Khi sở hữu một website để kinh doanh, bạn cần phải đăng ký với Bộ công thương. Mục đích của việc làm này là giúp cho trang web của bạn được vận hành suôn sẻ, đồng thời tăng độ uy tín trong mắt khách hàng. Trong bài viết này, Tino Group sẽ hướng dẫn cho bạn quy trình đăng ký website với Bộ công thương chi tiết A-Z.
Tại sao cần đăng ký website với Bộ công thương?
Lợi ích khi đăng ký website
Tuân thủ quy định, chính sách
Để đảm bảo hoạt động kinh doanh, mua bán trực tuyến được diễn ra mình bạch, đồng thời giúp công việc quản lý được thuận tiện và chính xác hơn, tất cả các trang web hoạt động ở lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) đều phải đăng ký hoặc ít nhất là thông báo với Bộ công thương. Điều này đã được quy định cụ thể trong Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ban hành vào ngày 16/05/2013 cùng với thông tư số 47/2014/TT-BCT ban hành vào ngày 05/12/2014.
Tránh bị xử phạt không đáng có
Nếu không đăng ký hoặc thông báo website, bạn có thể sẽ bị xử phạt theo Nghị định số 47/2014/TT-BCT ban hành vào ngày 05/12/2014. Mức hình phạt có thể từ 10 đến 30 triệu đồng tùy loại hình website.
Gia tăng độ uy tín cho website
Các website đã được đăng ký hoặc thông báo sẽ được gắn logo cùng với đường dẫn về website chính thức của Bộ công thương. Logo của Bộ là minh chứng cho việc bạn đã hoàn tất các thủ tục đăng ký và có khả năng đáp ứng được đầy đủ điều kiện để kinh doanh trực tuyến. Điều đó sẽ giúp khách hàng cảm thấy an tâm hơn khi chọn sử dụng các sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp.
Khẳng định thương hiệu riêng
Trong quá trình đăng ký, thông báo website với Bộ công thương, bạn sẽ phải cung cấp được các tài liệu xác minh hàng hóa, dịch vụ và các giấy tờ xác nhận hoạt động kinh doanh. Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã sau khi đã được xác minh sẽ có đủ điều kiện để phân phối và tiến hành quảng bá. Đây là mấu chốt trong việc khẳng định thương hiệu của bạn trên thị trường và tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ.
Thực hiện đăng ký đơn giản
Bạn không cần cung cấp bản gốc hồ sơ (chỉ cần doanh nghiệp chịu trách nhiệm và lưu trữ), không cần trực tiếp đến cơ quan để nộp hồ sơ tài liệu và đặc biệt, không mất lệ phí khi đăng ký website.
Những website nào cần thông báo hoặc đăng ký với Bộ công thương?
Các loại website cần thông báo
Đó là những website thương mại điện tử bán hàng. Website TMĐT bán hàng là các trang thông tin được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động cung ứng hàng hóa/dịch vụ. Bao gồm trưng bày giới thiệu hàng hóa/dịch vụ, xác nhận mua hàng, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.
Ngoài ra, các ứng dụng bán hàng trên thiết bị di động do thương nhân, tổ chức, cá nhân thiết lập để phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại, cung ứng hàng hóa/dịch vụ của mình cũng thuộc website thương mại điện tử bán hàng.
Thậm chí, các trang web giới thiệu công ty hoặc giới thiệu sản phẩm/dịch vụ mà không có tính năng đặt hàng vẫn được xem là một trang web thương mại điện tử.
Các loại website cần đăng ký
Đó là các website dịch vụ thương mại điện tử, bao gồm sàn giao dịch TMĐT, website khuyến mại trực tuyến và website đấu giá trực tuyến.
Sàn giao dịch TMĐT: Các website cho phép cá nhân và doanh nghiệp thứ ba có thể đăng bán, kinh doanh, thực hiện các giao dịch online. Ví dụ: shopee.vn, lazada.vn, chotot.vn,…
Website khuyến mãi trực tuyến: Các trang web chuyên dành để thực hiện các chương trình khuyến mãi, ưu đãi đặc biệt. Ví dụ: handheld.com.vn, hotdeal.vn,…
Website đấu giá trực tuyến: Các website cho phép các cá nhân và doanh nghiệp có thể đăng đấu giá các sản phẩm/dịch vụ của mình. Ví dụ: vietbox.vn, hotdeal.vn, ebay.vn,..
Bên cạnh đó, các ứng dụng di động được phát triển bởi sàn TMĐT và có liên kết trực tiếp với website TMĐT đó hoặc sở hữu các tính năng tương như các website TMĐT cũng phải đăng ký với Bộ công thương.
Quy trình đăng ký website với Bộ công thương
Chuẩn bị trước khi bắt đầu đăng ký website với Bộ công thương
Các loại giấy tờ
- Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp, giấy phép hộ kinh doanh của cá nhân
- Một số giấy tờ khác tùy vào đặc thù ngành nghề dịch vụ và sản phẩm cung ứng
Thông tin website
Bạn phải cung cấp đầy đủ các thông tin ở dưới cùng cả website gồm: tên đầy đủ, mã số thuế, địa chỉ, email, số điện thoại liên hệ,…
Thông tin về các chính sách của website
Các thông tin cần có trong website gồm: hướng dẫn mua hàng, chính sách giao hàng, hình thức thanh toán, chính sách bảo mật, chính sách đổi trả,…
Chi tiết các bước đăng ký website với Bộ công thương
Bước 1: Đăng ký tài khoản trên trang web của Bộ công thương
Truy cập vào website chính thức của Bộ công thương tại: http://online.gov.vn/ rồi nhấn vào nút Đăng ký.
