Nếu ai đó cố tình bóp méo thực tế để khiến bạn cảm thấy những gì mình nhìn thấy hoặc cảm thấy là sai sự thật. Khi rơi vào các tình huống này, bạn chính là nạn nhân của hành vi Gaslighting. Vậy chính xác Gaslighting là gì? Đâu là những điểm nhận diện Gaslighting? Gaslighting ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe tinh thần của bạn? Hãy cùng Tino Group tìm hiểu chi tiết về Gaslighting.
Giới thiệu tổng quan về thuật ngữ Gaslighting
Thuật ngữ Gaslighting hình thành từ đâu?
“Gaslighting” bắt nguồn từ một vở kịch vào năm 1939 có tên gọi là “Gas Light” của Patrick Hamilton. Một thời gian sau, vở kịch được chuyển thể thành phim vào năm 1944.
Câu chuyện kể về một người chồng đã khiến vợ mình nghĩ rằng cô ấy sắp phát điên bằng cách chứng minh cô ấy đang tưởng tượng ra những điều kỳ lạ. Ông cố tình vặn nhỏ ánh sáng đèn gas khiến vợ cảm thấy cảm ngôi nhà mờ đi, trong khi vẫn cố bảo rằng mọi chuyện đang diễn ra bình thường. Điều này đã khiến người vợ của ông thật sự tin rằng mình bị điên.
Gaslighting là gì?
Gaslighting là hình thức lạm dụng tình cảm mà trong đó, một người thao túng người khác khiến họ nghi ngờ về nhận thức, trí nhớ và sự tỉnh táo của mình. Trong tình huống châm ngòi, kẻ bạo hành sẽ phủ nhận sự thật, sự kiện mà nạn nhân đã trải qua hoặc dùng những lời nói dối, nhầm lẫn và thao túng để tạo ra một hiện thực sai nhằm mang lại lợi ích cho mình.
Lúc này, nạn nhân cảm thấy bối rối, lo lắng, không chắc chắn về suy nghĩ và nhận thức của chính họ. Thậm chí, nạn nhân có thể rơi vào tình trạng mất tự tin và lòng tự trọng.
Gaslighting có thể xảy ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, như các mối quan hệ cá nhân, nơi làm việc và thậm chí cả chính trị. Trên thực tế, Gaslighting rất khó nhận ra. Và nếu không may trở thành nạn nhân của thuật thao túng tâm lý này, bạn có thể tìm sự giúp đỡ từ một người đáng tin cậy, như thành viên gia đình hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để lấy lại cảm giác thực tế cũng như giá trị bản thân.
Biểu hiện của người muốn Gaslighting
Người muốn Gaslighting thực hiện bằng cách thao túng nhận thức của một người về thực tế, trí nhớ và giá trị bản thân.
Phủ nhận thực tế
Người muốn Gaslighting sẽ phủ nhận rằng đã có chuyện gì đó xảy ra hoặc họ thêm thắt vào cuộc trò chuyện, bất chấp là nạn nhân có nhớ việc đó hay không. Ngoài ra, những “kẻ châm lửa” cũng có thể phủ nhận hành vi lạm dụng hoặc gây tổn thương mà họ tạo nên.
Sử dụng thông tin sai lệch
Một biểu hiện của người muốn Gaslighting là sử dụng thông tin sai lệch hoặc thao túng thông tin để tạo ra sự nhầm lẫn và nghi ngờ trong tâm trí nạn nhân. Họ sẽ trình bày một sự kiện thiếu chính xác hoặc diễn giải các sự kiện mâu thuẫn với nhận thức và ký ức của chính nạn nhân.
Làm mất uy tín của nạn nhân
Những người Gaslighting có thể khiến nạn nhân nghi ngờ khả năng và uy tín của chính họ. Thông thường, họ sẽ chế giễu trí thông minh, trí nhớ và sự tỉnh táo của nạn nhân. Ngoài ra, họ cũng sẽ cho rằng nạn nhân đang phản ứng thái quá hoặc quá nhạy cảm.
Đổ lỗi cho nạn nhân
Trong một mối quan hệ, kẻ muốn Gaslighting sẽ đổ lỗi cho nạn nhân về các vấn đề đã xảy ra. Điều này khiến nạn nhân cảm thấy tội lỗi và phải chịu trách nhiệm về hành vi của “kẻ châm lửa”.
