Khi bạn muốn truyền file đến 1 máy tính khác của một nhân viên khác trong công ty, hay bạn đang sử dụng phòng máy của nhà trường, bạn sẽ thấy các “anh IT’ hoặc giáo viên hướng dẫn sử dụng mạng ngang hàng P2P để chia sẻ tệp. Vậy, P2P là gì? Chia sẻ tệp ngang hàng là gì? Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu rõ hơn trong bài viết này nhé!
Tìm hiểu về P2P
Lưu ý: trong bài viết, Tino Group sẽ tập trung khai thác về khía cạnh P2P trong mạng máy tính.
P2P là gì?
Mạng peer to peer còn thường được biết đến với cái tên viết tắt: P2P. Đây là một kiểu kiến trúc nhằm phân tán nhiệm vụ hoặc khối lượng công việc giữa các peer.
Trong đó, peer được định nghĩa là từng thiết bị tham gia vào trong mạng và chúng có quyền hạn như nhau. Các peer liên kết với nhau và tạo thành các nút (node) ngang hàng với nhau.
Đơn giản hơn, bạn có thể hiểu mạng P2P được hình thành khi có 2 hoặc nhiều máy tính trở lên kết nối và chia sẻ tài nguyên với nhau, có quyền hạn như nhau và không cần một máy chủ riêng biệt để quản lý.
Ngoài ra, bạn còn có thể biết P2P qua những cái tên như: mạng ngang hàng, mạng đồng đẳng,..
Những phương thức kết nối của P2P
Trong một công ty bạn sẽ thấy các máy tính được kết nối với nhau thông qua những hình thức cơ bản như sau:
- Sử dụng phương thức vật lý:
- Dây đồng
- Dây cáp
- Sử dụng kết nối cổng USB
- Sử dụng các giao thức kết nối địa chỉ IP với nhau.
Trong đó, những phương thức kết nối vật lý vẫn là những phương thức kết nối hữu hiệu trong việc truyền tải dữ liệu và đảm bảo về mặt tốc độ, ít phụ thuộc vào việc “cá mập cắn cáp”.
Một số kiến trúc mạng P2P
Mạng P2P phi kiến trúc – Unstructured P2P networks
- Dễ xây dựng vì các thiết bị có thể kết nối ngẫu nhiên với mạng
- Mọi thiết bị đều có thể đóng góp như nhau
- Không có kiến trúc dẫn đến khó khăn trong việc tìm kiếm dữ liệu
Mạng P2P có kiến trúc – Structured P2P networks
Có thể nói rằng mạng P2P có kiến trúc là một hệ thống mạng ảo sở hữu kiến trúc đặc biệt với những tính năng như:
- Dù khó xây dựng hơn mạng P2P phi kiến trúc nhưng sẽ giúp người dùng dễ dàng truy cập vào các nội dung trong mạng hơn.
- Giảm tỷ lệ churn hơn so với mạng P2P phi kiến trúc.
Mạng P2P lai – Hybrid networks
Mạng P2P lai là một dạng kiến trúc kết hợp mạng P2P với các tính năng của client/server nhằm giúp người dùng có thể tìm kiếm nội dung thông qua một máy chủ trung tâm.
P2P có công dụng như thế nào?
Mạng P2P có rất nhiều công dụng khiến chúng trở nên hữu dụng và được dùng trong các doanh nghiệp như:
- Khó bị đánh sập. Trong trường hợp máy A bị sập, trong mạng vẫn còn máy B, C, D, E,… vẫn có thể hoạt động và giao tiếp bình thường. Nếu muốn đánh sập, cách duy nhất để thực hiện là đánh sập toàn bộ thiết bị trong mạng.
- Dễ dàng để trao đổi dữ liệu với các máy trong mạng một cách nhanh trong với khoảng cách lớn.
- Tiết kiệm chi phí. Bạn không cần phải mua thêm những loại máy chủ chuyên dụng.
- Dễ dàng mở rộng số lượng kết nối khi cần thiết. Đối với kiến trúc client/server, điều này sẽ có phần khó khăn hơn.
- Mạnh mẽ hơn, hiệu suất cao hơn. Trong kiến trúc client/server, số lượng client quá nhiều sẽ khiến server quá tải. Trong khi đó, mỗi thiết bị thuộc mạng P2P đều sẽ là một server để chia sẻ tai nguyên cho mạng.
- Hiệu quả hơn: các thiết bị trong mạng P2P có thể chia sẻ những tài nguyên khác nhau giúp cho công việc giữa mạng hiệu quả hơn và tạo điều kiện để toàn mạng có thể làm việc tốt hơn, lợi ích nhiều hơn.
Ưu điểm và nhược điểm của mạng P2P
Trong phần này, chúng ta sẽ bàn luận một chút về ưu điểm và nhược điểm của P2P để bạn có thể hiểu rõ hơn nhé!
