Sau khi xác định được insight khách hàng, bước tiếp theo mà Marketers cần làm là cùng đội ngũ tìm ra Big Idea. Được mệnh danh là “tâm hồn” hay “kim chỉ nam” của chiến dịch, Big Idea đã trở thành yếu tố không thể thiếu góp phần vào sự thành công cho các chiến lược Marketing của doanh nghiệp. Vậy chính xác Big Idea là gì? Hãy cùng Tino Group tìm hiểu một số Big Idea của các thương hiệu qua bài viết dưới đây nhé!
Giới thiệu đôi nét về Big Idea
Big Idea là gì?
Trong một chiến dịch quảng cáo, bước đầu tiên doanh nghiệp cần làm là tìm hiểu insight của khách hàng. Đây chính là những vấn đề, thắc mắc mà khách hàng chưa thể giải quyết hoặc được đáp ứng. Khi đã nhận diện được insight, Marketers sẽ tiến hành thực hiện Big Idea.
Trong lĩnh vực Marketing, Big Idea chỉ đơn giản là các ý tưởng chủ đạo hoặc những điều kiện kiên quyết trong một chiến dịch truyền thông, quảng cáo. Trước khi vận hành một chiến dịch Marketing hay quảng cáo, sau bước tìm insight khách hàng, bạn cần chuẩn bị một Big Idea.
Big Idea có vai trò như thế nào?
Big Idea đóng vai trò như “kim chỉ nam” dẫn dắt mọi ý tưởng trong chiến dịch truyền thông, Marketing. Một Big Idea thành công sẽ trở thành tiền đề hữu ích cho một chiến dịch truyền thông, Marketing hiệu quả.
Đồng thời, Big Idea còn là “cầu nối” giúp doanh nghiệp truyền tải thông điệp, nội dung truyền thông đến đối tượng, mục tiêu theo mong muốn của mình. Từ đó, chiến dịch của doanh nghiệp sẽ trở nên nổi bật giữa vô vàn các chiến dịch tiếp thị khác trên thị trường.
Một số tiêu chí đánh giá Big Idea thành công
#1. Xoay chuyển thái độ, niềm tin của người dùng
Một Big Idea thành công có thể làm người tiêu dùng thay đổi thái độ, góc nhìn về một vấn đề nào đó. Ý tưởng tuyệt vời, khả năng truyền tải cao có khả năng tác động đến thị trường cũng như bản thân doanh nghiệp. Để tạo ra một Big Idea như vậy bạn cần nắm bắt được tâm lý của con người. Từ đó, bạn có thể đưa ra những giải pháp tối ưu, đáp ứng nhu cầu mong muốn của khách hàng.
#2. Mang tính độc quyền
Một tiêu chí tạo nên sự thành công cho Big Idea là có tính độc quyền. Tính chất này giúp doanh nghiệp thành công định vị thương hiệu trên thương trường. Thông thường, các Big Idea sẽ có mối liên hệ mật thiết với các giá trị đặc trưng của thương hiệu. Thông qua Big Idea, người tiêu dùng sẽ biết được những lợi ích, giá trị mà doanh nghiệp muốn truyền tải.
#3. Dễ viral
Viral là một thuật ngữ dùng để mô tả sự lan toả khi nói đến các sự vật, sự kiện, hành động hoặc nhân vật được bàn tán rộng rãi trên khắp trang mạng xã hội. Vậy nên, mức độ viral của một chiến dịch cũng ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của doanh nghiệp. Một Big Idea có tính viral sẽ dễ dàng được mọi người chia sẻ, lan tỏa theo cách tự nhiên nhất.
#4. Độc đáo
Mỗi ngày, người tiêu dùng có thể tiếp nhận hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn chiến dịch tiếp thị mới. Vì vậy, cách duy nhất để được người tiêu dùng chú ý là tạo nên một Big Idea độc đáo, mới lạ. Về bản chất, khách hàng thường ít bị thu hút bởi những thông điệp quá quen thuộc. Thay vào đó, họ sẽ dễ dàng để mắt và ghi nhớ một điều gì đó thú vị.
