Nếu chú ý quan sát, bạn sẽ thấy các bài viết về tiền điện tử luôn có một phần gọi là tokenomics. Vậy tokenomics là gì? Làm thế nào để xem được tokenomics?
Giới thiệu tokenomics
Tokenomics là gì?
Tokenomics là thuật ngữ được dùng trong lĩnh vực tiền điện tử. Đây là sự kết hợp giữa token (tiền mã hóa) và economics (kinh tế học). Vì vậy, tokenomics là các thông tin dùng để xem xét, đánh giá sơ bộ nền kinh tế của một loại tiền mã hóa nào đó.
Tokenomics quan trọng như thế nào?
Tokenomics cho thấy được quá trình vận hành và phát triển của tiền điện tử. Đây là bằng chứng khách quan nhất để nhà đầu tư có thể đưa ra quyết định của mình dựa trên các số liệu dẫn chứng cụ thể. Bạn có thể hoài nghi về lời nói của các nhà phát triển nhưng con số thì sẽ không biết nói dối.
Các yếu tố cấu thành nên một token và tokenomics
Coin/ token supply (nguồn cung)
Ba khái niệm người dùng dễ nhầm lẫn là total supply, circulating supply và max supply (khái niệm mới được Coingecko và Coinmarketcap đưa vào). Trong đó:
- Total supply (Tổng cung): tổng số lượng coin/ token đang lưu thông trên thị trường cùng số lượng đang bị khóa trừ đi số lượng đã burn. Một số loại total supply: tổng cung cố định, tổng cung không cố định (tổng cung tăng dần, tổng cung giảm dần, tổng cung thay đổi liên tục).
- Circulating supply (Cung lưu thông): số lượng coin/ token đang được lưu thông trên thị trường.
- Max supply (Cung tối đa): số lượng coin/ token tối đa có thể tồn tại, bao gồm cả những token đã được khai thác hoặc sẵn có trong tương lai.
Market cap và FDV là gì?
Market cap (market capital) là vốn hóa thị trường của dự án với số lượng coin/ token lưu thông tại thời điểm đó. Từ circulating supply, chúng ta sẽ có công thức tính market cap như sau:
Market cap = Circulating supply x Token price
Fully diluted valuation (FDV) cũng là vốn hóa của dự án nhưng lại được tính bằng tổng số lượng token đang lưu thông và cả chưa được mở khóa của dự án. Từ total supply, chúng ta sẽ có công thức tính FDV như sau:
FDV = Total supply x Token price
Ngược lại, khi có được vốn hóa bạn sẽ tính được giá của một token tùy thuộc vào loại vốn hóa nào. Điều này sẽ giúp bạn xác định được tiềm năng tăng trưởng của coin/ token đó.
Token governance (token quản trị)
Hiện tại trên thị trường đã có khoảng 10,000 coin/ token và con số này vẫn đang tiếp tục tăng. Số coin và token này chủ yếu được chia thành ba nhóm chính:
- Decentralized (Token phi tập trung): coin/token được quản trị bởi toàn bộ quyết định của cộng đồng quyết định và không chịu bất kỳ sự can thiệp nào bởi bên thứ ba. Ví dụ như Bitcoin, Ethereum,…
- Centralized (Token Tập trung): coin/token được quản trị bởi một tổ chức đứng đầu quyết định, họ có quyền ảnh hưởng lên tính chất của coin/ token hay cả dự án mà token đó đại diện. Ví dụ như Tether, True USD, Ripple,…
- Từ centralized đến decentralized: coin/ token được xây dựng bởi một tổ chức nhưng sau đó sẽ phân quyền dần về cho cộng đồng, chuyển đổi từ tập trung sang phi tập trung. Ví dụ: Binance Coin lúc đầu hoàn toàn được quản trị bởi Binance. Thế nhưng, sau khi ra mắt Binance Smart Chain (BSC) và chương trình “Validator Spotlight”, Binance đã dần dần phân quyền BSC và BNB token cho cộng đồng kiểm soát.