Cô lập nạn nhân
Cô lập cũng là một biểu hiện rõ ràng của kẻ muốn Gaslighting đối với nạn nhân. Họ sẽ cố gắng cách ly nạn nhân khỏi gia đình, bạn bè của họ. Điều này khiến nạn nhân phụ thuộc nhiều hơn vào kẻ muốn Gaslighting, làm suy giảm khả năng tìm kiếm sự hỗ trợ hoặc giúp đỡ.
Theo thời gian, Gaslighting có thể làm xói mòn ý thức về giá trị bản thân, sự tự tin, niềm tin vào nhận thức và ký ức của chính mình. Nạn nhân của Gaslighting có thể cảm thấy bối rối, lo lắng và không chắc chắn về suy nghĩ, cảm xúc. Đồng thời, họ cũng sẽ cảm thấy bị mắc kẹt trong vòng xoáy lạm dụng và không thể rời bỏ mối quan hệ.
Gaslighting ảnh hưởng đến sức khoẻ tâm lý như thế nào?
Trên thực tế, Gaslighting có thể tác động đáng kể đến sức khỏe tinh thần của một người. Thuật thao túng này thường tạo ra cảm xúc đau khổ, chấn thương về tâm lý.
Lo lắng và trầm cảm
Gaslighting có thể khiến một người trở nên lo lắng, bối rối và không chắc chắn về nhận thức cũng như ký ức của chính họ. Đây chính là nguồn cơ dẫn đến tình trạng suy nhược tâm lý, trầm cảm.
Tổn thương lòng tự trọng
Gaslighting sẽ khiến nạn nhân bị xói mòn ý thức về giá trị bản thân, sự tự tin của chính mình. Những lời chỉ trích, lăng mạ liên tục có thể khiến một người cảm thấy bản thân họ không đủ tốt, dẫn đến cảm giác kém cỏi và tổn thương lòng tự trọng.
PTSD
PTSD là viết tắt của thuật ngữ “Post-Traumatic Stress Disorder” (rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Hội chứng này cũng có thể bắt nguồn từ những hành động Gaslighting. Trong một mối quan hệ, nạn nhân của thuật thao túng tâm lý có thể chịu chấn thương nặng nề về tâm lý và thể chất thường xuyên. Từ đó, họ sẽ rơi vào tình trạng PTSD.
Tự nghi ngờ
Gaslighting cũng có thể khiến một người nghi ngờ bản thân và nhận thức của chính họ. Việc này sẽ gây khó khăn cho một khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Đồng thời, họ cũng sẽ thiếu sự tin tưởng vào các phán đoán của mình.
Bị cô lập, tẩy chay
Những nạn nhân của Gaslighting thường cảm thấy bị cô lập và thiếu sự gắn kết xã hội. Trong trường hợp này, họ sẽ rơi vào trạng thái bị xã hội tẩy chay và cố gắng rút lui khỏi các mối quan hệ. Thậm chí, nạn nhân cũng khó mở lòng tin tưởng bất cứ một ai.
Cảnh giác cao độ
Gaslighting khiến một người luôn cảm thấy xung quanh họ là những điều nguy hiểm, sự chờ đợi thao túng hoặc tấn công tinh thần. Từ đó, họ sẽ tăng tính cảnh giác, thường xuyên lo lắng và sợ hãi.
Có ý định tự vẫn
Trong những trường hợp cực đoan, Gaslighting có thể khiến một người có ý định tự tử hoặc hành vi tự tử. Việc bị lạm dụng tâm lý liên tục sẽ đẩy một người vào “góc tường” vô vọng và bất lực. Lúc này đối với họ, tự tử chính là lối thoát duy nhất.
Cách đối phó với thuật thao túng Gaslighting
Đối phó với Gaslighting không phải là điều dễ dàng. Tuy nhiên, Tino Group sẽ gợi ý đến bạn một số bí quyết giúp lấy lại cảm giác về giá trị và bảo vệ bản thân khỏi thuật thao túng tâm lý này.
#1. Nhận thức hành vi
Bước đầu tiên để thoát khỏi Gaslighting là bạn phải nhận thức ra hành vi đó là gì. Gaslighting là hình thức lạm dụng tình cảm, liên quan đến việc thao túng nhận thức của của một người về thực tế. Bằng cách nhận thức được hành vi ấy, bạn có thể bắt đầu tạo ra “chiếc khiên” bảo vệ bản thân, lấy lại niềm tin về bản thân.
