Công việc HR là gì? Liệu làm HR có thật sự nhàn? Đó là một trong số rất những câu hỏi được nhiều người quan tâm khi hỏi về nghề nhân sự. Dù nghe nói rất nhiều về HR nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều người chưa thực sự hiểu rõ, hiểu đủ về công việc này tại các doanh nghiệp.
Giới thiệu về HR
HR là gì?
HR là viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Human Resources”, tạm dịch: ngành quản trị nhân sự. Nhân sự là tất cả những sự việc liên quan đến con người. Làm công việc nhân sự yêu cầu bạn phải đảm trách, giải quyết mọi vấn đề liên quan đến con người. Đây được xem là bộ phận chịu trách nhiệm toàn bộ hoạt động liên quan đến nhân lực trong công ty, doanh nghiệp. HR sẽ thực hiện tuyển dụng, quản lý hợp đồng lao động, chấm công, trả lương, đào tạo, phát triển cùng các chế độ chính sách cho nhân viên và xây dựng một môi trường doanh nghiệp chất lượng cho nhân viên.
Ngày nay, thời đại công nghệ đã bắt đầu len lỏi ngày một sâu hơn vào cuộc sống của con người. Chỉ với một cú nhấp chuột, cả thế giới phút chốc xuất hiện ngay trước mắt bạn. Hoặc chỉ cần một thao tác nhỏ, mọi vấn đề sẽ được giải quyết một cách nhanh chóng. Do vậy, hơn bao giờ hết, việc quản lý nhân sự trong thời đại 4.0 luôn cần sự đổi mới cho phù hợp khi tác nghiệp tại công ty. Từ đó, bạn có thể thấy sự khác nhau giữa nhân sự truyền thống với nhân sự thời đại công nghệ 4.0 với nhiều thuận lợi mà cũng đầy thách thức.
Những công việc cơ bản của nghề HR
- Thực hiện tuyển dụng nguồn nhân sự mới cho công ty, bao gồm các hoạt động như: đăng tin tìm kiếm ứng viên, sàng lọc CV, tiến hành phỏng vấn, chuẩn bị các thủ tục để ứng viên thử việc
- Chuẩn bị đầy đủ hợp đồng, bảo hiểm xã hội, các chế độ đãi ngộ, phúc lợi cho nhân viên
- Theo sát và thực hiện đánh giá năng lực nhân viên trong công ty qua kết quả làm việc, hoặc số lượng KPI để đề xuất thăng tiến lương, luân chuyển nhân sự thích hợp
- Quan sát tình hình, lên kế hoạch đào tạo và phát triển, đề xuất những chính sách đãi ngộ giúp khích lệ tinh thần nhân viên, giữ chân nhân tài.
- Hơn nữa, người làm nhân sự còn là cầu nối gắn kết tinh thần nhân viên trong công ty, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, quy tắc ứng xử giữa toàn bộ nhân viên. Đây được xem là mục tiêu lớn mà bộ phận nhân sự tại các doanh nghiệp luôn hướng đến để giúp công ty phát triển bền vững.
Bạn hiểu gì về nhân sự thời 4.0?
Sự xuất hiện của những “app” hiện đại
Trước tiên, bạn phải kể đến việc ứng dụng “app” thay cho những hệ thống và quy trình bằng giấy tờ đã giảm đáng kể áp lực công việc hành chính của Nhân sự. Nhờ có Chatbox – hộp thư trả lời tự động, HR Site hoặc HR Platform – dữ liệu nhân sự trực tuyến ra đời với nhiều hữu ích, đây là nơi chứa tất cả các quy trình, chính sách, quy định của công ty mà nhân viên có thể tự động truy cập để cập nhật thông tin bất kỳ lúc nào chỉ với chiếc điện thoại có kết nối Internet.
Điều này vừa đặt ra cho nhân sự trong thời đại mới những cơ hội và cả thách thức. Người làm nhân sự phải có những sáng kiến nâng cao, gắn kết đội ngũ nhân viên trong tổ chức. Với sự tích cực của xu hướng “công nghệ hóa” có mặt tích cực nhưng cũng tạo ra không ít thách thức. Đòi hỏi người làm nhân sự phải luôn nỗ lực thích ứng nhanh, học cách làm quen, linh hoạt với những công nghệ thay đổi không ngừng.
