Bạn đã bao giờ nghe qua 2 thuật ngữ “Quiet Quiting và Quiet Firing” chưa? au đại dịch Covid-19, Quiet Quitting và Quiet Firing càng trở nên phổ biến trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Vậy chính xác Quiet Quitting và Quiet Firing là gì? Ảnh hưởng đến thị trường lao động như thế nào?
Tìm hiểu đôi nét về Quiet Quitting
Quiet Quitting là gì?
Quiet Quitting bắt nguồn từ phong trào tang ping hay lying flat (nằm thẳng),chính thức xuất hiện từ tháng 4 năm 2021. Quiet Quitting vừa là một phong trào xã hội, vừa là một lối sống mới của người trẻ. Theo đó, tang ping được hiểu là lối sống chống lại văn hoá hối hả (hustle culture) và “bán linh hồn cho tư sản”.
Về cơ bản, Quiet Quitting được dịch theo nghĩa tiếng Việt là “âm thầm bỏ cuộc”, “làm việc cầm chừng” hoặc “nghỉ việc trong tâm trí”. Khi bị ảnh hưởng bởi xu hướng này, người lao động sẽ cảm thấy chán nản, không có ý chí làm việc hoặc đóng góp quá nhiều vào công việc.
Thậm chí, những người chịu ảnh hưởng Quiet Quitting còn ngắt kết nối với đồng nghiệp, không khao khát nhu cầu thăng tiến, từ chối làm việc ngoài hành chính hoặc mang việc về nhà.
Đặc biệt, những nhân sự này thường chưa có ý định nghỉ việc ngay lập tức. Thay vào đó, họ sẽ giới hạn khối lượng và trách nhiệm công việc. Họ có xu hướng làm việc vừa đủ để không bị sa thải. Tình trạng Quiet Quitting kéo dài có thể ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của nhân sự. Họ luôn trong trạng thái sẽ “dứt áo ra đi” bất kỳ lúc nào. Hơn hết, những nhân sự này thường có ấn tượng không mấy tốt đẹp về công ty.
Vì sao xuất hiện hiện trạng Quiet Quitting?
#1. Mức lương không tương xứng với trách nhiệm công việc
Khi mức lương không phản ánh đúng giá trị và trách nhiệm công việc, người lao động cảm thấy bất công và không được đánh giá đúng. Điều này làm tăng khả năng Quiet Quitting, khi họ cảm thấy không có động lực để tiếp tục làm việc.
#2. Thiếu chỉ số hạnh phúc và mức độ hài lòng trong công việc
Nếu công việc không mang lại sự hài lòng và niềm vui cho người làm, họ sẽ cảm thấy mệt mỏi và thiếu động lực để tiếp tục. Sự thiếu hài lòng và chỉ số hạnh phúc trong công việc là một nguyên nhân tiềm tàng của xu hướng Quiet Quitting.
#3. Thiếu động lực và phương hướng phát triển
Khi không có động lực và mục tiêu phát triển rõ ràng trong công việc, người lao động dễ cảm thấy bế tắc, không có hứng thú để tiếp tục. Thiếu động lực và mục tiêu phát triển có thể thúc đẩy Quiet Quitting.
#4. Bị chi phối bởi các dự án riêng bên ngoài
Các dự án cá nhân hoặc mục tiêu riêng ngoài công việc có thể khiến cho người lao động cảm thấy không quan tâm hoặc bị phân tâm vào nhiệm vụ chính. Khi sự tập trung và nhiệt huyết bị hạ nhiệt, Quiet Quitting sẽ bắt đầu hình thành trong tiềm thức của người lao động.
#5. Sự tác động tiêu cực về của truyền thông về xu hướng Quiet Quitting
Mạng xã hội, truyền thông có thể tạo ra những hình ảnh tiêu cực về công việc và khuyến khích người lao động từ bỏ công việc hiện tại một cách dễ dàng. Khi nhìn thấy nhiều người có xu từ bỏ công việc và đạt thành công sẽ tạo ra một áp lực lớn đến người lao động. Điều này cũng tác động đến sự hình thành Quiet Quitting.
Trên các trang mạng xã hội phổ biến như Facebook hay TikTok đã chia sẻ rất nhiều về Quiet Quitting. Thuật ngữ này đã trở nên phổ biến khi có rất nhiều video gắn hashtag #quietquitting, thu hút hơn 354 triệu lượt xem (Theo nghiên cứu của CNBC vào tháng 9 năm 2022).