#2. Tin tưởng vào bản thân
Gaslighting khiến bạn rơi vào trạng thái nghi ngờ khả năng và nhận thức của mình. Vì vậy, điều quan trọng là bạn phải tin vào trực giác cũng như những sự việc mình đã “tai nghe mắt thấy”. Nếu cảm giác có gì đó không ổn, bạn hãy tin vào nhận định của mình.
#3. Tìm kiếm sự hỗ trợ
Nạn nhân của Gaslighting là cảm thấy bị cô lập và không nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ. Nếu có biểu hiện này, bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ bạn bè, gia đình hoặc chuyên gia tâm lý. Họ có thể giúp bạn xác định rõ cảm xúc của mình và thoải mái trò chuyện, chia sẻ hơn.
#4. Đặt ra ranh giới
Những kẻ Gaslighting thường cố gắng vượt qua ranh giới và thao túng nạn nhân của mình. Để thoát khỏi tình trạng này, bạn hãy thiết lập ranh giới vững chắc và tuân thủ một cách quyết liệt. Đây chính là cách giúp bạn lấy lại cảm giác kiểm soát và bảo vệ bản thân khỏi bị thao túng thêm.
#5. Lưu giữ thông tin
Gaslighting có thể khiến bạn quên mất những gì đã thật sự xảy ra. Do đó, bạn nên ghi lại các sự kiện đã diễn ra vào nhật ký hoặc ghi âm giọng nói. Liệu pháp này có thể giúp bạn nhớ lại những gì đã thật sự diễn ra và dễ hơn trong việc xác thực.
#6. Chăm sóc bản thân
Gaslighting có thể làm bạn cạn kiệt cảm xúc. Chính vì thế, học cách chăm sóc bản thân và ưu tiên sức khỏe là điều quan trọng bạn cần phải làm. Một số cách giúp bạn chăm lo cho sức khỏe tinh thần là: ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, ngủ đủ giấc, tham gia vào các hoạt động mang lại niềm vui,…
#7. Cân nhắc trị liệu
Nạn nhân của Gaslighting thường bị tổn thương đến sức khỏe tinh thần hoặc sang chấn tâm lý. Thế nên, bạn có thể cân nhắc đến gặp các nhà trị liệu hoặc cố vấn có kinh nghiệm đối phó với bạo hành tình cảm. Họ sẽ hỗ trợ và hướng dẫn bạn phục hồi khỏi những ảnh hưởng xấu của Gaslighting.
Nhìn chung, Gaslighting là một thuật thao túng tâm lý nguy hiểm và khó nhận diện. Nếu không may trở thành nạn nhân bị Gaslighting, bạn hãy nhớ rằng mình không đơn độc, vì xung quanh bạn vẫn có rất nhiều người muốn đồng hành và hỗ trợ bạn.
Qua bài viết trên, Tino Group tin rằng bạn đã hiểu Gaslighting là gì cũng như những dấu hiệu nhận biết thuật thao túng tâm lý này. Nếu cảm thấy thông tin thật sự hữu ích, bạn có thể đánh giá 5 sao ở mục bên dưới và theo dõi Tino Group nhé!
Những câu hỏi thường gặp
Hỗ trợ người đang trải qua Gaslighting bằng cách nào?
Nếu biết ai đó đang gặp phải tình trạng Gaslighting, bạn có thể lắng nghe, xác thực cảm xúc và đề nghị hỗ trợ họ. Ngoài ra, nếu không có chuyên môn, bạn hãy khuyên họ đến gặp các chuyên gia tâm lý và đừng quên nhắc họ rằng họ không đơn độc.
Gaslighting có thể xảy ra trong mối quan hệ nào?
Gaslighting có thể xảy ra trong bất kỳ mối quan hệ nào, như: tình cảm lãng mạn, mối quan hệ gia đình, tình bạn, mối quan hệ trong công việc.
Gaslighting là vô tình hay cố ý?
Gaslighting có thể là vô tình hoặc cố ý. Một số người Gaslighting không nhận ra mình đang gây tổn thương tinh thần cho người khác. Trong khi đó, một số người sử dụng Gaslighting như một “chiến thuật” để giành quyền kiểm soát hoặc quyền lực đối với nạn nhân.
Có phải Gaslighting là hình thức lạm dụng tình cảm không?
Câu trả lời là: “Có!”. Gaslighting là một hình thức lạm dụng tình cảm, có thể tác động đến sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của một người. Không những thế, thuật thao túng tâm lý này còn tạo ra những vết sẹo tình cảm sâu sắc.