Người nhân sự cần có khả năng đa nhiệm
Người nhân sự hiện nay không chỉ chuyên môn trong một lĩnh vực cố định, bạn cần phải có khả năng đa nhiệm. Thay vì thực hiện theo yêu cầu của cấp trên là tuyển đúng vị trí cần người, người nhân sự cần thực hiện nhiều hơn thế: cập nhật thị trường tuyển dụng, thông tin các ứng viên tiềm năng có thể giúp phát triển phòng ban, cơ hội phát triển cho các nhân viên hiện tại,…
Người nhân sự cần mở rộng mối quan hệ
Người làm nhân sự trong mảng tuyển dụng, họ cần phải mở rộng mối quan hệ trên nhiều kênh khác nhau. Họ nên tận dụng mạng xã hội một cách hiệu quả, không ngừng tìm tòi để đưa ra các cách làm mới giúp tìm đủ và đúng nguồn nhân lực kịp thời, có chiến lược cho công ty.
Người nhân sự cần có khả năng quản lý và sử dụng ngân sách hiệu quả
Nhân sự cần biết quản lý và sử dụng ngân sách thật hiệu quả. Bên cạnh việc đẩy mạnh đào tạo và phát triển nhân lực nội bộ, người làm nhân sự cần cải tiến, tối ưu sử dụng các kết nối nguồn lực bên trong, bên ngoài. Bởi như thế mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp. Hơn nữa, khắc phục tốt tình trạng nhảy việc chóng mặt của các nguồn lao động trẻ.
Trong bối cảnh thay đổi nhanh và đòi hỏi ngày càng cao như hiện nay, người làm nhân sự cần đa dạng hóa kỹ năng chuyên môn, thích ứng nhanh với sự thay đổi, nhạy bén đưa ra sáng kiến phù hợp cho từng yêu cầu khác nhau mà vẫn đảm bảo nguyên tắc cốt lõi của nghề HR.
Khám phá những vị trí trong nghề nhân sự
HR Admin – Quản trị Hành Chính – Nhân Sự
Những ai chập chững bén duyên vào ngành nhân sự, chuyên viên hành chính – nhân sự thường được xem là bước khởi đầu an toàn dành cho họ. Tùy thuộc vào tính chất, quy mô của từng doanh nghiệp, công ty mà có những yêu cầu khác nhau dành cho HR Admin. Trong bộ phận nhân sự, vị trí này có vai trò khá quan trọng, họ trực tiếp đảm nhận những đầu việc lớn nhỏ trong công ty nên đòi hỏi khả năng chịu áp lực cao. HR Admin thường được ví von là “quản gia” của công ty. Họ sẽ chịu trách nhiệm tất tần tật về giấy tờ, hồ sơ cũng như các hồ sơ liên quan đến nhân viên, tài sản của công ty.
HR Recruitment – Chuyên viên tuyển dụng
Tại các doanh nghiệp, bộ phận nhân sự đóng vai trò hết sức quan trọng. Công tác tuyển dụng của công ty có ổn định và hiệu quả hay không đều dựa vào “tâm và tầm” của chuyên viên tuyển dụng. Bất kỳ kế hoạch kinh doanh, chiến lược nào cũng liên quan đến các yêu cầu về nguồn lực. Bộ phận nhân sự sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý quy trình cung cấp nhân sự linh hoạt, lựa chọn đúng nguồn lực chất lượng, phù hợp cho công ty.
HR Recruitment xem là những thợ săn chuyên tìm kiếm, lựa chọn những người tài về cho doanh nghiệp. Họ không chỉ thu hút những người giỏi mà phải thực sự phù hợp với yêu cầu vị trí tuyển dụng của công ty. Vì thế, chuyên viên tuyển dụng luôn phải “cân não” để chọn đúng người và phù hợp với nhu cầu của công ty. Dù có nhiều thử thách, áp lực luôn đón chờ nhưng bù lại vị trí tuyển dụng luôn cho bạn nhiều điều bất ngờ, thế giới muôn màu muôn vẻ khi tiếp xúc với nhiều kiểu người, nhiều tính cách, tài năng khác nhau.
Ngoài những vị trí kế toán, kinh doanh, Marketing,… trực tiếp mang đến doanh thu cho doanh nghiệp thì tuyển dụng được xem là bộ phận gốc rễ xây dựng sự vững chắc, phát triển của doanh nghiệp bởi nguồn lực tài năng, chất lượng.
