Được biết đến như một phần của chuỗi cung ứng, Logistics đã trở thành yếu tố không thể thiếu đối với các doanh nghiệp hiện nay. Dịch vụ có thể xuất hiện từ điểm đầu tiên đến nơi tiêu thụ cuối cùng nhằm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Vậy chính xác Logistics là gì? Logistics quan trọng như thế nào đối với các doanh nghiệp Việt Nam? Điểm đặc trưng của Logistics là gì? Hãy cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết về Logistics qua bài viết dưới đây nhé!
Logistics là gì?
Có rất nhiều định nghĩa khác nhau khi nhắc đến thuật ngữ Logistics. Trong đó, định nghĩa nổi bật nhất là của Hội đồng quản trị Logistics Hoa Kỳ (Logistics Administration Council – LAC) năm 1988: “Logistics là quá trình lập kế hoạch, thực hiện và kiểm soát dòng di chuyển và lưu kho những nguyên vật liệu thô của hàng hóa trong quy trình, những hàng hóa thành phẩm và những thông tin có liên quan từ khâu mua sắm nguyên vật liệu cho đến khi được tiêu dùng, với mục đích thỏa mãn yêu cầu của người tiêu dùng”.
Bên cạnh đó, theo tài liệu giảng dạy của trường Đại học Hàng hải Thế giới, logistics là quy trình tối ưu vị trí, lưu trữ và vận chuyển các tài nguyên hoặc các yếu tố đầu vào từ điểm bắt đầu là nhà cung ứng, thông qua nhà sản xuất, người bán buôn, bán lẻ và đến tay người tiêu dùng thông qua hàng loạt các hoạt động kinh tế.
Một định nghĩa cuối cùng về Logistics của Chủ tịch Học viên Nghiên cứu Logistics Georgia, Hoa Kỳ – Edward Frazelle: “Logistics là quá trình lưu chuyển của vật tư, thông tin và tiền tệ từ người dùng ứng đến người tiêu dùng cuối cùng.”
Từ những định nghĩa trên, bạn có thể hiểu Logistics đơn giản là dịch vụ hậu cần. Dịch vụ này đóng vai trò như một phần của quản trị chuỗi cung ứng. Các hoạt động chính của Logistics là: hoạch định, thực hiện, kiểm tra việc sắp xếp, đóng gói, vận chuyển, làm thủ tục hải quan, dự trữ hàng hoá,…, và nhiều hoạt động khác.
Tầm quan trọng của Logistics đối với doanh nghiệp
Tối ưu hoá hoạt động sản xuất, tăng tính cạnh tranh
Lợi ích đầu tiên mà Logistics mang lại là tối ưu hoá quy trình quản lý, giảm thiểu các chi phí sản xuất và đẩy mạnh tính cạnh tranh. Nhiều thống kê cho thấy, chi phí dành cho Logistics chiếm khoảng 10% – 30% GDP tại các quốc gia phát triển. Đối với những nước đang phát triển, con số này dao động khoảng 15% – 20%. Theo đó, dịch vụ Logistics ở Trung Quốc tăng trưởng so với tốc độ bình quân là 33%/năm, Brazil là 20%/năm.
Những con số cũng đã “thay lời muốn nói”, phát triển dịch vụ Logistics chính là hoạt động tất yếu để giúp các doanh nghiệp cũng như nền kinh tế quốc dân giảm chi phí trong vận hành. Thông qua đó, quá trình kinh doanh sẽ được tối giản và đạt hiệu quả cao hơn. Với sự hỗ trợ của Logistics, quy trình sản xuất sẽ được tối ưu hóa, tăng hiệu quả kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường.
Cải thiện giá trị kinh doanh của các đơn vị vận tải
Ở thời điểm hiện tại, quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, một loại sản phẩm có thể được tiêu thụ trên nhiều quốc gia và thị trường khác nhau. Vì vậy, chất lượng dịch vụ mà khách hàng yêu cầu từ các đơn vị vận tải ngày càng đang dạng và khắt khe hơn.
Từ đó, các đơn vị vận tải đã trở thành nơi cung cấp dịch vụ Logistics. Nhìn chung, Logistics chính là yếu tố hàng đầu làm gia tăng giá trị kinh doanh của các đơn vị vận tải giao nhận.
