Có thể bạn đã từng một lần thấy máy tính của mình hiển thị dòng chữ “Your Windows license will expire soon”. Lcense là gì? Có những loại license nào? TinoHost sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc nhé!
Tìm hiểu chung về License
License là gì?
License được dịch từ tiếng Anh sẽ là giấy phép, bản quyền. Có rất rất nhiều loại license trên rất nhiều phương diện khác nhau như:
- Phương diện đời sống: giấy phép lái xe driver license ,giấy phép khai thác hay sản xuất production license,…
- Phương diện sở hữu trí tuệ: Bằng sáng chế Patent; quyền tác giả/ tác quyền Copyrights; nhãn hiệu thương mại Trademarks; các quy trình công nghệ Technological Process; bí quyết kỹ thuật (Know how,…)
Trong bài viết này, TinoHost sẽ tập trung nói về license dưới góc độ các phần mềm – Software license.
Software license là gì?
Software license ta có thể hiểu là một hình thức cấp giấy phép sử dụng phần mềm một cách hợp pháp. Nhà phát triển phần mềm sẽ cấp các giấy phép để người dùng mua và sử dụng phần mềm của họ, việc này cũng tương ứng như bạn mua một bó rau ngoài chợ thôi.
Tuỳ theo phần mềm mà ta sẽ thấy các dạng cấp phép sử dụng theo năm như: Office 365, các sản phẩm của Adobe,… Các sản phẩm mua 1 lần sử dụng vĩnh viễn như Winrar, IDM,… Và cũng có các sản phẩm phần mềm được phát hành miễn phí hay còn gọi là phần mềm mã nguồn mở như: 7zip, Linux,… Chúng ta sẽ có một phần giới thiệu về giấy phép mã nguồn mở Open source license bên dưới.
Thực trạng sử dụng phần mềm bản quyền tại Việt Nam
Tại các khu vực như Châu Âu, Mỹ,.. , họ rất quan trọng về vấn đề sử dụng các phần mềm bản quyền. Các nhà phát hành lẫn người sử dụng đều rất ý thức về việc này, và tất nhiên cái giá phải bỏ ra để sử dụng một phần mềm bản quyền là không hề nhỏ. Tuy nhiên bù lại, bạn sẽ có một phần mềm bản quyền để khoe với bạn bè, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ 100% từ đơn vị cung cấp và trên hết là ủng hộ tiền cho nhà phát triển.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam, phần mềm máy tính thuộc danh mục tác phẩm văn học – nghệ thuật – khoa học và được bảo vệ bản quyền một cách tự động mà không cần phải đăng ký bảo hộ.
Tuy nhiên có một thực trạng đáng buồn, theo thống kê của Liên Minh phần mềm BSA, có tới 75% các phần mềm tại Việt Nam đang bị xâm phạm bản quyền. Cho thấy được thói quen sử dụng phần mềm không có bản quyền đã trở thành thói quen của hầu hết người dùng tại Việt Nam.
Nguồn trích dẫn từ: Báo động tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm tại Việt Nam.
Tầm quan trọng của License
Để thấy được tầm quan trọng của license, TinoHost sẽ nói về tác hại của việc sử dụng phần mềm không có bản quyền.
Tác hại của việc sử dụng phần mềm không có license
Vi phạm pháp luật
Trong Điều 20, Nghị định 28/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả. Hành vi bẻ khóa các phần mềm, sử dụng phần mềm bản quyền một cách bất hợp pháp sẽ bị xử phạt và áp dụng cho tất cả các tổ chức cá nhân vi phạm.
Nguy cơ tiềm ẩn bị hack
Đối với các phần mềm cần license, tuy nhiên bạn lại chọn cách sử dụng phần mềm crack, bẻ khoá, bạn sẽ phải đối diện với việc:
- Không được cập nhật các phiên bản vá lỗi mới.
- không được hỗ trợ từ nhà phát triển.
- Nguy cơ bị hacker tấn công vào các lỗ hổng trong phiên bản cũ của phần mềm.
- Bị nhiễm mã độc, mất dữ liệu,…
Trong những phần mềm bị bẻ khoá và bạn tải về dùng, bạn sẽ khó lòng biết được người thực hiện bẻ khoá đã cài cắm những gì vào trong bản tải về đó của bạn.
Tại sao nên sử dụng phần mềm có license?
Có rất nhiều lý do bạn nên sử dụng phần mềm có license như:
- Ủng hộ sự trí tuệ và sự sáng tạo của các nhà phát triển. Mỗi phần mềm cần rất nhiều thời gian, nhân lực và trí tuệ để phát triển nên. Vì vậy, mỗi license bạn sử dụng, là một hình thức ủng hộ cho nhà phát triển, từ đó họ có tinh thần để nâng cấp phần mềm trở nên tốt hơn.
- An tâm về quyền lợi, khi sử dụng phần mềm có license, bạn sẽ được tải và sử dụng bản chính thức từ nhà phát hành. Tất nhiên, sản phẩm sẽ không có virus, mã độc hại.
- Cập nhật, hỗ trợ và đổi mới công nghệ, khi sử dụng một phần mềm có license, bạn sẽ thường xuyên được cập nhật các bản vá lỗi một cách miễn phí, trong quá trình sử dụng có bất cứ lỗi nào, nhà phát triển cũng sẽ hồi đáp để hỗ trợ ngay lập tức cho bạn.
Vậy, ta có thể thấy rằng license có tầm quan trọng rất lớn khi sử dụng phần mềm.
