Nếu doanh nghiệp được ví như một “cơ thể sống” thì khách hàng chính là “nguồn dưỡng chất” nuôi dưỡng cơ thể ấy. Vì vậy, biến người tiêu dùng đơn thuần thành khách hàng thân thiết đã trở thành nhiệm vụ tất yếu của mọi doanh nghiệp. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vẫn còn mơ hồ về khái niệm: “Khách hàng thân thiết là gì?” và chưa nhận định được đâu là khách hàng thân thiết. Trong bài viết dưới đây, Tino Group sẽ giúp bạn định nghĩa thuật ngữ này cũng như cách xác định khách hàng thân thiết.
Giới thiệu tổng quan về khách hàng thân thiết
Khách hàng thân thiết là gì?
Khách hàng thân thiết hay khách hàng trung thành (Loyal Customer) là thuật ngữ dùng để chỉ những cá nhân hoặc tổ chức thường xuyên mua sản phẩm/dịch vụ và duy trì mối quan hệ hợp tác lâu dài với một doanh nghiệp.
Không chỉ giúp doanh nghiệp tiêu thụ số lượng lớn sản phẩm/dịch vụ, đánh giá mức độ tin cậy, tương tác thường xuyên,…, khách hàng thân thiết còn sẵn sàng giới thiệu doanh nghiệp đến những đối tượng khách hàng khác.
Có thể nói, khách hàng thân thiết chính là “cộng sự” tuyệt vời nhất của mọi doanh nghiệp. Họ được ví như những “chiếc chìa khóa vàng” giúp doanh nghiệp mở ra “cánh cửa” lợi nhuận, danh tiếng và vị thế trên thị trường. Từ đó, doanh nghiệp sẽ dễ dàng tăng khả năng cạnh tranh trước đối thủ cùng ngành.
Khái niệm “lòng trung thành của khách hàng” là gì?
Lòng trung thành của khách hàng là “thước đo” mức độ thân thiết và lòng tin cậy của người dùng đối với doanh nghiệp. “Thước đo” này được cộng hưởng bởi hài lòng và những trải nghiệm tuyệt vời của khách hàng. Đồng thời, lòng trung thành của khách hàng còn biểu thị giá trị tổng thể của sản phẩm/dịch vụ mà khách hàng nhận được từ doanh nghiệp.
Khi khách hàng trung thành với một thương hiệu, họ sẽ không dễ bị ảnh hưởng bởi giá thành hoặc hoặc thương hiệu khác. Thậm chí, họ sẵn sàng bỏ chi phí nhiều hơn để nhận lại sản phẩm/dịch vụ có chất lượng tương đương.
Mọi doanh nghiệp đều cố gắng cải thiện sản phẩm, dịch vụ để giữ chân khách hàng. Khi tạo dựng mối quan hệ mật thiết với khách hàng, họ sẵn sàng giới thiệu thương hiệu của bạn đến những người dùng khác. Nhờ đó, bạn có thể tiết kiệm được một khoản chi phí quảng bá nhất định.
Nhiều doanh nghiệp đã chọn Email Marketing để tiếp cận với khách hàng của mình. Thông thường, Marketers sẽ gửi thông tin về các chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm mới, tri ân khách hàng,…, qua Email để “giữ chân” và xây dựng lòng trung thành của người dùng. Đây được xem là phương thức tiếp thị mang lại hiệu quả vượt trội hơn so với các chiến lược khác.
6 dấu hiệu nhận biết khách hàng thân thiết
Trên thực tế, không phải người tiêu dùng nào cũng là khách hàng thân thiết của doanh nghiệp. Nếu tiếp cận không đúng khách hàng, chẳng khác nào bạn đang “ném tiền qua cửa sổ”. Vì vậy, bạn cần biết cách xác định đâu là khách hàng thân thiết để xây dựng chiến lược tiếp thị hiệu quả. Dưới đây là 9 dấu hiệu nhận biết khách hàng thân thiết bạn cần xem xét.
#1. Không đặt nặng vấn đề chi phí
Nếu người dùng sẵn sàng thực hiện giao dịch nhiều lần với doanh nghiệp mà không đề cập đến giá cả, chắc chắn đây chính là khách hàng thân thiết. Vì thực chất, điều khách hàng thân thiết quan tâm không phải giá thành, mà là chất lượng sản phẩm/dịch vụ mà họ nhận được.
Khách hàng có thể tiếp cận với nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm/dịch vụ giống bạn với mức giá thấp hơn. Tuy nhiên, họ vẫn tin tưởng và hợp tác với doanh nghiệp bạn. Đơn giản vì khách hàng hiểu rõ kết quả họ nhận được là gì.
#2. Luôn quan tâm và ủng hộ
Một trong những dấu hiệu rõ ràng nhất để nhận biết khách hàng thân thiết là sự quan tâm và ủng hộ mà họ dành cho doanh nghiệp bạn. Điều này được biểu hiện chân thật qua các phương tiện truyền thông xã hội.