#5. Đơn giản, dễ nhớ
Hầu hết chúng ta đều dễ ghi nhớ những thông tin ngắn gọn, dễ nhớ. Vậy nên, bạn đừng bắt người xem của mình phải ghi nhớ toàn bộ thông tin mà mình muốn truyền tải. Hãy khiến khách hàng “yêu từ cái nhìn đầu tiên” với một slogan đơn giản, ngắn gọn nhưng ấn tượng và khác biệt.
Trên thực tế, một thông điệp quá dài thường khó “đấu tranh” lại khối lượng thông tin khổng lồ mà người tiêu dùng nạp vào mỗi ngày. Vì vậy, một Big Idea dù hay đến đâu nhưng truyền tải quá dài dòng, phức tạp cũng rất khó “lay động” người tiêu dùng.
#6. Ảnh hưởng mạnh mẽ
Big Idea của bạn chắc chắn phải có một mục đích rõ ràng, cụ thể. Khi xây dựng Big Idea, bạn cần đảm bảo ý tưởng có khả năng thay đổi suy nghĩ cũng như hành động của người tiêu dùng. Big Idea có sức ảnh hưởng đến người tiêu dùng, thị trường sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.
Một số Big Idea của các thương hiệu lớn
#1. Vinacafe
Ngược về quá khứ, Vinacafe đã tung ra chiến dịch Tết với tên gọi là “yêu thương thành lời”. Big Idea này tạo nên tiếng vang lớn tại thời điểm năm 2015, trở thành nội dung quảng cáo thành công nhất trên Youtube Việt Nam. Chiến dịch hình thành trong bối cảnh Vinacafe dù đã giữ vị thế dẫn đầu trên thị trường nhưng chưa thật sự có sức hút đối với giới trẻ. Vì vậy, thương hiệu này đã quyết định xây dựng Big Idea hướng đến đối tượng trẻ tuổi bằng một chiến dịch Tết – thời điểm cạnh tranh nhất trong năm.
Big Idea vận hành dựa trên một Insight cực kỳ đắt giá với tên gọi “Yêu thương thành lời”. Insight này bắt nguồn từ tâm lý của người trẻ (độ tuổi từ 18 – 25) đang sinh sống tại các thành phố lớn dù yêu thương cha mẹ nhưng lại ngại mở lời. Trong khi đó, bậc sinh thành nào cũng mong ước nghe những tiếng yêu thương từ con như thời ấu thơ.
Dựa vào đó, Vinacafe đã trở thành “sứ giả” kết nối cha mẹ với con cái ngay trong thời điểm sum họp gia đình, đoàn viên của năm mới. Big Idea “The cup of love” trong mỗi bộ sản phẩm của Vinacafe đều đính kèm một tách cà phê với những lời “tỏ tình” thấm đượm yêu thương và vô cùng gần gũi. Có thể thấy, tách cà phê là một vật dụng trung gian có khả năng khơi gợi không khí ấm áp giữa các thành viên trong gia đình. Từ đó, mỗi người sẽ vượt qua cảm giác ngại ngùng mà trở nên gắn kết hơn.
#2. Vinamilk
Không chỉ là “ông lớn” trong ngành sữa Việt Nam, Vinamilk còn nổi tiếng bởi những chiến dịch Marketing bùng nổ. Nhắc đến thương hiệu này, bạn chắc chắn không thể bỏ qua hình ảnh của những chú bò sữa hoạt hình đang nhảy múa trên nền nhạc vui nhộn. Hình ảnh này đã thật sự tạo ấn tượng mạnh và tiếng vang trong suốt khoảng thời gian dài.
