UTC là một khái niệm liên quan đến thời gian rất thường được nhắc đến. Mục đích sử dụng tiêu chuẩn này là để đồng bộ hóa đồng hồ của máy tính qua Internet, truyền thông tin thời gian cùng với một số công dụng đặc biệt ở các lĩnh vực khác. Vậy giờ UTC là gì? Đổi giờ UTC sang giờ Việt Nam như thế nào? Các bạn hãy cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây nhé!
Giờ UTC là gì?
Định nghĩa giờ UTC
UTC là chữ viết tắt của một cụm từ tiếng Anh “Coordinated Universal Time” kết hợp với một cụm từ tiếng Pháp “Temps Universel Coordonné”. Giờ UTC được hiểu với ý nghĩa là thời gian phối hợp quốc tế. Đây là một tiêu chuẩn giờ được cơ quan Đo lường Quốc tế (BIPM) chọn làm cơ sở pháp lý để định vị thời gian.
UTC dựa trên chuẩn cũ là giờ trung bình Greenwich (Tên đầy đủ là: Greenwich Mean Time – GMT) do hải quân Anh đặt ra vào thế kỷ thứ 19, sau đó được đổi tên thành giờ quốc tế (Universal Time – UT).
Lịch sử ra đời của giờ UTC
Ý tưởng giờ quốc tế được nghĩ đến lần đầu tiên vào cuối thế kỷ 18, khi đường sắt và các đường vận chuyển đã bắt đầu kết nối các quốc gia trên thế giới và đòi hỏi có các thời gian biểu tiêu chuẩn để điều phối hoạt động kinh tế.
Giờ quốc tế của một ngày được xác định là thời gian Trái đất quay quanh trục của chính nó. Tuy nhiên, tốc độ quay này không cố định dẫn đến độ dài của ngày theo giờ UT không phải lúc nào cũng như nhau.
Để giải quyết vấn đề này, vào giữa những năm 1967, Văn phòng quốc tế về khối lượng và độ dài BIPM đã chính thức áp dụng UTC làm tiêu chuẩn chính xác hơn GMT trong việc thiết lập giờ quốc tế. UTC gồm các đo lường sự quay quanh của trái đất dựa trên hàng trăm đồng hồ nguyên tử xesi trên khắp thế giới.
Sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 1972, giờ UTC đã được thêm vào một số giây nhuận vì sự quay quanh trái đất vốn không đều và ít chính xác hơn đồng hồ điện tử.
Sau khi UTC được điều chỉnh, GMT đã không còn là một chuẩn thời gian nữa mà chỉ là tên của một múi giờ được sử dụng ở một số quốc gia Tây Âu, châu Phi, trong đó có Vương quốc Anh trong mùa đông và cả năm ở quốc gia Iceland.
Thành phần chính của giờ UTC
Giờ UTC gồm 2 phần chính: Giờ nguyên tử quốc tế (TAI) và Giờ quốc tế (UT1).
- Giờ nguyên tử quốc tế được xem là thước đo để xác định tốc độ mà đồng hồ nguyên tử đánh dấu. Về cơ bản, TAI khá chính xác.
- Giờ quốc tế hay giờ toàn cầu sẽ được xác định theo vòng quay quanh trục của Trái đất. Các thiết bị định vị thời gian thường sử dụng UT1 để đo chiều dài của một ngày trên hành tinh.
Nhờ vào giờ 2 thành phần trên, UTC là tiêu chuẩn để đồng bộ hóa đồng hồ ở nhiều quốc gia khác nhau trên toàn thế giới qua 24 múi giờ khác nhau.
Mục đích sử dụng của giờ UTC
Các múi giờ ở các quốc gia khác nhau trên toàn thế giới được xác định dựa vào giờ UTC, cụ thể:
- Múi giờ cực tây sử dụng UTC − 12, nghĩa là chậm hơn UTC 12 giờ.
- Múi giờ cực đông, sử dụng UTC + 14, nghĩa là sớm hơn UTC 14 giờ.
UTC được sử dụng để làm cơ sở cho các tiêu chuẩn Internet và World Wide Web, chẳng hạn như giúp đồng bộ thời gian mạng (NTP), đồng bộ hóa đồng hồ của máy tính qua Internet hay truyền thông tin thời gian.
Bên cạnh đó, UTC còn là tiêu chuẩn về thời gian trong nhiều lĩnh vực khác, tiêu biểu là ngành hàng không. Hệ thống này sẽ giúp xác định kế hoạch bay và khoảng giãn cách kiểm soát không lưu (air traffic control clearance). Đồng thời, dự báo thời tiết và bản đồ đều sử dụng UTC để tránh nhầm lẫn về múi giờ cũng như thời gian tiết kiệm ánh sáng ban ngày (DST).
Trạm vũ trụ quốc tế cũng sử dụng UTC để làm tiêu chuẩn về thời gian.
UTC còn được sử dụng trong máy đo tốc độ kỹ thuật số áp dụng trên các phương tiện vận chuyển hàng hóa lớn (LGV) theo quy định của EU và AETR.
Ngoài ra, đối với những nhà đầu tư trên thị trường tiền điện tử, họ phải dựa theo giờ UTC để mua các dự án IDO một cách kịp thời.
Sự khác biệt giữa giờ GMT và UTC
Múi giờ GMT thường được sử dụng thay thế hoặc bị nhầm lẫn với UTC. GMT là múi giờ chính thức đang được sử dụng ở một số nước châu Âu và châu Phi.
Thời gian thường được hiển thị theo kiểu 24 giờ (0 – 24) hoặc 12 giờ (1 – 12 giờ sáng/ chiều). GMT sẽ dựa trên sự chuyển động quanh trục của Trái đất.