Đồng thời, khi sử dụng các dịch vụ Logistics trọn gói, các đơn vị sản xuất có thể rút ngắn thời gian vận chuyển xuống 1 nửa so với trước đây. Đặc biệt, tỷ suất lợi nhuận khi kinh doanh dịch vụ này cao từ 3 – 4 lần so với sản xuất và 1 – 2 lần so với các dịch vụ ngoại thương khác.
Có cơ hội mở rộng thị trường
Logistics được ví như “chiếc cầu” có khả năng kết nối hàng hoá trên các tuyến đường để cung ứng đến thị trường mới. Điểm cộng của dịch vụ này là vẫn đảm bảo đúng về thời gian và địa điểm theo yêu cầu. Vì vậy, khi nếu muốn chiếm hữu và mở rộng thị trường, các nhà kinh doanh sản xuất phải có sự hỗ trợ của Logistics.
Hỗ trợ hoàn thiện và tiêu chuẩn hóa chứng từ quốc tế
Đối với các doanh nghiệp có quy mô kinh doanh quốc tế, các chứng từ đóng vai trò rất quan trọng. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, các loại chi phí, giấy tờ trên thế giới đã vượt quá 420 tỷ USD/năm, tương đương với 10% kim ngạch mậu dịch quốc tế.
Thực trạng này đã ảnh hưởng rất đến các hoạt động kinh doanh xuyên lục địa. Trong khi đó, Logistics cung cấp trọn gói các dịch vụ liên quan đến giấy tờ, chứng từ nhằm tối ưu chi phí cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, ngành Logistics trực tuyến còn tạo ra cuộc cách mạnh trong dịch vụ vận tải với mục tiêu giảm tối đa chi phí giấy tờ, chứng từ trong lưu thông hàng hoá. Hiện nay, chất lượng dịch vụ Logistics ngày càng được nâng cao giúp rào cản về mặt không gian trong dòng luân chuyển hàng hoá được thu hẹp. Nhờ vậy, các quốc gia trên thế giới sẽ được “nối vòng tay lớn” trong các hoạt động sản xuất và lưu thông.
Một số điểm đặc trưng của dịch vụ Logistics
Chủ thể tham gia
Về cơ bản, các chủ thể tham gia vào dịch vụ Logistics bao gồm:
- Đơn vị kinh doanh dịch vụ Logistics.
- Khách hàng sử dụng dịch vụ Logistics.
Dịch vụ Logistics được vận hành bởi một đơn vị chuyên nghiệp. Theo đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ này cần đáp ứng đủ các điều kiện về: phương tiện thiết bị, công cụ an toàn, kỹ thuật, đội ngũ nhân sự giàu chuyên môn. Trên thực tế, các đơn vị vận hành có thể đảm nhiệm một phần hoặc toàn bộ quy trình trong chuỗi Logistics.
Ngoài ra, đơn vị kinh doanh dịch vụ Logistics có thể xây dựng chuỗi Logistics bằng cách thiết lập hệ thống nguồn lực, công nghệ của mình với các đơn vị kinh doanh khác.
Trong quy trình Logistics, một số nhân sự quản lý, điều hành được thuê để tham gia vào các giai đoạn cốt lõi. Những người quản lý và điều hành chuỗi sẽ đại diện cho đơn vị kinh doanh dịch vụ Logistics ký hợp đồng và mang sản phẩm của khách hàng vào chuỗi cung ứng do mình xây dựng. Khách hàng có thể là tổ chức hoặc cá nhân có nhu cầu sử dụng dịch vụ vận tải, giao nhận hàng hoá. Ngoài ra, khách hàng của dịch vụ Logistics có thể là thương nhân, chủ sở hữu hàng hoá, đại diện của chủ sở hữu hàng hoá được uỷ thác giao nhận hàng.
Nội dung
Nhìn chung, dịch vụ Logistics là phiên bản nâng cấp của các dịch vụ liên quan đến hàng hoá, bao gồm: vận tải, đóng gói bao bì sản phẩm, giao nhận hàng hóa, lưu kho, lưu bãi,…
Ngoài ra, các đơn vị cung ứng dịch vụ Logistics có thể cung cấp các dịch vụ riêng lẻ khác như đóng gói hàng hóa, thuê tàu, đăng ký thủ tục hải quan, đăng ký mã hiệu,… Tuỳ theo quy mô hoạt động, nhiều đơn vị sẽ cung cấp trọn gói chuỗi Logistics từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng.