Khách hàng thân thiết thường đưa ra những đánh giá tích cực về sản phẩm/dịch vụ của bạn trên mạng xã hội, diễn đàn, hội/nhóm. Bên cạnh đó, họ cũng có thể viết bình luận và đánh giá 5 sao cho sản phẩm của bạn. Thậm chí, khách hàng thân thiết còn sẵn sàng khen ngợi, bày tỏ sự yêu thích thương hiệu trước bạn bè, đồng nghiệp.
Trong trường hợp này, bạn nên phản hồi và cảm ơn khách hàng vì đã dành thời gian bình luận, đánh giá sản phẩm/dịch vụ. Đây cũng là cách giúp bạn cải thiện hình ảnh thương hiệu trong mắt khách hàng.
#3. Gửi lời mời tham gia sự kiện đến doanh nghiệp
Sau khi tạo dựng mối quan hệ thân thiết, khách hàng có thể mời doanh nghiệp tham gia sự kiện mà họ tổ chức với vai trò nhất định, như: khách hàng, diễn giả, ban giám khảo, nhà tài trợ,… Trong chương trình, khách hàng sẽ dành một vài phút quảng bá thương hiệu bạn với người tham gia. Điều này cho thấy khách hàng thật sự tin yêu và trung thành với thương doanh nghiệp bạn.
#4. Ưu tiên lên hàng đầu
Khi gặp phải bất kỳ vấn đề nào, khách hàng thân thiết luôn nghĩ đến doanh nghiệp bạn đầu tiên. Vì họ tin rằng sản phẩm/dịch vụ mà bạn cung cấp sẽ phù hợp với nhu cầu của họ tại thời điểm đó.
Ngoài ra, khách hàng có thể liên hệ với doanh nghiệp chỉ để nhận lời khuyên hoặc nhờ tư vấn. Đây là một trong những dấu hiệu nhận biết khách hàng xem bạn là “cộng sự” quan trọng nhất của họ.
#5. Đặt trọn niềm tin vào doanh nghiệp
Khách hàng thân thiết là những người sẵn sàng gửi trao toàn bộ niềm tin vào doanh nghiệp. Thậm chí, khi doanh nghiệp có những động thái thay đổi trên những phương diện như: chi phí, tính năng, thời gian gia hạn,…, khách hàng vẫn ủng hộ một cách kiên định. Lý do vì khách hàng tin rằng doanh nghiệp bạn đã và đang cố gắng mang đến những lợi ích tốt nhất cho họ.
#6. Giá trị RFM
RFM là viết tắt của cụm 3 từ: Recency (lần truy cập gần đây), Frequency (tần suất) và Monetary (giá trị tiền tệ). Đây là một dạng phân tích giúp doanh nghiệp xác định đâu là khách hàng thân thiết. Giá trị này được đo lường thông qua 3 yếu tố chính:
- Thời gian mua hàng gần nhất của khách hàng.
- Tần suất khách hàng mua sản phẩm/dịch vụ.
- Số tiền khách hàng đã chi tiêu cho doanh nghiệp.
Từ giá trị RFM, bạn có thể nhận diện được khách hàng thân thiết của mình. Đây là những người thường xuyên mua sản phẩm/dịch vụ và chi nhiều tiền nhất cho doanh nghiệp của bạn.
Khách hàng thân thiết đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khi sở hữu nguồn khách hàng thân thiết nhất định, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí tiếp thị. Qua bài viết trên, Tino Group hy vọng bạn đã hiểu “Khách hàng thân thiết là gì?” cũng như những dấu hiệu nhận biết khách hàng thân thiết.
Đừng quên theo dõi Tino Group để không bỏ lỡ những bài viết hữu ích về các chiến lược kinh doanh cho doanh nghiệp của mình nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Có nên tổ chức chương trình khách hàng thân thiết không?
Câu trả lời là “Có!”. Tổ chức các chương trình khách hàng mang đến nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, như:
- Củng cố mối quan hệ và giữ chân khách hàng tốt hơn.
- Thu nhập những thông tin phản hồi trung thực, khách quan và chất lượng nhất từ khách hàng.
- Tạo nên sức mạnh cạnh tranh với đối thủ cùng ngành.
- Cải thiện doanh thu cho doanh nghiệp.
Phần mềm nào giúp doanh nghiệp quản lý khách hàng thân thiết hiệu quả?
Để quản lý quan hệ với khách hàng thân thiết hiệu quả, bạn có thể sử dụng một số phần mềm như:
- Bitrix24.
- Zoho.
- CRMViet.
- Bizfly
- …
Thế nào là chương trình khách hàng thân thiết?
Đây là những chương trình tặng thưởng nhằm tri ân những khách hàng thường xuyên ủng hộ doanh nghiệp.
Làm thế nào xây dựng mối quan hệ thân thiết với khách hàng?
Muốn xây dựng mối quan hệ gắn bó, thân thiết với khách hàng, bạn nên:
- Tôn trọng và đặt khách hàng lên trên hết.
- Mang đến những trải nghiệm thú vị, độc đáo nhất cho khách hàng.
- Xây dựng dịch vụ chăm sóc khách hàng chất lượng.
- Tổ chức các chương trình tri ân khách hàng.
- Dùng các phần mềm quản lý mối quan hệ với khách hàng.