Khi nhắc đến cụm từ “thực tế ảo”, nhiều người sẽ nghĩ đến những bộ phim khoa học viễn tưởng hấp dẫn. Trên thực tế, công nghệ thực tế ảo (VR) đã từng bước hòa vào cuộc sống thường nhật của chúng ta. Vậy chính xác thực tế ảo (VR) là gì? Có bao nhiêu loại thực tế ảo? Thực tế ảo hoạt động như thế nào? Mời bạn cùng TinoHost tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Thực tế ảo (VR) là gì?
Thực tế ảo (VR – Virtual Reality) là việc sử dụng công nghệ máy tính để tạo ra môi trường mô phỏng 360 độ. Không giống các giao diện truyền thống, VR cho phép người dùng trải nghiệm trong một môi trường ảo hoá đầy thú vị. Người dùng có thể tương tác với môi trường ảo gần như trong thực tế. Môi trường ảo này sẽ được người dùng cảm nhận thông qua các thiết bị hiện đại, như mũ, kính thực tế ảo hoặc tai nghe.
Hiện tại, công nghệ VR chưa thật sự phủ sóng khắp toàn cầu. Tuy nhiên, nguồn gốc của công nghệ tân tiến này đã xuất hiện từ lâu. Một trong những thiết bị VR đầu tiên có tên gọi là “Sensorama” – chiếc máy xem phim 3D tích hợp ghế ngồi, phát ra mùi hương và tạo rung động. Đặc biệt, phát minh này đã xuất hiện từ những năm 1950.
Công nghệ thực tế ảo (VR) hoạt động như thế nào?
Nguyên lý hoạt động của thực tế ảo (VR) dựa trên việc tạo ra một môi trường giả tưởng mà người dùng có thể tương tác và trải nghiệm. Để thực hiện điều này, hệ thống VR tích hợp một loạt công nghệ và thiết bị để tái tạo một không gian ảo chân thực.
Trong quá trình sử dụng VR, người dùng đắm chìm vào môi trường ảo thông qua việc đeo kính hoặc tai nghe VR. Các cảm biến chuyển động và vị trí được tích hợp trong thiết bị giúp hệ thống theo dõi chuyển động của người dùng, điều chỉnh góc nhìn trong môi trường ảo tương ứng. Điều này giúp người dùng cảm nhận môi trường ảo như thực khi họ quay đầu, nhìn xung quanh hoặc di chuyển.
Hình ảnh và âm thanh đóng vai trò quan trọng trong việc tái tạo môi trường ảo. Hệ thống máy tính với các cảm biến mạnh mẽ giúp đo khoảng cách, vị trí để tạo ra hình ảnh 3D và âm thanh tương tự như thế giới thực. Khi người dùng tương tác với các yếu tố trong môi trường ảo, hệ thống VR phản hồi bằng cách điều chỉnh hình ảnh, âm thanh, tạo ra sự đồng nhất giữa hành động và trạng thái của người dùng với môi trường ảo.
Sự kết hợp của các yếu tố này giúp người dùng tham gia vào một loạt trải nghiệm đa dạng trong thế giới ảo, như: trò chơi VR, tham quan không gian ảo, học tập, tham gia cuộc họp, cộng tác trong môi trường ảo,… Thực tế ảo mang lại trải nghiệm chân thực, giúp người dùng cảm nhận thế giới mới một cách sống động và ấn tượng.
Các loại thực tế ảo phổ biến
#1. Non-immersive VR (thực tế ảo không nhập vai)
Đây là loại VR được sử dụng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Người dùng có thể tham gia vào môi trường ảo thông qua màn hình máy tính hoặc màn hình cảm ứng. Tuy nhiên, trải nghiệm của Non-immersive VR sẽ không chân thực bằng những loại VR khác. Thực tế ảo không nhập vai thường được sử dụng để mô phỏng quá trình học tập.
#2. Semi-immersive VR (thực tế ảo bán nhập vai)
Semi-immersive VR mang lại trải nghiệm thực tế hơn Non-immersive VR. Người dùng sử dụng thiết bị như kính VR để tương tác với môi trường ảo, tạo ra cảm giác như họ đang ở trong một không gian tách biệt. Semi-immersive VR thường được sử dụng trong các ứng dụng giải trí và giáo dục.
#3. Fully-immersive VR (thực tế ảo hoàn toàn nhập vai)
Loại VR này được xem là phiên bản cao cấp của thực tế ảo. Với Fully-immersive VR, người dùng sẽ đắm chìm hoàn toàn vào môi trường ảo. Khi sử dụng kính VR hoặc bước vào phòng thực tế ảo, người dùng có thể tương tác với môi trường ảo một cách tự nhiên và chân thực. Fully-immersive VR thường được ứng dụng trong trò chơi, thư giãn và các ứng dụng thực tiễn khác nhau.
#4. Collaborative VR (thực tế ảo cộng tác)
Collaborative VR cho phép nhiều người dùng cùng tham gia vào một môi trường ảo và tương tác với nhau. Loại VR này thường được tích hợp trong các ứng dụng như họp trực tuyến, hợp tác trong thiết kế và nghiên cứu. Ưu điểm của Collaborative VR là xóa bỏ rào cản địa lý giữa các thành viên trong cùng một team.
#5. Augmented Reality (thực tế ảo tăng cường)
Augmented Reality (AR) kết hợp thế giới thực với các yếu tố ảo. Thay vì tạo ra một môi trường ảo hoàn toàn, AR sẽ thêm thông tin, hình ảnh hoặc đối tượng ảo vào thế giới thực. Ví dụ phổ biến của AR là ứng dụng trên điện thoại di động hoặc kính AR. Khi sử dụng các thiết bị này, bạn có thể nhìn thấy thông tin được thêm vào thế giới xung quanh mình, như bản đồ trên đường phố hoặc thông tin sản phẩm khi mua sắm.