Token allocation (phân bổ token)
Thông tin này sẽ thể hiện tỉ trọng phân bổ token của một dự án đối với các stakeholder (các bên liên quan). Mỗi dự án sẽ có các tỷ lệ và đối tượng phân bổ khác nhau, không có bất kỳ công thức chung nào cho phần này. Thế nhưng, thông thường số lượng token sẽ được phân bổ vào các nguồn như sau.
Team (đội ngũ phát triển)
Số token này sẽ được phân cho đội ngũ phát triển của dự án bao gồm founder, co-founder, developer, marketer, advisor,…(những người đã có đóng góp quan trọng). Mức đề xuất lý tưởng là 20%.
Con số này thường sẽ rơi vào hai trường hợp: nếu tỷ lệ quá thấp, đội ngũ dự án sẽ không có động lực để tiếp tục phát triển lâu dài. Ngược lại, nếu tỷ lệ quá cao, phía cộng đồng sẽ không có động lực để tiếp tục nắm giữ token của dự án đó khi số token này đang chịu chi phối quá nhiều bởi một thực thể liên quan đến dự án, gây ra một vài vấn đề như tập trung quyền lực, khả năng đẩy giá cao,…
Foundation reserve (dự trữ)
Đây là khoản dự trữ của dự án dành cho việc phát triển sản phẩm hoặc các tính năng trong tương lai. Mức đề xuất lý tưởng là từ 20-40%.
Liquidity mining (thanh khoản)
Yếu tố này xuất hiện nhiều hơn vào thời gian gần đây, đặc biệt là sau giai đoạn tháng 9 năm 2020 khi các dự án DeFi bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Đây là khoản token được trích ra như phần thưởng cho những nhà đầu tư tích cực cung cấp thanh khoản.
Seed/ Private/ Public sale (các hình thức bán token)
Đây là thông số token dành cho các đợt mở bán để huy động vốn phát triển sản phẩm. Thông thường, một dự án sẽ có khoảng ba đợt mở bán là Seed sale, Private sale và Public sale.
Airdrop/ Retroactive (tặng quà tri ân)
Đây là số token được dùng để tặng miễn phí (tương tự như giveaway) cho người dùng đã tích cực đóng góp cho dự án. Mặt khác, số token này cũng dùng để quảng bá, thu hút người tham gia. Phần này chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong phân bổ token. Mức đề xuất lý tưởng dưới 5%.
Khoảng từ năm 2019 trở về trước, tham gia airdrop vô cùng đơn giản. Bạn chỉ cần thực hiện một vài thao tác như like, follow, retweet các tweet trên trang Twitter của dự án. Về sau, nhà phát triển muốn người dùng phải “skin in the game” (cọ xát va chạm tương tác với dự án) để có thể nhận được airdrop hay retroactive.
Bên cạnh đó tùy vào từng dự án mà còn các đối tượng phân bổ khác.
Token release (phát hành)
Đây là hình thức phát hành token ra thị trường lưu thông. Có hai loại phát hành token chính:
- Phát hành token theo lịch trình định sẵn: các mốc thời gian có thể xảy ra như dưới 1 năm, từ 3 – 5 năm, trên 10 năm,…
- Phát hành token theo hiệu suất hoạt động và nhu cầu sử dụng: đưa ra một số tiêu chí cụ thể để áp dụng một cách hợp lý, hạn chế lạm phát do cách thức trên gây ra.
Token sale
Hiểu đơn giản, đây là hình thức huy động vốn bằng các mở bán token, cũng tương tự như các công ty cổ phần kêu gọi đầu tư vốn. Vốn trong thị trường tiền điện tử là token.
Đối với các dự án tiền điện tử, thông thường sẽ có 3 đợt huy động vốn như sau:
- Seed sale: đợt mở bán token đầu tiên của dự án. Trong đợt này, đa số sản phẩm của dự án đều chưa được hoàn thiện.