#6. Môi trường làm việc “toxic”
Một môi trường làm việc không lành mạnh, không công bằng, giao tiếp kém chất lượng, áp lực cao và mâu thuẫn liên tục có thể tạo ra một môi trường độc hại cho người làm. Khi người lao động bị ảnh hưởng bởi một môi trường làm việc “toxic”, họ có thể cảm thấy không thoải mái và căng thẳng. Sự stress và áp lực kéo dài có thể xuất hiện hiện trạng Quiet Quitting. Lúc này, người lao động quyết định rời bỏ môi trường độc hại để bảo vệ sức khỏe và trạng thái tinh thần của mình.
4 dấu hiệu biểu hiện người lao động đang “mắc chứng” Quiet Quitting
#1. Hiệu suất công việc thấp
Một trong những dấu hiệu nổi bật của Quiet Quitting là hiệu suất làm việc giảm đi đáng kể. Người lao động mắc phải Quiet Quitting thường không đạt được mức độ hiệu suất và chất lượng công việc như trước đây. Họ thường rơi vào việc trì hoãn hoặc không hoàn thành công việc đúng hạn, không đạt được mục tiêu đề ra và thể hiện sự thiếu quan tâm hoặc tận dụng cơ hội để phát triển.
#2. Thiếu nhiệt huyết trong công việc
Khi mắc hội chứng Quiet Quitting, người lao động sẽ giảm sự nhiệt huyết và đam mê trong công việc. Họ không có cảm giác hứng thú và đề cao những việc đang làm. Điều này có thể khiến người lao động lơ là, giảm trách nhiệm với công việc. Bên cạnh đó, khi mắc phải Quiet Quitting, người lao động sẽ cảm thấy lờ đờ và không chú trọng đến việc đạt được kết quả tốt.
#3. Không hài lòng với cấp trên
Một dấu hiệu khác của Quiet Quitting là không hài lòng với cấp trên. Người lao động cảm thấy rằng cấp trên không đáp ứng đúng nhu cầu và mong đợi của họ. Điều này bắt nguồn từ việc người lao động không nhận được sự hỗ trợ từ cấp trên/đồng nghiệp, bị đánh giá thiếu công bằng hoặc không có cơ hội phát triển. Nếu kéo dài tình trạng này, người lao động sẽ bị mất niềm tin, không hài lòng và thỏa mãn trong công việc.
#4. Không hòa nhập với đồng nghiệp
Người lao động bị ảnh hưởng bởi Quiet Quitting thường không tìm được sự kết nối và hòa nhập với đồng nghiệp. Lúc này, họ sẽ tự tách biệt hoặc gắn bó với đội nhóm, không tham gia vào hoạt động chung hoặc giao tiếp quá nhiều với đồng nghiệp. Sự mất kết nối càng khiến người lao động trở nên lạc lõng, tạo nên cảm giác không thuộc về môi trường làm việc hiện tại.
Tìm hiểu đôi nét Quiet Firing
Quiet Firing là gì?
Quiet Firing (tạm dịch: sa thải trong im lặng) được xem là “biện pháp” chấm dứt hợp đồng lao động của một nhân viên mà không thông báo hoặc cảnh báo rõ ràng từ các doanh nghiệp. Thay vì thực hiện quá trình sa thải một cách rõ ràng và trực tiếp, công ty áp dụng Quiet Firing để giảm thiểu những tác động tiêu cực mà việc sa thải có thể gây ra cho nhân viên cũng như mối quan hệ công việc.
Quiet Firing xuất hiện khi công ty cố tình tạo ra những tình huống căng thẳng, phản kháng hay mất lòng của nhân viên. Hiện trạng này có thể ảnh hưởng đến hiệu suất và môi trường làm việc chung. Để thực hiện Quiet Firing, công ty sẽ tiến hành một loạt những hành động làm suy yếu hoặc loại bỏ nhân viên khỏi tổ chức một cách không rõ ràng và chính thức. Có thể nói, Quiet Firing chính là cách doanh nghiệp “trả đũa” trước hội chứng Quiet Quitting, khiến nhân sự cảm thấy áp lực, chán nản và chủ động xin thôi việc.
