Có nhiều cách để chia sẻ file giữa các máy tính. Trong đó, NFS được biết đến là một trong những phương pháp lâu đời và phổ biến nhất cho phép người dùng xem cũng như chia sẻ dữ liệu trên các hệ thống vật lý. Trong bài viết này, Tino Group sẽ cùng bạn tìm hiểu cụ thể NFS là gì cũng như cách hoạt động của hệ thống này.
Tổng quan về NFS
NFS là gì?
NFS (Network File System) là một giao thức mạng để chia sẻ tệp phân tán. Hệ thống sẽ xác định cách dữ liệu dưới dạng tệp được lưu trữ và truy xuất từ các thiết bị lưu trữ, chẳng hạn như ổ đĩa cứng, ổ đĩa thể rắn và ổ đĩa băng. NFS rất cần thiết để doanh nghiệp của bạn chia sẻ tệp qua mạng.
Bạn có thể truy cập dữ liệu hay các tệp từ xa trên bất kỳ máy tính hoặc thiết bị từ xa nào có liên kết với NFS. Tất cả mọi người trong một mạng đều có quyền truy cập vào các tệp giống nhau, từ đó, việc chia sẻ tệp sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Giao thức NFS được phát triển bởi Sun Microsystems vào năm 1984 và liên tục được thay đổi cho đến ngày nay. Đây là một giải pháp tiêu chuẩn mở cho phép triển khai trên tất cả các hệ điều hành và điều chỉnh khi cần thiết.
Các phiên bản NFS
NFS Version 2 (NFSv2)
NFSv2 là định dạng lâu đời và được hỗ trợ rộng rãi nhất mà bạn có thể sử dụng. Phiên bản này hoạt động với Giao thức dữ liệu người dùng (User Datagram Protocol – UDP) thông qua mạng IP.
UDP rất tiện lợi vì có thể giúp các kết nối hoạt động dễ dàng hơn trong thời gian ngắn. Đồng thời, các máy khách UDP được phép tiếp tục gửi các yêu cầu cho một máy chủ ngay cả khi máy chủ không hoạt động.
NFS Version 3 (NFSv3)
NFSv3 cho phép máy chủ chỉ định các chính sách phù hợp để đồng bộ hóa dữ liệu. Dữ liệu sẽ được đồng bộ trước khi lệnh cam kết quản lý dữ liệu được thiết lập.
NFSv3 xử lý lỗi hiệu quả hơn và sẽ quản lý nhiều tệp lớn hơn so với NFSv2. Cụ thể, phiên bản này có thể xử lý kích thước tệp 64-bit, đồng nghĩa, người dùng có thể truy cập trung bình khoảng 2GB nội dung tệp.
NFS Version 4 (NFSv4)
Đây là phiên bản mới nhất của giao thức NFS. Phiên bản này có thể hoạt động trên internet và thông qua tường lửa. NFSv4 không yêu cầu dịch vụ rpcbind nên giúp bạn dễ dàng chạy ở nhiều nơi hơn.
NFSv4 hoạt động với TCP. TCP là giao thức cho phép liên kết giữa một ứng dụng và một IP. Bên cạnh đó, máy chủ cũng sẽ chấp nhận các lệnh cổng TCP 2049. Cổng này hiện đang được sử dụng phổ biến trên thị trường.
Cách thức hoạt động của NFS
NFS là một giao thức máy Client-Server .
Máy chủ NFS cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Đã cài đặt phần mềm máy chủ NFS
- Có ít nhất một kết nối mạng để chia sẻ tài nguyên NFS
- Được cấu hình để chấp nhận và phản hồi các yêu cầu NFS qua kết nối mạng
Máy khách NFS cần đáp ứng các yêu cầu sau:
- Đã cài đặt phần mềm máy khách NFS
- Có kết nối mạng với máy chủ NFS
- Được phép truy cập tài nguyên trên máy chủ NFS
- Được cấu hình để gửi và nhận yêu cầu NFS qua kết nối mạng
NFS ban đầu được xây dựng như một phương pháp để chia sẻ hệ thống tệp giữa các nhóm làm việc bằng Unix. Quá trình thiết lập giao thức NFS bao gồm 3 bước sau (cả trên máy chủ tệp doanh nghiệp và trên máy trạm cục bộ):
- Cài đặt dịch vụ rpc.mountd hoặc nfs
- Tạo hoặc chọn một thư mục chia sẻ trên máy chủ.
