Teamwork là một trong những kỹ năng cực kỳ quan trọng và cần thiết trong mọi môi trường làm việc. Đồng thời, kỹ năng Teamwork cũng là một trong các yêu cầu luôn được nhà tuyển dụng quan tâm trong các buổi phỏng vấn. Vậy Teamwork là gì? Làm cách nào để trau dồi và phát huy tốt tinh thần Teamwork trong xã hội biến đổi không ngừng? Theo Tino Group khám phá bài viết này, bạn sẽ có câu trả lời chi tiết nhất nhé!
Giới thiệu về Teamwork
Teamwork là gì?
Teamwork còn được hiểu là làm việc nhóm. Đây là sự phối hợp, cộng tác giữa hai hay nhiều người trong cùng một tập thể, tổ chức. T
hông thường, khi làm việc cùng một team (nhóm), sẽ thống nhất một người trưởng nhóm thực hiện quản lý, phân chia, giám sát công việc của các thành viên còn lại để đảm bảo chất lượng tốt nhất. Bằng cách phân chia công việc, mỗi cá nhân sẽ được phân công đúng chuyên môn hoặc thế mạnh theo năng lực của từng thành viên trong nhóm. Nhờ vậy, Teamwork sẽ hoạt động có tiến trình cụ thể trên từng đầu công việc do từng cá nhân phụ trách nhằm hỗ trợ, cùng nhau hoàn thành mục tiêu chung của nhóm.
Đánh giá ưu và nhược điểm của Teamwork
Ưu điểm
- Teamwork không thể thiếu trong công việc ở bất kỳ lĩnh vực nào. Đặc biệt với các dự án công việc phức tạp, đòi hỏi tính tập thể, độ chính xác tối ưu.
- Tinh thần Teamwork trong doanh nghiệp tốt sẽ là sợi dây vô hình gắn kết, phát triển bền vững mối quan hệ giữa các nhân viên và giữa nhân viên với các cấp lãnh đạo
- Tinh thần Teamwork giúp cá nhân nâng cao kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc chỉn chu, hợp lý. Nhờ đó, khối lượng công việc được giải quyết có trình tự, đúng hạn mà không bị chồng chéo lên nhau.
- Teamwork mang lại giá trị công việc hữu ích, mỗi thành viên được thực hiện những nhiệm vụ rõ ràng, phù hợp với năng lực. Đây còn là cơ hội để cá nhân phát huy thế mạnh của mình trong tập thể, bổ sung những thiếu sót cho nhau trong tập thể.
- Kích thích khả năng sáng tạo, Teamwork mang đến những đổi mới, sáng kiến hay thông qua các cuộc tranh luận, đề xuất ý kiến của các thành viên trong nhóm
- Bằng cách duy trì tinh thần đồng đội tích cực, cùng nhau phát triển là cách giữ chân nhân viên ở lại với doanh nghiệp, kích thích sự toàn tâm toàn ý của nhân viên cho công việc.
- Teamwork sẽ giúp các thành viên học hỏi lẫn nhau, sẵn sàng hỗ trợ kịp lúc trong những trường hợp khẩn cấp.
Nhược điểm
- Teamwork với các quy trình phức tạp. Một đồng đội chỉ thực sự thành công nếu mỗi cá nhân đảm nhận một vai trò công việc nhất định. Tuy nhiên, việc tìm và tập hợp các “mảnh ghép” về cùng một đội, cùng nhau hỗ trợ, phát triển một cách ăn ý không hề dễ dàng.
- Dễ xảy ra những cuộc xung đột, xích mích trong nhóm
- Khó xác định, đánh giá đúng khối lượng công việc đồng đều cho mỗi cá nhân trong nhóm. Nếu chất lượng công việc của một cá nhân không tốt có thể dẫn đến sự không hài lòng, xung đột giữa các thành viên.
9 Kỹ năng để phát triển tinh thần Teamwork tốt hơn
#1. Kỹ năng lắng nghe – Nâng bước thành công
William Arthur Ward từng nói: “Chúng ta phải im lặng trước khi có thể lắng nghe. Chúng ta phải lắng nghe trước khi có thể học hỏi. Chúng ta phải học hỏi trước khi có thể chuẩn bị. Chúng ta phải chuẩn bị trước khi có thể phụng sự. Chúng ta phải phụng sự trước khi có thể dẫn đường.”
Lắng nghe là một trong những cử chỉ ân cần, thể hiện sự chân thành của một người. Đôi khi, một người lắng nghe không phải để hiểu, họ nghe để trả lời. Sức mạnh của lắng nghe là chìa khóa quyết định đến 90% sự thành công của mọi cuộc giao tiếp. Lắng nghe giúp bạn tạo sự liên kết và duy trì mối quan hệ tốt hơn, là cách chúng ta trao cho đối phương sự chân thành, thấu hiểu và tôn trọng để nhận lại sự tin tưởng, uy tín, yêu thương của mọi người. Đồng thời, lắng nghe sẽ giúp bạn chinh phục từng nấc thang tri thức cũng như học hỏi kinh nghiệm vô cùng hiệu quả.
