Lạm phát là một thuật ngữ rất quen thuộc thường được nhắc đến trên các phương tiện truyền thông, báo đài. Tuy nhiên, nếu không nghiên cứu sâu vào kinh tế vi mô/vĩ mô, bạn sẽ hơi khó khăn để hiểu được khái niệm này. Vậy lạm phát là gì? Nguyên nhân gây ra lạm phát đến từ đâu? Để biết chi tiết, các bạn hãy tham khảo bài viết sau đây nhé!
Khái niệm lạm phát
Lạm phát là gì?
Lạm phát được định nghĩa trong kinh tế học là sự suy giảm sức mua của một loại tiền tệ nhất định theo thời gian. Tình trạng này được phản ánh rõ nét trong sự gia tăng của mức giá trung bình của một số hàng hóa và dịch vụ được lựa chọn trong một nền kinh tế ở một khoảng thời gian nào đó. Khi so sánh với các nền kinh tế khác, lạm phát là sự phá giá của một loại tiền tệ so với các loại tiền tệ khác.
Ví dụ dễ hình dung nhất về lạm phát: Trước đây khi đi chợ bạn chỉ tốn 100.000 VNĐ cho một bữa ăn. Còn bây giờ, bạn phải mất 150.000 VNĐ mới mua được bữa ăn y hệt như trước. Điều này có nghĩa, lạm phát đã tăng thêm 50% trong khoảng thời gian này.
Lạm phát vốn là một phạm trù buộc phải có của nền kinh tế thị trường, yếu tố này xuất hiện khi các quy luật về hàng hoá không được tôn trọng, đặc biệt là các quy luật lưu thông tiền tệ.
Tuy nhiên, lạm phát không chỉ xảy ra ở một mặt hàng hoặc dịch vụ nhất định mà đề cập đến sự gia tăng giá trên diện rộng trong một lĩnh vực, một ngành hoặc toàn bộ nền kinh tế của một quốc gia. Miễn là ở đâu còn sản xuất hàng hoá, còn tồn tại những mối quan hệ hàng hoá tiền tệ thì ở đó sẽ có khả năng lạm phát.
Phân loại lạm phát
Dựa trên mức độ lạm phát
Đối với một số quốc gia sử dụng tiền mặt để làm đơn vị trung gian cho thanh toán, yếu tố lạm phát là một hiện tượng kinh tế tự nhiên, tính theo đơn vị % và được chia làm 03 mức độ gồm: Lạm phát tự nhiên, lạm phát phi mã và siêu lạm phát.
Lạm phát tự nhiên
Tỷ lệ lạm phát dưới 10%/năm. Khi lạm phát ở mức độ này, nền kinh tế vẫn được hoạt động một cách bình thường, ít rủi ro và đời sống của người dẫn vẫn ổn định.
Lạm phát phi mã
Tỷ lệ lạm phát từ 10% đến dưới 1000%. Khi lạm phát ở mức độ này sẽ làm cho giá cả chung tăng lên nhanh chóng và gây biến động lớn về kinh tế. Lúc này, người dân có xu hướng tích trữ hàng hoá, vàng bạc, bất động sản và hạn chế cho vay tiền ở mức lãi suất bình thường.
Siêu lạm phát
Tỷ lệ lạm phát trên 1000%. Xảy ra khi mức độ lạm phát đột biến tăng lên với tốc độ cao và vượt xa so với lạm phát phi mã. Tình trạng siêu lạm phát sẽ để lại hậu quả vô cùng lớn. Khi xảy đó, quốc gia sẽ khó phục hồi nền kinh tế trở lại về tình trạng như lúc ban đầu. Tuy nhiên, siêu lạm phát gần như rất ít khi xảy ra.
Dựa trên tính chất lạm phát
Lạm phát dự kiến (expected inflation)
Loại lạm phát này xuất hiện do yếu tố tâm lý, dự đoán của các cá nhân về tốc độ tăng giá trong tương lai và lạm phát trong quá khứ. Lạm phát dự kiến ảnh hưởng không lớn và chỉ tác động điều chỉnh chi phí sản xuất.
