Để thành công thâm nhập vào một thị trường hoặc tung ra bất kỳ sản phẩm/dịch vụ nào, doanh nghiệp cần tiến hành nghiên cứu thị trường. Đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất để doanh nghiệp chinh phục khách hàng, tạo ra những chiến lược Marketing hiệu quả. Vậy nghiên cứu thị trường là gì? Làm thế nào nghiên cứu thị trường một cách chính xác? Nghiên cứu thị trường quan trọng như thế nào đối với doanh nghiệp?
Giới thiệu tổng quan về nghiên cứu thị trường
Nghiên cứu thị trường là gì?
Nghiên cứu thị trường là quy trình tổng hợp, xử lý và phân tích thông tin liên quan đến thị trường, bao gồm: khách hàng, đối thủ, thị trường mục tiêu hay thậm chí là toàn bộ lĩnh vực mà bạn đang muốn chinh phục.
Mục tiêu cốt lõi của nghiên cứu thị trường là hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định chuẩn xác để xử lý vấn đề, xây dựng kế hoạch Marketing phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
Mỗi doanh nghiệp sẽ có những mục đích nghiên cứu thị trường khác nhau, đó có thể là:
- Xâm nhập vào một thị trường mới mẻ.
- Phát triển sản phẩm/dịch vụ mới.
- Thực hiện chiến dịch truyền thông thu hút khách hàng mới.
- …
Theo đó, tuỳ vào từng mục đích, doanh nghiệp có thể áp dụng các phương pháp nghiên cứu thị trường khác nhau. Và dù có thực thi phương pháp nào, nghiên cứu thị trường vẫn là hoạt động tất yếu của mỗi doanh nghiệp. Thông qua việc nghiên cứu thị trường, nhà tiếp thị sẽ nắm bắt được thông tin cần thiết và chính xác hơn. Từ đó, họ có thể phác hoạ ra những chiến lược tiếp thị phù hợp, mang lại hiệu quả cao.
Nghiên cứu thị trường đóng vai trò rất quan trọng. Vì vậy, nếu nghiên cứu thị trường một cách chủ quan, hời hợt, bạn có thể gặp rủi ro khi đưa ra các quyết định, kéo theo nhiều hệ luỵ khác như chiến dịch thất bại hoặc lãng phí nguồn tài nguyên, nhân lực.
Vì sao doanh nghiệp nên nghiên cứu thị trường?
Tăng tính chuẩn xác khi đưa ra quyết định
Khi nghiên cứu thị trường, các chủ doanh nghiệp sẽ hạn chế tình trạng bị phân vân hoặc không biết đưa ra quyết định như thế nào cho chính xác. Bên cạnh đó, bạn có thể hiểu và tìm được biện pháp thâm nhập thị trường hợp lý hơn. Không những thế, nghiên cứu thị trường còn giúp bạn hiểu rõ người tiêu dùng hơn, giúp họ tin vào sản phẩm/dịch vụ của mình.
Tuy nhiên, nghiên cứu thị trường không quá “thần thánh”. Đây không phải là “chiếc đũa thần” giúp bạn một bước chạm đến thành công. Về cơ bản, việc nghiên cứu thị trường chỉ giúp bạn đi đúng hướng, trở thành tiền đề giúp doanh nghiệp tránh các quyết định sai lầm.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể nghiên cứu thị trường để:
- Đánh giá mức độ khả thi của một sản phẩm/dịch vụ trước khi tung ra thị trường.
- Xác định chính các các thị trường tiềm năng mới.
- Theo dõi những xu hướng tiếp thị và phát triển chiến lược về cách đi đầu hoặc thích ứng với điều kiện thị trường đang thay đổi.
- Nghiên cứu, kiểm tra nhu cầu về các sản phẩm hoặc tính năng mới.
- Xác định thời điểm thuận lợi trước khi tung sản phẩm/dịch vụ mới ra thị trường.
- Tăng khả năng đổi mới và cải thiện hoạt động kinh doanh.
- Thúc đẩy khả năng thành công của các chiến dịch quảng cáo.
Hiểu rõ người tiêu dùng mục tiêu
Khi nghiên cứu thị trường, bạn có thể định vị được nguồn khách hàng của mình rõ ràng hơn. Thông qua đó, bạn sẽ đưa ra các biện pháp và xây dựng kế hoạch thâm nhập thị trường phù hợp.