Trong làm việc nhóm, lắng nghe thể hiện sự tôn trọng người nói và nghe để thành viên có thể hiểu nhau hơn. Đôi khi, lắng nghe nhiều hơn nói sẽ giúp bạn học hỏi được rất nhiều điều để hoàn thiện bản thân mình. Do đó, bạn cần có sự cân bằng thật tốt giữa hai kỹ năng lắng nghe và kỹ năng nói để thuyết phục và nâng cao bản thân trong mọi cuộc giao tiếp.
#2. Xây dựng tinh thần trách nhiệm trong công việc
Bất kể môi trường làm việc như thế nào, sự đoàn kết để xây dựng mục tiêu chung là rất cần thiết. Trong đó, tinh thần trách nhiệm bắt đầu từ người trưởng nhóm, sau đó đề ra các tiêu chuẩn để những cá nhân còn lại cam kết thực hiện. Việc xây dựng tinh thần trách nhiệm trong công việc không chỉ mang tính chuyên môn khoa học mà trong tâm là từ ý thức của mỗi người.
Mục đích của Teamwork là thể hiện sức mạnh của tập thể, tinh thần làm việc có trách nhiệm của các thành viên để đảm bảo kết quả tốt cả về số lượng lẫn chất lượng. Chỉ cần một thành viên ỷ lại sẽ làm ảnh hưởng đến tập thể. Người trưởng nhóm cần trực tiếp theo dõi, thực hiện và có những biện pháp linh động để đánh thức sự tận tâm làm việc của các thành viên trong nhóm. Đôi khi, sự áp lực để kiềm chế mọi người theo nguyên tắc sẽ không hiệu quả mà nên đề cao tính tự nguyện của mỗi người.
#3. Kỹ năng tổ chức công việc
Bạn ngán ngẩm nhìn vào Deadline với những mớ tài liệu, công việc chất ngất? Rất nhiều việc cần hoàn thành mà không biết làm việc nào trước, việc nào sau? Dù làm việc cá nhân hay Teamwork, kỹ năng tổ chức, sắp xếp công việc luôn cần thiết. Công việc sẽ bao gồm rất nhiều đầu việc, Teamwork thì số lượng thành viên đông phải giải quyết như thế nào đây?
Nếu để cho mỗi thành viên tự “buông lơi”, tự thực hiện theo ý cá nhân thì dù có giỏi đến đâu, sản phẩm của nhóm cũng sẽ không đạt hiệu suất, chất lượng tốt. Do đó, Teamwork đòi hỏi các thành viên, đặc biệt là người nhóm trưởng phải có kỹ năng tổ chức, sắp xếp, phân chia công việc hợp lý. Thực hiện tốt kỹ năng này sẽ là đòn bẩy giúp công việc vận hành tốt, nhanh chóng, giảm thiểu rủi ro. Bên cạnh đó, thành viên trong nhóm sẽ chủ động giải quyết mọi vấn đề phát sinh, khó khăn để không làm gián đoạn tiến trình công việc.
#4. Xây dựng văn hóa gắn kết trong môi trường làm việc
Một doanh nghiệp, tổ chức lớn mạnh sẽ rất cần sự gắn kết một cách đồng đều từ mọi người. Nhân viên chính là những “mảnh ghép” tạo nên khối thành công lớn trong doanh nghiệp. Do đó, sự gắn kết lâu dài không chỉ phát triển cho cá nhân, người lãnh đạo mà còn khẳng định giá trị và vị thế nhất định của doanh nghiệp trên thị trường. Từ đó, tinh thần Teamwork sẽ là bàn đạp giúp mọi thành viên trong doanh nghiệp kết nối với nhau hơn, xây dựng tinh thần luôn trong trạng thái sẵn sàng đón nhận kể cả nhân viên hay lãnh đạo.
#5. Khuyến khích tinh thần phát triển cá nhân
Tập thể phát triển và thành công là sự góp nhặt của từng cá nhân đơn lẻ trong một nhóm. Teamwork không có nghĩa là cá nhân sẽ đánh mất bản ngã, khả năng nổi bật của bản thân hoàn toàn mà là tiết chế để hòa hợp vào cùng một nhóm người thực hiện tốt công việc. Khi tinh thần làm việc của cá nhân luôn được khích lệ, tôn trọng thì quá trình Teamwork càng thêm hiệu quả. Bởi lẽ, khuyến khích trong học tập, công việc là động lực giúp tăng sự nhiệt huyết, hết mình làm việc và phát triển bản thân của từng cá nhân trong tổ chức.
#6. Hỗ trợ và tôn trọng lẫn nhau
“Không một ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta” (Ken Blanchard – tác giả của cuốn sách kinh điển Vị giám đốc 1 phút). Khi bạn đánh giá cao những sáng kiến, suy nghĩ của người khác thì bạn sẽ nhận được nhiều hơn những gì bạn tưởng. Và điều này trở thành động lực thúc đẩy họ mạnh dạn thể hiện quan điểm, phát huy tốt các ý tưởng cá nhân.