- Private sale: giai đoạn này các dự án đã có sản phẩm và minh chứng được một vài thành tích nhất định để chứng minh được tiềm năng của mình.
- Public sale: đây là đợt mở bán token cho toàn cộng đồng. Dự án có thể launch token dưới 3 hình thức chủ yếu như ICO, IEO và IDO.
Fair token distribution (phân phối công bằng)
Tuy nhiên một số dự án lại lựa chọn cách thức phân phối theo testnet, airdrop, staking, liquidity providing,… Điều này sẽ giúp dự án trở nên “bình đẳng” đối với cộng đồng quan tâm và tiếp cận đến người dùng nhiều hơn, ví dụ như Uniswap (UNI), SushiSwap (SUSHI), Yearn Finance (YFI),…Thế nhưng, nếu lựa chọn hình thức này, dự án sẽ không kêu gọi được vốn.
Token use case (trường hợp sử dụng)
Tùy vào loại token sẽ có các trường hợp sử dụng khác nhau. Dưới đây là một số trường hợp sử dụng token phổ biến:
- Staking: dành cho các native token, có thể hạn chế lạm phát, giảm số lượng token lưu thông, giúp mạng lưới phi tập trung và an toàn hơn.
- Liquidity mining (Farming): dùng để cung cấp thanh khoản và đổi lấy phần thưởng là các native token.
- Transaction fee: chi trả các chi phí trong dự án. Thông thường, khi sử dụng native token, bạn sẽ được ưu đãi trong việc thanh toán các hoạt động của hệ sinh thái.
- Governance: những chủ sở hữu token của dự án sẽ có quyền biểu quyết, đề xuất, đóng góp cho sự phát triển sau này của dự án.
Quyền lợi khác (Launchpad,…)
Đây là một trong các yếu tố then chốt giúp token được lưu thông dễ dàng cũng như tạo động lực lớn để người dùng tiếp tục nắm giữ token. Ví dụ: Polkastarter yêu cầu nắm giữ token POLS, DAO Maker yêu cầu nắm giữ token DAOS,…
Trên đây là các chia sẻ về tokenomics cũng như cách đọc vị tokenomics. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thể tự mình khám phá được nền kinh tế của bất kỳ loại token nào bạn mong muốn. Nếu yêu thích bài viết, hãy ủng hộ Tino Group bằng cách nhấn like và đánh giá năm sao ở cuối bài. Đó sẽ là nguồn động lực để đội ngũ nhân viên tiếp tục chia sẻ các kiến thức hữu ích đến quý bạn đọc. Chúc bạn thành công!
CẢNH BÁO: Đây là bài viết chia sẻ thông tin, không phải là lời kêu gọi đầu tư, bạn phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đầu tư vào các sản phẩm tài chính luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Chúc bạn sáng suốt và tỉnh táo để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Một dự án coin thường có các bên tham gia nào?
Thông thường một dự án crypto sẽ có các bên tham gia như: developers (nhà phát triển), market makers (nhà tạo lập thị trường), crypto funds (quỹ đầu tư) và investors (nhà đầu tư).
Có những tokenomics nào hoạt động hiệu quả trên thị trường?
Một số cái tên minh chứng cho sự hiệu quả hiện nay có thể là: Binance Coin (BNB), PancakeSwap (CAKE), Ethereum (ETH),…
Có những tokenomics nào hoạt động còn nhiều hạn chế trên thị trường?
Ngược lại với số trên, cái tên không gặp nhiều may mắn trong quá trình hoạt động có thể kể đến như Pangolin (PNG).
Có phải bất kỳ tokenomics nào cũng có đủ tất cả các yếu tố trên không?
Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của tokenomics đó, hầu hết các dự án đều sẽ có yếu tố cấu thành trên nhưng không phải dự án nào cũng đầy đủ như vậy.