Để tối ưu hoá thời gian, chi phí, các đơn vị cung ứng dịch vụ Logistics sẽ thực hiện quy trình vận hành theo chuỗi có sự sắp xếp hợp lý. Đối với các sản phẩm, hàng hoá cần xuất/nhập khẩu, đơn vị sẽ chuẩn bị các loại giấy tờ cần thiết, bao gồm: vận đơn vận chuyển, giám định, chứng thư tín dụng,…, và làm thủ tục hải quan theo quy định của Pháp luật.
Không những thế, đơn vị cung ứng dịch vụ này còn chịu trách nhiệm bảo quản hàng hoá, làm thủ tục giao hàng cho người nhận theo yêu cầu và thỏa thuận trước đó.
Về bản chất, dịch vụ Logistics là một chuỗi quy trình được thực hiện liên hoàn. Và đặc biệt, dịch vụ này không bao giờ mang tính chất riêng lẻ hay hoạt động độc lập.
Các khâu trong chuỗi được đơn vị thực thi theo một kế hoạch cụ thể để đảm bảo tính liên tục. Từ đó, quy trình thực hiện chuỗi sẽ tối ưu về thời gian cũng như chi phí. Có thể thấy, Logistics là một dịch vụ có khả năng làm giảm chi phí sản xuất, tránh lãng phí do hàng tồn kho, di chuyển hoặc quá trình vận hành,…
Tính chất
Trong quá trình kinh doanh, Logistics được xem là “trợ thủ đắc lực” của nhiều doanh nghiệp. Dịch vụ này đóng vai trò cốt lõi đối với quá trình sản xuất, kinh doanh. Logistics đảm bảo hỗ trợ các khâu trong hoạt động của doanh nghiệp, từ chuẩn bị nguyên/vật liệu, sản xuất đến khi sản phẩm được đưa đến tay người tiêu dùng. Mục tiêu các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Logistics là nhanh chóng đưa sản phẩm, hàng hóa đến tay người tiêu dùng và hạn chế tối đa rủi ro.
Sự phát triển của Logistics như một “bàn đạp” thúc đẩy sự thay đổi về phương thức kinh doanh. Phần lớn các quốc gia trên thế giới tập trung và đẩy mạnh vào dịch vụ Logistics nhằm cải thiện doanh thu, tăng hiệu quả kinh doanh, sản xuất.
Kết luận
Tóm lại, Logistics là một dịch vụ tất yếu, không thể thiếu trong mọi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện đại. Dịch vụ này phát huy rất tốt tiềm năng liên quan đến vận chuyển, giao nhận hàng hoá, sản phẩm. Trong bối cảnh công nghệ số, Logistics càng khẳng định vị thế và vai trò của mình trên thị trường.
Qua bài viết trên, Tino Group mong rằng bạn đã hiểu được Logistics là gì cũng như các thông tin xoay quanh dịch vụ này. Đừng quên theo dõi chúng tôi để tiếp tục đón đọc những bài viết thú vị khác, bạn nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Dịch vụ Logistics nào liên quan đến vận tải?
Một số dịch vụ Logistics liên quan đến vận tải là:
- Dịch vụ vận tải hàng hoá thuộc dịch vụ vận tải biển;
- Dịch vụ vận tải hàng hoá thuộc dịch vụ vận tải đường thuỷ nội địa;
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt;
- Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ;
- Dịch vụ vận tải hàng không;
- Dịch vụ vận tải đa phương thức.
Học ngành Logistics ra làm công việc gì?
Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Logistics, bạn có thể trở thành:
- Chuyên viên quản lý kho lưu trữ hàng hoá.
- Chuyên viên thu mua hàng hoá.
- Chuyên viên kiểm kê chất lượng hàng hoá.
- Điều phối viên vận tải.
- Chuyên viên xuất nhập khẩu hàng hoá.
- Hải quan.
Mức lương trong ngành Logistics là bao nhiêu?
Tuỳ vào kinh nghiệm thực tiễn, vị trí làm việc, mức lương trong ngành Logistics dao động như sau:
- Sinh viên vừa tốt nghiệp, chưa có kinh nghiệm làm quản lý chuỗi cung ứng: Lương từ 5 – 10 triệu đồng/tháng.
- Người đi làm có kinh nghiệm 1 năm: Lương từ 10 – 15 triệu/tháng.
- Người đầu quân vào những công ty dịch vụ vận tải lớn: Lương từ 15 – 23 triệu/năm.
Loại hình Logistics nào phổ biến?
Loại hình Logistics phổ biến nhất là hậu cần bán hàng vận chuyển sản phẩm từ nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.