Trong Teamwork, tư duy của sự chia sẻ, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau sẽ là bàn đạp đưa tập thể vươn xa hơn. Sự giúp đỡ thể hiện bạn là một người tinh tế, biết nhìn về đại cuộc và bạn không ích kỷ, sống vừa có lý trí vừa có cả trái tim. Hơn nữa, thành viên tôn trọng lẫn nhau là cách giúp bạn lắng nghe, học hỏi nhiều hơn và cùng nhau tạo động lực để hướng đến mục tiêu chung của nhóm.
#7. Luôn sẵn sàng hợp tác
Quá trình Teamwork là sự kết hợp của nhiều thành viên trong nhóm. Mỗi cá nhân đều ỷ lại, lựa chọn thực hiện công việc đơn giản, đùn đẩy, trì hoãn các công việc khó hơn sẽ càng đẩy tập thể cách xa nhau và thụt lùi về phía sau. Do đó, bắt tay làm việc cùng một tập thể, bạn cần chuẩn bị một tinh thần sẵn sàng trước mọi yêu cầu công việc và thực hiện hết sức mình. Điều này không chỉ cho bạn thêm nhiều kỹ năng làm việc, thúc đẩy tinh thần cầu tiến, trải nghiệm nhiều hơn mà còn góp phần giúp nhóm tiến xa, đạt được hiệu quả trong công việc.
#8. Nhìn nhận rõ năng lực của bản thân
Xác định được những ưu, nhược điểm và năng lực của bản thân là chìa khóa để bạn khám phá và xây dựng bản thân mình tốt hơn. Biết những điểm mạnh của bản thân để lấy đó làm “vũ khí” phát triển trong công việc. Và nhận thấy rõ điểm yếu là cách giúp bạn hạn chế những sai sót trong công việc một cách tối ưu, thúc đẩy bạn tích lũy và học hỏi nhiều hơn. Tất cả những điều này đưa ra không phải để bạn tự ti, tự cao về bản thân mà giúp bạn dễ dàng chủ động trong công việc, không ngừng nâng cao, phát triển giá trị của bản thân trong công việc nói chung và các hoạt động Teamwork nói riêng.
#9. Thẳng thắng, vô ưu trong quá trình làm việc
Khi Teamwork, bạn không nên để bụng những chuyện vụn vặt, ganh ghét, tư lợi cá nhân. Bạn nên thẳng thắn, thật thà, vô ưu và hết mình để làm việc cùng nhau. Khi bạn mạnh dạn nêu rõ ý kiến cá nhân là cách để các thành viên hiểu rõ nhau hơn. Từ đó tập thể dễ dàng làm việc, giải quyết các mâu thuẫn một cách nhanh chóng, nhẹ nhàng.
Việc bạn vô ưu không phải dành cho công việc mà là sự thoải mái bạn đặt vào quá trình giao tiếp giữa các thành viên với nhau. Bạn nên bỏ qua những ích kỷ cá nhân để hướng đến một mục tiêu, quyền lợi chung của cả nhóm.
Quả thật, Teamwork đã trở thành một kỹ năng không thể thiếu đối với mọi công việc. Để tiến xa và chạm tới thành công, bạn đừng quên trau dồi, rèn luyện kỹ năng Teamwork bên mình. Hy vọng những chia sẻ trên đây của Tino Group phần nào giúp bạn hiểu hơn về Teamwork là gì cùng các kỹ năng cần thiết trong hoạt động Teamwork. Chúc các bạn thành công!
FAQs về Teamwork
Những vấn đề nào thường mắc phải khi làm việc Teamwork?
- Cá nhân ngại thể hiện ý kiến, không chú ý khi họp
- Thường trao đổi qua các ứng dụng mạng xã hội, không có sự trao đổi trực tiếp
- Thành viên nhóm quá đông
- Phân chia công việc không phù hợp
Teamwork gồm những giai đoạn nào?
Teamwork có 4 giai đoạn hình thành và phát triển là
- Giai đoạn hình thành
- Giai đoạn sóng gió
- Giai đoạn chuẩn hóa
- Giai đoạn thể hiện
Người trưởng nhóm trong Teamwork có vai trò gì?
- Tiếp nhận các thông tin công việc, phổ biến chúng đến với tập thể
- Phân chia và quản lý mọi hoạt động chung của tập thể
- Hỗ trợ các thành viên trong nhóm
- Thúc đẩy tốc độ làm việc của nhóm
- Ghi nhận, đưa ra các đánh giá về những hoạt động trong tập thể để tăng hiệu quả làm việc
Top 3 công cụ quản lý công việc hiệu quả, miễn phí
- Công cụ quản lý công việc miễn phí Trello
- Công cụ quản lý công việc miễn phí Asana
- Công cụ quản lý công việc miễn phí Toggl