Dù bạn làm nghề gì, ở bất cứ lĩnh vực nào, mối quan hệ luôn là một yếu tố vô cùng cần thiết. Để có những mối quan hệ tốt, bạn phải cần chủ động giao tiếp và tạo networking cho bản thân. Kỹ năng này sẽ giúp bạn có được cơ hội chia sẻ kiến thức và xây dựng các mối quan hệ chuyên nghiệp. Vậy kỹ năng networking là gì? Làm networking như thế nào mới hiệu quả?
Kỹ năng networking là gì?
Định nghĩa Networking
Networking có thể được định nghĩa là mạng lưới các mối quan hệ. Kỹ năng networking là tập hợp những cách để xây dựng, mở rộng và duy trì mạng lưới mối quan hệ này. Networking có thể xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như việc gặp gỡ bạn bè và đồng nghiệp cũ, bắt chuyện với mọi người ở một sự kiện nào đó bạn tham gia…
Kỹ năng này được xem là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể dẫn bạn đến thành công. Trong cả công việc lẫn cuộc sống hằng ngày, sẽ có những lúc bạn gặp khó khăn và hoặc cần sự hỗ trợ từ ai đó. Chỉ cần có kỹ năng networking tốt, bạn sẽ dễ dàng giải quyết được những vấn đề này một cách dễ dàng.
Kỹ năng networking quan trọng như thế nào?
Giúp chúng ta tự tin hơn trong giao tiếp
Để giao tiếp hiệu quả, bạn phải có sự tự tin. Điều này tạo động lực để bạn chủ động làm quen với những người xa lạ và tạo cho mình những mối quan hệ xung quanh. Người giao tiếp tốt sẽ luôn biết cách nắm bắt những cơ hội đang có. Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng để giúp bạn trở thành một người thành công.
Giúp nâng cao cơ hội nghề nghiệp
Những công việc tốt thường bắt nguồn từ các mối quan hệ xung quanh mình. Chính điều này đã khiến kỹ năng networking trở nên thật sự rất cần thiết. Khi tham gia các buổi hội thảo về nghề nghiệp mà mình yêu thích, bạn nên chủ động giao lưu cùng mọi người. Vì những người trong số đó có thể là cấp trên hay đồng nghiệp của bạn trong tương lai hoặc chí ít cũng sẽ là những người hỗ trợ và giúp đỡ bạn trong công việc.
Mở rộng các mối quan hệ
Khi vận dụng tốt kỹ năng networking, bạn sẽ gặp được rất nhiều những người ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Cũng nhờ đó, bạn có thêm nhiều cơ hội để học hỏi và cập nhật những kiến thức. Việc hiểu các ngành nghề liên quan sẽ bổ trợ bạn làm tốt công việc hiện tại.
Bên cạnh đó, networking tốt cũng giúp bạn gặp được những người bạn hợp gu, có chung sở thích với nhau, từ đó có thể thấu hiểu cùng chia sẻ những vấn đề trong cuộc sống.
Tạo dựng thương hiệu cá nhân
Việc gặp gỡ và giao tiếp với nhiều người là cơ hội để bạn tạo ấn tượng với người khác. Họ sẽ nhận ra bạn ở mọi nơi, biết rõ về bạn đang làm ở đâu, có năng lực như thế nào. Đây sẽ là một tiền đề để bạn xây dựng cho mình nhiều mối quan hệ lâu dài cũng như tăng nhận diện thương hiệu cá nhân. Được nhiều người biết đến sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội tuyệt vời trong công việc.
Nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình từ mọi người
Trong cuộc sống lẫn công việc, không nhiều thì ít bạn sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn xảy đến với bản thân. Đây sẽ là lúc bạn cần đến sự giúp đỡ từ những người bạn xung quanh mình. Nếu bạn có một mối quan hệ tốt với mọi người, họ sẽ không ngần ngại giúp đỡ bạn giải quyết chúng.
Cách làm networking hiệu quả
Đa dạng hóa các mối quan hệ
Hạn chế bó hẹp các quan hệ của bạn chỉ trong một nhóm hoặc kiểu người. Đôi khi bạn phải xử lý những vấn đề không thuộc chuyên môn trong công việc hoặc cuộc sống, bạn sẽ cần đến các chuyên gia ở những lĩnh vực khác nhau.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần quan tâm đến những người có mối quan hệ rộng. Họ có thể là trung gian giúp bạn tìm kiếm sự giúp đỡ từ nhiều người khác mà họ biết. Nếu làm được điều này, các mối quan hệ của bạn sẽ trở nên đa dạng hơn.