Compensations and Benefits – Chuyên viên C&B
Chuyên viên C&B là người nắm cán cân thu nhập của toàn bộ nhân viên của công ty. Chính vì thế, vị trí này luôn được các thành viên ưu ái, dành sự quan tâm đặc biệt. Trong các mảng của nhân sự, vị trí C&B có tầm ảnh hưởng cực kỳ lớn đến thái độ, năng suất, chất lượng công việc của các nhân viên. Họ sẽ là người chịu trách nhiệm về các vấn đề lương, thưởng, chính sách đãi ngộ, phúc lợi, các thủ tục pháp lý, lịch làm việc của nhân viên,… Ở vị trí này, bạn phải luôn cập nhật các thông tin, quy định mới về luật, phúc lợi dành cho nhân viên.
HR Training and Development – Chuyên viên đào tạo & phát triển
Trong hoạt động phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và phát triển nhân sự là một phần không thể tách rời. Một doanh nghiệp không tự nhiên mới khai sinh đã trở nên vĩ đại ngay, nó cần có thời gian để phát triển từng bước một, từ đơn giản đến phức tạp, từ vô danh đến hữu danh trên thị trường. Chính vì thế, sự thay đổi, làm mới là điều không thể thiếu trong quá trình phát triển của mọi doanh nghiệp. Trong quản trị nhân sự, chức năng đào tạo và phát triển là yếu tố cực kỳ quan trọng. Đây là quá trình bạn biến đổi năng lực của nguồn nhân sự sao cho luôn phù hợp và sẵn sàng với những đổi thay trong hành trình phát triển của công ty.
Chuyên viên đào tạo và phát triển không đơn thuần chỉ đào tạo hội nhập, huấn luyện về nội quy, kỹ năng cần thiết để thực hiện công việc được giao và các quy trình nội bộ mà phải thật sự hiểu rõ bản chất, ứng dụng thật phù hợp với công ty. Rất nhiều tổ chức hiện nay khư khư nhìn vào khía cạnh bỏ tiền cho đào tạo chỉ là “có tiếng”, không “có miếng”, mà quên mất bản chất của đào tạo là khoản đầu tư để “trồng người”. Do đó, chuyên viên đào tạo và phát triển không phải là công việc đơn giản, họ phải thật sự giỏi về tài trí, nhạy bén trong mọi hoàn cảnh, sẵn sàng chiến đấu trước mọi áp lực.
Bạn thấy đấy, để có thể phát triển và trường tồn theo thời gian, doanh nghiệp cần một đội ngũ lãnh đạo có “tâm” và có “tầm”. Trong số đó, HR chính là một vị trí quan trọng của doanh nghiệp. Với những chia sẻ trên đây, chắc hẳn bạn đã có cái nhìn sâu hơn về HR là gì cũng như chức năng của nghề HR trong công ty. Hy vọng những kiến thức này sẽ hỗ trợ bạn trên con đường lựa chọn “bén duyên” cùng nghề HR nhé!
FAQs về HR
Những kỹ năng nào cần thiết cho người làm nghề HR?
- Kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ
- Kỹ năng giao tiếp
- Kỹ năng đàm phán, thuyết phục
- Kỹ năng quản lý, đào tạo
- Có tầm nhìn, đảm bảo đạo đức nghề nghiệp
Cách doanh nghiệp biến “nguy” thành “cơ” giữa đại dịch COVID-19 là gì?
- Có định hướng trong khi vẫn sẵn sàng đón chào những điều bất ngờ chưa đến
- Đổi mới tư duy, chiến lược
- Tận dụng nghịch cảnh để định hình hoạt động kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp
- Trao quyền cho nhân viên để tạo điều kiện, khuyến khích người lao động khởi xướng nhiều ý tưởng, vận dụng phát triển doanh nghiệp dựa trên nguồn lực có sẵn
- Trau dồi khả năng chỉ ra những điều bất ngờ có giá trị: xem xét những sự kiện không lường trước để tạo ra ý tưởng mới đột phá.
Sinh viên mới ra trường có thể đảm nhận vị trí nào trong ngành HR?
- Vị trí hành chính – nhân sự
- Vị trí nhân viên tuyển dụng
- Vị trí C&B Admin
Những yêu cầu của nghề HR
- Nghề HR đòi hỏi kiến thức đa lĩnh vực
- Làm việc đòi hỏi sự khách quan
- Nỗ lực không ngừng
- Có trách nhiệm
- Linh hoạt trong từng môi trường làm việc