Ứng dụng của công nghệ VR trong thực tế
Y tế và phục hồi
Công nghệ VR được ứng dụng trong lĩnh vực y khoa để điều trị và phục hồi cho các bệnh nhân. Ví dụ, khi điều trị chứng sợ cao, các bệnh nhân sẽ được đặt trong môi trường ảo liên quan đến chứng bệnh của họ, giúp họ đối diện và kiểm soát lo âu hiệu quả.
Giáo dục và đào tạo
VR đã thay đổi cách chúng ta học tập và giảng dạy. Công nghệ này cho phép sinh viên tiếp thu kiến thức một cách sống động và hiệu quả hơn qua mô phỏng hoặc mô hình 3D. Đây được xem là giải pháp mới, hữu ích trong lĩnh vực giáo dục, nhất là đối với các ngành liên quan đến y tế, kỹ thuật và nghệ thuật.
Thiết kế
Các kiến trúc sư và nhà thiết kế có thể sử dụng VR để tạo ra những mô hình 3D cho dự án của mình. Nhờ sự hỗ trợ của VR, kiến trúc sư có thể di chuyển trong không gian ảo để kiểm tra không gian trước khi đưa ra bản thiết kế thực tế.
Trò chơi thực tế ảo
Trò chơi VR đã khắc phục những hạn chế của các trò chơi truyền thống. Công nghệ này cho phép người chơi đắm chìm hoàn toàn vào thế giới ảo. Những trò chơi VR mang lại những trải nghiệm giải trí mới lạ và hấp dẫn.
Thương mại và tiếp thị
Trong lĩnh vực thương mại và tiếp thị, VR cũng là công cụ hỗ trợ mạnh mẽ. Các công ty có thể tạo ra những trải nghiệm tương tác để quảng bá sản phẩm và dịch vụ của mình. Với công nghệ VR, khách hàng hoàn toàn có thể trải nghiệm thử sản phẩm/dịch vụ trước khi quyết định mua sắm.
Du lịch và văn hoá
VR cho phép người dùng “du lịch” đến các địa điểm trên khắp thế giới mà không cần rời khỏi nhà. Nhờ đó, chúng ta có thể khám phá thế giới, tìm hiểu văn hoá mọi nơi một cách nhanh chóng, thuận tiện.
Vì sao thực tế ảo VR lại là xu hướng công nghệ?
Cải thiện trải nghiệm người dùng
VR mang lại cảm giác đắm chìm trong quá trình trải nghiệm cùng với khả năng tương tác siêu thực. Người dùng có thể “sống” trong môi trường ảo, tham gia vào các hoạt động và tương tác với đối tượng ảo, tạo ra trải nghiệm thú vị và hấp dẫn.
Ứng dụng trong nhiều lĩnh vực
VR có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, y tế, giải trí, công nghiệp, quảng cáo,… Vì vậy, VR đã trở thành một công nghệ giàu tiềm năng, có khả năng thay đổi cách con người làm việc và giải trí.
Xóa bỏ rào cản địa lý
VR cho phép người dùng tham gia vào các trải nghiệm và hoạt động ảo mà không cần phải đến địa điểm vật lý. Tính năng này đặc biệt hữu ích đối với người dùng học tập hoặc làm việc từ xa.
Hỗ trợ đào tạo và huấn luyện
Trong các lĩnh vực như y tế hoặc quân đội, VR cho phép người dùng đào tạo và huấn luyện dễ dàng, an toàn hơn. Người học có thể tương tác với các tình huống mô phỏng mà không gây rủi ro thực tế.
Giảm căng thẳng và lo âu
VR có thể được sử dụng để giảm căng thẳng và lo âu. Ví dụ, trong tình huống sợ cao, người sử dụng có thể trải qua các mô phỏng để khống chế nỗi sợ của mình.
Có thể thấy, thực tế ảo (VR) đã và đang thay đổi cuộc sống của chúng ta. Công nghệ này được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, mang đến sự tiện lợi và thay đổi cách làm việc của con người. Qua bài viết trên, TinoHost hy vọng bạn đã hiểu thực tế ảo (VR) là gì cũng như cách hoạt động của công nghệ này. Đừng quên theo dõi TinoHost để không bỏ lỡ những bài viết hay và hữu ích khác về công nghệ bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Thiết bị thực tế ảo có đắt không?
Giá thành của thiết bị và ứng dụng VR sẽ khác nhau tùy vào tính năng, mục đích sử dụng. Tuy nhiên, giá thành phổ biến của những thiết bị này thường rơi vào khoảng vài trăm đến vài nghìn đô la.
VR và AR khác nhau như thế nào?
VR tạo ra môi trường hoàn toàn ảo. Trong khi đó, AR sẽ kết hợp môi trường ảo với các yếu tố thực bên ngoài. AR thường được tích hợp trong các ứng dụng trên thiết bị di động hoặc kính AR.
Sử dụng thiết bị VR có tạo cảm giác say tàu, say xe không?
Câu trả lời là: “Có!”. Đối với một số người, việc sử dụng thiết bị VR có thể gây cảm giác say tàu, say xe, nhất là khi họ di chuyển trong một không gian ảo.
Phát triển ứng dụng VR bằng cách nào?
Để phát triển ứng dụng VR, bạn cần có kiến thức về lập trình, biết cách sử dụng những công cụ và nền tảng phát triển VR như Unity hoặc Unreal Engine.