Một số dấu hiệu cho thấy nhân viên đang chịu Quiet Firing
Thiếu dự án hoặc công việc
Nhân viên không còn nhận được dự án mới hoặc công việc quan trọng. Công ty có thể chuyển giao nhiệm vụ của họ cho nhân viên khác hoặc họ không được tham gia vào các dự án quan trọng.
Giảm sự tương tác xã hội
Nhân viên bị cô lập hoặc bị cắt giảm khỏi sự tương tác với đồng nghiệp hoặc cấp trên. Họ có thể không được mời tham gia các cuộc họp, sự kiện nội bộ hoặc các hoạt động xã hội của công ty.
Thiếu phản hồi hoặc hướng dẫn
Nhân viên không nhận được sự phản hồi, hướng dẫn đầy đủ từ cấp trên hoặc người quản lý. Công ty không đầu tư thời gian hoặc nguồn lực để giúp nhân viên phát triển kỹ năng hoặc tiến bộ trong công việc.
Giảm trách nhiệm
Nhân viên bị cắt giảm trách nhiệm hoặc thẩm quyền của mình. Công ty có thể chuyển nhượng phần công việc của họ cho người khác hoặc giảm quyền quyết định của nhân viên.
Không thăng tiến
Nhân viên không có cơ hội thăng tiến hoặc nhận được lợi ích như tăng lương, thưởng hoặc cơ hội đào tạo nâng cao. Công ty không đưa ra lý do cụ thể cho việc này.
Tăng khả năng giám sát
Nhân viên bị giám sát chặt chẽ hơn bình thường hoặc công ty tăng cường theo dõi hiệu suất làm việc của họ.
Không có định hướng dài hạn
Nhân viên không nhận được sự định hướng hoặc kế hoạch dài hạn cho sự phát triển sự nghiệp trong công ty. Công ty không đề cập đến tương lai của nhân viên trong tổ chức.
Quiet Firing qua “lăng kính” pháp luật
Trường hợp 1
Người sử dụng lao động có thể không giao nhiệm vụ cho nhân viên hoặc giao nhiệm vụ không phù hợp với chuyên môn và mong muốn của nhân viên, gây chán nản và khiến nhân viên tự nguyện chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo quy định của Điều 35.2 trong Bộ luật lao động 2019, nếu người sử dụng lao động không bố trí công việc đúng với yêu cầu, địa điểm làm việc hoặc không đảm bảo điều kiện làm việc, nhân viên có quyền chấm dứt hợp đồng lao động một cách đơn phương. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động phải thanh toán tiền lương cho nhân viên theo hợp đồng, gây thiệt hại về chi phí hoạt động không cần thiết.
Trường hợp 2
Theo quy định trong Nghị định 12/2022/NĐ-CP, nếu người sử dụng lao động chuyển nhân viên sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động đã ký, họ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng. Đồng thời, người sử dụng lao động cũng phải bố trí nhân viên quay trở lại làm việc theo thỏa thuận ban đầu đã được thỏa thuận và ký kết.
Trường hợp 3
Nếu đơn vị sử dụng lao động và người lao động đã thỏa thuận về việc tăng lương định kỳ hàng năm. Đồng thời, nhân viên cũng đáp ứng đủ điều kiện để được tăng lương, nhưng vẫn không nhận được sự tăng lương như đã thỏa thuận, đơn vị sử dụng lao động phải tuân thủ cam kết đó. Trong trường hợp cố tình không đáp ứng yêu cầu tăng lương, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng, theo quy định tại Điều 17.2 của Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Người sử dụng lao động cũng bắt buộc phải trả đủ số tiền lương thiếu cho nhân viên, tính lãi suất theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất được công bố bởi các ngân hàng thương mại tại thời điểm xử phạt, theo quy định tại Điều 17.5.a của Nghị định 12/2022/NĐ-CP.
Trường hợp 4
Nếu doanh nghiệp có các hành vi phân biệt đối xử như không cung cấp quyền lợi cho một số nhân viên, đối xử bất bình đẳng giữa nam và nữ, loại trừ nhân viên bằng cách tách ra khỏi tổ chức hoặc ưu tiên một số nhân viên hơn những người khác có cùng trình độ và thực hiện công việc, đây được xem là hành vi phân biệt đối xử. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Sự ảnh hưởng của Quiet Quitting và Quiet Firing đến thị trường lao động
Quiet Quitting
Thiếu thông tin
Nhà tuyển dụng sẽ không biết chính xác lý do nhân viên rời bỏ công việc. Điều này có thể khiến bộ phận tuyển dụng thiếu thông tin đánh giá, gây khó khăn cho việc tìm kiếm và lựa chọn nhân viên thay thế.