Lạm phát không dự kiến (unexpected inflation)
Loại lạm phát này xuất hiện do các cú sốc từ bên ngoài và các tác nhân trong nền kinh tế không dự kiến được dẫn đến bị bất ngờ.
Phương pháp đo lường lạm phát
Tỷ lệ lạm phát sẽ dựa trên chỉ số CPI. CPI là viết tắt của cụm từ Consumer Price Index, tạm dịch: Chỉ số giá tiêu dùng. Đây là chỉ số tính theo tỷ lệ phần trăm dùng để phản ánh mức thay đổi tương đối của giá các mặt hàng tiêu dùng theo thời gian.
Chỉ số CPI được tính theo giá bình quân gia quyền của một nhóm các hàng hóa thiết yếu. Giá cả của các loại hàng hóa và dịch vụ sẽ được tổ hợp với nhau để đưa ra một chỉ số giá trung bình. Đây là mức giá trung bình của tập hợp nhiều sản phẩm. Tỷ lệ lạm phát chính là tỷ lệ phần trăm mức tăng của chỉ số này.
Ở mỗi giai đoạn có thể giá của mặt hàng này tăng, mặt hàng kia giảm, nhưng sau khi tính được mức giá chung tăng, ta sẽ có lạm phát. Ngược lại, nếu mức giá chung giảm, ta có giảm phát. Tuy nhiên, nếu chỉ có một vài mặt hàng nhỏ như giá đường, hay giá gạo tăng một cách đơn lẻ thì sẽ không xảy ra lạm phát, mà đơn giản chỉ là sự mất cân đối tạm thời giữa nguồn cung và cầu trong ngắn hạn. Khi lạm phát xảy ra, giá trị của đồng tiền bị sụt giảm đáng kể.
Ví dụ: Năm 2020 chỉ số CPI của quốc gia X là 300,000 USD. Sang năm 2024, chỉ số CPI của quốc gia đó là 310,000 USD. Vậy tỷ lệ lạm phát hằng năm trong suốt 2020 sẽ là: ((310,000 – 300,000)/300,000) x 100% = 3,33%
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát trong nền kinh tế
Lạm phát do hiệu ứng cầu kéo
Lạm phát do cầu kéo xảy ra khi cung tiền tệ tăng lên, tâm lý tiêu dùng cá nhân tích cực hơn, từ đó kích thích tổng cầu về hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế tăng nhanh hơn so với khả năng sản xuất. Điều này sẽ dẫn đến giá cả rơi vào tình trạng “leo thang” và khiến giá trị của đồng tiền bị mất giá. Do đó, người tiêu dùng sẽ phải chi nhiều tiền hơn để mua một hàng hóa hoặc sử dụng một dịch vụ.
Lạm phát do hiệu ứng chi phí đẩy
Lạm phát chi phí đẩy là kết quả của sự gia tăng giá của các yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất. Khi nguồn cung tiền được chuyển vào thị trường hàng hóa hoặc tài sản khác, đặc biệt là khi đi kèm với một cú sốc kinh tế tiêu cực đối với nguồn cung các mặt hàng chính, chi phí cho tất cả các yếu tố đầu vào sẽ tăng lên.
Điều này sẽ dẫn đến chi phí cho thành phẩm hoặc dịch vụ cao hơn, từ đó làm tăng giá tiêu dùng. Ví dụ, khi có sự bùng nổ đầu cơ về giá dầu, chi phí năng lượng cho tất cả các loại hình sử dụng cũng sẽ tăng lên và góp phần làm tăng giá tiêu dùng.
