Trong phân tích kỹ thuật trên thị trường Forex, sẽ có hai trường phái thường được nhắc đến là lý thuyết Dow và sóng Elliott. Bạn sẽ thấy: đầu tư ngoại hối là cả một quá trình nghiên cứu đồ sộ bởi lý do sẽ được bật mí sau khi tìm hiểu “sóng Elliott là gì?” ở bài viết này.
Giới thiệu tổng quát sóng Elliott
Sóng Elliott là gì?
Sóng Elliott (hay Elliott Wave Theory – EWT) là một lý thuyết trong phân tích kỹ thuật, được đặt tên bởi chuyên viên kế toán tài ba người Mỹ mang tên Ralph Nelson Elliottt. Lý thuyết này được ông sáng lập vào những năm 30 của thế kỷ 20. Thế nhưng, mãi cho đến hơn 40 năm sau, với sự đóng góp của A. J. Frost và Robert R. Prechter, lý thuyết sóng Elliott mới thực sự hoàn thiện và được nhiều người chú ý đến.
Lý thuyết này được xây dựng dựa trên quan điểm cốt lõi: “Kết quả của diễn biến tâm lý đám đông chính là sự hình thành các mô hình và xu hướng của giá cả trên thị trường”. Lấy sự tương quan giữa tâm lý, hành động của con người và biến động về giá cả, lý thuyết sóng Elliott được ra đời từ nguyên tắc đó.
Sở dĩ gọi là “sóng” bởi tính tự nhiên của quá trình, nhưng lại diễn ra theo một vòng tuần hoàn, một chu kỳ lặp đi lặp lại. Cũng tương tự như tâm lý và hành động của con người, bất chợt, ngẫu hứng nhưng cũng quẩn quanh giữa buồn và vui, chuyển động của giá cũng tuân theo chu kỳ ấy, lúc tăng lúc giảm.
Lý thuyết sóng Elliott giúp các nhà giao dịch có thể quan sát tường tận các biến động của thị trường, từ đó tìm ra xu hướng tăng giảm để kịp thời đưa ra những chiến lược đầu tư phù hợp. Hiện nay, lý thuyết này được áp dụng rộng rãi trên nhiều loại thị trường tài chính như chứng khoán, tiền điện tử, cổ phiếu, trái phiếu, hàng hóa,…Hay nói cách khác, những thị trường nào chứa điểm tương đồng bởi tâm lý và hành vi đám đông đều có thể áp dụng lý thuyết này.
Cấu trúc cơ bản của sóng Elliott
Một chu kỳ sóng Elliott cơ bản nhất khi hoàn chỉnh gồm có: 2 pha, 8 bước sóng đơn. Trong đó:
- 5 bước đầu tiên được đánh số từ 1 đến 5, thuộc pha thứ nhất, di chuyển theo xu hướng chính, gọi là sóng động lực (impulse waves).
- 3 bước còn lại được đánh ký tự A B C, thuộc pha thứ hai, di chuyển ngược theo xu hướng chính, gọi là sóng điều chỉnh (corrective waves).
Ví dụ: sóng Elliott trong xu hướng tăng có cấu trúc chu kỳ 2 pha như sau:
- Pha tăng (mô hình sóng đẩy/ sóng động lực): gồm bước sóng từ 1 đến 5, trong đó: 1, 3, 5 là sóng tăng và 2, 4 là sóng giảm.
- Pha giảm (mô hình sóng điều chỉnh): gồm bước sóng A, B, C, trong đó: A, C là sóng giảm và B là sóng tăng.
Chu kỳ sóng Elliott xu hướng giảm sẽ có cấu trúc ngược lại với cấu trúc trên.
2 mô hình cấu tạo nên sóng Elliott
Mô hình thứ nhất: sóng động lực (impulse waves)
Lý thuyết Elliott cho rằng: mô hình sóng này luôn bao gồm 5 bước sóng nhỏ, trong đó có 3 bước sóng đẩy (tăng – theo xu hướng chính), 2 bước sóng điều chỉnh (giảm – ngược xu hướng chính). Để tạo được một mô hình sóng động lực, các bước sóng nhỏ cần thỏa mãn một số điều kiện sau:
- Bước sóng 2 không được điều chỉnh vượt quá điểm bắt đầu của bước sóng 1 (thỏa mãn điều kiện đáy sau cao hơn đáy trước đối với xu hướng tăng và đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước đối với xu hướng giảm).
- Bước sóng 3 không được là bước sóng ngắn nhất trong bộ ba 1, 3, 5.
- Bước sóng 4 không được điều chỉnh vượt quá điểm cuối cùng của bước sóng 1 (không được đi vào vùng giá của sóng 1).
Trong mô hình sóng động lực, còn có các mô hình nâng cao, chủ yếu đều được phát triển dựa vào các nguyên tắc cốt lõi bên trên, cụ thể:
- Extension (mô hình sóng đẩy mở rộng)
- Diagonal Triangle (tam giác chéo): Leading Diagonal Triangle và Ending Diagonal Triangle.
- Failed 5th (thất bại sóng 5) hay Truncated 5th (mẫu hình sóng cụt 5).
Mô hình thứ hai: sóng điều chỉnh (corrective waves)
Lý thuyết Elliott nói rằng: mô hình sóng này bao gồm 3 – 5 bước sóng nhỏ (không nhỏ hơn 3 và không vượt qua 5), trong đó có 3 bước sóng điều chỉnh (giảm – ngược xu hướng chính), 1 bước sóng đẩy (tăng – theo xu hướng chính).