Một số loại License thường thấy
TinoHost sẽ giới thiệu đến bạn bản phân loại license phần mềm của Mark Webbink, bao gồm có 5 nhóm chính:
- Giấy phép công cộng:
- Public domain
- Giấy phép mã nguồn mở:
- Permissive FOSS license
- Copyleft FOSS license
- Freeware/Shareware/Freemium
- Giấy phép độc quyền thương mại:
- Proprietary license
- Bí mật thương mại:
- Trade secret
Và giờ chúng ta sẽ đi tìm hiểu về từng loại giấy phép và các ví dụ.
Public domain
Public-domain software là những phần mềm dược phát triển và hoàn toàn không có bất cứ ai sở hữu bản quyền, nhãn hiệu hay bằng sáng chế của phần mềm đó.
Bạn hoàn toàn có quyền sửa đổi, phân phối và thậm chí là bán phần mềm đó mà không cần bất cứ sự cho phép nào.
Một số phần mềm phổ biến như: SQLite, ImageJ.
Hai loại giấy phép mã nguồn mở (Free and open-source software – FOSS)
Free and open-source software FOSS là phần mềm có thể được phân loại là cả phần mềm miễn phí lẫn phần mềm nguồn mở. Với giấy phép này, bất kỳ ai cũng được tự do cấp phép sử dụng, sao chép, nghiên cứu và thay đổi phần mềm theo bất kỳ cách nào, và mã nguồn được chia sẻ công khai để mọi người được khuyến khích tự nguyện cải tiến thiết kế của phần mềm.
Giấy phép mã nguồn mở bao gồm 2 loại, chúng khác nhau dựa trên những điều khoản hạn chế.
Permissive FOSS license
Permissive software license là giấy phép phần mềm mã nguồn mở. Giấy phép này hạn chế rất ít về cách có thể được sử dụng phần mềm, bạn có thể sửa đổi và phân phối lại, thường những nhà phát hành cung cấp giấy phép này sẽ tuyên bố từ chối trách nhiệm bảo hành với phần mềm.
Những phần mềm phổ biến như: Apache web server, ToyBox.
Copyleft FOSS license
Copyleft là loại giấy phép mã nguồn mở cho phép bạn chia sẻ, sửa đổi nhưng buộc phải bảo lưu các quyền trong tác phẩm, sản phẩm gốc. Một trong những loại giấy phép thông dụng mà bạn có thể thấy là giấy phép GNU General Public License viết tắt: GPL.
Một số phần mềm phổ biến: Linux kernel, GIMP, OBS.
Freeware/Shareware/Freemium
Freeware
Freeware là loại phần mềm độc quyền, những phần mềm miễn phí được phát hành với các quy tắc được đặt ra bởi nhà phát triển.
Một số phần mềm thông dụng: Skype, Telegram, Tweak.
Shareware
Shareware là một giấy phép phần mềm độc quyền, tuy nhiên người sở hữu phát hành sản phẩm ra dưới dạng phần mềm sử dụng thử, với những chức năng bị hạn chế. Bạn cần phải bỏ tiền để sở hữu đầy đủ tính năng.
Bạn có thể biết đến giấy phép này qua các phần mềm dùng thử hạn chế ngày sử dụng.
Freemium
Freemium là một dạng giấy phép giống của Shareware, tuy nhiên những phần mềm miễn phí này sẽ giới hạn những tính năng, khi bạn muốn sử dụng những tính năng cao cấp hơn, bạn phải bỏ tiền ra để mua.
Đây là loại hình rất phổ biến như: các phần mềm diệt virus, Picsart,…
Proprietary license
Proprietary license là dạng phần mềm độc quyền, còn được gọi là phần mềm không miễn phí hoặc phần mềm nguồn đóng, là những phần mềm máy tính mà nhà xuất bản phần mềm hoặc người khác bảo lưu một số quyền từ người được cấp phép để sử dụng, sửa đổi, chia sẻ sửa đổi hoặc chia sẻ phần mềm.
Những phần mềm phổ biến như: Windows, Spotify, xSplit, TIDAL,…
Trade secret
Trade secret là dạng những phần mềm phải được giữ lại một cách tuyệt mật. Bạn không thể xem, không thể chia sẻ, không thể tác động. Nếu vi phạm bạn sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ví dụ như những công thức sản phẩm, công nghệ đám mây hoặc những công nghệ đặc biệt ở các ngành khác.
Qua bài viết này, bạn cũng đã biết được license là gì và những nguy hiểm khi sử dụng phần mềm lậu cũng như những loại license thường gặp trong những phần mềm. TinoHost mong bạn sẽ đóng góp ý kiến nếu có bất kỳ thông tin nào không đúng nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Giấy phép MIT là gì?
Giấy phép MIT là một loại giấy phép sử dụng cho các phần mềm mã nguồn mở được phát triển dựa trên một loại giấy phép có nguồn gốc tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT).
Quyền sở hữu Ownership có khác với quyền cấp phép licensing?
Câu trả lời là có. Ví dụ bạn sáng tạo hẳn hoi một ngôn ngữ lập trình mới và không dựa trên bất cứ thứ gì, bạn sẽ có quyền sở hữu tuyệt đối với ngôn ngữ đó. Tiếp theo bạn có thể tuỳ ý phát hành, cấp quyền sử dụng cho người khác một cách miễn phí hoặc trả phí tuỳ bạn.
Đặc điểm của licence trong kinh doanh?
Hoạt động licensing bao gồm 2 bên là: bên cấp phép có thể là chủ sở hữu hoặc nhượng quyền từ chủ sở hữu (Licensor) và bên được cấp phép có thể là người sử dụng hoặc là một đại lý nhượng quyền thấp hơn(Licensee).
EULA là gì?
EULA là viết tắt của End User License Agreement tạm dịch Điều khoản Cấp phép Phần mềm.