Tăng chi phí
Nghỉ việc trong im lặng chính là “ngòi pháo” châm ngòi cho sự thiếu hụt nhân sự. Đồng thời, đây cũng là yếu tố gây ra áp lực, tăng khối lượng công việc cho những nhân sự còn lại. Quiet Quitting làm tăng chi phí vận hành. Nguyên nhân là do hiệu suất làm việc giảm, doanh nghiệp cần phải tiêu thụ nhiều thời gian và nguồn lực để tuyển dụng cũng như đào tạo nhân viên mới.
Ảnh hưởng đến văn hóa doanh nghiệp
Sự tồn tại của Quiet Quitting có thể gây ra sự mất lòng tin và làm suy yếu văn hóa làm việc trong tổ chức. Nhân viên cảm thấy không tin tưởng, trở nên lơ đễnh hoặc thất vọng trong suốt quá trình làm việc.
Quiet Firing
Thiếu công bằng
Việc sa thải một cách im lặng là một hành động thiếu công bằng trong quyền lợi lao động và các quyền cơ bản của nhân viên. Quiet Firing khiến nhân viên cảm thấy mơ hồ, thất vọng và không có đủ sức mạnh để tự bảo vệ quyền lao động của mình.
Ảnh hưởng đến danh tiếng
Công ty hoặc nhà tuyển dụng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực về mặt danh tiếng khi có các hành động Quiet Firing. Nếu nhân sự cũ “bóc phốt” sự tắc trách của doanh nghiệp, cộng đồng lao động sẽ có cái nhìn thiếu thiện cảm đối với bộ phận tuyển dụng của doanh nghiệp ấy. Điều này cũng gây khó khăn trong việc thu hút và giữ chân nhân viên tài năng.
Tác động tâm lý
Quiet Firing có thể gây ra sự căng thẳng về tâm lý, tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của nhân viên. Sự không chắc chắn và lo ngại về tương lai công việc có thể tạo ra một môi trường làm việc không ổn định và gây ra căng thẳng cho nhân viên còn lại.
Doanh nghiệp cần làm gì trước “làn sóng” Quiet Quitting?
Xây dựng môi trường làm việc tích cực
Tạo ra một môi trường làm việc thuận lợi, thoải mái và có cơ hội phát triển sẽ giúp giữ chân nhân sự trẻ. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần đảm bảo công việc họ mang đến cho nhân viên thật sự thú vị, có tính thách thức và mang lại giá trị cho mỗi cá nhân.
Tạo sự kết nối và cam kết
Doanh nghiệp có thể tổ chức các chương trình định kỳ để tạo dựng mối quan hệ gắn kết giữa nhân viên và công ty. Những chương trình này bao gồm các hoạt động như team building, sự kiện xã hội, các khóa đào tạo nâng cao kỹ năng và sự phát triển cá nhân.
Thúc đẩy sự phát triển và thăng tiến
Cung cấp cơ hội cho nhân sự trẻ tham gia vào các dự án quan trọng và trách nhiệm lớn hơn cũng là cách giúp doanh nghiệp “ghi điểm”. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên triển khai các chương trình đào tạo, hỗ trợ để phát triển kỹ năng và nâng cao năng lực cho nhân sư. Đồng thời, doanh nghiệp cũng nên thiết lập một hệ thống thăng tiến rõ ràng, công bằng để tạo động lực cho sự phát triển của mỗi cá nhân.
Điều tra và ghi nhận phản hồi
Thực hiện các cuộc khảo sát hoặc trò chuyện cá nhân để hiểu rõ nhu cầu và mong muốn của nhân sự trẻ. Doanh nghiệp nên lắng nghe và đáp ứng những mối quan tâm, yêu cầu và phản hồi từ phía nhân sự. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần ghi nhận và xử lý những vấn đề nhanh chóng để tăng sự hài lòng, đảm bảo sự cam kết của nhân viên.
