Làm Marketing hời hợt, không một số liệu quá khứ để so sánh, không rõ ràng về mô hình kinh doanh, thậm chí không biết kiểm soát tài chính, “tiêu tiền” vào đâu sẽ sinh lời là câu chuyện chưa bao giờ cũ. Thực hiện truyền thông 4.0 mà bạn không biết cách đo lường và đánh giá hiệu quả của chiến dịch là một sai lầm lớn. Thật may, Performance Marketing đã xuất hiện và gỡ bỏ những “rào cản”, giúp các Marketer thấu hiểu về những chỉ số đo lường để tối ưu chiến dịch và chi phí quảng cáo tốt nhất.
Giới thiệu về Performance Marketing
Performance Marketing là gì?
Thuật ngữ Performance Marketing còn được biết đến với tên đầy đủ là “Performance – Based Marketing”, tạm dịch: tiếp thị dựa trên hiệu suất.
Hiểu đơn giản, Performance Marketing là hình thức quảng cáo trực tuyến dựa trên tính hiệu quả của chiến lược Marketing. Trong đó, doanh nghiệp chỉ trả tiền cho những quảng cáo có thể đo lường được như: số views, số click chuột, số likes, số đơn hàng,… thông qua quảng cáo.
Khi thực hiện Performance Marketing, doanh nghiệp sử dụng các công cụ, kỹ thuật đo lường mà người dùng có thể chủ động và dễ dàng tương tác với hình thức quảng cáo. Qua những số liệu đo lường này, doanh nghiệp sẽ có phương án điều chỉnh, tối ưu hiệu quả cao nhất cho chiến dịch của mình.
Ưu điểm nổi bật của Performance Marketing
Có thể đo lường – Measurable
Những kết quả từ chiến dịch quảng cáo, doanh nghiệp đều có thể đo lường một cách chi tiết dựa trên những con số, thống kê cụ thể. Từ đó, doanh nghiệp có thể nhận định sáng suốt về chiến dịch có đang đầu tư đúng chỗ, bám sát đúng mục tiêu kinh doanh và không hoang mang về cả chi phí lẫn kết quả.
Có thể tối ưu hóa – Optimized
Từ các dữ liệu đo lường được, hình thức Performance Marketing cho phép doanh nghiệp có thể phân tích và đề xuất những thay đổi phù hợp, giúp tối ưu được tất cả hiệu quả về sau cho chiến dịch. Các yếu tố doanh nghiệp có thể điều chỉnh như ngân sách, cách tiếp cận, tiến trình thực hiện,… Điều quan trọng là doanh nghiệp phải tính toán chi phí Marketing rõ ràng, chi tiết để kiểm soát tốt cho chiến dịch.
Có thể tận dụng được cơ hội – Opportunity Being Leveraged
Trong quá trình triển khai chiến dịch quảng cáo, Performance Marketing có thể giúp doanh nghiệp nắm bắt những cơ hội tiềm năng khác và tận dụng chúng từ việc kế thừa những Insights, dữ liệu của các campaign trước đó giúp mang lại hiệu quả tốt nhất.
Khám phá 7 bước tối ưu hoạt động Performance Marketing
Bước 1: Xác định chân dung khách hàng
Khi sự bùng nổ của dữ liệu mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội tiếp cận các nguồn thông tin, Insight trở thành một vũ khí lợi hại trên hành trình chinh phục khách hàng của doanh nghiệp trong thời đại 4.0.
Việc xác định hành trình và chân dung khách hàng được xem là yếu tố cốt lõi trong các chiến lược Marketing nói chung chứ không riêng gì Performance Marketing. Chỉ khi doanh nghiệp thấu hiểu những mong muốn và nhu cầu của người dùng thì bạn mới có thể lựa chọn được những hình thức Marketing phù hợp và tối ưu nhất.
Ngoài ra, Insight còn là sợi dây vô hình thắt chặt mối quan hệ giữa khách hàng với doanh nghiệp, tạo đà thúc đẩy sức mạnh lan tỏa thông điệp của doanh nghiệp đến khách hàng. Điều này không chỉ giúp việc tối ưu hiệu quả mà cơ hội cải thiện doanh thu của doanh nghiệp rất đáng kể.