Tại cửa sổ mới, bạn nhập đầy đủ các thông tin gồm:
Thông tin đơn vị:
- Chọn đối tượng đăng ký: Thương nhân (Không chọn Tổ chức vì đối tượng này chỉ dành cho các đơn vị hành chính nhà nước không có mã số thuế)
- Nhập các thông tin như tên công ty, mã số thuế, lĩnh vực đăng ký kinh doanh, địa chỉ, tải lên giấy đăng ký kinh doanh, ….
Thông tin của người đại diện pháp luật:
Nhập đầy đủ họ tên, ngày sinh, địa chỉ liên lạc, điện thoại, chức vụ…. theo mẫu.
Thông tin đăng nhập:
- Tài khoản: Mặc định theo mã số thuế của công ty
- Nhập mật khẩu và email (email phải đang hoạt động)
Cuối cùng, bạn nhập mã xác nhận rồi nhấn Đăng ký.
Bước 2: Xác nhận tài khoản
Trong 3 ngày kể từ thời điểm đăng ký, bạn sẽ nhận được phản hồi từ Bộ công thương thông qua email. Nếu thông tin đăng ký đầy đủ và chính xác, bạn sẽ được cấp tài khoản để đăng nhập vào hệ thống của Bộ công thương, sau đó thực hiện các bước tiếp theo.
Trong trường hợp yêu cầu đăng ký bị từ chối, bạn cần bổ sung và hoàn thiện các thông tin theo yêu cầu.
Nếu sau 3 ngày vẫn chưa nhận được email, bạn có thể liên hệ trực tiếp qua đường dây 04.22205512 để kiểm tra lại kết quả đăng ký tài khoản.
Bước 3: Tiến hành khai báo loại hình dịch vụ thương mại của website
Sau khi đã nhận được tài khoản, bạn tiến hành đăng nhập vào hệ thống. Tiếp theo, bạn có thể chọn 3 mục:
- Thông báo website: Nếu trang web của bạn là website thương mại điện tử bán hàng.
- Đăng ký website: Nếu trang web của bạn cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
- Đăng ký đánh giá tín nhiệm: Nếu trang web của bạn cung cấp dịch vụ đánh giá tín nhiệm website.
Nhập các thông tin về website theo biểu mẫu.
Gửi lên file đính kèm là bản scan các loại chứng từ và giấy tờ được yêu cầu
Nhấn vào Gửi hồ sơ khi bạn đã hoàn tất công việc khai báo thông tin
Bước 4: Bộ công thương sẽ bắt đầu xét duyệt hồ sơ đăng ký
Bộ công thương sẽ xét duyệt hồ sơ và gửi phải hồi cho bạn qua email về kết quả đăng ký/thông báo website. Nếu hồ sơ còn thiếu hoặc gặp phải những vấn đề khác, bạn cần chỉnh sửa rồi thực hiện lại khai báo lại như ở bước 3.
Nếu hồ sơ đã được chấp thuận, bạn sẽ được cung cấp logo cũng như liên kết website Bộ công thương để chèn vào giao diện website.
Như vậy, Tino Group đã hướng dẫn cách đăng ký website với Bộ công thương. Nhìn chung, quy trình đăng ký không quá phức tạp nhưng lại rất cần thiết để bạn vận hàng trang web của mình hiệu quả hơn. Chúc bạn thực hiện thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Đăng ký website có tốn phí không?
Đây là chính sách mà bộ công thương hỗ trợ doanh nghiệp trong công cuộc chuyển đổi số nên chi phí đăng ký website là 0 đồng.
Khi nào website cần đăng ký với Bộ công thương?
Đối với đăng ký website, bạn nên hoàn thành thủ tục đăng ký trước khi trang web hoạt động nhằm đề phòng trường hợp bị phát hiện và xử phạt nặng.
Thời gian đăng ký website trong bao lâu?
Thời gian đăng ký nhanh hay chậm còn tùy vào từng website. Thông thường sẽ từ 1 tuần đến 3 tuần.
Một số vấn đề có thể khiến cho việc đăng ký bị kéo dài như chọn sai đối tượng, nộp thiếu hồ sơ hoặc điều chỉnh lại nội dung trên website cho phù hợp.
Website TMĐT bán hàng và website dịch vụ TMĐT khác nhau như thế nào?
Hiểu đơn giản, các website thương mại điện tử bán hàng thường thuộc về một cá nhân hoặc doanh nghiệp nhất định và chỉ bày bán các sản phẩm mà đơn vị đó sản xuất, cung ứng, phân phối. Ví dụ: TinoHost, Webico,…
Còn website dịch vụ TMĐT được ví như những nền tảng trung gian, nơi để các công ty khác tạo một gian hàng của riêng họ.