Luôn phát huy sự thân thiện trong các mối quan hệ
Thân thiện chính là chìa khoá để bạn mở ra mọi cánh cửa quan hệ. Khi thể hiện điều này, bạn sẽ nhận được sự thiện cảm và ấn tượng từ những người xung quanh. Từ đó, việc bạn mở rộng các mối quan hệ sẽ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Kỹ năng networking của bạn cũng sẽ được cải thiện đáng kể.
Luôn là người chủ động và tự tin trong các mối quan hệ
Cách làm này được xem là một trong những điều cần thiết nhất để bạn cải thiện được kỹ năng networking. Tự giới thiệu về bản thân mình sẽ khiến bạn trở nên tự tin hơn khi trò chuyện với những người mới gặp lần đầu. Chủ động tìm đến các sự kiện, hội thảo hay những buổi Workshop mà những mối quan hệ quan trọng thường có sẽ giúp bạn mở ra thêm nhiều mối quan hệ mới trong cuộc sống.
Chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng
Số lượng người mà bạn quen biết được không quan trọng bằng chất lượng của các mối quan hệ đó. Để làm được điều này, bạn phải phải xác định được mình cần những mối quan hệ như thế nào và thuộc lĩnh vực gì. Từ đó, thu hẹp lại phạm vi và dành thời gian tập trung vào những mối quan hệ cần thiết.
Chọn địa điểm hợp lý để làm networking
Muốn tìm được các mối quan hệ chất lượng, trước hết, bạn hãy chọn địa điểm phù hợp nhất để đến. Những buổi sự kiện giao lưu, gặp mặt luôn là địa điểm lý tưởng để làm networking. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Email để tạo mối quan hệ nhưng đương nhiên sẽ không hiệu quả bằng việc gặp gỡ, đối thoại trực tiếp với nhau.
Trở thành một Superconnector
Cách nhanh nhất để bạn phát triển mạng lưới quan hệ của bản thân là hãy giới thiệu 2 người mà bạn quen với nhau để họ có thể giúp đỡ nhau trong công việc. Nếu bạn đã từng gặp người chủ động giúp đỡ bạn làm quen với người khác, đó là các Superconnector.
Khi bạn làm điều này không chỉ có lợi cho họ mà còn mang lại lợi ích cho bản thân bạn, vì họ sẽ thấy mang ơn và sẵn sàng giúp đỡ bạn làm quen với những nhân vật có tầm ảnh hưởng khác.
Đặc điểm thường thấy của những người có kỹ năng networking tốt
Biết lắng nghe trong giao tiếp
Bất kể ai trong chúng ta đều muốn cảm thấy có giá trị và được người khác lắng nghe. Do đó, để xây dựng mối quan hệ tốt, bạn cần biết thể hiện sự quan tâm và sự tôn trọng đối với ý kiến người khác.
Luôn có thái độ làm việc tích cực và nhiệt tình
Khi bắt đầu vào cuộc trò chuyện, hãy tránh nói những điều tiêu cực về công ty, về đồng nghiệp…vì những điều đó sẽ để lại ấn tượng không tốt đối với mọi người. Một thái độ tích cực sẽ khiến người khác cảm thấy muốn giao lưu, trò chuyện với bạn hơn và mang lại cho bạn nhiều cơ hội hợp tác kinh doanh mới.
Luôn hỗ trợ và hợp tác
Xây dựng mối quan hệ là sự tương tác hai chiều. Thay vì nghĩ “Họ làm điều đó như thế nào để giúp được tôi?”, bạn hãy suy nghĩ “Tôi có thể hỗ trợ được gì cho họ?”. Mọi người sẽ quan tâm đến bạn hơn nến bạn thể hiện là mình muốn giúp đỡ họ như thế nào.
Chân thành
Sự chân thành là yếu tố quan trọng nhất để bạn duy trì được những mối quan hệ lâu dài. Người có kỹ năng networking giỏi sẽ luôn thể hiện sự chân thành với người đối diện và đã có nhiều mối quan hệ bị “đứt gánh” cũng vì thiếu đi sự chân thành.
