“Hãy giới thiệu đôi chút về bản thân của bạn” có lẽ là một trong những câu hỏi kinh điển mà người phỏng vấn sẽ hỏi khi phỏng vấn xin việc. Thoạt đầu nghe qua có vẻ điều này khá đơn giản, nhưng trả lời làm sao để chinh phục nhà tuyển dụng không hề đơn giản. Hãy cùng Tino Group khám phá 7 bí quyết giúp giới thiệu bản thân khi phỏng vấn ấn tượng ngay dưới đây!
Lời giới thiệu bản thân khi phỏng vấn gồm những điều gì?
Để giới thiệu bản thân khi phỏng vấn, hầu hết mọi người thường bắt đầu bằng việc thuật lại sơ yếu lý lịch của chính mình. Ví dụ như quê quán, học vấn, đã có kinh nghiệm làm việc gì, sở thích, ….. Nhưng đây chưa phải là tất cả những gì nhà tuyển dụng đang mong muốn. Bạn đừng cố gò ép, rập khuôn bằng một loạt thông tin cá nhân nhàm chán. Việc trình bày dài dòng những nội dung đã có trong CV chỉ làm mất thời gian của bạn và nhà tuyển dụng. Hơn nữa, nhà tuyển dụng không cảm nhận được điểm ấn tượng ở bạn.
Khi bạn giới thiệu về bản thân cũng là lúc nhà tuyển dụng chuẩn bị những câu hỏi tiếp theo dựa trên phần trả lời của bạn. Chính vì thế, hãy trả lời một cách thông minh, khôn khéo và thành thật sẽ là giải pháp giúp bạn chủ động hơn trong cuộc phỏng vấn, dễ dàng gây ấn tượng.
Lời chào và cảm ơn
Bạn thể hiện sự chân thành và biết ơn nhà tuyển dụng đã tạo cơ hội cho bạn được tham dự buổi phỏng vấn.
Ví dụ: Trước khi giới thiệu về bản thân mình, em/tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới anh/chị khi đã tạo cơ hội cho em/tôi được ngồi đây và có cơ hội để được chạm gần hơn tới vị trí ứng tuyển của quý công ty.
Thông tin cá nhân
Giới thiệu đầy đủ họ tên của bạn để nhà tuyển dụng biết họ đang nói chuyện với ai và cũng là hành động thể tự tôn trọng bản thân của chính ứng viên dù thông tin này đã có trong CV.
- Năm sinh: mục đích nhắc lại để xác định tuổi tiện cho việc xưng hô.
- Trường và chuyên ngành: Bạn đã tốt nghiệp trường nào? Chuyên ngành bạn học là gì?
Kinh nghiệm làm việc
Bạn nên chọn những hoạt động nổi trội, hữu ích mà bạn đã tham gia, nhấn mạnh kinh nghiệm phù hợp với vị trí mà bạn đang ứng tuyển.
Đối với những bạn sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm thì nhà tuyển dụng đòi hỏi ở bạn sự năng động, trải nghiệm ở trường lớp. Bạn có thể điểm qua một số hoạt động tập thể bạn từng tham gia, kỹ năng trong quá trình học bạn tích lũy được,…
Ví dụ: Bạn đã từng làm phục vụ ở quán trà sữa sinh viên. Thay vì chỉ đơn thuần mô tả công việc hàng ngày, bạn nên kể về những kinh nghiệm giao tiếp khách hàng, tư vấn chọn món hoặc xử lý tình huống với khách hàng khó tính, …
Sở trường
Điểm mạnh và điểm yếu của bạn. Ở phần này, bạn không nên vội vàng đề cao bản thân một cách thiếu tinh tế. Thay vì tâng bốc bản thân thái quá, bạn hãy chuẩn bị sẵn câu trả lời mang tính thực tế. Xác định điểm mạnh đã giúp bạn đạt được hiệu quả trong công việc nào, hay điểm yếu mà bạn đã cải thiện được từ công việc trước đây.
Mục tiêu, mong muốn của bản thân
Bạn nên trình bày một cách khéo léo. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy quyết tâm, định hướng lâu dài của bạn đối với công ty họ.
Đây là một số thông tin cơ bản có thể trình bày trong phần giới thiệu bản thân khi phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn có thể linh hoạt thêm hoặc bớt, sáng tạo bản giới thiệu mang bản sắc của cá nhân và phù hợp với công ty mà bạn ứng tuyển.
7 tips giúp giới thiệu bản thân khi phỏng vấn ấn tượng
#1. Ứng xử khi phỏng vấn
Khi đến địa điểm phỏng vấn, hãy giới thiệu bản thân với lễ tân một cách rõ ràng tên của bạn và lý do bạn đến công ty. Nhiều nhà tuyển dụng sẽ hỏi nhân viên lễ tân về ấn tượng của họ đối với bạn.
Vậy nên, lịch sự và tôn trọng ở lần tiếp xúc đầu tiên tại công là điều bạn cần lưu ý.