Lạm phát tích hợp
Lạm phát tích hợp có liên quan đến kỳ vọng thích ứng, hiểu đơn giản là mọi người kỳ vọng tỷ lệ lạm phát hiện tại sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai. Khi giá hàng hóa và dịch vụ tăng lên, mọi người khác kỳ vọng rằng mức giá này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai với tốc độ tương tự. Khi đó, họ sẽ yêu cầu thêm chi phí hoặc tiền lương để duy trì mức sống của mình. Nhưng khi tiền lương của họ tăng lên sẽ dẫn đến chi phí cho hàng hóa và dịch vụ cao hơn và cứ thế, hai yếu tố này sẽ tác động lên nhau.
Một số nguyên nhân khác
Lạm phát do xuất khẩu
Khi có nhiều sản phẩm được thu gom cho xuất khẩu sẽ khiến lượng hàng cung cho thị trường trong nước giảm. Điều này dẫn tới tổng cầu tăng cao hơn tổng cung. Và khi hai yếu tố này mất cân bằng sẽ sinh ra lạm phát.
Lạm phát do nhập khẩu
Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng do thuế sẽ khiến giá bán ra trong nước cũng tăng theo. Việc mức giá chung trong nước bị giá cả của hàng hóa nhập khẩu đội lên sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát.
Lạm phát do tiền tệ
Khi ngân hàng trung ương mua ngoại tệ vào để giữ cho đồng tiền trong nước không bị mất giá so với ngoại tệ. Hoặc ngân hàng trung ương mua công trái theo yêu cầu của nhà nước sẽ khiến lượng tiền trong lưu thông tăng lên và trở thành một nguyên nhân gây ra lạm phát.
Ảnh hưởng của lạm phát đến nền kinh tế của một quốc gia
Ảnh hưởng tiêu cực
Có tác động trực tiếp lên lãi suất
Ta có công thức: Lãi suất thực = Lãi suất danh nghĩa – Tỷ lệ lạm phát
Khi tỷ lệ lạm phát tăng cao, nếu muốn lãi suất ổn định và thực dương thì lãi suất danh nghĩa phải tăng lên theo tỷ lệ lạm phát. Nhưng việc tăng lãi suất danh nghĩa sẽ dẫn đến hậu quả là nền kinh tế có thể bị suy thoái và thất nghiệp gia tăng.
Lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập thực tế
Khi lạm phát tăng mà thu nhập danh nghĩa không thay đổi sẽ làm cho thu nhập thực tế của người lao động giảm xuống. Lạm phát làm giảm thu nhập thực thông qua các khoản lãi và các khoản lợi tức.
Lạm phát làm cho phân phối thu nhập bất bình đẳng
Lạm phát tăng cao còn khiến cho những người thừa tiền vơ vét và thu gom hàng hoá, tài sản, vấn nạn đầu cơ xuất hiện. Tình trạng ngày càng làm mất cân đối nghiêm trọng quan hệ cung – cầu hàng hoá trên thị trường, giá cả hàng hoá lại càng lên cao hơn.
Và đương nhiên, những người dân nghèo sẽ trở nên khốn khó hơn khi không mua được những hàng hóa thiết yếu. Tạo ra một khoảng cách ngày càng lớn giữa người nghèo và người nghèo.
Ảnh hưởng tích cực
Không phải lúc nào lạm phát cũng gây hại đến nền kinh tế mà vẫn có trường hợp mang lại những tích cực nhất định. Tốc độ lạm phát ở mức vừa phải (từ 2-5% ở các nước phát triển và dưới 10% ở các nước đang phát triển) sẽ mang lại một số lợi ích cho nền kinh tế như:
- Có khả năng kích thích tiêu dùng, vay nợ, đầu tư và giảm bớt tình trạng thất nghiệp trong xã hội.
- Cho phép chính phủ có thêm khả năng lựa chọn các công cụ kích thích đầu tư vào một số lĩnh vực kém ưu tiên thông qua việc mở rộng tín dụng, giúp phân phối lại thu nhập và các nguồn lực trong xã hội theo các định hướng mục tiêu trong khoảng thời gian nhất định có chọn lọc.
