Hàng tỷ USD đã biến mất sau một vài phi vụ đa cấp – nghe thật khó tin nhưng điều này là hoàn toàn có thật. Bạn sẽ ngỡ ngàng về câu chuyện đa cấp này khi tìm hiểu về “mô hình Ponzi là gì?”
Tìm hiểu về mô hình Ponzi
Tên gọi “Ponzi” bắt nguồn từ đâu?
Tên gọi Ponzi được đặt cho mô hình có nguồn gốc từ nhân vật Charles Ponzi. Ông được xem là “ông tổ của ngành đa cấp” và đã phát minh ra mô hình này vào năm 1919. Từ một kẻ vô danh người Ý, ông sang xứ sở cờ hoa mang trong mình giấc mộng khởi nghiệp làm giàu chỉ với vỏn vẹn chưa đầy 3 đô trong tay. Thế nhưng, có mấy ai ngờ chỉ chưa đầy một năm sau đó, ông đã trở thành triệu phú đô la sở hữu hơn 15 triệu đô chỉ nhờ vào việc “lừa đảo”.
Mô hình Ponzi là gì?
Mô hình Ponzi là một mô hình đa cấp lừa đảo tín dụng theo hình thức huy động vốn người góp sau để trả cho người góp trước, với những lời chào lãi suất vô cùng hấp dẫn. Mô hình này còn củng cố niềm tin ở người nghe bằng cách cam kết, hứa hẹn về những con số khổng lồ, cũng như quảng cáo về những người tham gia trước đây tăng sức thu hút.
Cứ như thế, ngày càng có nhiều người cho vay bị mắc bẫy và người vay sẽ vay được các khoản tiền lớn hơn từ những người cho vay mới. Tuy rằng khó tin như vậy, nhưng vẫn có người sập bẫy bởi những lời dụ dỗ, lôi kéo đầy sức thuyết phục.
Thoạt nhìn, đối với những nhà đầu tư nghiệp dư, mô hình Ponzi vẫn có thể tồn tại khi và chỉ khi luôn tìm được người góp vốn mới. Trên thực tế, điều này rất khó có thể duy trì ổn định và vì thế, kết cục phá sản là việc không thể tránh khỏi.
Cách thức hoạt động của mô hình Ponzi
Đầu tiên, cần có một tổ chức, công ty hay thậm chỉ một cá nhân đứng ra kêu gọi đầu tư, góp vốn. Các lĩnh vực thường được kêu gọi sẽ là cổ phiếu, trái phiếu, tiền điện tử, ngoại hối hay các hình thức đầu tư siêu lợi nhuận khác. Và dĩ nhiên, người tham gia sẽ được mời gọi bằng các gói đầu tư với các mức lãi suất vô cùng hấp dẫn, ví dụ như 10% cho 1000 đô la, 30% cho 3000 đô la,…Các mức lãi suất này thường cao hơn so với ngân hàng, nhưng mấy ai có thể tỉnh táo trước sự bất thường này của cám dỗ.
Sau đó, vì không có tiền để trả lãi như đúng cam kết ban đầu, nên người đứng đầu tổ chức sẽ tiếp tục kêu gọi và tìm kiếm những con mồi thứ hai, thứ ba, thứ n. Với những lần kêu gọi sau, số vốn sẽ được trả cho người tham gia trước và mức huy động vốn ngày càng cao.
Thế nhưng, mọi chuyện sẽ chẳng có gì xảy ra nếu như họ vẫn hoạt động giống chức năng của một ngân hàng. Thời gian đầu, tổ chức này vì muốn duy trì lòng tin của nhà đầu tư nên vẫn sẽ trả lãi đúng hạn. Nhưng đằng sau sự cởi mở và nhiệt huyết đó là cả một mưu đồ. Họ muốn giữ chân người dùng, để người dùng an tâm tin tưởng, tái đầu tư thay vì rút vốn, đồng thời còn gia tăng thêm uy tín để chiêu dụ các “con mồi” mới.
Đến một lúc không thể cầm cự được, những đối tượng này sẽ ôm tiền và “cao chạy xa bay”, để lại cho các nhà đầu tư là những mớ hỗn độn cùng “một nghìn lẻ một câu hỏi vì sao”. Họ cố gắng tìm cho bằng được những tên “lưu manh giả danh tri thức” này, nhưng 9 người tìm được trong 100 người đi tìm thì số vốn cũng không thể trở về.
Hiện tại, luật pháp vẫn chưa quy định rõ ràng về vấn đề này, nên các kẻ lừa đảo đã tận dụng lỗ hổng và trục lợi. Nếu bị xử phạt, cùng lắm họ chỉ nhận mức án vài năm tù giam. Và sau đó, vai diễn “doanh nhân thành đạt” vẫn lại bắt đầu một bộ phim mới.
So sánh mô hình Ponzi và mô hình đa cấp kim tự tháp
Sau đây là bốn tiêu chí để so sánh hai mô hình: mô hình Ponzi (Ponzi scheme) và mô hình kim tự tháp (pyramid scheme).
Phương thức hoạt động
- Mô hình Ponzi: kêu gọi đầu tư với lãi suất cao, dùng vốn đầu tư của người tham gia sau trả cho người tham gia trước.