Để xác định đúng và tinh tế chân dung của khách hàng, doanh nghiệp có thể lựa chọn hình thức phỏng vấn trực tiếp, làm survey, hoặc thu thập dữ liệu từ các điểm bán hàng, chăm sóc khách hàng (tổng đài, web chat, call center),…
Bước 2: Đặt mục tiêu doanh nghiệp cần hướng đến và “nằm lòng” các chỉ số đo lường cụ thể
Trên hành trình chuyển đổi hành vi tiêu dùng của khách hàng, sẽ có rất nhiều chỉ số khác nhau cần đo đếm tương ứng với từng mục tiêu, từng giai đoạn hay từng kênh quảng cáo. Ví dụ như khi bạn tiếp cận khách hàng chưa từng biết tới sản phẩm/ dịch vụ của thương hiệu, những chỉ số như traffic, CTR về site cần được ưu tiên. Còn khi khách hàng ở giai đoạn tìm hiểu, doanh nghiệp nên hướng đến hoạt động như: Lead – tập hợp những đối tượng người dùng có phản hồi về sản phẩm của bạn, gọi điện tư vấn.
Tuy nhiên, khi khách hàng đã ở giai đoạn quyết định mua hàng, vấn đề nên ưu tiên là chuyển đổi ra đơn, cải thiện tỷ lệ chốt sale.
Bước 3: Sử dụng công cụ đo lường hành vi và theo dõi chỉ số chuyển đổi
Một trong những công việc quyết định thành công của hoạt động Performance Marketing chính là đo lường hiệu quả. Chỉ khi đo lường thì doanh nghiệp mới nhận định rõ sự phù hợp, hiệu quả của chiến dịch để có quyết định tiếp tục triển khai hay thay đổi để. Và đi kèm với các chỉ số chuyển đổi thì không thể thiếu công cụ đo lường chúng.
Phần lớn các nền tảng quảng cáo tính phí đều có sẵn các công cụ hỗ trợ đo lường. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng Google Analytics để đo đạc chuyển đổi cho các kênh. Doanh nghiệp nên ưu tiên chọn những công cụ theo dõi số liệu có độ chính xác cao và dễ dàng tiếp cận.
Bước 4: Thu thập và nghiên cứu dữ liệu
Doanh nghiệp có thể khai thác và tổng hợp dữ liệu đủ lớn từ nhiều nguồn khác nhau để có những kết luận chính xác, tối ưu nhất. Bạn có thể lấy dữ liệu từ bên trong chính doanh nghiệp của mình và các kênh trực tuyến. Việc test đề xuất, doanh nghiệp nên dành thời gian hợp lý để kết quả khách quan nhất có thể.
Bước 5: Đặt giả thiết thử nghiệm và đề xuất tối ưu cải tiến
Để thực hiện, doanh nghiệp có thể so sánh thực trạng các chỉ số của doanh nghiệp với các chỉ số trung bình (Benchmark) trên thị trường hay tìm ra những lỗ hổng từ các con số bất thường.
Chẳng hạn như trên trang web của doanh nghiệp có nhiều traffic về site nhưng bounce rate, exit rate tăng cao bất thường. Đây có thể nhận định là dấu hiệu của việc content landing page chưa phù hợp, xác định Insight không đúng nên chưa thỏa mãn được nhu cầu của người dùng. Chính vì thế, các chỉ số quan trọng khác như số lượng lead, sale cũng “tuột dốc” theo.
Qua đó, doanh nghiệp cần xây dựng giả thiết và đề ra tối ưu cải tiến phù hợp hơn. Không phải lúc nào chiến lược xây dựng tốt cũng đảm bảo thực hiện thành công. Mỗi hình thức quảng cáo sẽ có những rào cản nhất định mà nhà chiến lược cần lưu ý và cải thiện phù hợp.
