Bạn sẽ làm gì nếu một ngày nào đó bị rơi vào trạng thái tiêu cực, không định hướng được “đường đi, nước bước”? Thay vì tự chịu đựng và “gặm nhấm” nỗi lo, nhiều người đã tìm đến các Life Coach – Huấn luyện viên cuộc sống. Vậy chính xác Life Coach là gì? Life Coach có vai trò và trách nhiệm ra sao? Để trở thành Life Coach, cần trang bị kỹ năng nào? Hãy cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết về Life Coach qua bài viết dưới đây nhé!
Tìm hiểu tổng quan về Life Coach
Lịch sử hình thành nghề Life Coach
Khái niệm Life Coach đã xuất hiện vào những năm 1980 và 1990. Trong những ngày đầu phát triển, Life Coach chủ yếu tập trung vào sự phát triển cá nhân, cải thiện bản thân và nhấn mạnh vào tư duy cũng như động lực. Vào cuối năm 1990, đầu năm 2000, Life Coach dần trở nên phổ biến và được chấp nhận như một nghề nghiệp trong xã hội. Lúc này, nhiều chương trình đào tạo, chứng chỉ chính thức đã được phát triển.
Khi lĩnh vực này phát triển, Life Coach đã trở nên chuyên biệt hơn. Tuỳ vào ngành nghề, lĩnh vực cụ thể, Life Coach sẽ phát huy tác dụng khác nhau, chẳng hạn như huấn luyện kinh doanh, huấn luyện sức khoẻ, huấn luyện mối quan hệ, huấn luyện lãnh đạo,…
Hiện tại, Life Coach đã trở thành một ngành phát triển mạnh mẽ, ước tính có khoảng 71.000 huấn luyện viên trên toàn thế giới, tạo ra doanh thu hằng năm hơn 2 tỷ USD. Life Coach vẫn đang trên hành trình phát triển với những mô hình, kỹ thuật huấn luyện mới.
Life Coach là gì?
Life Coach (Huấn luyện viên cuộc sống) là một dịch vụ tư vấn ngày càng được ưa chuộng, nhất là trong thế kỷ 21 khi cuộc sống trở nên phức tạp và có nhiều áp lực hơn. Nhiệm vụ của một Life Coach là đồng hành, hỗ trợ người cần giúp đỡ trong việc phát triển bản thân, chinh phục mục tiêu trong cuộc sống.
Về bản chất, Life Coach là một chuyên gia trong việc giúp con người tìm kiếm sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống, phát triển kỹ năng và khả năng cá nhân, tìm hiểu và khai thác tiềm năng bản thân. Các Life Coach vận dụng nhiều phương pháp tư vấn, huấn luyện để người học có thể phát triển kỹ năng và năng lực cần thiết.
Vai trò và trách nhiệm của một Life Coach
Tuỳ vào từng vị trí, chuyên môn của huấn luyện viên và khách hàng, vai trò của Life Coach sẽ khác nhau.
#1. Thiết lập mối quan hệ huấn luyện
Life Coach chịu trách nhiệm xây dựng mối quan hệ huấn luyện bền chặt với khách hàng của họ. Quá trình xây dựng sẽ dựa trên sự tin tưởng, đồng cảm và tôn trọng. Ngoài ra, Life Coach còn tạo ra một không gian an toàn để khách hàng chia sẻ những khó khăn và mục tiêu của họ.
#2. Xác định nhu cầu của khách hàng
Đánh giá nhu cầu của khách hàng, xác định các lĩnh vực trong cuộc sống mà khách hàng muốn thay đổi, đặt mục tiêu và phát triển kế hoạch hành động cũng là nhiệm vụ quan trọng của một Life Coach.
#3. Thiết lập mục tiêu
Life Coach có trách nhiệm hỗ trợ khách hàng xác định và thiết lập các mục tiêu có thể đạt được cũng như chiến lược thực hiện. Ngoài ra, Life Coach cũng hợp tác làm việc với khách hàng để phát triển các kế hoạch hành động, theo dõi tiến độ hoàn thành.
#4. Tạo động lực, truyền cảm hứng
Một Life Coach có nhiệm vụ thúc đẩy và truyền động lực cho khách hàng của mình. Thông qua đó, khách hàng có thể hành động hướng đến mục tiêu một cách hiệu quả. Đồng thời, Life Coach cũng cần khuyến khích, hỗ trợ cũng như giải trình để giúp khách hàng phát triển đúng hướng.
#5. Truyền đạt kỹ năng
Life Coach sẽ truyền đạt cho khách hàng những kỹ năng và chiến lược cụ thể để vượt qua khó khăn, trở ngại. Những kỹ năng này có thể là: quản lý thời gian, giao tiếp, giải quyết vấn đề, tự chăm sóc bản thân, ra quyết định,…
#6. Phản hồi đến khách hàng
Các Life Coach có nhiệm vụ đưa ra lời khuyên, nhận xét và đánh giá đối với khách hàng. Dựa trên những phản hồi của Life Coach, khách hàng có thể nhìn nhận ưu điểm, hạn chế của bản thân để nhanh chóng cải thiện, khắc phục.
#7. Bảo mật thông tin cá nhân
Một Life Coach có trách nhiệm bảo mật thông tin của khách hàng. Đó có thể là thông tin liên lạc, tình trạng khách hàng gặp phải, cuộc trò chuyện,… Nhìn chúng, toàn bộ những gì liên quan đến khách hàng, Life Coach phải giữ kín. Đây chính là đạo đức nghề nghiệp của một Life Coach.
Điểm khác nhau giữa Life Coach và Therapist
Mục tiêu
- Life Coach: Tập trung vào việc giúp khách hàng đạt được mục tiêu cụ thể, tạo ra những thay đổi tích cực trong cuộc sống.