Ngoài ra, khi đã hiểu rõ về thị trường và người tiêu dùng của mình, bạn càng có nhiều cơ hội để “thâu tóm” khách hàng khỏi đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, họ cũng sẽ lựa chọn và tin cậy hơn đối với sản phẩm của bạn.
6 bước nghiên cứu thị trường hiệu quả
#1. Xác định mục tiêu nghiên cứu
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công khi nghiên cứu thị trường là xác định đúng mục tiêu hoặc vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải. Có thể nói, đây là bước đầu tiên cũng là bước quan trọng nhất trong quy trình nghiên cứu thị trường.
Để xác định mục tiêu chuẩn xác, doanh nghiệp nên tự đặt ra một loạt câu hỏi liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mình đang hoạt động, như:
- “Liệu sản phẩm/dịch vụ của mình có đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng không?”
- “Tính năng/công dụng nào của sản phẩm/dịch vụ cần được phát triển trong tương lai?”.
- “Vị thế mình muốn đạt được trong vòng 3 năm tới là gì?”
- …
Có thể nói, khi hiểu rõ vấn đề doanh nghiệp gặp phải sẽ giúp cho việc nghiên cứu thị trường đạt hiệu quả cao hơn.
#2. Chọn phương pháp nghiên cứu thị trường
Sau khi xác định được mục tiêu, bước tiếp theo doanh nghiệp cần làm là lựa chọn phương pháp thực thi phù hợp. Hiện tại, có rất nhiều phương pháp khác nhau để doanh nghiệp lựa chọn khi nghiên cứu thị trường.
Khảo sát, điều tra
Với phương pháp này, bạn có thể tạo ra những bảng câu hỏi và gửi đến khách hàng của mình. Bảng câu hỏi cần được thiết kế thông minh, bám sát vào mục tiêu đã đề ra để đảm bảo tính chính xác. Quy mô mẫu câu hỏi được khảo sát càng lớn, kết quả thu được càng đáng tin hơn.
Focus Group (nhóm tập trung)
Nhóm tập trung bao gồm một nhóm người tham gia vào cuộc thảo luận và đề xuất ý kiến. Để xây dựng một nhóm tập trung, doanh nghiệp cần tập hợp các cá nhân đại diện cho nhân khẩu học của người tiêu dùng mục tiêu. Sau đó, doanh nghiệp sẽ đặt câu hỏi và ghi lại câu trả lời. Người điều phối sẽ dùng chuỗi câu hỏi được soạn sẵn hoặc chủ đề để dẫn dắt cuộc thảo luận.
Phỏng vấn cá nhân
Tương tự như phỏng vấn nhóm, khi phỏng vấn cá nhân, bạn cũng cần đặt ra một chuỗi câu hỏi mở có tính chất chuyên sâu. Tuy nhiên, với phương pháp này, người dẫn dắt cần có kỹ năng giao tiếp tốt, dễ tạo thiện cảm cho người được phỏng vấn. Vì khách hàng không dễ chia sẻ với người lạ về các vấn đề họ đang gặp phải.
Quan sát
Bạn có thể theo dõi, quan sát hành vi của người tiêu dùng được ghi lại trong hệ thống camera đặt tại cửa hàng hoặc văn phòng. Thông qua đó, bạn sẽ xác định được phương thức họ mua sắm và sử dụng sản phẩm/dịch vụ. Với phương pháp này, bạn có thể tổng hợp một cách chính xác nhất về các thói quen quen thường ngày cũng như hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Thử nghiệm
Với phương pháp này, bạn cần đặt những sản phẩm mới vào một vài cửa hàng để xem phản ứng của khách hàng trong điều kiện thực tế. Phương pháp thử nghiệm giúp bạn sửa đổi và hoàn thiện sản phẩm tốt hơn. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể điều chỉnh lại giá thành cũng như cải tiến bao bì sao cho phù hợp với người tiêu dùng hơn.
#3. Thiết kế công cụ nghiên cứu
Tùy theo từng phương pháp, quy trình nghiên cứu thị trường sẽ khác nhau. Trong bước này, bạn cần thiết kế công cụ nghiên cứu thị trường phù hợp với doanh nghiệp của mình. Ví dụ, doanh nghiệp chọn phương pháp nghiên cứu là khảo sát, điều tra, bạn cần liệt kê một chuỗi câu hỏi và thiết kế một bảng khảo sát trực tuyến.
Mặt khác, nếu doanh nghiệp sử dụng phương pháp phỏng vấn cá nhân, doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ các câu hỏi và thiết bị cần thiết để quá trình phỏng vấn diễn ra hiệu quả.
