Trong ngành kinh tế, người ta dùng khái niệm return (lợi tức) để chỉ những khoản lợi nhuận thu về sau khi tham gia đầu tư hoặc kinh doanh hoặc cũng có thể dùng để nói về khoản lãi từ gửi tiết kiệm ngân hàng. Vậy cụ thể return là gì? Return gồm những loại nào? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Return là gì?
Khái niệm return
Return tạm dịch: Lợi tức hay lợi tức tài chính, là số tiền được tạo ra hoặc bị mất đi sau khi tham gia đầu tư trong một khoảng thời gian.
Trên góc độ của người cho vay hoặc nhà đầu tư: Return là lợi nhuận hoặc số tiền tăng thêm dựa trên số vốn đầu tư ban đầu sau một khoản thời gian nhất đinh. Hiểu đơn giản hơn, khi bạn mang một khoản vốn đi đầu tư hay kinh doanh điều gì đó, bạn sẽ thu lại một giá trị lớn hơn so với giá trị đã bỏ ra ban đầu, khoản chênh lệch này sẽ được gọi là return.
Trên góc độ của người đi vay hoặc người sử dụng vốn: Return là số tiền mà người đi vay phải trả cho người cho vay để có thể sử dụng vốn trong một khoảng thời gian nhất định. Trong trường hợp người đi vay không trả lãi hoặc vốn vay sẽ làm ảnh hướng đến mức return dự kiến của người cho vay trong tương lai.
Thông thường, thuật ngữ này chỉ được sử dụng phổ biến trên góc độ của người đầu tư.
Các loại return trên thị trường
Return theo thời gian nắm giữ
Return theo thời gian nắm giữ là lợi nhuận từ một khoản đầu tư theo thời gian nó được sở hữu bởi một nhà đầu tư. Kiểu return này giữ có thể được biểu thị trên dạng danh nghĩa hoặc dưới dạng phần trăm. Khi được biểu thị dưới dạng phần trăm, người ta thường sử dụng thuật ngữ Tỷ suất sinh lợi (ROR).
Ví dụ: Return kiếm được trong khoảng thời gian định kỳ như một tháng sẽ gọi là return hàng tháng và của một năm sẽ gọi là return hàng năm. Thông thường, đa số mọi người sẽ quan tâm đến return hàng năm hơn, nhắm tính toán sự thay đổi về lợi nhuận từ ngày này năm trước đến cùng ngày năm sau.
Return danh nghĩa
Return danh nghĩa là lợi nhuận hoặc lỗ ròng của một khoản đầu tư được biểu thị bằng đơn vị tiền tệ trước khi có bất kỳ điều chỉnh nào đối với thuế, phí, cổ tức, lạm phát hoặc một số ảnh hưởng khác đến số tiền đó. Return này có thể được tính toán bằng cách tìm ra sự thay đổi trong giá trị của khoản đầu tư sau một khoảng thời gian cộng các khoản phân phối và trừ đi chi phí.
Các khoản phân phối mà nhà đầu tư nhận được tùy thuộc vào loại hình đầu tư hoặc liên doanh và có thể bao gồm cổ tức, lãi suất, tiền thuê, quyền, lợi ích hoặc các dòng tiền khác mà nhà đầu tư nhận được.
Các khoản chi do nhà đầu tư chi trả tùy thuộc vào loại hình đầu tư hoặc liên doanh và có thể bao gồm thuế, chi phí, lệ phí hoặc chi phí do nhà đầu tư chi trả để mua, bán và duy trì một khoản đầu tư.
Ví dụ: Bạn mua cổ phiếu được giao dịch công khai trị giá 1.000$, không nhận phân phối, không trả chi phí và bán cổ phiếu này hai năm sau với giá 1.200$. Return danh nghĩa sẽ là: 1.200$ – 1.000$ = 200$.
Return thực tế
Return thực tế sẽ được điều chỉnh theo những thay đổi của giá cả do lạm phát hoặc các yếu tố bên ngoài khác. Chúng biểu thị tỷ suất sinh lợi danh nghĩa theo giá trị thực, tỷ suất này giữ cho sức mua của một mức vốn nhất định không đổi theo thời gian.
Điều chỉnh return danh nghĩa theo các yếu tố như lạm phát sẽ cho phép bạn xác định được bao nhiêu return danh nghĩa sẽ trở thành return thực tế. Biết được tỷ lệ hoàn vốn thực của một khoản đầu tư là rất quan trọng trước khi tham gia đầu tư.
Các nhà đầu tư cũng nên xem xét liệu rủi ro liên quan đến một khoản đầu tư có phải là thứ mà họ có thể chấp nhận được với tỷ suất sinh lợi thực tế hay không. Việc thể hiện tỷ suất sinh lợi theo giá trị thực thay vì giá trị danh nghĩa, đặc biệt là trong thời kỳ lạm phát cao sẽ cung cấp một bức tranh rõ nét hơn về giá trị của một khoản đầu tư.