- Therapist (Nhà trị liệu): Tập trung vào việc giải quyết những tổn thương trong quá khứ và chữa lành về các quan hệ tình cảm.
Khung thời gian
- Life Coach: Thường hướng đến hiện tại và tương lai, đặt mục tiêu trong các khung thời gian cụ thể.
- Therapist: Khám phá những nỗi đau, tổn thương trong quá khứ và không có thời điểm kết thúc trị liệu rõ ràng.
Đào tạo
- Life Coach: Đào tạo khách hàng để họ biết cách đặt mục tiêu, lập kế hoạch hành động và triển khai các chiến lược để chinh phục thành công.
- Therapist: Có khả năng chẩn đoán và điều trị các tình trạng sức khỏe tinh thần cho khách hàng.
Giấy phép
- Life Coach: Thường không yêu cầu về giấy phép hoặc các chứng nhận chính thức.
- Therapist: Ở một số quốc gia, những nhà trị liệu bắt buộc phải có giấy phép hành nghề.
Cách tiếp cận
- Life Coach: Thường có cách tiếp cận hướng đến hành động.
- Therapist: Khám phá cảm xúc, làm việc thông qua những trải nghiệm của khách hàng. Từ đó, họ có thể nhận định được tình trạng khách hàng để chữa lành.
Nhu cầu của khách hàng
- Life Coach: Thường làm việc với những khách hàng muốn cải thiện các lĩnh vực cụ thể trong cuộc sống của họ.
- Therapist: Làm việc với những khách hàng đang vật lộn với các vấn để về sức khỏe tinh thần hoặc đau khổ về mặt cảm xúc.
Kỹ năng cần thiết để trở thành một Life Coach
#1. Giao tiếp và lắng nghe
Để trở thành một chuyên gia Life Coach, kỹ năng quan trọng mà bạn cần có là giao tiếp và lắng nghe. Kỹ năng này giúp bạn dễ dàng kết nối với khách hàng, tạo nên không khí thoải mái, dễ chịu cho những buổi trò chuyện, gặp gỡ. Khả năng lắng nghe tốt giúp bạn hiểu rõ mục tiêu, nhu cầu của khách hàng để đưa ra lời khuyên phù hợp.
#2. Định hướng và lập kế hoạch
Các Life Coach cần có khả năng định hướng và lập kế hoạch. Với kỹ năng này, Life Coach có thể hỗ trợ khách hàng chinh phục mục tiêu của họ một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, khả năng phân tích và đánh giá tình huống cũng giúp Life Coach cung cấp lời khuyên phù hợp, đưa ra chiến lược hành động tối ưu.
#3. Quản lý thời gian
Quản lý thời gian cũng là một kỹ năng cần thiết đối với một Life Coach. Thậm chí, bạn phải trở thành một chuyên gia trong việc quản lý, sắp xếp thời gian, công việc. Kỹ năng này giúp bạn định hướng tốt cho khách hàng, đưa ra hành trình phát triển bản thân phù hợp hơn.
#4. Tinh thần trách nhiệm và chuyên nghiệp
Life Coach cần có tinh thần trách nhiệm và mức độ chuyên nghiệp để đảm bảo việc bảo mật thông tin cũng như nắm giữa niềm tin của khách hàng. Thái độ làm việc chuyên nghiệp, hành động trung thực trong công việc cũng giúp các Life Coach đưa ra lời khuyên hiệu quả, mang lại cho khách hàng trải nghiệm tuyệt vời hơn.
Nhìn chung, Life Coach là người đồng hành có thể hỗ trợ bạn trong việc phát triển bản thân, chinh phục mục tiêu trong cuộc sống. Sở hữu kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, Life Coach sẽ giúp bạn tìm ra hướng đi đúng đắn nhất.
Qua bài viết trên, Tino Group tin rằng bạn đã hiểu rõ Life Coach là gì cũng như vai trò của ngành nghề này trong cuộc sống. Đừng quên theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những bài viết hay và hữu ích khác nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Khi nào cần gặp Life Coach?
Việc tìm kiếm một Life Coach tuỳ thuộc vào nhu cầu và mục tiêu của bạn. Nếu đang cảm thấy mệt mỏi với công việc, mối quan hệ và muốn tìm cách để phát triển bản thân, tìm ra những giải pháp xử lý khó khăn, bạn có thể cân nhắc tìm đến các Life Coach.
Có thể gặp mặt Life Coach qua mạng không?
Tất nhiên là có! Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, bạn có thể thực hiện các buổi hỗ trợ qua video call, email hoặc tin nhắn. Tuy nhiên, nếu có thời gian, thuận tiện, bạn vẫn nên đến gặp Life Coach trực tiếp.
Liệu Life Coach có phù hợp với tất cả mọi người?
Life Coach có thể phù hợp với tất cả mọi người, nhưng tuỳ vào từng trường hợp cụ thể. Một số người không cần sự hỗ trợ của Life Coach vì họ đủ khả năng đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, đối với những người đang gặp khó khăn trong quản lý cuộc sống, phát triển bản thân, hoặc tìm hướng đi mới, Life Coach được đánh giá không khác gì “chiếc phao cứu sinh”.
Cần làm gì trước khi gặp Life Coach?
Trước khi bắt đầu làm việc với một Life Coach, bạn cần xác định rõ mục tiêu của mình. Đồng thời, bạn cũng nên sẵn sàng mở rộng và chấp nhận những thay đổi mới trong cuộc sống của mình. Những buổi hỗ trợ với Life Coach đòi hỏi sự tập trung, cam kết của bạn để đạt hiệu quả tốt nhất.