Có khả năng tiếp cận cao
Kỹ năng tiếp cận và tạo ấn tượng là tiền đề để xây dựng mối quan hệ hiệu quả. Theo một khảo sát cho biết: “Mọi người thường không nhớ bạn là ai và làm những gì, nhưng họ sẽ không bao giờ quên cảm xúc mà bạn đã mang lại cho họ”.
Đáng tin cậy
Hãy trở thành một người đáng tin cậy trong mọi tình huống dù nhỏ nhặt nhất như việc giữ lời hứa, đến đúng giờ… Trường hợp bạn có mắc một lỗi lầm nào đó, hãy trung thực nhận lỗi và cố gắng sửa chữa vấn đề, đây là đặc tính cần có của một người làm networking giỏi
Luôn theo dõi và giữ liên lạc
Khi đã đạt được sự kết nối tốt với ai đó, hãy nỗ lực theo dõi và liên hệ với họ, đừng để mối quan hệ rơi vào quên lãng. Chỉ cần một hành động đơn giản như nhắn tin hay gọi điện hỏi thăm tình hình công việc, cuộc sống và quan tâm đến những điều xung quanh họ… cũng đủ để khiến cho mối quan hệ giữa bạn và đối phương sẽ trở nên gắn bó hơn hẳn.
Với những thông tin trên bài viết đã cho thấy việc xây dựng networking ngay từ bây giờ là điều rất cần thiết. Bạn sẽ trở nên cô đơn và lạc lõng nếu không có các mối quan hệ xung quanh mình. Xây dựng các mối quan hệ tốt sẽ giúp bạn tạo ra được nhiều cơ hội việc làm hơn. Đồng thời, sự thoải mái trong chính bản thân sẽ là chìa khóa mở ra cho bạn một cuộc sống thú vị.
FAQs về kỹ năng networking
Trang phục có ảnh hưởng đến networking?
Bước đầu tiếp cận các mối quan hệ mới, trang phục cũng là một yếu tố cần lưu ý. Khi tham gia một sự kiện, bạn nên chọn trang phục lịch sự, tươm tất phù hợp với hoàn cảnh, đừng tự làm khó mình khi vừa bước chân vào sự kiện đã khiến mọi người chú ý đến mình chỉ vì trang phục khác người và không phù hợp. Ngoài ra, bạn cần chăm chút về ngoại hình, tập cách đi lại và thể hiện phong thái chững chạc, thu hút người khác.
Khi tham gia sự kiện nên giao tiếp với nhiều người hay chỉ một người?
Như đã chia sẻ, chất lượng luôn tốt hơn số lượng. Một số người khi tham gia sự kiện luôn cố gắng đi vòng quanh và bắt chuyện một cách hời hợt với tất cả mọi người nhưng thực tế, cách này không mang lại hiệu quả cao. Thay vào đó, bạn nên dành đủ thời gian để trò chuyện, để người khác ấn tượng tốt về bạn và cả hai có sự hiểu biết cơ bản về nhau, đó mới là cơ sở để hợp tác lâu dài.
Danh thiếp có quan trọng không?
Danh thiếp không chỉ là một tờ giấy giới thiệu mà là đại diện cho hình ảnh của bạn. Đừng mới vừa gặp đã trao danh thiếp ngay và hạn chế trao cho những người mà bạn nghĩ họ sẽ không cần nó vì khi bạn quay lưng đi, những người mới gặp thường không nhớ tên bạn và sẽ vứt chúng đi. Thời điểm trao danh thiếp là khi đã kết thúc cuộc trò chuyện và đầu tiên, bạn nên hỏi danh thiếp của đối phương trước.
Đặt câu hỏi có phải là một kỹ năng trong networking?
Để trở thành người làm networking giỏi, đặt câu hỏi là một kỹ năng quan trọng . Bạn phải đủ thông minh và tinh tế để đưa ra những câu hỏi sâu xa hơn việc “đối phương đã/đang/sẽ làm những gì?”. Khi bắt đầu cuộc trò chuyện với những câu hỏi mang tính cá nhân, bạn không nhất thiết phải hỏi những thông tin như là công việc và nghề nghiệp của họ. Phải thật tinh ý để nhận ra điều họ quan tâm và cố gắng tìm ra những điểm chung, khi đó đối phương sẽ có xu hướng nhớ những cuộc trò chuyện về những mối tương quan nhất giữa hai người.