Ưu điểm của mạng P2P
- Không cần phải mua và thiết lập một máy chủ chia sẻ đắt tiền
- Mỗi user sẽ quản lý thiết bị của họ và không cần thiết phải có một quản lý network. Nhưng một doanh nghiệp, nhà trường vẫn cần 1 quản lý mạng để đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin nhé!
- User không cần phải biết quá nhiều về công nghệ để setup một mạng P2P bằng phần mềm.
- Mạng P2P rất phù hợp để thiết lập cho các mạng của gia đình, nhà trường và các doanh nghiệp nhỏ. Tuy nhiên, mỗi máy tính cần phải bảo trì riêng biệt.
- Lượng truy cập sẽ ít hơn mạng theo mô hình client/server.
Nhược điểm của mạng P2P
- Người dùng không thể lưu trữ dữ liệu tập trung vào một điểm như của mô hình client/server (bạn sẽ hiểu điều này nếu từng chia sẻ game lên 1 máy trong trường, rất may mắn 3 năm cấp 3 của mình không bao giờ bị phạt).
- Máy tính A có thể truy cập trực tiếp vào máy tính B và máy tính C cũng có thể truy cập vào máy tính B, toàn bộ máy tính trong mạng P2P có thể truy cập vào máy tính B. Vì thế, hiệu suất của máy tính B có thể sẽ bị giảm xuống làm ảnh hưởng đến người dùng máy tính B.
- Không có trung tâm lưu trữ cụ thể. Do đó, khi cần tìm một tài liệu bạn sẽ cần phải “lục lọi” tệp tin của tất cả máy tính hoặc đi hỏi những người có liên quan. Vì thế, người trong mạng sẽ cần phải thống nhất hệ thống lưu trữ.
- Mỗi user có trách nhiệm KHÔNG ĐƯỢC để virus, malware ảnh hưởng đến máy tính và ảnh hưởng đến hệ thống mạng.
- Khả năng bảo mật không cao ngoài một số quyền hạn chế truy cập nhất định.
Qua bài viết, chắc hẳn bạn đã có thêm nhiều kiến thức hữu ích để hiểu “P2P là gì” rồi đúng không nào? Trong tương lai, Tino Group sẽ có một bài viết riêng về “P2P trong tiền ảo là gì”, các bạn cùng đón theo dõi tại Wiki Tino nhé!
Bài viết có tham khảo từ nhiều nguồn: computerworld, IDG, webroot, techtarget, wiki may tinh,…
Những câu hỏi thường gặp về P2P
Ipconfig là gì?
Ipconfig là từ viết tắt của cụm từ tiếng Anh Internet protocol configuration. Đây là một tiện ích hữu dụng nếu bạn có nhu cầu tìm kiếm địa chỉ IP hiện tại của hệ thống.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về Ipconfig, bài viết Ipconfig/Flush DNS là gì? Tìm hiểu chi tiết về Ipconfig và Flush DNS sẽ rất hữu ích dành cho bạn đấy!
P2P có liên quan gì đến malware hay không?
Có một vài sự kiện bảo mật bạn sẽ cần lưu tâm khi sử dụng P2P. Vì phương thức này cũng là một trong những cách để chia sẻ và phát tán malware, phần mềm độc hại nói chung. Chúng sẽ thu thập những thông tin về nhân dạng, thiết bị người dùng và những thông tin cá nhân của người dùng.
Những cuộc tấn công denial of service sẽ dễ xảy ra do mỗi thiết bị router giúp lưu lượng truy cập qua mạng.
Nên sử dụng những biện pháp bảo mật nào để bảo vệ thiết bị?
Có rất nhiều cách để bảo vệ bảo mật cho thiết bị của bạn như:
- Sử dụng tường lửa
- Tránh mở những file lạ mà không có liên hệ gì từ những người có chức trách hoặc đồng nghiệp của bạn.
- Không nên truy cập vào những website độc hại thường sẽ ẩn chứa trong những trang nội dung 18+, cờ bạc, cá độ.
- Một phần mềm diệt virus miễn phí như Avast, Kaspersky hay BKAV cũng giúp thiết bị của bạn an toàn hơn đấy!
Nên sử dụng Avast hay Kaspersky?
Nếu bạn sử dụng phiên bản miễn phí, cả 2 phần mềm này và hầu hết các phần mềm diệt virus miễn phí cơ bản đều có chức năng tương tự như nhau. Vì vậy, nếu sử dụng phiên bản miễn phí, bạn có thể chọn bất cứ thương hiệu nào bạn thích.
Hoặc bạn có thể tham khảo bài viết so sánh giữa Avast và Kaspersky của Tino Group để lựa chọn nhé!