Bạn có thể thấy, sóng điều chỉnh có cấu trúc lẫn thời gian hình thành nhỏ hơn sóng động lực, nhưng không vì vậy mà các bước sóng này đơn giản và dễ xác định hơn.
Trong mô hình sóng điều chỉnh, vẫn có các mô hình nâng cao khác, được phát triển dựa vào các nguyên tắc chủ đạo ở trên, cụ thể:
- Zigzag
- Flag (mô hình phẳng)
- Triangle (tam giác): tam giác hội tụ, tam giác mở rộng (phân kỳ).
Hai mô hình sóng này đã thể hiện rõ bản chất của thị trường tài chính: luôn diễn biến với cả 2 xu hướng đối nghịch, trong tăng có giảm và trong giảm có tăng, xen kẽ nhau. Giai đoạn thị trường xác nhận xu hướng chính sẽ do sóng động lực thể hiện và giai đoạn thị trường đang điều chỉnh sẽ do sóng điều chỉnh thể hiện.
Toàn cảnh “sóng trong sóng” của lý thuyết Elliott
Nghe qua cụm từ “sóng trong sóng”, ắt bạn cũng hiểu phần nào tính chất này của lý thuyết sóng Elliott. Để cấu thành một sóng hoàn chỉnh, luôn cần có hai yếu tố: sóng động lực và sóng điều chỉnh, nhưng không giới hạn về số mắt xích trong cấu trúc tổng. Một cấu trúc nhỏ có thể là một mắt xích trong một cấu trúc lớn,một cấu trúc lớn có thể là một mắt xích trong một cấu trúc lớn hơn và cứ thế tiếp tục đến cấu trúc thứ n, mắt xích thứ n.
Và cấu trúc thứ n cùng n mắt xích đó tạo thành một xu hướng lớn trên thị trường giá cả, phụ thuộc vào độ dài và khung thời gian tính đến. Điều này đã tạo nên bức tranh toàn cảnh “sóng trong sóng” của lý thuyết Elliott.
Các cấp độ của sóng Elliott
Trong lý thuyết sóng Elliott, có 9 cấp độ được phân chia dựa trên thời gian hoàn thành của mỗi cấp độ, bao gồm:
- Subminuette: đơn vị vài phút.
- Minuette: đơn vị vài giờ.
- Minute (khá nhỏ): đơn vị vài ngày.
- Minor (nhỏ): đơn vị vài tuần.
- Intermediate (trung cấp): thời gian từ vài tuần đến vài tháng.
- Primary (sơ cấp): thời gian từ vài tháng đến 1 hoặc 2 năm.
- Cycle (chu kỳ): thời gian kéo dài nhiều năm.
- Super Cycle (chu kỳ lớn): thời gian kéo dài vài thập kỷ.
- Grand Supercycle (siêu chu kỳ lớn): thời gian kéo dài đến cả thế kỷ.
Để giao dịch hiệu quả trên thị trường tài chính, bạn cần nắm rõ các loại mô hình sóng cũng như hiểu được bản chất của nó. Đồng thời, phải xét các mô hình này ở các cấp độ thời gian cụ thể để có thể đưa ra quyết định sáng suốt nhất.
Trên đây là các chia sẻ về sóng Elliott cũng như các khía cạnh liên quan mà bài viết tổng hợp được. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với bạn và nếu bạn yêu thích, hãy ủng hộ Tino Group bằng cách nhấn like và đánh giá năm sao ở cuối bài viết. Đó sẽ là nguồn động lực quý báu để đội ngũ nhân viên tiếp tục chia sẻ những kiến thức bổ ích đến quý bạn đọc. Chúc bạn thành công!
CẢNH BÁO: Đây là bài viết chia sẻ thông tin, không phải là lời kêu gọi đầu tư, bạn phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình. Đầu tư vào các sản phẩm tài chính luôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng. Chúc bạn sáng suốt và tỉnh táo để đưa ra những quyết định đầu tư đúng đắn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Cấu tạo sóng 2 và sóng 4 có mối liên hệ gì với nhau?
Cấu tạo của hai sóng này sẽ thay thế cho nhau. Nếu sóng 2 là sóng hiệu chỉnh đơn giản và phẳng (fiat), sóng 4 là sóng hiệu chỉnh phức tạp và mạnh (sharp) và ngược lại.
Trong mô hình sóng mở rộng, nếu sóng 3 mở rộng thì số lượng sóng sẽ thay đổi như thế nào?
Nếu sóng số 3 mở rộng 1 lần, tổng số lượng sóng động lực sẽ là 9, mở rộng 2 lần sẽ là 13 và mở rộng 3 lần sẽ là 17.
Cấu trúc sóng của mô hình mở rộng 1 lần sóng 3 là gì?
Sóng 3 khi mở rộng 1 lần sẽ có cấu trúc 5-3-5-3-5-3-5-3-5. Sóng 3 được mở rộng thành 5 sóng nhỏ, và nếu mở rộng thêm 1 lần nữa, 5 sóng nhỏ này tiếp tục mở rộng thành 5 sóng nhỏ hơn.
Mô hình sóng tam giác chéo có cấu trúc như thế nào?
5-3-5-3-5 đối với Leading Diagonal Triangle và 3-3-3-3-3 đối với Ending Diagonal Triangle.