Tóm lại, khi nền kinh tế có thể duy trì, kiềm chế và điều tiết được lạm phát ở tốc độ vừa phải sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Những cuộc siêu lạm phát trong lịch sử thế giới hiện đại
Siêu lạm phát ở Pháp từ năm 1795 đến 1796
Thời gian xảy ra từ tháng 5/1795 đến tháng 11/ 1796. Tỷ lệ lạm phát hàng ngày là 5%. Giá sẽ cả tăng gấp đôi trong mỗi 15 ngày 2 giờ.
Siêu lạm phát ở Đức từ năm 1921 đến 1923
Đợt lạm phát trầm trọng nhất ở Đức vào tháng 10/1923 khi tỷ lệ lạm phát lê tới 29.500%. Tại thời điểm 12/1923, người ta phải bỏ ra đến 4.200 tỷ mác (papiermark) chỉ để đổi lấy 1 USD.
Siêu lạm phát ở Hungary từ năm 1945 đến 1946
Vào tháng 7/1946, lạm phát hàng tháng tại quốc gia Hungary là 4,19 x 10^16% và hàng ngày là 207%. Khi đó, tờ tiền có mệnh giá lớn nhất tại nước này lên tới 20 số 0.
Siêu lạm phát ở Zimbabwe từ năm 2000 đến 2009
Trong khoảng gần 10 năm, có lúc lạm phát tại Zimbabwe lên tới đỉnh điểm với tỷ lệ 516 x 10^18 %. Ngân hàng trung ương của quốc này phải in những tờ tiền Zimbabwe trị giá 100.000 tỷ để người tiêu dùng không phải mang theo bao tải tiền mặt khi đi mua sắm.
Lạm phát là yếu tố tự nhiên, cũng một điều tất yếu trong nền kinh tế. Chỉ cần có thể kiểm soát được lạm phát, quốc gia sẽ phát triển ổn định. Bài viết trên đã cung cấp những thông tin cần thiết giúp bạn có thể hiểu được lạm phát là gì và những vấn đề xung quanh khái niệm này. Hy vọng đây là một nguồn kiến thức bổ ích dành cho bạn.
FAQs về lạm phát
Làm thế nào để kiểm soát được lạm phát?
Thông thường, để kiểm soát được lạm phát, các tổ chức doanh nghiệp và nhà nước sẽ áp dụng các phương pháp như:
- Giảm lượng tiền giấy lưu thông bằng cách: Phát hành trái phiếu, tăng lãi suất tiền gửi, giảm sức ép lên giá cả, hàng hóa dịch vụ,.
- Thực hiện chính sách tài chính thắt chặt như: tạm hoãn những khoản không cần thiết, cân đối lại ngân sách Nhà nước, cắt giảm chi tiêu,..
- Tăng quỹ hàng hóa tiêu dùng: khuyến khích tự do mậu dịch, giảm thuế quan,..
- Đi vay viện trợ từ nước ngoài
- Cải cách tiền tệ
Có loại tiền nào giúp giảm lạm phát không?
Thực tế, có một loại tiền được cho rằng là đồng tiền giảm lạm phát. Đó chính là Bitcoin.
Đơn giản là vì các tính chất của Bitcoin như:
- Có một nguồn cung cố định
- Cơ chế giảm nguồn cung
Lạm phát thường ảnh hưởng cụ thể đến những mặt hàng nào?
Về cơ bản, lạm phát sẽ có tác động chung tới tất cả các loại hàng hoá và dịch vụ của một nền kinh tế chứ riêng một mặt hàng nào cả.
Lạm phát và thất nghiệp có mối quan hệ như thế nào?
Về cơ bản, lạm phát và thất nghiệp có mối quan hệ ngược chiều. Khi thất nghiệp tăng cao sẽ dẫn đến lạm phát xuống thấp và ngược lại. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ, khi lạm phát ở mức rất cao (trên 50%/năm) sẽ dẫn đến thất nghiệp cũng ở mức cao. Vì lạm phát cao tạo ra sự bất ổn trong nền kinh tế, đầu tư giảm, sản lượng cũng giảm nên dẫn đến thất nghiệp.