#2. Mang đến câu chuyện thú vị
Mỗi cá nhân sẽ có những điều thú vị của riêng mình để chia sẻ, bạn đừng ngại giữ điều này cho riêng mình. Bạn hãy chọn câu chuyện có giá trị, ý nghĩa và quan trọng là phải kể chúng một cách thật đáng nhớ, nhất là kể chuyện để “khoe mình” thì càng phải thật khéo léo. Thay vì bạn kể một loạt những kinh nghiệm, kỹ năng mình có thì hãy truyền tải chúng thông qua một câu chuyện của chính bản thân đã trải nghiệm, xuất phát từ công việc thực tế bạn đã làm, từ đó nhà tuyển dụng có thể suy luận được kỹ năng, kinh nghiệm bạn có.
Ví dụ: Trong một buổi phỏng vấn, thay vì bạn chỉ giới thiệu đơn giản là mình có kỹ năng làm việc nhóm, hãy kể thêm với nhà tuyển dụng rằng bạn có kỹ năng đó thông qua công việc nào hoặc trải nghiệm đáng nhớ trước đây. Có thể là công việc làm với nhóm khi còn đi học hay bạn đã dẫn dắt nhóm vượt qua những trở ngại, khó khăn nào để đạt được kết quả trong công việc. Qua những trải nghiệm thực tế này, nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy thú vị và ấn tượng hơn.
#3. Nói về lựa chọn của bản thân đối với công ty
Một điều tinh tế có thể khiến bạn trở nên ấn tượng trong mắt nhà tuyển dụng đó là: Thay vì dành toàn bộ thời gian để giới thiệu về bản thân mình, bạn hãy chia sẻ thêm vì sao bạn lại ứng tuyển vào công ty giữa vô vàn những công ty ngoài kia.
Để trả lời điều này, bạn hãy tìm hiểu thật kỹ về công ty và thể hiện niềm đam mê, sự hiểu biết của bản thân về công ty, đặc biệt là vị trí mà bạn đang ứng tuyển. Thông qua sự quan tâm của bạn dành cho công ty, nhà tuyển dụng sẽ nhận thấy mục đích của bạn ứng tuyển vào công ty không đơn thuần là vì tài chính mà bạn còn muốn sống với đam mê, xây dựng sự nghiệp lâu dài, có định hướng tại công ty của họ.
#4. Thể hiện mục đích và đam mê của bản thân
Trong phần giới thiệu bản thân, nhà tuyển dụng rất muốn biết đam mê cũng như mục đích sống bạn là gì. Ví dụ như bạn thường xuyên tham gia tại tổ chức, câu lạc bộ tình nguyện sẽ thể hiện bạn là một người có năng động, thích trải nghiệm và quan tâm đến mọi người xung quanh. Hay những mục tiêu nhỏ mỗi ngày như hoàn thành 10km chạy bộ, dành 1 giờ đọc sách mỗi ngày sẽ cho thấy bạn là người đam mê thử thách, có kỷ luật với bản thân.
Không quan trọng thành tích của bạn lớn hay nhỏ, miễn là chúng thể hiện bạn là một người luôn nỗ lực cải thiện bản thân, thay đổi để bản thân của hôm nay sẽ tốt hơn hôm qua.
#5. Luôn thành thực, chân thành
Thể hiện sự tin cậy là một trong những yếu tố then chốt mà bạn cần quan tâm và thể hiện trong cuộc phỏng vấn. Hãy thư giãn, thoải mái là chính mình và trình bày những gì thật nhất về bản thân. Đừng cố gắng tô điểm cho bản thân thật tốt, hoàn hảo bằng những giá trị không có thực. Hay nói cách khác, bạn đừng cố gắng học thuộc một cách máy móc và “đóng vai” trở thành một phiên bản hoàn hảo trước nhà tuyển dụng.
Nếu bạn cố gắng thổi phồng những điều bạn đã làm hoặc bịa đặt hoàn toàn về bản thân, chắc chắn bạn sẽ bị lộ. Bởi mọi thứ liên quan đến bản thân của bạn sẽ được nhà tuyển dụng đặt câu hỏi, bạn lúng túng để tìm kiếm câu trả lời sẽ càng khiến bạn mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng mà thôi.
#6. Cư xử chuyên nghiệp
Bất kể công việc bạn đang ứng tuyển là gì, hãy thể hiện thái độ cư xử từ cách nói chuyện cho đến những ngôn ngữ cơ thể một cách chuyên nghiệp, lịch sự trong suốt quá trình phỏng vấn.
Một nội dung giới thiệu hay không quyết định tất cả thành công của buổi phỏng vấn mà còn nằm ở phong thái, cách thể hiện của bản thân bạn. Một nụ cười thân thiện với đối phương sẽ tạo cảm giác gần gũi, thể hiện rõ là bạn đang mong muốn trao đổi, chân thành lắng nghe. Hãy điều chỉnh bản thân thật thoải mái, đừng quá gò bó, lo âu. Bạn hãy mỉm cười và thể hiện chính mình.