#4. Thu thập dữ liệu, thông tin
Sau khi chuẩn bị xong bảng câu hỏi, bước tiếp theo bạn cần làm là đưa khảo sát ra thị trường hoặc tiến hành các buổi phỏng vấn nhóm, phỏng vấn cá nhân, quan sát hoặc thực nghiệm. Khi thực hiện khảo sát, phỏng vấn hoặc thử nghiệp, bạn cần ghi lại toàn bộ câu trả lời, thậm chí là hành động, thái độ và hành vi của khách hàng.
#5. Tổng hợp và phân tích thông tin
Nhiệm vụ tiếp theo bạn cần làm là tổng hợp các thông tin ghi nhận được và tiến hành phân tích. Để dễ dàng theo dõi thông tin, bạn có thể tổng hợp thành một bản dữ liệu hoàn chỉnh và thống nhất. Tốt nhất, bạn nên sử dụng các phần mềm chuyên biệt để xử lý và phân tích dữ liệu cần thiết. Với sự hỗ trợ của các phần mềm, việc tổng hợp cũng như phân tích của bạn diễn ra hiệu quả hơn. Từ đó, bạn cũng sẽ thu thập được kết quả nhanh chóng, chính xác nhất.
Hiện tại, một số phần mềm hữu ích giúp bạn tổng hợp và phân tích dữ liệu hiệu quả, như SPSS, MiniTab, Excel,… Các thiết bị này giúp người dùng tạo bảng, đồ thị, biểu đồ phân chia, phân khúc kết quả vào các nhóm phù hợp như giới tính, độ tuổi. Ngoài ra, nhiều phần mềm còn hỗ trợ người dùng tìm ra xu hướng chính của kết quả nghiên cứu.
#6. Trình bày kết quả
Trong bước cuối cùng, bạn cần trình bày toàn bộ quá trình nghiên cứu thị trường cũng như kết quả mình đã thu được. Dựa vào đó, bạn có thể trả lời cho những câu hỏi đã được đưa ra ở bước 1. Tất nhiên, bạn cần đảm bảo toàn bộ thông tin đều chính xác, được trình bày một cách khoa học, logic và dễ theo dõi.
Một điều quan trọng bạn cần phải lưu ý là hãy trình bày từ vấn đề, mục tiêu của doanh nghiệp rồi đến phương pháp nghiên cứu và cuối cùng là cách thức thực hiện. Đồng thời, đối với mỗi kết quả nghiên cứu đã được đưa ra, bạn có thể trình bày kèm theo ý nghĩa và tác động của chúng đối với vấn đề của doanh nghiệp.
Điều quan trọng nhất bạn không thể bỏ qua là phải trả lời được toàn bộ câu hỏi đã được đặt ra từ đầu. Vì đây chính là lời giải đáp giúp giải quyết các vấn đề mà doanh nghiệp gặp phải.
Kết luận
Có thể nói, nghiên cứu thị trường là cả một hành trình dài và tương đối khó khăn đối với mọi doanh nghiệp. Đồng thời, đây cũng là phương án tối ưu để các nhà tiếp thị đưa ra hướng giải quyết đúng đắn nhất. Qua bài viết trên, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu rõ nghiên cứu thị trường là gì cũng như các bước nghiên cứu thị trường hiệu quả.
Những câu hỏi thường gặp
Có bao nhiêu phương pháp điều tra khảo sát?
Một số dạng khảo sát phổ biến như:
- Phỏng vấn trực tiếp.
- Khảo sát trực tiếp.
- Khảo sát online.
- Khảo sát qua điện thoại.
- Khảo sát qua Email.
Đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín tại Việt Nam là ai?
Các đơn vị nghiên cứu thị trường uy tín trên thị trường Việt Nam là:
- Nielsen.
- Kantar.
- OCD.
- Q&Me.
- Ipsos.
- …
Công cụ nào hỗ trợ nghiên cứu thị trường online hiệu quả?
Có 3 công cụ hỗ trợ nghiên cứu thị trường online rất hiệu quả là:
- Survey Monkey.
- Google form.
- Tableau Public.
Vì sao các doanh nghiệp cần nghiên cứu thị trường?
Việc nghiên cứu thị trường giúp các doanh nghiệp hiểu sâu hơn về giá trị của người tiêu dùng. Dựa vào đó, doanh nghiệp có thể thực hiện các chiến lược Marketing hiệu quả hơn.