UTC thực tế không phải là múi giờ, mà là tiêu chuẩn thời gian làm cơ sở để định vị thời gian và các múi giờ hoạt động trên toàn thế giới.
UTC khá giống với GMT, nhưng hệ thống này dựa trên định nghĩa khoa học của giây (giây SI của đồng hồ nguyên tử) và không phụ thuộc vào thời gian quay của Trái đất. Ngoài ra, không có một quốc gia hay lãnh thổ nào chính thức sử dụng UTC để làm giờ địa phương.
Hướng dẫn cách đổi giờ UTC sang giờ Việt Nam
Cách viết chính xác giờ UTC
Giờ UTC được viết với 4 chữ số theo dạng sau:
- Hai số đầu để chỉ giờ từ 00 tới 23.
- Hai số sau để chỉ phút từ 00 tới 59.
Chú ý: Viết liền, không được để dấu giữa các số này.
Ví dụ: 4 giờ 20 phút chiều được viết là 1620
Đổi giờ UTC sang giờ Việt Nam
Việt Nam và các quốc gia khác như Lào, Thái Lan, Campuchia và Indonesia nằm trong múi giờ Đông Dương (Indochina Time – ICT). Do đó, giờ UTC của Việt Nam sẽ là UTC + 7. Hiểu đơn giản, giờ UTC sẽ đi chậm hơn so với Việt Nam 7 giờ đồng hồ.
Ví dụ: Khi giờ UTC đang là 0h30′ thì giờ Việt Nam sẽ là 7h30′.
Một số giờ UTC của các quốc gia khác như sau:
- Giờ chuẩn khu vực Thái Bình Dương: UTC -8
- Giờ chuẩn khu vực Đại Tây Dương: UTC -4
- Giờ trung bình Greenwich: UTC
- Giờ khu vực Trung Âu: UTC +1
- Giờ khu vực Đông Âu: UTC +2
- Giờ khu vực Moskva: UTC +3
- Giờ chuẩn khu vực miền núi nước Mỹ: UTC -7
- Giờ chuẩn khu vực miền trung nước Mỹ: UTC -6
- Giờ chuẩn khu vực miền đông nước Mỹ: UTC -5
- Giờ chuẩn quốc gia Trung Quốc: UTC+8
- Giờ chuẩn quốc gia Nhật/Hàn: UTC +9
- Giờ chuẩn quốc gia Ấn Độ: UTC+5:30
- Giờ chuẩn Việt Nam: UTC +7
- Giờ chuẩn Hồng Kông: UTC+8
- Giờ chuẩn khu vực Đông Úc: UTC +10
- Giờ chuẩn khu vực Tây Úc: UTC+8
Trên đây là những thông tin liên quan đến giờ UTC và cách đổi giờ UTC sang giờ Việt Nam chính xác nhất. Hy vọng bài viết này sẽ bổ sung một nguồn kiến thức hữu ích cho bạn.
FAQs về cách đổi giờ UTC sang giờ Việt Nam
Đồng hồ nguyên tử là gì?
Đồng hồ nguyên tử là loại đồng hồ có thể tự điều chỉnh thời gian theo trạng thái dao động của nguyên tử. Tần số dao động của nguyên tử là không đổi và có thể đo được. Vì thế, có thể xem đây là tiêu chuẩn để quy đổi thành đơn vị đo thời gian. Cũng vì vậy, đồng hồ nguyên tử gần như chính xác tuyệt đối và không có sai số.
Có thể tra cứu giờ UTC của các quốc gia khác ở đâu?
Bạn có thể truy cập vào trang web Time.is hoặc Timeanddate để tra cứu giờ UTC của các quốc gia khác bằng cách nhập quốc gia, khu vực mà bạn muốn tra vào ô tìm kiếm.
Đâu là quốc gia có nhiều múi giờ UTC nhất thế giới?
Đó là Pháp. Nhưng trên thực tế, Pháp chỉ sử dụng múi giờ UTC +1 và UTC +2. Tuy nhiên, vào bất cứ thời điểm nào, toàn bộ nước Pháp, các tỉnh và lãnh thổ hải ngoại sẽ trải qua 12 múi giờ khác nhau. Nguyên nhân là vì các tỉnh, lãnh thổ do Pháp quản lý có thể nằm ngoài ranh giới châu Âu và rải rác ở nhiều nơi khác trên Thế giới.
Lãnh thổ Pháp sẽ trải từ Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương, Nam Mỹ đến châu Phi. Vì thế, mặc dù không phải quốc gia rộng nhất Thế giới nhưng Pháp vẫn có số múi giờ nhiều nhất.
Trước khi GMT và UTC ra đời, múi giờ được xác định như thế nào?
Trước khi tiêu chuẩn GMT và sau này là UTC ra đời, thời gian sẽ được tính toán bằng cách quan sát bầu trời hoặc mặt đất. Một số kỹ thuật tính toán thời gian tinh vi hơn nữa là xem Mặt Trời lúc thiên đỉnh (chính ngọ) vào buổi trưa hoặc dựa theo bóng nắng (bóng của vật thay đổi do sự di chuyển của Mặt Trời).
Sau khi có đồng hồ, con người bắt đầu tính thời gian dựa trên bình minh và hoàng hôn. Do đó, thời gian đã có sự khác nhau giữa các khu vực. Đây không phải vấn đề quá lớn vì lúc đó vẫn còn nhiều hạn chế từ việc đi lại giữa các lãnh thổ. Nhưng từ khi giao thông vận tải phát triển, nhu cầu đo thời gian mới bắt đầu được thực hiện.