Những chỉ số ảnh hưởng đến return
Các nhà đầu tư sử dụng các tỷ số tài chính như tỷ suất lợi nhuận trên tài sản, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu và thậm chí là tỷ suất lợi nhuận hàng tồn kho để đo lường mức độ hoạt động của các khoản đầu tư. Các tỷ lệ này tính toán lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm của tổng đầu tư.
Tỷ lệ sinh lời
Tỷ lệ sinh lời là một tập hợp con của các tỷ số tài chính đo dùng để lường mức độ hiệu quả của một khoản đầu tư đang được quản lý. Chúng giúp bạn đánh giá xem liệu mức return cao nhất có thể được tạo ra từ một khoản đầu tư là bao nhiêu. Nói chung, tỷ lệ sinh lời so sánh các công cụ có sẵn để tạo ra lợi nhuận.
ROI
Return on Investment (ROI) có thể được hiểu là tỷ suất hoàn vốn, tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư hoặc tỷ lệ lợi nhuận. Đây là tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí dùng để đầu tư. ROI là chỉ số rất hữu ích cho các mục tiêu kinh doanh khi đề cập đến cái gì đó cụ thể và phải đo lường được.
ROI được tính bằng cách chia return cho khoản chi phí đầu tư ban đầu và nhân với 100. Giả sử return là 200$ và khoản chi phí đầu tư 1.000$, ROI = (200/ 1.000) x 100 = 20%.
ROE
Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) là tỷ suất sinh lời được tính bằng lãi tức chia cho vốn chủ sở hữu bình quân và nhân cho 100%. Đây là một chỉ số dùng để đo lường khả năng thu lại lợi nhuận của một khoản đầu tư trên mỗi đồng vốn bỏ ra. Nói cách khác, chỉ số này sẽ phản ánh độ hiệu quả khi sử dụng vốn của doanh nghiệp.
ROE được xem là một chỉ số khá quan trọng đối với những nhà đầu tư tiềm năng. Vì họ muốn xem tiền của mình được sử dụng để tạo ra lợi nhuận hiệu quả như thế nào. Tỷ lệ này còn được được sử dụng để so sánh “sức khỏe” của một doanh nghiệp với các doanh nghiệp khác trong cùng ngành hoặc với thị trường rộng lớn hơn.
ROA
Tỷ suất lợi nhuận trên tài sản (ROA) là tỷ suất sinh lời được tính bằng thu nhập ròng chia cho tổng tài sản bình quân và nhân cho 100%. Chỉ số này sẽ cho biết thông tin cụ thể về khoản lợi nhuận được tạo ra từ số tài sản có trong doanh nghiệp. Cứ một số đồng tài sản nhất định mà doanh nghiệp đang sở hữu sẽ mang lại được bao nhiêu đồng lợi nhuận.
Chỉ số ROA càng cao thể hiện doanh nghiệp càng kiếm được nhiều lợi nhuận từ số tài sản. Tuy nhiên, ROA đối với các doanh nghiệp khác ngành không giống nhau.
Ví dụ: nếu return của doanh nghiệp trong năm là 10.000$ và tổng tài sản trung bình trong cùng khoảng thời gian bằng 100.000$.
ROA = 10.000/100.000×100% =10%.
Return và những chỉ số liên quan đến return rất quan trọng khi bạn đầu tư kinh doanh, chúng phản ánh một cách chân thực hiệu quả từ những hoạt động đầu tư của bạn. Bài viết trên đã khái quát những thông tin cơ bản về return, hy vọng chúng sẽ giúp ích cho bạn ở hiện tại hoặc trong tương lai nhé!
FAQs về Return
ROR là gì?
Rate Of Return (ROR) là một khái niệm chung chỉ những lợi nhuận kiếm được từ một khoản đầu tư nào đó. Với ROR, thu nhập sẽ được hiển thị bằng tỷ lệ % trên số tiền mà các cá nhân hoặc tổ chức đã chi cho đầu tư, thuật ngữ này thường được áp dụng cho hầu hết các lĩnh vực khác nhau.
Có phải return chỉ dành cho đầu tư chứng khoán hoặc tài chính?
Nhiều người thường nghĩ đầu tư chỉ dành cho đầu tư chứng khoán hoặc tài chính. Nhưng không phải vậy, định nghĩa thực sự của đầu tư là thứ mà bạn bỏ tiền vào và mong đợi một số loại lợi nhuận. Các công ty có thể đầu tư tiền vào thiết bị, bất động sản, bằng sáng chế, quy trình, nhãn hiệu và máy móc.
Tại sao return lại quan trọng đối với doanh nghiệp?
Vì đơn giản, return sẽ thể hiện cho kết quả kinh doanh của doanh nghiệp trong suốt một năm hoặc một khoản thời gian nhất đinh. Từ đó, doanh nghiệp có thể đúc kết và đưa ra những phương án cải thiện hoặc nâng cao lợi nhuận, đồng thời đặt ra những mục tiêu lớn hơn trong tương lai.
ROI trong marketing là gì?
ROI marketing là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả lợi nhuận từ các hoạt động marketing của một tổ chức. Thông qua ROI, bạn sẽ biết chiến lược tiếp thị của mình có đang hoạt động hay không và hoạt động tiếp thị nào là hiệu quả nhất.