Ngay cả khi bạn rất lo lắng và căng thẳng, việc giao tiếp bằng ánh mắt với người phỏng vấn sẽ khiến bạn tự tin và thuyết phục hơn rất nhiều. Đừng nhìn chằm chằm, hãy nhìn thẳng vào mắt NTD khi họ đang nói chuyện với bạn. Việc nhìn quanh phòng hoặc nhìn xuống là dấu hiệu cho thấy bạn đang lo lắng và có phần không tôn trọng đối tác trong cuộc trò chuyện. Đừng để việc thiếu tự tin trở thành rào cản khiến bạn bị đánh giá thấp trong vòng tuyển chọn.
#7. Thể hiện cá tính bản thân qua phần giới thiệu
Cách thể hiện bản thân không phải là điều đơn giản, có thể xem như là một nghệ thuật. Mục đích của nhà tuyển dụng ở phần giới thiệu bản thân chính là muốn xác định các ứng viên tự đánh giá năng lực của bản thân phù hợp vào vị trí ứng tuyển như thế nào. Tuy nhiên, sai lầm lớn mà ứng viên thường mắc phải là cứ ngỡ nhà tuyển dụng muốn biết về cá nhân họ. Vì thế, họ háo hức và bắt đầu kể “tràng giang đại hải” tất cả những gì bản thân mình có, dự án công việc mà họ tham gia. Tuy nhiên, bạn đừng quá nôn nóng về điều đó, bởi nhà tuyển dụng đã xem xét thông tin này trong CV của bạn trước đó và chắc chắn sẽ hỏi bạn kỹ hơn về chuyên môn ở phần sau của cuộc phỏng vấn.
Bạn nên dành thời gian nói về những công việc gần đây nhất và nhấn mạnh kinh nghiệm bạn đã có để ứng tuyển vào vị trí này. Đặc biệt, hãy chắt lọc và trình bày thật ngắn gọn, súc tích nhất có thể. Ví dụ như bạn có thể trả lời: “Tôi nghĩ tôi có thể góp một phần công sức để cải thiện tình hình kinh doanh nhờ khả năng nhạy bén trong phân tích và giải quyết vấn đề của bản thân.” Khẳng định điều này sẽ cho thấy, bạn có kỹ năng phân tích và giải quyết vấn đề cũng như khả năng lãnh đạo, điều hướng giải quyết vấn đề của công ty.
Tuy giới thiệu bản thân khi phỏng vấn là phần mở đầu, ngắn gọn nhưng cũng rất quan trọng. Đây là lúc để bạn tạo ra bầu không khí thân thiện, cởi mở với nhà tuyển dụng, bước đệm cho những phần tiếp theo. Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị thật kỹ cho phần giới thiệu bản thân sao cho ấn tượng nhé.
Qua bài viết, chắc hẳn bạn đã có bí quyết cho riêng mình về cách giới thiệu về bản thân khi phỏng vấn ấn tượng rồi phải không? Bạn không cần phải gồng mình trở thành một ai đó hoàn hảo, nổi bật trong buổi phỏng vấn. Thay vào đó, bạn hãy chuẩn bị một tâm thế thật vững vàng, tự tin và luôn là chính mình để chinh phục nhà tuyển dụng một cách trọn vẹn nhất nhé!
FAQs về cách giới thiệu bản thân khi phỏng vấn
Phỏng vấn bao lâu sẽ có kết quả?
Thời gian có kết quả phỏng vấn sẽ tùy thuộc vào thực tế của từng công ty. Thông thường, khoảng từ 2-5 ngày bạn nhận được thông báo kết quả trúng tuyển. Tuy nhiên, một số trường hợp nhà tuyển dụng gửi thông báo khá muộn, khoảng 1 tuần.
Nên chuẩn bị gì khi đi phỏng vấn?
- Tìm hiểu về công ty và vị trí ứng tuyển kỹ lưỡng.
- Gọn gàng, chuyên nghiệp từ trang phục đến phong thái.
- Hồ sơ xin việc đầy đủ.
- Tinh thần thoải mái, tự tin.
Nên ăn mặc như thế nào cho buổi phỏng vấn?
Việc chọn trang phục khi phỏng vấn sẽ thể hiện một phần con người của bạn cũng như sự tôn trọng dành cho nhà tuyển dụng. Mỗi doanh nghiệp, lĩnh vực khác nhau sẽ có quy cách ăn mặc khác nhau. Bạn có thể tìm hiểu về công ty và vị trí bạn ứng tuyển để lựa chọn trang phục phù hợp. Và một số lời khuyên dành cho bạn:
- Hãy là chính mình: thể hiện cá tính của bản thân một cách phù hợp, trang phục phù hợp với độ tuổi.
- Tránh những trang phục màu sắc sặc sỡ, nhiều họa tiết.
- Chọn trang phục vừa vặn với cơ thể, không quá rộng cũng không quá chật.
- Gọn gàng, chỉn chu.
5 câu hỏi “bẫy” thường xuất hiện trong buổi phỏng vấn
- Điểm yếu của bạn là gì?
- Vì sao bạn rời công ty hiện tại để chọn công ty chúng tôi?
- Tại sao lại có một khoảng trống thời gian bạn không làm công việc gì?
- Điều gì khiến bạn tự hào nhất trong công việc của mình?
- Hãy mô tả bản thân mình bằng “1 từ”.