- Mô hình kim tự tháp: kêu gọi mua sản phẩm để trở thành nhà phân phối sản phẩm và tiếp tục bán cho những người có nhu cầu trở thành nhà phân phối tiếp theo.
Lệ phí tham gia
- Mô hình Ponzi: tham gia vào hệ thống với lệ phí 0 đồng.
- Mô hình kim tự tháp: mua sản phẩm để tham gia vào hệ thống.
Lợi nhuận
- Mô hình Ponzi: đến từ tỷ lệ lãi suất như đã cam kết và hoa hồng khi giới thiệu được các nhà đầu tư mới.
- Mô hình kim tự tháp: đến từ việc nhận hoa hồng khi bán được sản phẩm hoặc tìm kiếm được nhà phân phối mới.
Tốc độ sụp đổ
- Mô hình Ponzi: diễn ra chậm nếu như người tham gia tiếp tục tái đầu tư hoặc tìm được các nhà đầu tư mới để dòng vốn luôn được hoạt động.
- Mô hình kim tự tháp: diễn ra nhanh theo quy mô cấp số nhân những người tham gia.
Thông qua các tiêu chí trên, ta có thể rút ra một số kết luận chung khi so sánh hai mô hình này.
Thứ nhất, cả hai mô hình đều mang dáng vóc kinh doanh nhưng bản chất là đa cấp, lừa đảo. Mục đích cuối cùng là trục lợi từ người tham gia để duy trì và mở rộng hệ thống, sau đó chiếm đoạt tài sản riêng.
Thứ hai, cả hai cùng hoạt động dựa trên nguyên tắc “lấy phần của người đến sau bù đắp cho người đến trước”. Điều này có nghĩa là kẻ chủ mưu đứng sau chỉ việc thao túng, “mượn hoa cúng phật” mà không cần bỏ ra bất kỳ nguồn vốn nào.
Thứ ba, mô hình Ponzi thường được gắn mác “các phi vụ đầu tư khổng lồ siêu lợi nhuận”, với vốn là yếu tố quyết định phần lớn trong mô hình này. Trong khi đó, mô hình kim tử tháp chủ yếu hoạt động nhờ vào mạng lưới thành viên. Thành viên càng đông, lợi nhuận càng nhiều.
Dấu hiệu nhận dạng và cách phòng tránh
Nếu bạn bất ngờ nhận được các lời mời gọi đầu tư chứa một trong các dấu hiệu sau, hãy cẩn thận ngay nhé vì rất có khả năng đó là mô hình Ponzi đa cấp.
- Lợi nhuận đạt max nhưng rủi ro đạt min. (Điều phi thực tế trong bất kỳ phi vụ đầu tư nào)
- Lợi nhuận bất động giữa thị trường biến động.
- Không có bất kỳ cơ quan thẩm quyền nào bảo trợ, chịu trách nhiệm pháp lý.
- Chiến lược đầu tư được giải thích rắc rối nhầm để phớt lờ nỗi lo ngại của nhà đầu tư.
- Không có giấy tờ rõ ràng, mọi thứ hoạt động bí mật, mờ ám.
- Luôn bị thuyết phục tái đầu tư, rất khó để thu hồi vốn.
Và nếu bạn gặp phải các dấu hiệu trên, hãy “kê ngay đơn thuốc” cho bản thân mình hoặc đến ngay các “cơ sở y tế” để trực tiếp gặp “bác sĩ”. Hãy luôn ghi nhớ rằng:
- Đầu tư không vội vàng.
- Đầu tư chỉ khi đã tìm hiểu kỹ.
- Đầu tư trong khoản thua lỗ chấp nhận được.
- Đầu tư khi mọi thứ đều xác minh, rõ ràng.
Trên đây là các chia sẻ về mô hình Ponzi cũng như các yếu tố liên quan mà bài viết tổng hợp được. Hy vọng qua bài viết, bạn sẽ không trở thành nạn nhân tiếp theo của mô hình đa cấp lừa đảo này. Nếu bạn thích bài viết, hãy ủng hộ Tino Group bằng cách nhấn like và đánh giá năm sao cũng như chia sẻ bài viết đến mọi người xung quanh. Đó sẽ góp phần vào việc xây dựng những giá trị tích cực cho cộng đồng và xã hội. Chúc bạn thành công!
Những câu hỏi thường gặp
Schemer là ai?
Schemer là người đứng sau mô hình Ponzi, kẻ chủ mưu thiết lập hệ thống, kêu gọi và thu hút những nhà đầu tư thế hệ đầu tiên.
Investor là ai?
Investor là những nhà đầu tư sẵn sàng góp vốn với mong muốn nhận được lãi suất như đã cam kết.
Ponzi introducing investor là ai?
Đây là những người giới thiệu mô hình cho các đối tượng mới và nhận về lợi nhuận qua các hoa hồng giới thiệu.
“Chiến tích” của Ponzi là gì?
Ông đã thu về khoảng 15 triệu USD từ hơn 40.000 người đầu tư, khiến cho nhiều ngân hàng bị phá sản.