- Thiết lập quyền trên máy chủ NFS cho phép người dùng có thể đọc, ghi và thực thi các tệp trong hệ thống.
Ưu điểm và hạn chế của NFS
Ưu điểm
- NFS là một giao thức hoàn thiện, các khía cạnh của việc triển khai, bảo mật, sử dụng cũng như những điểm yếu tiềm ẩn đều rõ ràng.
- Đây là giao thức mở và miễn phí.
- NFS là một giải pháp chi phí thấp để chia sẻ tệp mạng và rất dễ để thiết lập.
- Nhờ được quản lý tập trung, NFS cho phép nhiều máy tính có thể chia sẻ các ứng dụng giống nhau. Điều này làm giảm nhu cầu cài đặt thêm phần mềm và không gian đĩa trên hệ thống người dùng cá nhân.
- NFS cho phép tất cả máy khách trên mạng sử dụng cùng một dữ liệu, truy cập nó trên các máy chủ từ xa như đang sử dụng các tệp cục bộ.
Hạn chế
- Tường lửa là cần thiết để chạy NFS nhằm ngăn các bên có ý đồ xấu xâm nhập vào hệ thống. Bất kỳ NFS nào không sử dụng biện pháp bảo vệ này sẽ có nguy cơ bị tấn công.
- Hệ thống sẽ chậm hơn nếu nhiều bên truy cập tệp cùng lúc, đặc biệt là tệp có kích thước lớn.
- Tiêu chuẩn giao thức NFS hiện tại chỉ cho phép truyền tối đa 1MB dữ liệu trong một lần yêu cầu đọc hoặc ghi. Vào năm 1984, 1MB là rất nhiều nhưng so với hiện tại thì quá ít.
Tóm lại, NFS có thể cần thiết khi bạn đang cố gắng chia sẻ tệp đến nhiều người hơn trong mạng của mình. Trên đây là một số thông tin về NFS. Hy vọng bài viết này sẽ bổ sung thêm cho bạn một kiến thức hữu ích về công nghệ máy tính. Hãy đón chờ các bài viết thú vị khác của Tino Group nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Để hệ thống NFS hoạt động, cần có các dịch vụ nào?
3 dịch vụ cần thiết để hệ thống NFS hoạt động gồm:
- nfs – Dịch vụ này sẽ khởi động máy chủ và các quy trình RPC cần thiết để chấp nhận các hệ thống được chia sẻ.
- nfslock – Dịch vụ nfslock khởi động quy trình RPC và cho phép máy khách NFC khóa tệp.
- portmap – portmap có chức năng phản hồi các thông báo cho biết rằng một số cổng nhất định có sẵn để truy cập tệp.
Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng các dịch vụ khác như: rpc.mountd, rpc.nsfd, rpc.lockd, rpc.statd,…
NFS thường được sử dụng trên máy tính hệ điều hành nào?
NFS thường được sử dụng trên các hệ điều hành Unix (chẳng hạn như Solaris, AIX, HP-UX), macOS của Apple và các hệ điều hành giống Unix (chẳng hạn như Linux và FreeBSD).
Windows 10 có hỗ trợ NFS không?
Máy tính Windows 10 vẫn hỗ trợ giao thức NFS. Nếu máy tính của bạn là phiên bản Windows 10 Pro hoặc Enterprise, bạn có thể làm theo các bước như bài viết này để thiết lập NFS.
Mô hình Client-Server là gì?
Client-Server là mô hình mạng máy tính bao gồm 2 thành phần là server (máy chủ) và client (máy khách). Việc giao tiếp giữa client với server dựa trên các giao thức chuẩn. Các giao thức chuẩn phổ biến nhất hiện nay là: giao thức TCP/IP, giao thức SNA của IBM, OSI, ISDN, X.25 hay LAN-to-LAN NetBIOS.
Client-Server được biết đến là giải pháp cho việc khắc phục tình trạng quá tải trên mạng, đồng thời hỗ trợ vượt qua những ngăn cách về sự khác nhau trong cấu trúc vật lý và hệ điều hành giữa các hệ thống máy tính khác nhau.