Big Idea này của Vinamilk tuy không quá mới lạ nhưng lại gây sức ảnh hưởng lớn bởi lời bài hát vui tươi, dễ nhớ “Trăm phần trăm, trăm phần trăm, sữa tươi nguyên chất trăm phần trăm”. Chiến dịch này chính là bước ngoặt mở đầu thành công trong quá trình quảng bá thương hiệu của Vinamilk.
Quảng cáo của Vinamilk hầu như đánh vào đối tượng chính là trẻ em. Vì vậy, việc sử dụng hình ảnh hoạt hình kết hợp cùng âm nhạc sẽ khiến những em nhỏ ghi nhớ đến thương hiệu tốt hơn. Và tất nhiên, khi em nhỏ đã yêu thích thì phụ huynh sẽ sẵn sàng “rút hầu bao”.
#3. Neptune
Vào dịp Tết Nguyên đán năm 2013, dầu ăn của thương hiệu Neptune đã cho ra mắt 1 TVC quảng cáo với slogan “Về nhà đón Tết, gia đình trên hết”. Câu khẩu hiệu ngắn gọn này đã tạo ra hiệu ứng truyền thông rất cao. Trong đó, nhân vật chính đóng trong quảng cáo là một cô bé khiếm thính đáng yêu. Cô bé chờ bố về đón Tết cùng gia đình nhưng vì công việc, ông bô đã không về được. Sau khi nhận được phong lì xì, cô bé vội vàng chạy đến máy tính để ra dấu khoe với bố. Đoạn quảng cáo tuy ngắn nhưng lại khiến người xem không khỏi xúc động về tình cảm gia đình của cô bé.
Điểm thành công của Big Idea này là đánh giá vào tâm lý, tình cảm gia đình. Từ xưa đến nay, người Việt Nam ta luôn trân trọng những giây phút sum vầy, tề tựu cùng gia đình. Chính vì thế, đoạn quảng cáo đã góp phần làm lay động và chạm đến cảm xúc của nhiều người. Đây chính là điểm khiến TVC của Neptune thành công vang dội vào thời điểm đó.
Big Idea là “chiếc chìa khóa” trong hành trình chinh phục người tiêu dùng của các nhãn hàng, thương hiệu. Không chỉ đóng góp vào sự thành công cho thương hiệu, các Big Idea ý nghĩa khiến hình ảnh của doanh nghiệp đẹp hơn trong mắt người tiêu dùng. Qua một số Big Idea của các thương hiệu nổi tiếng, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn về Big Idea cũng như các giá trị mà yếu tố này mang lại.
Những câu hỏi thường gặp
Vì sao Big Idea lại quan trọng với doanh nghiệp?
Big Idea có khả năng tạo ra mối liên kết mạnh mẽ giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp. Đây còn là “kim chỉ nam” giúp doanh nghiệp định hình ý tưởng thu hút người tiêu dùng.
Triển khai Big Idea có tốn nhiều thời gian không?
Tất nhiên là có! Để tạo ra một Big Idea thành công như mong đợi, đội ngũ Marketing sẽ tốn khá nhiều thời gian trong công đoạn lên ý tưởng, nghiên cứu, sáng tạo và thực hiện.
Có nên thử nghiệm Big Idea trước không?
Câu trả lời là “Có!”. Khi đã định hình Big Idea cho chiến dịch, bạn có thể chia sẻ chúng với đội ngũ của mình để mọi người có thể đánh giá, góp ý. Khi thử nghiệm Big Idea trước, bạn sẽ dễ dàng nhận ra những điểm hạn chế để hoàn chỉnh ý tưởng của mình tốt hơn.
Cần chú ý đến yếu tố nào khi xây dựng Big Idea?
Có 2 yếu tố cốt lõi bạn cần quan tâm khi xây dựng Big Idea là:
- Mục tiêu mà bạn mong muốn khi thực hiện chiến dịch.
- Đối tượng mục tiêu mà chiến dịch hướng đến.