Cung cấp lợi ích và chế độ làm việc linh hoạt
Hiểu và đáp ứng nhu cầu của nhân sự trẻ về sự linh hoạt trong thời gian làm việc, phúc lợi cũng giúp doanh nghiệp tránh khỏi tình trạng Quiet Quitting. Một số gợi ý cho doanh nghiệp để tăng mức độ linh hoạt là: làm việc từ xa, làm việc theo giờ linh hoạt, triển khai chương trình cân bằng công việc – gia đình,… Đây là cách giúp nhân viên cảm thấy thoải mái và hài lòng hơn với công việc của mình.
Nhân sự cần làm gì trước thực trạng Quiet Firing?
Hiểu quyền lợi của mình
Là một người lao động, bạn cần chủ động trong việc tìm hiểu quyền và lợi ích của mình. Đó có thể là các quy định về quyền lao động, chính sách sa thải trong công ty. Điều này giúp bạn có hiểu rõ về tình hình và quyền lợi của chính mình.
Gặp gỡ người quản lý
Để trao đổi các vấn đề thắc mắc, bạn hãy gặp gỡ và trao đổi rõ ràng, thẳng thắn với quản lý của mình. Bạn có thể đặt một số câu hỏi về hiệu suất công việc, yêu cầu người quản lý giải thích rõ ràng về bất kỳ sự sa thải nào. Tốt nhất, bạn nên trao đổi một cách trung thực và lịch sự để đảm bảo độ mức độ chuyên nghiệp của mình.
Tìm nguồn hỗ trợ bên ngoài
Nếu không thể giải quyết vấn đề với người quản lý trực tiếp, bạn hãy tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia pháp lý, công đoàn hoặc người tư vấn việc làm. Họ có thể cung cấp cho bạn hướng dẫn, tư vấn về quyền lợi lao động, cách bảo vệ mình và kháng cự Quiet Firing.
Ghi lại thông tin và tạo bằng chứng
Để đảm bảo có đủ bằng chứng về Quiet Firing, bạn hãy ghi lại các sự kiện, thời gian, ngày giờ và tình huống liên quan. Bạn có thể ghi chép lại những cuộc trò chuyện, email hoặc tin nhắn có liên quan. Đây là cách giúp bạn có bằng chứng cụ thể và mạnh mẽ để bảo vệ quyền lợi của mình.
Tìm công việc mới và chuẩn bị sẵn sàng
Nếu không thể giải quyết được tình huống Quiet Firing, bạn hãy bắt đầu tìm kiếm một công việc mới trong lĩnh vực và ngành nghề tương đương. Đồng thời, bạn cũng nên chuẩn bị sẵn sàng để đối mặt với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.
Trên đây là toàn bộ thông tin liên quan đến Quiet Quitting và Quiet Firing – hai thực trạng khá phổ biến trên thị trường nhân sự. Qua bài viết, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu Quiet Quitting và Quiet Firing là gì cũng như thông tin xoay quanh hai thuật ngữ này. Hãy tiếp tục đồng hành cùng Tino Group để không bỏ lỡ những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Mục đích của Quiet Firing là gì?
Các công ty thực hiện hành vi Quiet Firing nhằm tránh xảy ra phản ứng tiêu cực từ nhân viên. Mục đích của các công ty là đảm bảo hình ảnh, tránh tranh cãi pháp lý hoặc đơn giản là giữ bí mật về quá trình sa thải nhân sự.
Quiet Quitting và Quiet Firing có thể gây ra tranh cãi pháp lý không?
Quiet Quitting và Quiet Firing có thể gây tranh cãi pháp lý nếu không tuân thủ quy định, hợp đồng lao động. Sự tranh cãi này thường liên quan đến việc vi phạm các điều khoản hợp đồng, vi phạm quyền lợi của người lao động hoặc gây ra sự bất công và phân biệt đối xử.
Quiet Quitting có ảnh hưởng đến lòng tin của nhà tuyển dụng không?
Tất nhiên là có! Việc rời khỏi công ty một cách đột ngột mà không báo trước đoán có thể có thể khiến nhà tuyển dụng cảm thấy bất mãn, thiếu niềm tin về độ chuyên nghiệp của bạn.
Quiet Quitting có thể gây hậu quả gì cho người lao động?
Quiet Quitting có thể khiến người lao động mất một công việc tốt, ảnh hưởng đến quyền lợi của mình và danh tiếng cá nhân trong tương lai.