán hàng, marketing và chăm sóc khách hàng
- Kỹ năng tuyển dụng và đào tạo nhân lực
- Kỹ năng xây dựng chính sách lương bổng và đãi ngộ
- Kỹ năng phân tích kết quả hoạt động kinh doanh và tổ chức sản xuất
- …
Làm sao để viết CV ấn tượng với nhà tuyển dụng?
Nội dung của CV xin việc cần được trình bày ngắn gọn các thông tin về học vấn, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc, thành tích cá nhân và sở thích của ứng viên đang tìm vị trí công việc thích hợp cho mình. Để biết cách viết CV ấn tượng, bạn có thể tham khảo bài viết: “Cưa đổ” mọi nhà tuyển dụng chỉ với 7 cách viết CV ấn tượng.
Trình độ văn hóa và trình độ học vấn có giống nhau?
Trình độ văn hóa chỉ đề cập đến hệ giáo dục phổ thông và được ghi nhận tại số lớp bạn hoàn thành trên 12. Trong khi đó, trình độ học vấn sẽ bao hàm các chương trình giáo dục bậc cao.
Thông thường, trong một số loại hồ sơ sẽ yêu cầu ghi trình độ văn hóa và trình độ chuyên môn chứ không có mục trình độ học vấn.