Để tối ưu chuyển đổi trên website, doanh nghiệp nên quan tâm cải thiện về nội dung, UI/ UX và cách đặt CTA đúng hướng và mới mẻ hơn.
Bước 6: Triển khai thực hiện và so sánh với kết quả cũ
Ứng dụng thử những giả thiết và các cải tiến đã được doanh nghiệp thống nhất. Sau khi triển khai, bạn thu thập lại đầy đủ số liệu cần thiết để có kết luận khách quan nhất.
Một số trường hợp ứng dụng những cải tiến mang lại kết quả “tối ưu ngược”. Tuy nhiên, những kết luận sai này có thể là nền tảng để doanh nghiệp loại bỏ những yếu tố chưa phù hợp và tiến gần với phương pháp chuẩn chỉnh hơn.
Bước 7: Tiếp tục lặp lại quy trình đến khi đạt được chỉ số như ý
Những thất bại ban đầu sẽ là bàn đạp vững vàng giúp doanh nghiệp có những đột phá mới, tìm ra phương pháp tối ưu nhất. Việc lặp lại quy trình doanh nghiệp nên có sự đối chiếu và linh hoạt điều chỉnh phương án. Để đẩy nhanh tiến độ, bạn có thể thử nghiệm đồng thời trên nhiều loại hình quảng cáo với một yếu tố duy nhất khác nhau để có kết luận đa chiều.
Ví dụ: Từ kết quả, doanh nghiệp nhìn thấy lỗ hổng nằm ở nội dung landing page chưa ổn, tệp khách hàng chưa chính xác thì bạn chỉ nên thử nghiệm lần lượt từng giả thuyết một. Nếu bạn test lồng nhiều yếu tố cùng lúc thì kết quả trả về tốt hay tệ đi, bạn sẽ không xác định được yếu tố nào tác động.
Qua bài viết, có lẽ bạn đã tìm ra lời giải đáp chi tiết về “Performance Marketing là gì?” cũng như cách triển khai hoạt động quảng cáo này rồi phải không? Performance Marketing có thể xem là một “mảnh đất màu mỡ” dễ dàng sở hữu nhưng để có được hiệu quả lại là chuyện khác. Chúc các bạn thành công với chiến lược của mình nhé!
FAQs về Performance Marketing
Làm Performance Marketing cần chuẩn bị gì?
Có thể thấy, Performance Marketing là một hoạt động quảng cáo “màu mỡ” có thể tạo nên lợi nhuận khủng. Tuy nhiên không phải vì vậy mà doanh nghiệp nào thực hiện cũng thành công. Bên cạnh nguồn vốn và mục tiêu kinh doanh, bạn nên trang bị đủ kiến thức và thông tin thật chắc chắn để có những bước đi vững vàng với Performance Marketing.
Ngân sách ít có thể thực hiện Performance Marketing không?
Câu trả lời: Có. Vì bản chất của Performance Marketing chủ yếu dựa vào nguồn dữ liệu để thử nghiệm và tối ưu hiệu quả. Nếu ngân sách càng lớn thì việc tối ưu càng hiệu quả. Tuy nhiên, không phải vì thế mà kinh phí ít sẽ không thể làm Performance Marketing. Có điều, ngân sách ít thì doanh nghiệp cần kiên trì, mất nhiều thời gian để đảm bảo đủ mẫu số cho việc tối ưu và hơi khó khăn lựa chọn yếu tố cần tối ưu nhằm tiết kiệm nguồn lực.
Sử dụng Performance Marketing thì có cần các hoạt động xây dựng thương hiệu không?
Performance Marketing là hoạt động quảng cáo khá hiệu quả nhưng nó chỉ tạo ra doanh thu ngắn hạn. Do đó, nếu bạn quá lạm dụng Performance Marketing mà bỏ qua việc xây dựng thương hiệu sẽ dẫn đến nhiều khó khăn trong tương lai, mãi đứng sau đối thủ.
Performance Marketing có những hình thức thanh toán phổ biến nào?
Những hình thức thanh toán cơ bản của Performance Marketing là: CPL, PPC, CPA, PPX.